Những "thiệt hại" không đáng có ở rốn lũ

Hoàng Văn Minh |

Những ngày cuối năm, bất ngờ miền Trung nước dâng đều từ Thừa Thiên – Huế đến Ninh Thuận do mưa lớn, các hồ thủy lợi, thủy điện đồng loạt xả lũ. Và Bình Định cũng bất ngờ thành rốn lũ, “rốn tan hoang, thiệt hại” với 41 người chết, hàng chục người bị thương… Nhưng ám ảnh chúng tôi là phần lớn, đó là những cái chết thuộc loại… vô lý, chết không đáng chết và đúng ra là không chết. Họ để lại những ưu tư, trăn trở cho người sống với những nếu như, giá như… đã được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần suốt bao nhiêu năm nay.

Những tiếng thở dài “giá mà…”

Tròn 20 ngày từ khi lũ dâng, chúng tôi mới là những người đầu tiên tiếp cận được với khu Đông – rốn lũ của Bình Định với 13 xã của huyện Tuy Phước giáp biển. Dù “so với hôm qua thì nước đã rút gần 1 mét” như lời anh Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định, nhưng toàn bộ khu Đông vẫn là một biển nước mênh mông. “Đây đã là cơn lũ thứ 5 mà Bình Định phải hứng chịu trong năm nay và đáng nói là lũ chồng lên lũ, lũ trước chưa qua thì lũ sau đã tới. Riêng người dân khu Đông này đã bị chìm trong nước đúng nghĩa từ đầu tháng 12 đến nay. Cho đến thời điểm này vẫn còn một số thôn, xã bị chia cắt chưa thể tiếp cận được theo cách thông thường bởi nước vẫn còn cao”, anh Hùng kể. Giờ thì chúng tôi đã thấm thía câu vè “Khu Đông 9 áo 1 quần” bởi lũ dần lui dần tới như thế này thì mặc mỗi cái quần thôi cũng… phí quần và mất công giặt!   

Chồng chị Phúc (bên phải ảnh) vẫn ngơ ngác, chưa thể tin rằng vợ mình đã qua đời... Ảnh: H.V.M

Đúng ra, Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động vẫn chưa đến được với người dân khu Đông nếu chúng tôi không có “tay lái lụa” Phạm Ngọc Mai - người lái xe già đã kinh qua… 9 đời chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định cộng với sự quyết tâm và liều lĩnh của tất cả mọi người trong đoàn. Đã không ít lần, chúng tôi phải nhắm mắt cầu nguyện khi xe trườn qua những đập tràn nước phủ cả bô hay nghiêng ngả trên những con thuyền (xuồng) nhôm, nhỏ và mỏng manh như những chiếc lá lúa. Nhớ nhất là lúc cả xe đang im phăng phắc khi xe qua một đập tràn nước cuồn cuộn. Để xóa tan không khí căng thẳng, một thành viên trong đoàn kể chuyện, bắt đầu rằng… đập này chính là nơi lũ đã cuốn chết một nữ công nhân có hoàn cảnh rất bi thương mà chúng ta sắp ghé thăm... 

Nhưng rồi nỗi sợ hãi qua cũng qua rất nhanh khi chuyện buồn về nữ công nhân được tiếp mạch. Chị ấy tên Phúc, làm công nhân cho Cty may Hưng Phát ở trên thành phố Quy Nhơn. Hôm trước đi làm về thì gặp lúc nước dâng, thay vì quay về thành phố trú tạm nhà bạn bè thì chị quyết tâm vượt đập tràn để về nhà với mẹ già và con nhỏ 16 tháng tuổi. Nhưng chị vĩnh viễn không qua được con đập này. Hôm ấy ở nhà, chờ mãi không thấy chị về, điện thoại không liên lạc được nên gia đình cứ nghĩ là chị bị kẹt lũ ở đâu đó nhà người quen. Hôm sau chờ mãi không thấy về, điện thoại gọi hết những nơi cần gọi vẫn không ai biết, linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, thế là cả nhà chia nhau đi tìm. Tìm miết đến… 6 ngày sau thì cũng thấy xác. Chết đường, theo phong tục không đưa được về nhà, lại mưa lũ chồng chất nên chị Phúc cũng chỉ được cho vào quan tài rồi đưa đi chôn lặng lẽ không kèn trống. Ở nhà chị, tôi không thể nào quên được một khuôn hình ám ảnh: Trên góc xa là ảnh cưới của hai vợ chồng với nụ cười long lanh hạnh phúc, giữa là bàn thờ chị cũng với nụ cười ấy trên di ảnh, tiền cảnh là người chồng ôm đứa con nhỏ đi tới đi lui ngơ ngác, hình như anh ấy vẫn chưa hiểu hết điều gì đang xảy ra. Thi thoảng đứa bé quay sang ai đó gọi “mẹ ơi…”. Không ai kìm được nước mắt. Và chúng tôi nghe có tiếng ai đó “giá mà hôm ấy hắn quay lại thành phố khi thấy nước lớn…” kèm những tiếng thở dài.

