“Nông dân số 1” Tứ giác Long Xuyên

LỤC TÙNG |

“Có thể quy mô tài sản không bằng nhiều đại điền chủ, nhưng với tôi, Sáu Đức xứng danh là “Nông dân số 1” ở Tứ giác Long Xuyên (TGLX). Không chỉ tìm cách làm giàu cho mình, mà còn luôn tìm cách truyền lửa, giúp nhiều nông dân cùng vươn lên và nhiều hơn thế nữa…” - lời của GS-TS Võ Tòng Xuân sau buổi trò chuyện với ông Sáu Đức.

Bỏ cá tôm, “ôm” cây lúa

Sáu Đức tên thật là Nguyễn Lợi Đức, nhưng lâu nay được nhiều người gọi là “vua lúa” vì mỗi năm bán ra trên 10.000 tấn lúa giống. Nghe nhắc đến biệt danh này, người đàn ông lục tuần cười tươi: “Trước đó người ta còn gọi tôi là “vua cá”. Còn hồi mới vô Lương An Trà này (Tri Tôn, An Giang) lập nghiệp, bạn bè gọi tôi là “vua… liều”.

Sinh ra, lớn lên ở 
Pẹcchạy thuộc huyện Cỏ Thum - Kaldan (Vương quốc Campuchia) giáp ranh huyện An Phú (An Giang), Sáu Đức sống với nghề thu gom cá tự nhiên trên đất Chùa Tháp bán cho các cơ sở chế biến mắm Châu Đốc. Tuy nhiên, đến những năm đầu thập niên 90, thấy sản lượng cá tự nhiên giảm, trong lúc đó nghề nuôi cá bè bên Việt Nam đang hưng thịnh, Sáu Đức chuyển sang cá basa. Nhưng gặp hồi cá tra lên ngôi nên cá basa mất giá, ông chuyển lên bờ làm lại sự nghiệp. “Lúc đầu định về Long Xuyên buôn bán, nhưng nhà đất ở đây quá cao. Có người giới thiệu tôi vào Lương An Trà, xã mới thành lập trên đất hoang giữa Tứ giác Long Xuyên”. Sáu Đức quyết định về đây mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp đón đầu. Thế là “vua cá” tự thoái vị để đi làm “Hai lúa”. Đó là năm 1997.

Làm lúa để giúp nông dân

“Cái gì không hiểu, tôi chạy ra Phòng Nông nghiệp huyện Tri Tôn hỏi. Thấy tui ham học, nên mấy anh kỹ sư cũng nhiệt tình chỉ dẫn” - ông lý giải về sự hòa nhập nhanh chóng với đồng ruộng từ người trái nghề. Cần mẫn tích lũy kiến thức, cộng với lối sống chan hòa nên việc mua bán của Sáu Đức khấm khá. Nhưng không như nhiều thương gia khác, chỉ tìm cách làm giàu cho mình, ông còn tìm cách giúp nông dân đánh thắng “giặc phèn” khai thác thành công vùng đất hoang cuối cùng của TGLX để thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Chuyện là thấy nhiều nông dân thua lỗ, bỏ xứ vì lúa chết “non”, Sáu Đức cất công tìm hiểu, sau khi xác định lúa chết do bị bón thừa đạm khiến quá trình ngộ độc phèn diễn ra nhanh hơn, ông tranh thủ mỗi khi nông dân đến cửa hàng để tâm tình, khuyến cáo bón lân nung chảy để giải độc, nhưng không mấy người chịu nghe, thậm chí có người còn phản bác: Tin mấy ông “kỹ sư con… nít” bón phân ximăng (cách “mỉa mai” phân lân) xuống ruộng để chuẩn bị nền cất nhà hả? Biết nông dân chỉ tin khi mắt thấy tai nghe, nên ông làm để chứng minh. “Cũng may lúc đó đất còn rẻ nên tui mua được 3ha. Mỗi đợt bón phân lân, tôi đều tìm cách công khai cho nhiều người thấy”. Sau một tháng xuống giống, trong lúc nhiều đám ruộng xung quanh đang nhuốm vàng rồi lụn dần… chờ chết, ruộng Sáu Đức vẫn xanh tốt, nhiều bà con trầm trồ. Vụ lúa đầu tay trúng lớn, bán xong, Sáu Đức gom hết tiền mua thêm đất và tổ chức sản xuất khoa học hơn. Phân công việc cụ thể cho 3 người con quản lý từng khâu kinh doanh vật tư, dịch vụ cày xới, thu hoạch, còn ông thuê kỹ sư về lo cây lúa. Việc làm ăn lên như diều gặp gió: Ruộng trúng mùa, các dịch vụ cũng ăn nên làm ra. Cứ thế ông lại mua thêm đất, khai hoang, đến nay đã có trong tay hơn 200ha đất thuộc. Nhưng quan trọng là thành công này đã xốc lại tinh thần của những nông dân đang rệu rã vì thua lỗ, có thêm niềm tin để đánh thức vùng đất phèn thành vùng đất lúa như ngày nay.

