Lấy làng làm gốc

Thanh Hải |

"Giữ được làng truyền thống là giữ được văn hóa. Giữ được văn hóa thì giáo dục con người sẽ thành công. Vì vậy, muốn phát triển bền vững, việc đầu tiên là phải quy hoạch, sắp xếp và xây dựng lại làng truyền thống". Đó là tâm huyết, là lý luận mà lãnh đạo huyện Tây Giang - Quảng Nam (với hơn 95% dân số là người Cơ Tu), làm cơ sở để tạo dựng được hơn 70 mặt bằng mới, sắp xếp dân cư, xây dựng lại làng truyền thống trên tổng số 92 làng đồng bào Cơ Tu ở toàn huyện. Những tiêu chí, thiết chế xây dựng làng truyền thống Cơ Tu không mấy khác với những tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới đang triển khai rầm rộ khắp cả nước hiện nay...

Sau phiên họp giao ban trực tuyến với UBND tỉnh Quảng Nam, ngay ngày làm việc đầu tiên trong năm mới Đinh Dậu, lãnh đạo huyện Tây Giang đã đi về cơ sở. Các xã vùng núi cao, biên giới Axan, Tr'hy... là điểm đến đoàn công tác huyện chọn xuất hành. Chúng tôi đã theo chân họ.

Bình minh trên đỉnh mây ngàn

Buổi sáng mùa xuân, không khí ở thị trấn huyện lỵ Tây Giang chẳng khác mấy so với Sa Pa hay Đà Lạt. Sương sớm phủ mờ các ngả đường. Núi rừng trập trùng ẩn hiện dưới tầng tầng lớp lớp mây trắng, giống như chốn bồng lai. Trong cái lạnh se sắt dưới 13 độ, đi bộ dưới tán những cây hoa đào rừng vừa nở bung, những hàng thông lặng im nghe vi vu gió, mới thấy không khí xuân thật sự tràn ngập ở chốn núi rừng này.

Mây ngàn nhìn từ trên đỉnh Quế, Tây Giang. Ảnh: T.Hải

Bí thư huyện Tây Giang, Bh'riu Liếc thúc giục mọi người ăn sáng nhanh để kịp... đón bình minh trên đỉnh núi Quế. Ông Liếc - người được mệnh danh là "Chủ tịch huyện đi bộ nhiều nhất nước" với thành tích đi bộ đến 70 làng, bản (mỗi làng cách xa nhau 20 - 30km) trong vòng 6 tháng liên tiếp, ở thời điểm 2003 - 2006, khi Tây Giang chưa có đường ô tô, xe máy đến hết các làng - lúc nào cũng tiết kiệm thời gian. Dù bây giờ chỉ mất hơn 1 tiếng phóng ôtô là đến đỉnh Quế chứ không mất 2-3 ngày đi bộ đường rừng như xưa.

"Với độ cao 1.369m so mực nước biển, nhưng đỉnh Quế chưa phải là cứ điểm cao của Tây Giang. Gần đó, đỉnh Đỗ Quyên cao hơn 1.500m, nghĩa là xấp xỉ với Đà Lạt. Ngoài độ cao, khí hậu lý tưởng, thì Tây Giang còn hấp dẫn tuyệt đối bởi rừng núi còn nguyên sơ. Đặc biệt với rừng Pơ Mu với hàng ngàn cây cổ thụ mới vừa phát hiện... đang mở ra cơ hội làm du lịch sinh thái cho địa phương". Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang tranh thủ giới thiệu trong lúc dừng chân, vọng cảnh. Ông Linh nói, sau khi hoàn tất con đường nhựa nối trung tâm huyện lên các xã vùng cao, đến Tr'hy, thì đỉnh núi Quế trở thành điểm dừng chân ngắm cảnh của bất kỳ ai qua đây. Đỉnh Quế là một đoạn đường dài trên đỉnh đèo cao, ngăn cách khu vực phía đông và tây của huyện. Từ đây, có thể thoả mãn tầm mắt giữa trùng điệp rừng núi tứ phía trên đỉnh Trường Sơn. Nơi ngắm mặt trời mọc hay lặn đều cũng thấy chui lên từ mây ngàn. Khí hậu quanh năm ôn hòa. Chính vì vậy, từ năm 2014, anh Clâu Hạnh, một người dân gốc Tr'hy đã xây dựng một trạm dừng chân với 8 phòng nghỉ, nhà hàng để phục vụ du khách. Tuy chưa được quảng bá, giới thiệu rộng rãi, song khách du lịch thập phương, đặc biệt là các phượt thủ lứa tuổi sinh viên, tây balô kéo đến rất đông, hứa hẹn nhiều cơ hội làm dịch vụ, du lịch sinh thái cho người dân địa phương trong tương lai...