Bơi đến nhà trưởng thôn báo sập nhà và… chết!

“Giá mà” kèm những tiếng thở dài, tiếng khóc thút thít cũng được lặp lại ở nhà anh Phan Thanh Hiệp ở thôn Phổ Đồng (xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước). “Chiều đó nước vừa dâng vừa chảy rât xiết và căn nhà của em bị nước đánh sập sau khi cả nhà kéo nhau chạy sang nhà ông bà ở bên cạnh”, chị Hà, vợ Hiệp kể ngắt quãng với tiếng khóc. Đó là một căn nhà tạm nằm sát cái chuồng trâu hôi hám của gia đình. Nhưng thay vì ngồi yên trong nhà ông bà, không hiểu sao Hiệp lại bơi sang nhà ông trưởng thôn ở cách đó mấy gần cây số để… báo cáo “chú ơi nhà cháu mới bị lũ đánh sập”. Báo xong, Hiệp bơi trở lại nhà mình thì bị lũ nhấn chìm khi chỉ còn cách nhà khoảng 500 mét trước sự ngỡ ngàng và bất lực của nhiều người hàng xóm chứng kiến. Thế thôi mà phải đến 3 ngày sau, xác Hiệp mới được tìm thấy và lặp lại một đám tang không thể bi thương hơn nhưng lại điển hình của người dân vùng lũ miền Trung: Xác được liệm vào quan tài ngay tại địa điểm tìm thấy xác rồi lặng lẽ đưa ra nghĩa địa. Nhưng Hiệp còn thảm hơn những cái chết khác ở khu Đông khi trên bàn thờ, thay cho di ảnh là tấm bài vị chữ Hán mua ở hàng mã và tấm thẻ chứng minh nhân dân do “lũ chia cắt từ hôm đó đến giờ nên chưa lên Quy Nhơn để họa di ảnh được”, mẹ Hiệp phân trần. Hiệp chết, để lại vợ và 4 con nhỏ, đứa lớn 9 tuổi, đứa nhỏ nhất mới có 13 tháng và nghe đâu trong bụng Hà – vợ Hiệp đang thai nghén một mầm non. Hà, như một tàu lá xanh với thân xác chưa tròn 35 ký, chỉ nói được thều thào và khóc không ra nước mắt khi tiếp chuyện chúng tôi. Hà bảo mình không nghề nghiệp, hơn 10 năm nay từ khi lấy chồng đến giờ chỉ biết đẻ và chăm con. 6 miệng ăn bao năm nay chỉ trông vào việc làm thợ hồ của Hiệp. “Giờ anh ấy chết rồi, mẹ con em biết sống sao đây với những ngày tháng sắp tới?”      

Anh Hiệp qua đời, để lại người vợ không nghề nghiệp cùng 4 con nhỏ và một ngôi nhà đổ sập. Ảnh: H.V.M

“Giá như vợ tui đừng tiếc mấy con vịt…”, anh Đào Văn Chính, chồng chị Nguyễn Thị Thanh ở thôn Vinh Quang 1 (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) ôm mặt khóc rưng rức khi nhận quà hỗ trợ từ Quỹ Tấm lòng vàng Lao Động. Hôm ấy anh Chính bận đi hái cà phê thuê tận trên Gia Lai, ở nhà chỉ còn chị Thanh và 3 con gái. Nước lên ngập nhà cũng vừa lúc đàn vịt 20 con của chị bị xổng chuồng chạy tan tát ra cánh đồng mênh mông nước trước hiên nhà. Chị Thanh vội vã chèo xuồng rượt theo đàn vịt để lùa về. Đuổi một lúc cách nhà khoảng 200 mét thì trời nổi gió to, thuyền lật, đến hôm sau mới tìm thấy xác. Và lại là một đám tang đặc trưng vùng lũ! “Giá như vợ tui đừng tiếc mấy con vịt…”, anh Chính lại ôm mặt khóc trước di ảnh vợ. Nhưng rồi cũng chính anh giải thích cho hành động dại dột của vợ mình khiến người nghe ngỡ ngàng: “Đàn vịt là tài sản quý giá nhất của gia đình tui thời điểm này. Trước khi tui đi Gia Lai, hai vợ chồng đã bàn nhau sắp tới sẽ bán hết để có tiền sắm Tết và đóng học phí cho ba đứa nhỏ, ai ngờ…”.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Bình Định đã có đến 41 người chết do lũ và hầu hết, đó là những cái chết lãng xẹt gắn liền với “giá mà, giá như…” như một học sinh lớp 3 đạp xe đi mua thức ăn cho bà nội khi nước đang lên và bị cuốn trôi. Một học sinh khác, đã học lớp 12 và đến trường bằng xe máy. Trên đường về, qua một đập tràn, thấy nước lên, nhưng thay vì đi nhanh thì lại… đứng xem. Xem cho đến khi nước lên cao thêm nữa, đến khi có người giục về nhanh kẻo nguy hiểm thì mới chịu lên xe nổ máy để rồi lại mấy ngày sau mới tìm thấy xác… Đáng nói, những cái chết với nguyên nhân  như thế này không phải là chuyện riêng của Bình Định mà là chuyện của toàn miền Trung mỗi mùa mưa lũ. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Định suốt mấy hôm cùng chúng tôi mang quà Tấm lòng vàng Lao Động đến với người dân cứ trăn trở một câu hỏi: “Phải có cách nào đó để hạn chế thấp nhất thiệt hại của người dân mỗi khi mưa lũ, chứ chết như thế này thì vô lý quá?”

