Như Ý, đời chẳng như tên

TRÚC HUỆ |

Tôi gõ cửa nhiều nơi, cậy nhờ nhiều thân hữu kết nối để gặp bằng được Nguyễn Thị Như Ý, để thỏa mãn sự hiếu kỳ: Vì sao nhà vô địch judo hạng cân dưới 78kg tại SEA Games 28 trên quốc đảo sư tử lại chạy trốn truyền thông ngay sau khi từ Singapore trở về? Hóa ra cô chạy trốn không phải do chảnh, mà chỉ là do bị truyền thông hạ “đo ván”, nên cô... cạch mặt.

“Chạy trốn” vì bị…“hư cấu”

Được tin Như Ý đoạt HCV, tôi liên lạc với cô qua điện thoại di động, nhưng số điện thoại của cô đã ngừng hoạt động. Liên hệ với thành viên trong Ban huấn luyện và đồng đội judo của cô, chỉ nhận được sự từ chối khéo: “Như Ý cần nghỉ ngơi…”. Phải đến khi ông Nguyễn Văn Thức, (ấp Phú An, xã Tân Phú Đông, Sa Đéc) cha ruột của Như Ý, tung “tuyệt chiêu”: “Chở cháu ngoại về cho cha thăm!” Như Ý mới chịu cho cô em gái thứ 7 chạy xe qua nhà chồng (ấp Phú Thành, Tân Phú Đông) chở hai mẹ con về nhà cha ruột. Trước áp lực của cha, Như Ý miễn cưỡng gặp mặt nhà báo “quốc nội” đầu tiên sau khi đăng quang.

Gương mặt căng thẳng, đôi mắt dò xét… pha lẫn chút bực dọc, Như Ý tiếp tôi với lối nói chuyện lạnh lùng. “Nếu hỏi “chuyện cũ” thì xin tha cho em. Quá mệt mỏi với báo chí, em phải bỏ sim điện thoại và căn dặn bạn bè đồng nghiệp đừng chỉ dẫn cho nhà báo…”. Trước đó, có lẽ xuất phát từ chỗ quá yêu quý thành tích của nhà vô địch xuất thân từ xứ bưng biền nên nhiều bài báo đã khắc họa nhiều tình tiết cảm động để… xin nước mắt độc giả. Thế là hàng loạt những câu chuyện đời tư của nhà vô địch được tung ra. Trong đó có cả những điều mà bản thân Như Ý đã chôn kín trong lòng cả chục năm qua cũng bị bới lên một cách “quá sự thật”…Thực tế trong gần nửa năm tập trung luyện tập cho SEA Games 28, chồng của nữ võ sĩ ở nhà trông cậu nhóc hơn 3 tuổi, nhưng không ít báo lại “thê lương hóa” thành: Gởi con cho nội trông coi… Tuy nhiên điều khiến Như Ý đau lòng nhất là việc nhiều báo đã hư cấu thông tin: “Thi đấu để mong có HCV lấy tiền mua sữa cho con”. Đó là thông tin sai sự thật đến hai lần. “Thứ nhất em chưa bao giờ phát biểu như vậy vì điều này làm hạ thấp tinh thần, lý tưởng thi đấu của VĐV đại diện quốc gia. Thứ hai là từ nhỏ đến giờ “cu Minh” nhà em chưa từng chịu uống sữa”, Như Ý nói như van: “Xin đừng lôi kéo con em vào chuyện người lớn …”.

Một tài năng lận đận

Nhìn lại hành trình hơn 15 năm trên con đường thể thao, tài năng Như Ý luôn song hành với sự lận đận. Sự lận đận không chỉ kìm hãm tài năng mà còn suýt lấy đi vĩnh viễn của bộ môn judo của thể thao nước nhà một nhà vô địch.

Sau thời gian luyện tập bộ môn ném - đẩy tham dự Hội khỏe Phù đổng toàn quốc tổ chức tại tỉnh nhà, Như Ý không được gọi trở lại luyện tập nên ở nhà phụ bà ngoại mang trùn chỉ (giun) ra chợ bán. Cứ ngỡ cuộc đời sẽ bình lặng với những cuộc bán buôn lặt vặt này thì bất ngờ Như Ý được thầy Tài, HLV cũ dẫn đến nhờ võ sư Lê Thanh Vĩnh giới thiệu luyện tập judo. Đã hơn 15 năm trôi qua, nhưng võ sư Lê Thanh Vĩnh, người mang về 13 huy chương (6 HCV, 1 HCB, 6 HCĐ) ngay trong lần đầu từ Đồng Tháp lên lãnh trọng trách HLV trưởng quốc gia dự SEA Games 22, vẫn nhớ rõ lần gặp ấy: “Một hôm anh Tài dẫn Như Ý đến nói: Thấy em ngồi chợ buôn bán, vừa thương, vừa tiếc công sức luyện tập thể lực lâu nay, anh xem đưa vào đội judo luyện tập thử…”. Giọng ông Vĩnh bỗng trầm buồn: “Do lúc này Như Ý đã bước sang tuổi 18, tức quá muộn để nhận vào luyện tập có chế độ. Nhưng linh cảm và kinh nghiệm cá nhân mách bảo em sẽ thành công nên tôi mạnh dạn nhận lời như thử nghiệm mới”. Để động viên tinh thần, ông Vĩnh trích 300 ngàn đồng tiền túi hỗ trợ cô học trò “ngoài luồng” uống nước và lên kế hoạch huấn luyện theo phương pháp đặc biệt: “Đi tắt, đón đầu”.