Đến đây, Sáu Đức lại đặt nền móng đưa đồng phèn vươn lên tầm cao mới: Ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất để nâng chất lượng và lợi nhuận. Bức xúc trước lợi nhuận của nông dân trồng lúa vẫn ỳ ạch vì giống không thuần, năng suất thấp, giá bán lại rẻ… Ông tìm đến Viện lúa ĐBSCL, ĐH Cần Thơ, ĐH Nông Lâm… “học đạo” trước khi bắt tay nhân lúa giống. Do được đầu tư khép kín từ khâu làm đất bằng “máy 
la-de” cho đến máy sấy hạt, đóng bao, kho bảo quản nên chất lượng ổn định và nhất là giá bình dân nên lúa giống của Sáu Đức được bà con tín nhiệm cao: Mỗi năm Cty TNHH MTV “SD” của ông bán ra thị trường trên 3.000 tấn. Tiếng lành đồn xa, nhiều đại lý vùng ĐBSCL, rồi các tỉnh miền Đông đặt hàng, ông phải liên kết với bà con bên ngoài trồng thêm. Vào cao điểm, “SD” cung ứng trên 10.000 tấn/năm.

 

 Dù có cả đội quân giúp việc, nhưng Sáu Đức vẫn cần mẫn với những việc nhỏ... Ảnh: L.T

Lập “Ngân hàng bò cho Hai lúa”

Tôi có mặt tại cánh đồng xã Vĩnh Gia (Tri Tôn), nơi ông vừa trúng thầu thuê hơn 70ha đất công để mở trang trại bò siêu thịt quy mô 2.000 con. Và cũng như vạt đất lúa trên 150ha ở Lương An Trà, ông đắp đê bao quanh với mặt rộng đủ cho xe tải ra vào. Dù chỉ mới bắt đầu với gần 400 con, nhưng cách làm của Sáu Đức lại khiến nhiều người phải ngước nhìn. Sau khi bắt tay nuôi bò, nghe nói về chế phẩm làm đệm sinh học trong chăn nuôi, ông lên Sài Gòn tìm mua, nhưng nơi đây cho biết chỉ mới có chế phẩm chăn nuôi heo. Không bỏ cuộc, dò hỏi sơ lược về cơ chế hoạt động của chế phẩm này, thấy có thể ứng dụng, ông mua về làm thử. “Sau khi sử dụng, 10-15 ngày mới làm vệ sinh/lần, chuồng không có mùi hôi mà bò lại rất sạch, tôi điện thoại thông báo, tác giả của chế phẩm cũng bất ngờ” - ông Đức nhớ lại. Thành công này không chỉ giúp giảm chi phí lao động, mà còn tạo ra nguồn phân tự hoại độc đáo: Sau khi thu dọn có thể bón ruộng ngay và có tác dụng “đánh thức” cả những thửa đất tưởng như bất trị vì còn “ngậm phèn” nặng. “Với chất lượng này, khi tổng đàn đạt kế hoạch, mỗi ngày tôi thu về cả chục triệu đồng từ nguồn phân bò” - Sáu Đức tự tin.

Nói về chuyện ứng dụng khoa học của Sáu Đức, chỉ có thể gói gọn trong 1 từ: Tuyệt! Hướng tới trang trại quy mô 2.000 con bò siêu thịt, nhưng Sáu Đức chỉ đầu tư vốn chưa đầy chục con “đầu dòng” từ các giống bò siêu thịt nổi tiếng Thái Lan, Australia, Pháp, Mỹ…, còn lại là bò cái giống địa phương. “Tôi chủ động mượn bụng bò địa phương để nhân đàn nhằm tạo ra thế hệ mới có chất lượng thịt của bò ngoại, nhưng có sức sống của bò nội. Nghe ông trình bày đang cho lai chéo giữa một số giống để ra công thức phối giống hiệu quả nhất, GS Võ Tòng Xuân tán thưởng: “Ý tưởng hay, tôi sẽ cử bộ phận chuyên môn vào đây góp sức để thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn”.