Chợt nhớ cách đây gần chục năm, thời ông Hồ Xuân Mãn còn làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên –Huế. Trong một cuộc họp quán triệt phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ), ông Mãn yêu cầu lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế phải phổ biến, quán triệt, thực hiện nghiêm túc, khẩn cấp thêm một tại chỗ nữa là “tự quản tại chỗ” nhằm giảm thiểu những cái chết "vô duyên" và thực tế sau đó đã chứng minh sáng kiến thứ 5 của ông Mãn đã mang lại hiệu quả. Sau đó, trong một cuộc họp khác cũng ở Thừa Thiên –Huế, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá rất cao sáng kiến của ông Mãn và đề nghị bổ sung thêm tại chỗ thứ 6 là: “Rút kinh nghiệm tại chỗ”! Nhưng hình như cho đến thời điểm này, những sáng kiến vừa kể vẫn là chuyện riêng của Thừa Thiên - Huế thì phải?

Lại giá như trong đợt lũ vừa rồi, các địa phương của Bình Định, của miền Trung làm tốt hơn phương châm “tự quản tại chỗ” và “rút kinh nghiệm tại chỗ” tốt hơn, thì con số thiệt hại về người sẽ không khủng khiếp như bây giờ…

 

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Người dân ngán ngẩm với món ăn nhiều đạm ngày Tết, rau xanh đắt hàng

MINH HÀ |

Với thời gian nghỉ lễ dài ngày, nhiều gia đình cũng đã "ngán ngẩm" với những món ăn nhiều đạm đặc thù của ngày Tết. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ rau xanh tăng cao, các sạp hàng rau được bày bán chiếm số lượng nhiều hơn và đắt khách hơn so với các hàng gà, thịt, cá...

Sự nghiệp, cuộc sống của Trấn Thành và loạt nghệ sĩ nam tuổi Mão

ĐÔNG DU |

Trong năm qua, nhiều sao nam tuổi Mão như Trấn Thành, Hieuthuhai, Khắc Việt đều thành công trong sự nghiệp, sở hữu lượng fan hâm mộ lớn.

Những doanh nhân tuổi Mão siêu giàu trên sàn chứng khoán

Đức Mạnh |

Theo phong thuỷ, người tuổi Mão thường thông minh, nhạy bén, có tầm nhìn xa trông rộng và dễ thích nghi với hoàn cảnh. Trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có nhiều doanh nhân như thế, trong đó có không ít người lọt top giàu có nhất sàn.

Khai thác du lịch từ các mỏ than: Vì sao không?

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Nói đến du lịch Quảng Ninh, dư luận thường nghĩ đến du lịch biển, vịnh Hạ Long, Yên Tử… Nhưng, còn một thứ tài nguyên du lịch đặc biệt, vô giá và độc nhất cả nước cũng được khá nhiều người quan tâm và hoàn toàn có thể khai thác du lịch là các mỏ than khai thác lộ thiên và hầm lò đẹp kỳ vĩ, với biết bao câu chuyện về văn hóa, lịch sử đầy hấp dẫn.

Bóng đá thế giới 2023 và tương lai có gì mới?

TAM NGUYÊN |

Tấm thẻ trắng được rút ra ở một trận đấu tại Bồ Đào Nha có thể là một trong những xu hướng cho bóng đá thế giới trong năm 2023 cũng như tương lai lâu dài…

Nghi lõi trong của Trái đất bắt đầu chuyển động khác lạ

Thanh Hà |

Lõi trong của Trái đất đang bắt đầu chuyển động theo hướng khác, một nghiên cứu mới chỉ ra.

NSƯT Chiều Xuân: "Tôi đi khắp nước Việt, đi đến đâu nhớ thương đến đó"

Nhóm PV |

Trong cuộc trò chuyện đầu năm mới cùng Báo Lao Động, NSƯT Chiều Xuân đã có những chia sẻ về niềm đam mê nhiếp ảnh cũng như những trải nghiệm của chị khi đi khắp mọi miền Tổ Quốc.

Tuyển nữ Việt Nam trong năm 2023: Hy vọng thành công từ bóng đá nữ TPHCM

Như Thùy |

Tại World Cup nữ 2023, đội tuyển nữ Việt Nam với bộ khung gồm những trụ cột quan trọng của câu lạc bộ TPHCM được kỳ vọng sẽ gặt hái được nhiều thành công trong lần đầu tham dự đấu trường này.