Phải cai bằng được “thứ cám dỗ chết người...”

Long Nguyễn |

Khi cánh cổng sắt nặng nề đóng lại, đồng nghĩa với việc, người nghiện sẽ chuyển mình vào một thế giới hoàn toàn khác biệt mà ở đó, quãng thời gian đầu ở buồng cắt cơn không hề là trải nghiệm thú vị.
Bỏ lại sau lưng những nhớp nháp của quá khứ, căng mình tự đấu tranh với những cơn thèm thuồng vật vã tâm can, cùng với sự trợ giúp của đội ngũ cán bộ y-bác sĩ của trung tâm, họ sẽ dần được hướng đến một cuộc sống mới có ích hơn…

Khi cánh cổng khép lại

Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số V (Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TP. Hà Nội) một ngày đầu năm mới 2017. Ngoài chúng tôi, trong phòng làm thủ tục tiếp nhận học viên còn vài người khác, trong đó, có hai người là mẹ con vẻ mới từ nơi xa tới. Người con trai khoảng 30 tuổi, đeo kính cận, tóc ngắn, vừa tự mình viết vào đơn, vừa lén lút đưa ánh mắt van lơn nhìn bà mẹ. Tôi thấy bà mẹ ôm bờ vai cậu con trai dỗ dành, nước mắt lã chã rơi, loáng thoáng nghe bà nói cậu cần phải mạnh mẽ lên để làm gương cho đứa con nhỏ, cả nhà sẽ chờ đợi và cùng cậu vượt qua cơn bão tố. Sau thoáng giày vò lưỡng lự, cậu con trai nặng nề đặt bút ký vào phía dưới trang giấy. Vậy là trung tâm số V chính thức có thêm một học viên mới - một người nghiện.

Đưa chúng tôi rời phòng tiếp nhận, ông Đỗ Trọng - Giám đốc trung tâm - gương mặt lúc này mới dãn ra, cho biết, không phải cuộc tiếp nhận nào cũng yên ả như thế. Có nhiều học viên trông còn hiền lành và thậm chí tri thức hơn nhiều, bằng cấp cao cũng có, nhưng khi lên cơn nghiện, họ biến thành những con người khác hẳn. Gia đình dỗ dành, trách mắng đủ kiểu họ cũng nhất quyết không ký đơn, đi đi lại lại cả chục lần mới đưa họ vào được.

“Hiện tại nước ta đang áp dụng song song 2 hình thức cai nghiện là bắt buộc và tự nguyện. Ở Trung tâm số V (Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội), do được thành phố chọn là đơn vị thí điểm nên hiện chỉ còn khoảng 300 người đều là tự nguyện. Học viên đăng ký cai nghiện tự nguyện theo khung thời gian từ 3 - 6 tháng, khuyến khích thời gian tối đa. Ngoài ra, trung tâm số V cũng được chọn để áp dụng giải pháp điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng methadone. Nói cách khác, thay vì sử dụng ma túy, người nghiện sẽ uống methadone vào khung giờ cố định để quên cơn thèm thuốc. Những người này cũng không cần phải ở trung tâm, mỗi ngày họ đến sẽ được phát thuốc miễn phí” - ông Trọng thông tin.

Đặc biệt, thành phố còn có cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng cai nghiện tự nguyện có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Hà Nội từ ngân sách như: Tiền ăn, tiền thuốc, tiền điện, nước sinh hoạt, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ... Cùng với chính sách ưu tiên, thủ tục đơn giản, thuận tiện, trong quá trình học viên cai nghiện tự nguyện luôn có sự thống nhất giữa gia đình và trung tâm bằng hợp đồng chữa bệnh. Thời gian cai nghiện được điều chỉnh phù hợp, linh hoạt sau khi đã có sự tư vấn của cán bộ trung tâm.

Khu vực cắt cơn là một dãy phòng nhỏ san sát nhau trông ra hành lang bằng những cửa sắt kiên cố, bên trong lố nhố người nằm ngồi, có người vui vẻ đọc sách, nhưng cũng có người đờ đẫn vô hồn, cũng có những người nhanh nhảu chào rất to khi thấy bóng dáng cán bộ. Họ - mỗi người một vẻ, nhưng đều là những tân học viên và đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất của quá trình cai nghiện sẽ kéo dài 15 ngày. Đây chính là liệu trình quan trọng nhất trong toàn bộ quá trình điều trị nên người nghiện phải được cách ly và chăm sóc đặc biệt.

“Trong giai đoạn này, có người thì vật vã cảm như có giòi bò trong xương, toàn thân đau nhức, có người thì ngủ ly bì, có người hoang tưởng, có người chửi bới quậy phá, có người còn tự gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh nên công việc của các cán bộ trung tâm là đặc biệt vất vả. Tuy nhiên sau đó sẽ đỡ hơn. Các học viên sẽ được học tập, sinh hoạt, vui chơi một cách thoải mái trong khuôn viên trung tâm dưới sự giám sát của các quản lý. Những câu chuyện ý nghĩa về giá trị sống sẽ được kể, hòng đánh thức bản năng hướng thiện của mỗi người...” - vị giám đốc tâm sự.

