Mẹ nhận lấy cái chết để trao con sự sống

QUANG ĐẠI |

Như một sự sắp đặt của định mệnh, đúng ngày 27.7, thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà. Sự ra đi của em để lại nhiều tình cảm xót thương, trân trọng của mọi người về một người mẹ trẻ nhận cái chết để dành sự sống cho sinh linh bé bỏng của mình. Câu chuyện nữ chiến sĩ cảnh sát quê Hà Tĩnh nhận về mình tất cả đớn đau, thiệt thòi để nhường sự sống cho con trai trở thành biểu tượng thiêng liêng của tình mẫu tử.
 Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm thăm hỏi, động viên Huyền Trâm. 

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày

Cho tôi được gọi em bằng cái tên Huyền Trâm, với tất cả sự thương mến, trân trọng. Huyền Trâm sinh ra trên mảnh đất Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, người đã đi vào cõi bất tử với chủ nghĩa nhân văn bao la, sâu thẳm. “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày” (Tố Hữu). Cha Huyền Trâm là Trưởng Công an huyện Cẩm Xuyên, nhưng đã ra đi khi em còn quá nhỏ. Lớn lên, cùng với anh trai, Huyền Trâm đã cố gắng học thật giỏi để làm vui lòng mẹ, cùng anh đứng trong hàng ngũ sĩ quan công an nhân dân, nối bước người cha thân yêu đã khuất. Hạnh phúc tưởng như đã mỉm cười với em khi Huyền Trâm lớn lên xinh đẹp, giỏi giang, hạnh phúc với người chồng hết mực yêu thương.

Nhưng định mệnh nghiệt ngã đã chọn Huyền Trâm làm trò đùa quái ác của số mệnh. Đang hoài thai con trai đầu lòng ở tháng thứ 5, chính xác là 19 tuần, Huyền Trâm phải nhập viện và được biết đã bị bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Trước đó, em còn giấu bệnh để mọi người không phải lo lắng và ảnh hưởng đến cháu bé. Để cứu tính mạng, cần khẩn cấp áp dụng các biện pháp điều trị hiện đại như hóa trị, xạ trị, tất yếu sinh linh bé bỏng mà Huyền Trâm đang hoài thai sẽ không tồn tại. Tôi cho rằng trong giờ phút vô cùng hiểm nghèo ấy, ánh sáng thiêng liêng của tình mẫu tử đã chiếu rọi, để Huyền Trâm đi đến một quyết định: Chấp nhận không dùng các phương pháp điều trị ung thư hiện đại, để bảo toàn sinh mệnh cháu bé. Người thân chị vô cùng đau lòng, nhưng đành gạt nước mắt chấp nhận sự lựa chọn của chị. “Tôi thương con vô cùng, ước gì được chết thay cho con, để cứu con và cháu. Nhưng Huyền Trâm đã quyết định như vậy, quả thật gia đình phải tôn trọng khi đó là ước nguyện của con”, gạt nước mắt, bà Lan, mẹ chị Huyền Trâm tâm sự. Chồng chị thắt lòng trước cảnh vợ lâm trọng bệnh, cũng chỉ biết cắn răng, nuốt nước mắt trước sự lựa chọn của vợ. Như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết: “Lưng trần phơi nắng phơi sương/ Có manh áo cộc tre nhường cho con”, một chút sự sống mong manh, Huyền Trâm đã nhường lại cho đứa con bé bỏng, kết tinh tình yêu, hạnh phúc của em.

“Em là một chiến sĩ công an...”

Các bác sĩ Bệnh viện K đã làm tất cả để kéo dài sự sống cho Huyền Trâm, cũng là cho cháu bé mà em mang trong mình. Nhưng Huyền Trâm quá yếu, và việc em từ chối các phương pháp chữa bệnh có thể làm phương hại đến cháu bé đã làm sức khỏe em nhanh chóng suy kiệt. Việc mang thai đối với người bình thường đã vô cùng vất vả, đối với người bệnh ung thư giai đoạn cuối quả là thiên nan vạn nan. Huyền Trâm không ăn uống được, thể trạng sa sút, thậm chí không thể nằm được, vì khó thở. Nếu kéo dài, có nguy cơ cả hai mẹ con đều tử vong. Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của Huyền Trâm, các bác sĩ quyết định mổ “bắt con” trong tình thế hết sức hiểm nghèo, xưa nay chưa từng có, là mổ đẻ mà sản phụ trong tư thế ngồi. Và trời không phụ lòng người, phải nói chính xác là sự nỗ lực phi thường của các y bác sỹ và cả Huyền Trâm đã đem lại kết quả ngoài mong đợi: Bé Gấu ra đời, cất tiếng khóc oa oa trong những giọt nước mắt của người mẹ trẻ, và mọi người. Ca sinh nở đầu tiên, và cuối cùng của Huyền Trâm đã thành công.