Vừa thoát ải này, lại vướng ải khác. Nhà nghèo, không có xe đạp, mỗi ngày Như Ý phải cuốc bộ 4-5km đến điểm tập. Nhiều hôm bận giúp việc nhà, phải chạy vội, đến nơi tập đã mướt mồ hôi… Nhưng nhờ trò chăm chỉ cộng với phương pháp huấn luyện tích cực, đặc thù của thầy, chỉ sau 3 tháng làm quen judo, Như Ý đã quật ngã nhiều võ sinh lâu năm. Từ thành tích xuất sắc này, ông Vĩnh mạnh dạn thuyết phục và được lãnh đạo ngành thể thao Đồng Tháp đồng ý nhận Như Ý vào luyện tập chính thức bằng con đường “không chính thức”. Và từ đó đến nay Như Ý như “chung sống với… lận đận”. Bởi trong giờ phút vinh quang trong lần đoạt HCV SEA Games đầu tiên (2005) tại Philippines cũng là lúc ở quê nhà mẹ cô ra đi vĩnh viễn…

Sau 15 năm thi đấu, Như Ý liên tiếp đoạt 5 huy chương trong 5 lần tham dự SEA Games, (3 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ) và nhiều phần thưởng cao quý khác… Nhưng theo ông Vĩnh, chừng ấy danh hiệu là chưa phản ánh hết khả năng tiềm ẩn của cô gái sinh năm 1981. “Như Ý là một tài năng judo thiên bẩm. Ngoài chiều cao lý tưởng (1,70m), cấu tạo cơ bắp, gân cốt… trời phú, em còn có lối thi đấu rất đầu óc, có thể phán đoán được đối thủ để chủ động ra tay trước - ông Vĩnh không tiếc lời khi nói về cô học trò - vì vậy chỉ sau 5 năm làm quen, Như Ý đã làm ngạc nhiên nhiều chuyên gia judo thế giới tại Giải Judo quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 14 (2005) khi lần lượt thắng nhanh gọn võ sĩ Hồng Công, Đài Loan (Trung Quốc) trước khi thắng vang dội võ sĩ Hàn Quốc, lên ngôi vô địch hạng cân 63kg nữ. Với khả năng này, Như Ý hoàn toàn có khả năng vươn tới đấu trường châu lục nếu được phát hiện bồi dưỡng sớm. Thế nhưng… âu cũng là duyên số”.

Căng thẳng với “trận đấu cuộc đời”

Với việc đoạt chiếc HCV tại SEA Games 28, tổng tiền thưởng mà Như Ý sắp nhận là gần trăm triệu đồng. Tuy nhiên theo bạn bè thân thiết nhiều năm, thấu hiểu tình cảnh của Như Ý, chừng ấy vẫn chưa đủ giúp cô tự tin giành phần thắng trong trận đấu cuộc đời đầy khó khăn, thách thức.

Trong quán càphê ấm cúng tình bạn bè giữa lòng TP. Sa Đéc, Như Ý trải lòng: “Nếu luyện tập tại tỉnh, mỗi ngày em nhận được 120.000đ tiền ăn và 80.000đ tiền công”. Trừ 4 ngày nghỉ, mỗi tháng, Như Ý lĩnh chưa đầy 6 triệu đồng, chỉ đủ để cô trang trải cuộc sống gia đình trong biên độ hẹp. Và khi con ốm đau là… nợ. Rồi tương lai không biết sống bằng gì một khi không còn luyện tập thi đấu, bởi ngoài judo, Như Ý chẳng có gì để đảm bảo cuộc sống. Trong khi đó thu nhập từ nghề “tự do” của người chồng cũng vô cùng bấp bênh…