Tư vấn kỹ, lắng nghe nguyện vọng học viên

Đang lúi húi tưới cây trong khu vực sinh hoạt chung, khi nhận được câu hỏi của PV, anh Nguyễn Văn H - một học viên cai nghiện - vui mừng cho biết, anh đã gần kết thúc quá trình học tập của mình. Trước đây anh đi cai nghiện một số nơi nhưng không thoải mái, nhiều lúc còn rất bức xúc vì đông đúc, mâu thuẫn với bạn cùng phòng… Nhưng khi được đến trung tâm số V, anh cảm thấy khác hẳn. Ngoài việc được quan tâm, hưởng các chế độ ưu đãi từ thành phố, cung cách của các cán bộ nhân viên nơi đây cũng thân thiện hơn nhiều. Do đó, anh càng quyết tâm phải từ bỏ bằng được thứ cám dỗ chết người.

Trung tâm số 5 chưa để xảy ra bất cứ một vụ trốn trại nào. Lý giải về điều này với PV Báo Lao Động, ông Trọng nói: “Hà Nội có mấy cái theo tôi là ưu điểm, công tác quản lý của HN là tốt hơn, sự chỉ đạo của TP, của sở, học viên thoải mái hơn. Các cơ sở khá tốt, nơi ăn chốn ở, cơ bản do áp dụng mô hình tự nguyện nên sẽ có ý thức tốt hơn”.

Các học viên trong một buồng cắt cơn, họ đều có tâm lý khá vui vẻ khi thấy khách lạ. Ảnh: L.N

Cũng theo ông Trọng, từ đầu năm 2015 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và quản lý khoảng trên 2.000 người vào cai nghiện tự nguyện và điều trị thay thế bằng methadone cho 176 người (trong đó có 66 người bỏ điều trị), tất cả đều đảm bảo quy trình cai nghiện, các học viên thân thiện với thầy cô: “Chúng tôi tin nếu làm tốt các công tác quản lý bên ngoài, giải quyết các mâu thuẫn bên trong, đáp ứng được các nguyện vọng chính đáng của anh em. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giải trí cho học viên theo phương châm thầy gương mẫu, trò tự giác thì sẽ xây dựng được môi trường tốt…” - ông Trọng nhấn mạnh.

Ông Trọng cho rằng, để các học viên không bức xúc, câu kết với nhau gây rối, trước khi vào đây trung tâm đã tư vấn rất kỹ cho từng học viên và lắng nghe nguyện vọng của họ. Qua đó, trung tâm giải thích các quyền và những gì trung tâm đang làm là phục vụ họ cai nghiện chứ không phải giam hãm, bắt ép. Mục đích là để học viên xác định vào đây là để cai nghiện. Ngoài ra, trung tâm cũng đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, công khai, minh bạch tất cả chế độ của học viên, để học viên đảm bảo sinh hoạt tốt nhất.

“Khi học viên đã gia nhập trung tâm, chúng tôi tiếp tục giáo dục, tư vấn để giúp người nghiện cắt cơn và giải quyết những mâu thuẫn của các học viên. Vì ở trung tâm, trong quá trình sinh hoạt chung xảy ra rất nhiều khúc mắc giữa người đến trước, người vào sau… Nên chúng tôi phải giải quyết được tất cả mâu thuẫn từ vấn đề nhỏ nhất để giải tỏa cho học viên, tránh những bức xúc đó mà lợi dụng để gây rối. Tiếp đến chúng tôi phải tổ chức các hoạt động thể thao, văn nghệ để các học viên cảm thấy trung tâm thân thiện và an toàn…” - ông Trọng nói.

Sau trung tâm 5, chúng tôi tới Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội số II (Ba Vì, Hà Nội) nơi hiện lưu trú hơn 200 học viên cai nghiện nam và nữ - cả tự nguyện lẫn bắt buộc - trong một khuôn viên sạch sẽ khang trang. Tất thảy họ hòa thuận, thân thiện, cùng hòa mình vào cuộc sống bình lặng. Tại đây, những học viên dạng cai nghiện bắt buộc, do thời gian lưu trú lâu hơn (24 tháng) nên đều được đào tạo hướng nghiệp, làm một số công việc nhẹ nhàng ngay trong trung tâm.

Thách thức lớn

Trao đổi với PV, ông Phùng Quang Thức - Chi Cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTBXH TP. Hà Nôi) cho biết, ở thời điểm hiện tại, số người nghiện ma túy tổng hợp tăng cao là một thách thức lớn, bởi tính chất khác hẳn với người nghiện heroin. Số lượng người nghiện ma túy tổng hợp từ 40 - 50% là khá cao so với giai đoạn trước đây. Độ tuổi cũng trẻ dần, theo các nghiên cứu đánh giá, càng ngày càng trẻ, nếu như nhóm từ 18-30 trước đây từ 30-40% giờ đã tăng từ 40-60%.

“Nhà nước khuyến khích cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng, nếu không chịu tự nguyện thì sẽ bắt buộc cưỡng chế để đảm bảo an toàn cho chính họ và người khác” - ông Thức nói.

Cũng theo người đứng đầu Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội của Hà Nội, về bản chất, cai nghiện ma túy là một quá trình lâu dài, cả đời nên việc tự nguyện hay bắt buộc muốn đạt hiệu quả cao vẫn phải xuất phát từ sự tự giác của chính người nghiện.

Long Nguyễn
TIN LIÊN QUAN

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biếu Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ?

ANH THƯ |

Dịp cuối năm, nhiều gia đình lại "đau đầu" suy nghĩ biếu Tết bên nội, bên ngoại ra sao cho phù hợp, tỏ lòng hiếu thảo với bậc sinh thành.