Kỳ tích... bệnh xá “đồ đá”

LỤC TÙNG |

Chỉ với dãy nhà “nửa cấp 4” đã tàn tạ, bên trong lơ thơ mấy y cụ lạc hậu và mấy món tự chế từ vật dụng thường ngày, nhưng các thầy thuốc ở Bệnh xá Quân - dân y đảo Thổ Châu (Trung đoàn 152 - Quân khu 9) đã cứu sống hàng trăm trường hợp từ tay thần chết. Kỳ tích này không chỉ chứng minh sức sáng tạo của đội ngũ “thầy thuốc bộ đội Cụ Hồ”, mà còn tạo thêm niềm tin để người dân và cán bộ, chiến sĩ an tâm bám đảo tiền tiêu, bảo vệ chủ quyền lãnh hải cuối trời nam tổ quốc.

Bệnh viện “đồ đá”

Nếu không có bảng hiệu mới tinh trước cổng, khó mà hình dung dãy nhà cấp 4 cũ kỹ và xuống cấp kia chính là Bệnh xá Quân - dân y đảo Thổ Châu (xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Bên trong lại đơn sơ đến se lòng. Thượng úy, bác sĩ (BS) Đinh Văn Sức - Trưởng bệnh xá - chia sẻ: “Ở đây thiếu nhiều thứ lắm”. Do vị trí đặc thù của xã đảo cách đất liền 200km nên bệnh xá phải tiếp nhận điều trị và cấp cứu tất tần tật các bệnh từ nhỏ đến lớn, từ bình thường đến nguy cấp… nhưng y cụ thì thô sơ thiếu thốn đến mức không còn chỗ để có thể thiếu thêm được. Thật tình, tôi không thể hình dung được chiếc giường inox mà các bệnh viện trong đất liền làm tiểu phẫu lại là dụng cụ hiện đại nhất trong phòng phẫu thuật của bệnh xá. Bởi các thiết bị còn lại gần như đã già nua, hết hạn sử dụng từ lâu. Điển hình là đèn chiếu phẫu thuật. Được cấp vào năm 2008, nhưng đèn sản xuất năm 1985, đã gỉ sét do môi trường nước biển. Trước khi phẫu thuật, êkíp mổ phải dùng khăn vô trùng phủ lên toàn thân đèn để tránh nhiễm trùng cho bệnh nhân.

 

Chiếc máy siêu âm thế hệ “mới nhận” cũng có “niên đại trắng đen”.

 

Dãy nhà “nửa cấp 4” này là nơi điều trị của bệnh xá. 

“Bệnh xá chỉ có duy nhất cái nồi hấp loại 20 lít, vì vậy, để tiến hành ca phẫu thuật ruột thừa, phải thực hiện trước ít nhất 5 mẻ hấp, tức mất từ 6 - 8 giờ đồng hồ” - BS Sức cho biết thêm: “Không có cả bình ôxy, máy tạo ôxy, máy Monitor và không có cả máu dự phòng…”. Trước đây bệnh xá có một máy siêu âm loại “xách tay” màn hình trắng đen. Vì đã cũ và xuống cấp, nên người sử dụng phải căng mắt ra nhìn mà đôi lúc vẫn khó đọc hết… Vậy mà tháng trước, cái máy thời kỳ “đồ đá” này đã vĩnh viễn ra đi sau sự cố chập điện từ hệ thống máy phát. Mới đây, bệnh xá được tài trợ máy siêu âm “niên đại trắng đen”…

Nhân đề cập đến điện, BS Sức không nén được thở dài. Do sử dụng điện từ hệ thống máy phát (nhiệt điện) nên Thổ Châu chỉ có điện khoảng 13 giờ/ngày-đêm: Ngày từ 7 - 15 giờ 30 phút, tối từ 17 - 23 giờ. Vì vậy nếu có ca phẫu thuật “trái giờ”, êkíp mổ phải sẵn sàng tâm lý… toát mồ hôi, vì công suất máy phát điện tại chỗ chỉ đủ để thắp đèn và quạt gió, không đủ sức “kéo” máy lạnh. Thậm chí ngay cả khi đủ điện, phải mất 45 - 60 phút khởi động, chiếc máy lạnh đời cũ mới làm mát phòng mổ. Anh bạn đồng hành vốn là BS công tác tại bệnh viện tên tuổi ở TPHCM đã nói vui: “Không chỉ “điên vì điện”, bệnh xá ở đây đơn sơ như thời kỳ đồ đá”.