Nhưng nếu tiếp tục kéo dài “cuộc chơi” cũng đồng nghĩa “đánh đu” với số phận. Bởi theo ông Vĩnh, võ sĩ judo sẽ bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp đỉnh cao sau tuổi 30. Như Ý được trời phú cho sức khỏe tốt, nhưng không thể cưỡng lại quy luật tuổi tác. “Lẽ ra em dừng thi đấu đỉnh cao từ 3 năm trước để đảm bảo…”, Như Ý nói. Bản thân Như Ý cũng nhận ra điều này nên năm 2011, sau khi lập gia đình, cô quyết định lùi về làm “nội tướng” và học đại học để lấy tấm bằng làm công tác huấn luyện. Nhưng sau khi sinh cháu Minh, phần vì nhớ nghề, phần vì mưu cầu sự sống cho gia đình, cô làm đơn xin trở lại luyện tập khi cậu con trai đã biết bò (không phải 3 tháng tuổi như một số lời đồn thất thiệt). Biết được tình cảnh của Như Ý, dù âu lo gánh nặng tuổi tác, nhưng xác định đó là “con đường sống duy nhất” của bạn nên đồng đội cũ chung tay sẻ chia… Anh Dương Thanh Hải - HLV judo tỉnh Đồng Tháp nhớ lại: “Nhiều hôm, tôi một tay bấm giờ, một tay giữ cháu Minh, sau đó bất cứ ai trong đội tập xong thì tự ra “thay ca” để Như Ý an tâm luyện tập. Thế rồi 3 năm trôi qua, việc học hành dở dang, gánh nặng thời gian luôn hối thúc… Vậy mà Như Ý vẫn chưa dám đưa ra quyết định dừng cuộc chơi. “Nhiều lần em định nghỉ thi đấu để tiếp tục việc học, nhưng ý nghĩ này vừa lóe lên là vụt tắt, vì nếu nghỉ thì không có thu nhập…”, Như Ý nói.

Chúng ta vui sướng, hãnh diện với những tấm HCV Như Ý mang về cho quê hương Việt Nam sau những trận đấu, cũng cần nghĩ đến việc chung tay chia sẻ để nhà vô địch của chúng ta đủ sức vượt qua trận đấu cuộc đời lận đận...

 
TRÚC HUỆ
TIN LIÊN QUAN

Bắc Ninh: Báo Lao Động vào cuộc, người lao động được nhận lương sát Tết

Bảo Hân |

Tổng cộng có 15 công nhân đã nghỉ việc tại Công ty Cổ phần Gỗ nhựa sinh thái Việt Nam (có nhà máy sản xuất tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bị nợ lương đã được trả lương ngay sát Tết, giúp họ có tiền để mua sắm Tết cho gia đình.

Dòng vốn khối ngoại không còn lạc nhịp với thị trường

Gia Miêu |

Đà mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại được giới chuyên gia đánh giá là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh tâm lý thị trường giao dịch thận trọng, từ đó tạo lực nâng đỡ cho thị trường trong thời gian tới.

Giờ thứ 9: Điếng người khi biết con nuôi của chồng chính là con riêng (P1)

Nhóm PV |

Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm "con nào cũng là con" được rất nhiều người ủng hộ. Và dù rằng là con trai hay gái cũng được yêu thương, chăm sóc như nhau. Tuy nhiên, vẫn có những người còn giữ những tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, mong muốn có một cậu con trai để nối dõi và để hương hỏa cho ông bà tổ tiên. Vì lí do đó, nhiều người đã đánh mất niềm hạnh phúc của gia đình và những đứa con của chính họ.

Chương trình Giờ thứ 9 do NSND Khải Hưng là đạo diễn. Giọng đọc: NSND Minh Hòa – NSƯT Phú Thăng. Âm nhạc: Xuân Phương.

Bạn đang có những câu chuyện riêng muốn chia sẻ với độc giả của Báo Lao Động? Hãy liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ email: media@laodong.vn.

Bản tin dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai 19.1

NHÓM PV |

Dự báo thời tiết mới nhất 19.1: Khu vực Nam Bộ ngày mai có mây, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, ngày nắng, đêm không mưa.

Hà Nội: Tết vẫn chưa về đến... làng chài

Kim Sơn |

Hà Nội - Những ngày này không khí xuân đã tràn ngập khắp phố phường, người người nhà nhà ra đường sắm Tết. Tuy nhiên, ở làng chài Văn Đức (Gia Lâm) người dân vẫn đang tất bật mưu sinh, kiếm con tôm con cá cho bữa ăn hàng ngày.

Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Vương Trần |

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khoá XV đã phê chuẩn miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Rơi máy bay khiến Bộ trưởng, Thứ trưởng Nội vụ Ukraina thiệt mạng

Song Minh |

Ít nhất 16 người thiệt mạng, trong đó có Bộ trưởng và Thứ trưởng Nội vụ Ukraina, trong vụ rơi máy bay gần Kiev.

Nhiều lý do để trừ, cắt thưởng Tết của người lao động

Bảo Hân |

Vụ việc một công ty tại Bạc Liêu có thông báo về việc cắt thưởng cuối năm do không like, share bài của giám đốc đang thu hút sự chú ý của dư luận.