Những phận người dặt dẹo

GIANG THÙY LINH |

“Lốc trắng” tràn qua khắp các bản ở Na Ư nhiều năm nay đã để lại những phận người chỉ biết sống lay lắt qua ngày đoạn tháng mà không biết tương lai của con, cháu mình ra sao. Họ là mẹ già, con thơ của những tên tội phạm ma túy khét tiếng, là người vợ khổ sở, cùng cực của những con nghiện ma túy suốt đời nghiện ngập, trộm cắp…

“Nó đánh ác lắm...”

Theo chân mấy anh công an xã cùng một cán bộ biên phòng, tôi đến thăm gia đình chị Thào Thị Sủa (30 tuổi), trường hợp khó khăn nhất bản Na Ư, xã Na Ư. Chồng chị Sủa là Lý A Lầu (34 tuổi) là một con nghiện ma túy lâu năm. Nghiện đến “bẹp tai”, chả thiết gì đến vợ con đang đói ăn trong túp lều rách nát, hắn đi làm thuê được đồng nào thì hút chích hết đồng đó, hắn bán từng cái nồi niêu xoong chảo trong nhà, chiếc xe máy trị giá 12 triệu đồng là của hồi môn của chị Sủa mang về cũng bị hắn bán lấy 500.000 đồng để hút ma túy.

Chị Sủa đã từng có 2 con trai với đời chồng trước, nhưng không chịu nổi đòn roi của gã chồng vũ phu đó, chị bỏ hắn rồi trở thành đời vợ thứ 4 của Lầu, rồi chị có thêm 2 con gái, một 2 tuổi, một mới vài tháng. Thế nhưng, bi kịch của đời chị chưa dừng lại khi Lầu hóa ra là một con nghiện nặng. Hắn đi biệt suốt ngày đêm, về đến nhà là mắng mỏ, vòi tiền Sủa để hút chích, không có thì hắn đánh đập tàn nhẫn. Sủa chỉ biết ôm con nhỏ mà khóc. Giờ hắn được đưa đi cai nghiện và cải tạo ở trung tâm GD LĐXH, túp lều của Sủa mới được yên ắng thế này. Tôi hỏi: “Chồng đi xa chị có nhớ không?”, Sủa nói “không” đanh thép. “Ở nhà là nó bán hết bán đồ đạc này, không cản được. Nó đánh ác lắm, nó tát, nó đấm đá, xích chân tôi vào cột nhà kia”. Kể chuyện, rồi Sủa bưng mặt khóc.

Anh Công - Phó trưởng công an xã Na Ư - kể: “Lúc thằng A Lầu còn ở đây, ngày nào dân cũng kêu mất trộm. Có con bò nhỏ nhỏ trên cánh đồng, nó đập chết tại chỗ mang đi bán đấy. Hôm bắt nó, 3 vụ mất trộm lớn nó đều nhận hết rồi. Nó mà đi trại về, chắn chắn sẽ còn hành động tinh vi hơn. Tính thằng này tôi biết. Đàn gà trước kia chỉ bắt 1, 2 con, giờ sẽ bắt sạch không còn con nào”. Bố mẹ đẻ của chị Thào Thị Sủa từ Mường Chà đến thăm con gái và các cháu, nhìn túp lều rách nát không có một thứ đồ gì giá trị, họ xót xa than thở: “Con bé thế này mà không có gì ăn cả, cũng chỉ tại “con ma” thuốc phiện mà khiến con tôi khổ thế này. Mong sao Đảng và Nhà nước bắt hết cái lũ buôn bán, dùng ma túy đi…”.

11 đứa con, chết không được làm ma

Nguyên chính trị viên đồn biên phòng Tây Trang Nguyễn Việt Tuấn Anh dẫn tôi đến thăm nhà cụ Vừ Dúa Dình (96 tuổi) - một trong 3 đảng viên đầu tiên của xã Na Ư được kết nạp tại đồn biên phòng Tây Trang. Con cái đã lập gia đình và ra ở riêng nên chỉ còn hai cụ già sống với nhau trong căn nhà Mông truyền thống. Cụ Dình tự hào: “Tôi có 4 người con trai (2 đứa mất rồi), 7 người con gái nhưng không một đứa nào dính vào ma túy. Đời con tôi thì tôi dạy chúng nó phải tránh xa thứ thuốc độc chết người ấy ra mà”. Thế nhưng, khi nhắc đến mấy đứa cháu thì cụ Dình bỗng im lặng lảng tránh. Mãi lâu cụ mới thú thật: “Thằng Cử là con trai của thằng Vừ Giồng Thía, nó có dính đến ma túy đấy”. Lúc ra về chính trị viên Tuấn Anh kể với tôi: “Cụ Dính đã sống gần trăm tuổi, vẫn tự hào là một trong những gia đình “sạch” nhất vùng Na Ư này, con cái không liên quan gì đến ma túy. Thế mà vẫn có đứa cháu nội nghiện hút làm cụ ấy buồn đến mức không muốn nhắc đến”.