Trong khó, ló khôn

“Hồi mới ra đây, em bị sốc” - trung uý BS Nguyễn Văn Hiền chia sẻ cảm giác những ngày đầu ra đảo công tác: “Thời sinh viên Học viện Quân y, từ y cụ đến thiết bị, cái gì cũng chuẩn không cần chỉnh, ở đây thì ngược lại”. Cũng giống như người dân vùng ngập lũ trong đất liền, sau thời gian đầu “lắc lư”, BS Hiền đã nhanh chóng hòa nhập, “chung sống” rồi “vượt lên chính mình”, cùng các đồng nghiệp chủ động chế tác nhiều dụng cụ thay thế. Không có phòng máy lạnh bảo vệ dược phẩm đúng quy chuẩn, BS Hiền cùng đồng đội dùng giấy báo che chắn các cửa sổ để giảm nhiệt từ bên ngoài dội vào. Không có tủ chứa y cụ, BS Hiền cùng đồng đội tận dụng bàn tiểu phẫu chất lên cao để chống ẩm… 

Thậm chí còn tự chế ra nhiều thiết bị, y cụ để phục vụ công tác điều trị. “Đáng nhớ nhất là việc tận dụng sắt vụn để “chế” ra hệ thống nước rửa y tế” - BS Hiền nhớ lại. Do nước ngầm, nguồn nước ngọt duy nhất có ở Thổ Châu trong mùa nắng bị nhiễm san hô nặng, không thể sử dụng vào các hoạt động y tế. Vì vậy sau thời gian mày mò, các thầy thuốc tận dụng sắt vụn rồi tự chế ra thiết bị “treo” bình nước lọc loại 20 lít, hoặc gắn vòi vào bình nhựa 30 lít rồi cho nước lọc vào để rửa các dụng cụ y tế.

Tuy nhiên từ những vật dụng tầm tầm này, các thầy thuốc của bệnh xá đã giữ lại nhiều mạng sống gần như đã nằm trong tay thần chết. Điển hình là trường hợp ngư phủ Huỳnh Văn Vũ (SN 1986, xã Đông Thái, An Minh, Kiên Giang) nhập viện ngày 12.4.2014 trong tình trạng viêm ruột thừa giờ thứ 29. Qua chẩn đoán, xác định đã viêm phúc mạc, khả năng tử vong cao nếu không mổ ngay, trong khi đó biển đang động, nếu thuê tàu mất hơn 16 giờ mới vào được bệnh viện đất liền… Vì vậy kíp trực xin ý kiến và tiến hành phẫu thuật. Đến ngày 17.4.2014, bệnh nhân hồi phục sức khỏe. Chuyện hoàn toàn có thật, nhưng không thật dễ tin nếu không trực tiếp mắt thấy, tai nghe. Ngay cả chuyên gia của Bộ Y tế cũng đã từng lớn… cái nhầm. BS Sức bùi ngùi nhớ lại: “Đúng dịp đó, có đoàn chuyên gia của Bộ Y tế đến thăm, khi nghe báo cáo về ca mổ thành công, một thành viên trong đoàn không tin: “Các cậu định treo đầu dê, bán thịt chó à?”. 

Nghe xong, anh em rất buồn, nhưng sau khi trực tiếp đến kiểm tra vết mổ, thăm hỏi bệnh nhân và người nhà, đoàn công tác đã thay đổi 180 độ, không chỉ hết hoài nghi mà còn không tiếc lời khen ngợi. “Chính những sáng kiến như vậy đã giúp đội ngũ thầy thuốc bệnh xá vượt qua thiếu thốn về thiết bị để thực hiện thành công nhiều ca điều trị cấp cứu đáng được gọi là kỳ tích” - đại úy BS Phạm Ngọc Hải - người vừa được Bệnh viện 121 tăng cường về đây theo đề án tăng cường chuyển giao kỹ thuật y học cho bệnh xá - khen ngợi những đồng nghiệp mới của mình. “Ra đây, chúng tôi chỉ chuyển giao kỹ thuật mới theo kiểu mài gươm cho bén thêm. Bởi lẽ, thực tế tay nghề các đồng nghiệp bệnh xá rất đáng nể phục. Giữa khó khăn, thiếu thốn, chẳng những không để xảy ra nhiễm trùng mà vết mổ lại đẹp, quả là trên cả tuyệt vời” - BS Hải nhấn mạnh.

“Từ mẫu”… áo xanh

“Bệnh xá đã sinh tôi lần thứ 2” - chị Nguyễn Thị Luận, 42 tuổi ngụ ấp Bãi Ngự (xã Thổ Châu) kể về ca phẫu thuật ruột thừa của mình. Chị Luận bị viêm ruột thừa giờ thứ 6, vỡ tràn ổ bụng. Trong khi đó, 2 ngày sau mới có chuyến tàu Thổ Châu - Phú Quốc, mà gia đình không có số tiền lớn (30 triệu đồng) để thuê tàu đưa chị vào bệnh viện trong đất liền. Gia đình đưa chị vào bệnh xá. Biết chị Luận nghèo, sống bằng nghề thợ hồ nuôi hai con ăn học nên bệnh xá tiến hành mổ nhanh mà không đòi hỏi bất cứ thủ tục nào. Sau khi cắt ruột thừa, lau ổ bụng và đặt ống dẫn lưu, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định thì BS Sức và êkíp mổ bước vào nỗi lo mới: Nhiễm trùng. “Do dịch tràn khắp ổ bụng mà điều kiện y cụ lại quá hạn chế, nên dù nỗ lực hết mình, chúng tôi vẫn lo đến mất ăn, mất ngủ” - BS Sức nhớ lại.