Làng Tr'hy phía tây đỉnh núi Quế

Tôi chợt nhận ra ý tưởng "dừng chân ngắm bình minh trên đỉnh Quế" mà ông Bh'riu Liếc gợi ý từ tinh mơ sáng nay là cũng có ý. Bởi ngay trên phòng lễ tân nhà khách UBND huyện, lãnh đạo huyện đã chủ ý trưng bày các sản vật địa phương như sâm ba kích, rượu ngâm đẳng sâm, tiêu rừng, mận núi... để vừa giúp dân bán hàng, vừa quảng bá cho du lịch sinh thái. Ngay lời mời những nhà báo chúng tôi tham gia một cuộc họp, vận động bà con làng A Banh, xã Tr'hy để giải tỏa nơi ở cũ, dồn về làng mới, sắp xếp theo kiểu truyền thống, cũng không ngoài mục đích cho chúng tôi tận mắt chứng kiến cách làm vì mục tiêu phát triển bền vững, biến Tây Giang thành huyện sinh thái trong tương lai. Bây giờ, tôi mới để ý kỹ, thấy dọc ven đường liên xã, thôn đều được trồng mới 2 hàng thông Caribe như một hình thức tạo dấu ấn riêng. Tại ngã rẽ các con đường dẫn vào làng, dù chỉ mới là lối mòn giữa rừng núi, song đều được lắp bảng chỉ đường cẩn thận như bảng tên đường phố. Lãnh đạo huyện Tây Giang - những người con của đồng bào Cơ Tu bản địa đã có cách yêu, hành động hết sức tinh tế, cụ thể đến từng chi tiết, vì quê hương của mình.

Dời làng, giải tỏa... 0 đồng

Quá trung tâm xã Tr'hy chừng 2km, thêm chừng cây số đường đất gập ghềnh, chúng tôi phải dừng chân bên suối để đi bộ vào làng A Banh 2. Con suối mùa xuân đã thay màu xanh biếc, hai bên bờ tre lồ ô mọc thẳng đứng, làng A Banh chênh vênh trên nửa lưng đồi, quay mặt ra con suối, đẹp như một bức tranh thủy mặc. "Yên bình là thế, đẹp là thế, vì sao phải vận động dân ra mặt bằng mới để xây dựng lại làng?"- tôi buột miệng hỏi ông Bh'riu Liếc như một sự phản đối. Ông Liếc không phủ nhận, chỉ giải thích rằng, làng A Banh 2 đẹp thật, nhưng chúng ta phải đi bộ gần 2km mới vào đến. Mùa xuân đẹp thế đấy, nhưng mưa chỉ vài cơn là làng bị cô lập. Mùa lũ không thể tiếp viện được cho dân trong này. Chưa kể bà con bị ốm đau, tai nạn thì rất khó đến bệnh xá cấp cứu. 53 hộ dân với hơn 200 người hiện dựng nhà ven suối, trên đồi, không quây quần được quanh nhà gươil như làng truyền thống của người Cơ Tu.

Làng A Banh 2, xã Tr'hy  nằm giữ thung lũng, bao bọc bở các lũy tre lồ ô

Từ xưa nay, người Cơ Tu quây quần bên nhau, sống trong nhà sàn. Nhiều nhà tạo nên làng. Làng là một tổ chức tự quản, gần gũi, đùm bọc, chở che nhau, đoàn kết, thống nhất thành một khối chặt chẽ. Đây là yếu tố tiên quyết để làng trường tồn và phát triển trong điều kiện sống khắc nghiệt, nghèo khó giữa chốn rừng sâu, núi thẳm đầy bất trắc, đầy âm khí và thú dữ. Xưa, làng được lập trên con đất tự nhiên, nhưng phải cao ráo, bằng phẳng, hình tròn hoặc bầu dục, có tầm nhìn thoáng rộng, dễ quản lý, bảo vệ và gần nguồn nước. Vòng ngoài là nhà dân, giữa là nhà gươil, xung quanh là lũy tre . Mọi nhà đều hướng mặt tiền vào gươil.