Tuy nhiên, tuyệt kỹ có lẽ là việc nuôi bò không cần trồng cỏ mà bò vẫn phát triển, sinh sản tốt. Tích lũy nhiều nguồn kiến thức, Sáu Đức mua men về ủ rơm (để tăng đạm cho nguồn thức ăn xơ) và sử dụng lúa lép, lúa không đạt chuẩn giống thải loại hàng năm đến vài chục tấn để chế biến thức ăn bổ sung cho đàn bò. “Không chỉ để tận dụng hết phế phẩm từ 200ha lúa nhà, mà còn để người dân xung quanh dễ làm theo” - Sáu Đức lại làm tôi giật mình với ý tưởng về “Ngân hàng bò cho Hai lúa” để bà con trồng lúa có thêm thu nhập. “Tùy theo điều kiện cụ thể mà chuyển giao cho mỗi hộ số bò giống. Đến tuổi lấy thịt, tôi thu lại toàn bộ. Nông dân bán đúng giá, còn tui thì có nguồn bò để cung cấp với số lượng lớn và ổn định - Sáu Đức chia sẻ thêm - Đã lên kế hoạch hết rồi, để bà con thuận lợi với vật nuôi mới, tôi thành lập bộ phận huấn luyện kỹ thuật để bò đạt tỉ lệ thịt theo chuẩn của các công ty chuyên nghiệp”. Sáu Đức tin tưởng kế hoạch này sẽ mở ra hướng mới cho đồng đất thời giá lúa liên tục sụt giảm một cách bền vững, vì theo dự báo nhu cầu thịt bò trong bữa ăn trong nước còn rất, rất lớn.

Hy vọng, với trách nhiệm cộng đồng của Sáu Đức, rồi đây sẽ có nhiều “Hai lúa” vùng TGLX khá lên từ “ngân hàng bò” như trước đây đã từng ăn nên làm ra từ sự đột phá lúa giống của ông. Nhưng với góc nhìn của nhà khoa học như GS Võ Tòng Xuân, thì cách làm này còn mang ý nghĩa lớn hơn chuyện cơm áo gạo tiền. “Bởi không chỉ tìm cách làm giàu cho mình, mà còn luôn tìm cách truyền lửa, giúp nhiều nông dân cùng vươn lên”.

 

 

 

LỤC TÙNG
TIN LIÊN QUAN

Giả danh phóng viên Báo Lao Động xin bỏ qua lỗi vi phạm nồng độ cồn

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

Khi bị tổ công tác CSGT dừng xe, thông báo lỗi vi phạm, người đàn ông đi cùng tài xế vi phạm nồng độ cồn tự nhận mình làm việc ở Báo Lao Động để đề nghị được bỏ qua.

Kỷ luật nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Nguyễn Hoàn |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Khắc Lâm - Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thái Nguyên.

TPHCM có 438 người bán dâm, một số người nước ngoài góp vốn hoạt động mại dâm trá hình

MINH QUÂN |

TPHCM – Tổng số người bán dâm trên địa bàn TPHCM khoảng 438 người, trong đó có khoảng 69 người được thống kê qua xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. Đồng Hới tử vong tại phòng làm việc

PHI LONG - ĐỨC TUẤN |

QUẢNG BÌNH – Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. Đồng Hới được xác nhận vừa tử vong tại phòng làm việc.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra liên ngành các bếp ăn tập thể

Hương Giang |

Theo Bộ Y tế cảnh báo, trong thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học.

Dự kiến 9 nhóm đối tượng được áp dụng tăng lương cơ sở từ 1.7.2023

Ái Vân |

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1.7.2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.

Quảng Ngãi: Cưỡng chế biệt phủ xây trái phép nhưng cố tình không tháo dỡ

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Dù hạn định yêu cầu tháo dỡ tòa nhà xây dựng trái phép, khôi phục nguyên trạng đã hết, tuy nhiên chủ nhân tòa biệt phủ trái phép lý sự rằng không tìm ra thợ giỏi để tháo dỡ, buộc nhà chức trách phải ban hành quyết định cưỡng chế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ mang quà đến Ukraina

Song Minh |

Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ đến thủ đô Kiev của Ukraina vào ngày 20.2 - chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự gần 1 năm trước.