Đến ngày 9.1, sức khỏe hoàn toàn ổn định, chị Luận được phép xuất viện, nhưng gia đình chỉ có thể thanh toán được 3 trong tổng số 7 triệu đồng chi phí thuốc men… “Đến lúc này tôi mới cảm nhận hết tấm lòng lương y như từ mẫu của thầy thuốc bệnh xá” - chị Luận bồi hồi: “Biết gia cảnh của tôi, BS Sức động viên: Chị an tâm về tĩnh dưỡng… để vết thương sớm lành. Tiền thuốc, khi nào lao động trở lại, chị gởi sau”. Và đây không phải là trường hợp cá biệt. Trong sổ theo dõi của bệnh xá, danh sách “nợ” tiền kiểu này không ít với những mốc thời gian khác nhau. Có trường hợp kéo dài cả năm, thậm chí lâu hơn. Chuyện cứu sống, rồi cho bệnh nhân “nợ” tiền thuốc và tiền công (dù ít ỏi) của bệnh xá có lẽ nhiều người đã biết, nhưng “hậu trường” của nó thì không phải ai cũng tường tận và cảm nhận hết tình cảm chất chứa bên trong. Bởi lẽ, không như các thầy thuốc trong đất liền, các y bác sĩ, dược sĩ bệnh xá chỉ làm việc tại phòng khám, tức đây là khoản thu nhập thứ hai sau đồng lương của họ. Tuy nguồn thu này không lớn, nhưng việc chấp nhận cho người dân “nợ” không dễ làm nếu không có cái tâm “từ mẫu”.

Những ngày lưu lại Thổ Châu, tôi còn được nghe nhiều chuyện sống động về cái tình của những thầy thuốc áo lính. Mấy hôm trước, có cụ bà 80 tuổi mắc nhiều chứng bệnh hiểm nghèo: Suy kiệt, suy tim và viêm phổi nặng. Do con cháu đi làm ăn xa, nên gia đình nhờ bệnh xá kéo dài tuổi thọ chờ con cháu về. “Đây là việc làm vô cùng khó khăn trong tình cảnh “tay không bắt giặc”, nhưng với tất cả kinh nghiệm và tình cảm, êkíp trực đã đáp ứng được nguyện vọng của gia đình”…

 

LỤC TÙNG
TIN LIÊN QUAN

Bổ sung nguồn vốn gần 31,4 nghìn tỉ đồng cho Bộ Giao thông vận tải

Vương Trần |

Bộ Giao thông vận tải được bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển với số tiền là 31.392 tỉ đồng để bố trí kế hoạch vốn cho 5 dự án giao thông.

Tiến Linh xếp hạng 29, Son Heung-min giành Quả bóng vàng Châu Á 2022

AN NGUYÊN |

Tiền đạo Tiến Linh của tuyển Việt Nam xếp thứ 29 trong cuộc bầu chọn Cầu thủ hay nhất Châu Á 2022.

Thời tiết nồm ẩm, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng

Thùy Linh |

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần đầu tiên của năm mới Quý Mão 2023, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng cao hơn tuần trước đó.

Bảo hộ công dân Việt Nam sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ

Song Minh |

Ngay sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, Đại sứ quán Việt Nam đã liên hệ ngay với các chính quyền địa phương để tìm hiểu thông tin nhằm làm tốt công tác bảo hộ công dân.

Ăn chè miễn phí, ít nhất 88 người ngộ độc ở An Giang

Lâm Điền |

An Giang - Các thầy thuốc đang nỗ lực cứu chữa 4 bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm do ăn chè miễn phí.

50m có hơn 10 lối ngang tự mở qua đường sắt: Đâu ai muốn gặp nguy hiểm

Tô Thế |

Đi dọc tuyến đường Ngọc Hồi qua địa bàn thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội), chỉ khoảng 50m đã có hơn 10 lối ngang tự mở, gần như mỗi hộ dân ở đây đều có riêng cho mình một lối ngang qua đường sắt. Hầu hết người dân đều biết là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác đành liều mình đi qua.

Liên tiếp phát hiện hàng trăm cân ngà voi châu Phi nhập khẩu trái phép

Băng Tâm |

Ngày 6.2, tại cảng Lạch Huyện, Cục Hải quan Hải Phòng và Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Công an Hải Phòng phát hiện, thu giữ thêm gần 130 kg ngà voi châu Phi nhập khẩu trái phép.

Chồng nạn nhân tử vong do lật thuyền chưa biết vợ đang mang thai

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Ngày 6.2, Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp với Công an TPHCM xác định toạ độ vụ lật thuyền trên sông Đồng Nai khiến 12 người rơi xuống sông, 11 người được cứu sống, còn nạn nhân N.T.H (32 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa, ngụ phường An Bình, TP Biên Hòa) tử vong do đuối nước, để lại hoàn cảnh thương tâm khi người chồng phải chịu cảnh "gà trống" nuôi 2 con nhỏ.