Trên đường đi, anh kể thêm về số phận bất hạnh bậc nhất của một bà mẹ ở Na Ư. “Người Mông quan niệm rằng người nào có nhiều con nhiều cháu, khi chết sẽ được các con tổ chức “làm ma” thật to, mổ nhiều trâu, nhiều lợn, để tang 3 ngày để linh hồn được yên nghỉ. Thế mà, bà Và Thị Dung có đến 11 người con nhưng đám tang của bà diễn ra sơ sài ở nhà của người con dâu, không một đứa con trai nào có mặt”. Về lại Trạm biên phòng Na Ư, tôi nhắc chuyện của bà Dung, anh Thắng - Trạm trưởng kiêm Phó bí thư Đảng ủy xã Na Ư - kể thêm: “Con cả của bà Dung là Mua - bố thằng Pó, nghiện hút nặng. Con trai thứ hai là Dếnh đi tù 20 năm. Thứ 3 là Dế cũng nghiện ma túy. Thứ 4 là Dơ, đi tù 11 năm. Thứ 5 là Ta vừa mới được ra tù rồi. Thứ 6 là Long vừa đi cai nghiện về. Ba cô con gái là Hoa, Di và Phương đều lấy chồng bên huyện Điện Biên Đông. Con trai thứ 10 là Hồng, tội phạm buôn ma túy, đã chết. Con trai thứ 11 tên là Tà vừa ra tù về, sống dặt dẹo ở quanh bản. Bà ấy mất năm 2014. Dân ở đây họ vẫn bảo bà Dung chết mà không nhắm mắt vì đám con toàn tội phạm buôn ma túy với nghiện hút, không có ai làm ma cho đấy”.

Chuyện về đứa con trai thứ 10 của bà Dung cũng làm các bản làng Na Ư xôn xao một thời gian. A Hồng đi buôn thuốc phiện, bị lực lượng phòng chống tội phạm ma túy phát lệnh truy nã, hắn trốn sang Lào; trên đường băng qua rừng rú, qua những đoạn đường đèo dốc, hắn bị ôtô đâm phải, rơi xuống vực. Bộ đội biên phòng của nước bạn đã tìm thấy thi thể của hắn, họ đắp gói cẩn thận rồi báo tin cho bộ đội biên phòng cửa khẩu Tây Trang tiếp nhận tại cửa khẩu, đưa về địa phương cho gia đình mai táng.

 

Một góc bản Ca Hâu vắng vẻ, thiếu bóng đàn ông, chỉ còn toàn người già và phụ nữ ở lại (ảnh lớn).Ảnh: GIANG THÙY LINH 

Bố mẹ chúng nó “đi học” hết rồi...

Tôi đến thăm nhà bà Và Thị Mái - 59 tuổi, người đàn bà già nua có 9 đứa con thì đến 5 đứa phải đi tù vì tội buôn bán, vận chuyển ma túy. Đi cùng có bộ đội biên phòng Nguyễn Đình Lực và hai anh dân quân xã. Họ vừa đi vừa kể: “Ở đây, đi tù thì chúng tôi cứ nói giảm nói tránh thành “đi học”. Mấy đứa trẻ con kia toàn là cháu nội của bà Mái, bố mẹ chúng nó “đi học” hết rồi, nhà chỉ còn mấy bà cháu thôi”.

Cảnh nhà xác xơ, trống trải, mấy đứa cháu nhỏ ngơ ngác như gà con lạc mẹ, chị Vừ Thị Và - cô con gái tật nguyền đã gần 30 tuổi của bà Mái - đang ú ớ kêu ở xó nhà. 5 cặp con trai - con dâu của bà Mái, cặp đã đi tù hơn 3 năm nay, cặp thì đang trốn truy nã ở đâu đó, một tay bà Mái nuôi 6 đứa cháu nội. Bà Mái kể giật cục bằng tiếng Mông, một anh dân quân bản phiên dịch: “Con trai Vừ A Tho đi 11 năm, con dâu đi 10 năm. Cặp này có 3 đứa con, 2 gái, 1 trai; một đứa con gái lớp 3, một học mầm non, đứa con trai lớp 1. Bố mẹ đi tù khi nó chưa biết đi, chưa biết nói. Thằng Vừ A Bia và vợ nó đang bị truy nã có 2 đứa con là Vừ A Mênh học lớp 4 và Vừ A Thênh học lớp 3 đang ở nhà với tôi, còn đứa nhỏ đi cùng mẹ, không biết trốn ở đâu nữa...”. Càng kể, khuôn mặt của bà Mái càng rầu rĩ. Chốc chốc, bà lại chạy vào xó nhà chăm sóc đứa con gái tàn tật, vừa nhặt con búp bê cáu bẩn dưới đất đưa cho đứa con. “Tôi buồn lắm. Nhớ chúng nó lắm. Bao giờ chúng nó về, tôi sẽ bảo chúng nó đừng bao giờ đi buôn ma túy nữa”. Nói rồi, bà quay mặt đi, tôi thấy có tiếng sụt sịt trong xó nhà tối om.

Chuyến đi xuyên dải đất Na Ư đến tận cửa khẩu Tây Trang của tôi đã kết thúc bằng những câu chuyện buồn như thế. Nhớ hôm các anh bộ đội biên phòng ra cổng đồn tiễn tôi, Chính trị viên Tuấn Anh nhấn nhá, vừa nói vừa vỗ vai đồng chí Hà: “Lần sau nhà báo trở lại, hy vọng mảnh đất này sẽ thay da đổi thịt. Chúng tớ già rồi, đặt niềm tin vào lớp trẻ này”. Tôi chợt nghĩ, những “lớp” lính biên phòng là những làn gió mới. Mà gió thì chưa bao giờ ngừng thổi ở mảnh đất Tây Trang xa xăm này...

 
GIANG THÙY LINH
TIN LIÊN QUAN

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Vụ việc cháu bé rơi xuống hố bê tông: Đã rút được đoạn cọc đầu tiên

PHONG LINH |

Tỉnh Đồng Tháp thông tin đã rút được được đoạn cọc bê tông đầu tiên tại công trình cầu Rọc Sen, nơi cháu bé 10 tuổi bị rơi xuống trước đó.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.