Gươil là nơi tập trung linh hồn sống của một làng người Cơ Tu

Nếu như làng của người Kinh có đình, thì ngươi Cơ Tu chính là gươil. Gươil là nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng, tổ chức việc làng... như một đơn vị hành chính nhà nước cấp thấp nhất. Ngoài ra, gươil còn là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục con cháu, lưu giữ những vật hiến tế, cúng bái, nơi tiến hành các nghi lễ truyền thống. Đôi khi cũng là "tòa" để xem xét, xử lý các tranh tụng dân sự trong làng. Nói chung gươil là nơi thiêng liêng nhất, tập trung linh hồn sống của một làng. Người vi phạm luật tục, có tội không dám nói dối khi bị đem ra gươil xét hỏi... 

Nhưng do chiến tranh, loạn ly, do thói quen du canh, đi theo con đất mới làm rẫy, nhiều làng Cơ Tu đã không còn giữ được không gian truyền thống của làng, ở phân tán. Không giữ được làng truyền thống là có nguy cơ mất bản sắc văn hóa và không giáo dục được con cháu. Bởi vậy, chủ trương huyện là phải lập lại toàn bộ mặt bằng, xây dựng lại theo truyền thống cho 92 làng hiện có của người Cơ Tu Tây Giang. Đến nay, đã lập lại được 70 làng mới. Tất cả đều gần đường giao thông, ô tô đến tận gươil. Làng cũng gần trung tâm y tế, đồn biên phòng, đường dây điện, nguồn nước và đặc biệt là gần các trường học. Ông Bh'riu Liếc đã mất khá nhiều thời gian để giải thích cho chúng tôi. Và đấy cũng chính là cách mà ông đã nói với lũ làng, với bà con Cơ Tu quê hương mình. Việc vận động bà con bỏ nơi ở cũ, phân tán, tập trung ra những khu làng mới, không chỉ đỡ tốn kém rất nhiều đến nguồn kinh phí mà Nhà nước lẽ ra phải chi để xây dựng "đường, điện, trường, trạm" đến với họ, mà chính quyền cũng đỡ tốn kinh phí trong vận hành, quản lý nhà nước tại địa phương. Chưa kể, cho đến thời điểm này, 100% trên tổng số hơn 70 làng tái lập mà lãnh đạo huyện Tây Giang vận động đều được bà con ủng hộ miễn phí. Nghĩa là toàn bộ đất ruộng, nương rẫy, rừng trồng... của dân đều hiến, không nhận tiền đền bù khi Nhà nước thu hồi để san lấp mặt bằng, tái bố trí dân cư. Ngay việc tháo dỡ nhà cũ, di dời đến làng mới, người dân cũng không đòi hỏi hỗ trợ mà tự bỏ công giúp nhau dời nhà. Nhiều hộ thậm chí bỏ nhà cũ, ra làng mới dựng lại nhà, nhưng cũng không hề đòi Nhà nước đền bù. Vì vậy, mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Tây Giang đang rất khả quan.

Làng truyền thống cơ tu thường hình bầu dục, các nhà dân quây quần , hướng về gươil

Buổi sáng đầu năm, làng A Banh 2 tiếp đoàn cán bộ huyện bằng những câu chuyện thăm hỏi rôm rả, tiếng cười nói, vỗ tay vang cả một góc rừng. Tôi không hiểu gì, bởi họ nói với nhau bằng tiếng Cơ Tu. Nhưng nhìn những nét mặt rạng rỡ, những cái ôm thắm thiết giữa dân làng và cán bộ huyện, cho thấy cuộc vận động đã thành công với sự thống nhất cao. Bữa trưa  với canh rau rừng, ếch suối, thịt heo rừng, sắn xào và rượu tà vạt, từng món đó là từng tấm lòng đầy trân quý của các gia đình trong làng mang lên gươil đãi khách. Ngoài rừng, nắng vàng ươm như mật ong dát qua rặng núi, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Đất là nơi anh đến trường/nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi ta hò hẹn...". Vâng, chỉ cần yêu mến làng quê, yêu mến nhau trong mỗi ngôi làng như đồng bào Cơ Tu, tất sẽ có tình yêu đất nước nồng nàn, thắm thiết, vững bền nhất, như cách "lấy làng làm gốc" của người Cơ Tu hôm nay.

Thanh Hải
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.