Câu chuyện nữ chiến sĩ công an từ chối điều trị ung thư để dành sự sống cho con đã gây chấn động mạnh, gây xúc động sâu sắc đối với cộng đồng. Các tấm lòng hảo tâm xa gần đã đến với Huyền Trâm, ai cũng muốn chia sẻ, chứng kiến hành động bình thường mà phi thường của người mẹ trẻ. Khi Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đến thăm, Huyền Trâm vẫn còn tỉnh táo. Khi Thượng tướng cầm tay Huyền Trâm ân cần hỏi han, động viên, khuôn mặt em rạng rỡ, tươi tắn. Còn mẹ em, mái tóc bạc trắng, cúi đầu bên con mà nước mắt đầm đìa. Đáp lại tình cảm và sự quan tâm của Bộ trưởng, Huyền Trâm cảm động: “Em chỉ là một chiến sĩ công an bình thường, làm những việc mà mọi chiến sĩ công an bình thường khác đều làm. Tình yêu đối với con, em nghĩ người mẹ nào cũng làm như mình cả. Nhưng được Bộ trưởng trực tiếp đến thăm thì cảm thấy rất bất ngờ, vinh dự…”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đến giường bệnh động viên, thăm hỏi Huyền Trâm, chỉ đạo các y, bác sĩ tập trung cao nhất để điều trị cho em. Chị Thùy Linh chia sẻ: “Tôi còn nhớ, lúc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vào thăm Trâm, lúc đó chị vui lắm. Chị rất muốn nói chuyện. Mặc dù mệt, chị cố bỏ chụp thở oxy ra rồi tâm sự với mọi người xung quanh như nhắn nhủ: “Từ trước đến giờ em luôn cố gắng. Cố gắng lắm. Cứ nghĩ là cố hết sức là được. Cháu cảm thấy cháu may mắn khi gặp được bác sĩ ở Viện K, họ vừa quan tâm lại vừa tình cảm. Có những lúc cháu đau quá, đau đến mức cháu không chịu được, thì các bác sĩ lại động viên, bảo cháu cố lên, vì con. Và những lúc muốn buông tay, nhưng thấy con cháu ngọ nguậy trong bụng, cháu lại không nỡ. Cháu cũng lo lắng cho con cháu lắm, bởi vì sinh ra non tháng quá nên sợ rằng mắt với tai có vấn đề gì không?...”.

Hôm qua, trao đổi với Lao Động, đại tá Ngô Hoài Thu - Chủ tịch Hội Phụ nữ Bộ Công an cũng nghẹn ngào: “Khi chúng tôi tới thăm Huyền Trâm ở bệnh viện, dù đã chuẩn bị những lời động viên chia sẻ thì chính chúng tôi cũng không ngờ rằng mình mới là người được Trâm động viên. Trâm khi đó bệnh ung thư đã vào giai đoạn cuối, có nói rằng: “Em bây giờ như ngọn đèn dầu sắp cạn rồi”, nhưng câu chuyện của Trâm chẳng khác nào đã tiếp thêm cho chúng tôi nghị lực về cuộc sống về những điều tốt đẹp nhất mà một người mẹ có thể mang lại cho cuộc đời này, là cháu bé mới sinh. Nhìn Trâm bình thản với những ngày cuối cùng của cuộc đời, chúng tôi như thắt lòng lại.

Dù biết Trâm rất kiên cường, dũng cảm, nhưng điều không may mắn rồi cũng đến. Ngày 27.7, người nhà Trâm báo Trâm mất, tôi đã khóc. Trong sự mất mát ấy, cháu bé con của Trâm dù sinh non cũng đã có những dấu hiệu tiến triển. Lãnh đạo Hội Phụ nữ Bộ CA đã vận động những chị em mới sinh gom sữa để cho cháu bé. “Chúng tôi sẽ coi con Trâm như đứa con chung của phụ nữ bộ và sẽ cố gắng giúp sức trong khả năng để cháu được khỏe mạnh, trưởng thành…”.

Đồng đội tiếc thương tiễn đưa Huyền Trâm.

Tin yêu gửi lại

Biết em không cầm cự lâu được nữa, các bác sĩ đã đưa Trâm đi gặp con. Trong lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng từ sau khi sinh, được nhìn thấy con, Trâm trò chuyện với con qua lồng kính. Em nói gì đó với con trai. Và dường như có một linh cảm đặc biệt, cậu bé tỉnh dậy, òa khóc. Huyền Trâm đã nén đau đớn, đã gắng hết chút sức lực còn lại của mình để hoàn thành thiên chức của người mẹ. Và em đã làm được. Không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết sự thiêng liêng của tình mẫu tử mà Trâm đã dành cho con.

17 ngày sau khi bé Gấu ra đời, người mẹ, thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm đã không thể gắng gượng, trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà. Trái tim người mẹ 25 tuổi ấy đã đập đến nhịp cuối cùng vì tình yêu thương và niềm tin yêu gửi lại cho bé trai Trần Gấu, cho người thân và cho mọi người. Người mẹ nhỏ bé ấy đã ra đi, nhưng để lại cho cuộc đời này viên ngọc vô giá của tình mẫu tử, đức hy sinh của người mẹ đối với con cái; chấp nhận chịu đựng tất cả những đau thương, mất mát, để dành phần tươi đẹp, hạnh phúc cho thế hệ mai sau. Đó cũng là đạo lý, sức sống của dân tộc này, để trải qua bao binh lửa, bão dông, vẫn sinh sôi, trường tồn, “chẳng may thân gãy cành rơi, còn nguyên cái gốc truyền đời cho măng”.

QUANG ĐẠI
TIN LIÊN QUAN

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biếu Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ?

ANH THƯ |

Dịp cuối năm, nhiều gia đình lại "đau đầu" suy nghĩ biếu Tết bên nội, bên ngoại ra sao cho phù hợp, tỏ lòng hiếu thảo với bậc sinh thành.