Ra khơi mùa “biển độc”:

Kỳ cuối: Ngư dân Quảng Bình vẫn bươn sóng ra khơi...

Đăng Khoa – Phi Long |

Không như các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị hay TT–Huế, chỉ khuyến khích ngư dân không nên ra khơi đánh bắt hải sản ở khu vực biển dưới 20 hải lý, tỉnh Quảng Bình đã ban “lệnh” cấm biển. Dù những sự hỗ trợ ban đầu như gạo, tiền nhanh chóng được tỉnh Quảng Bình trao đến tận tay ngư dân giúp họ vơi bớt khó khăn trong những ngày cấm biển, nhưng vì hàng chục lý do khác nhau, ngư dân các làng biển Quảng Bình không chịu được cảnh “ăn không ngồi rồi” đã lại bươn sóng ra khơi...

  

 

Việc tỉnh Quảng Bình chưa rạch ròi "cấm - không cấm" ảnh hưởng rất lớn đến những ngư dân đánh bắt hải sản gần bờ. Ảnh: L.F.L 

“Cưới, giỗ, nợ ngân hàng, tiền mô ra?”

Trời vừa hửng sáng, chiếc thuyền câu mực của ông Hoàng Trung Năm (59 tuổi, thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) vội vã cập cảng cá Nhật Lệ sau một đêm ra khơi. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Hợi nhanh tay chuyển 6kg mực ống lên bờ bán cho thương lái đã đợi sẵn. Không có cảnh trả giá, giành giật, nâng lên đặt xuống như trước, bà Hợi bán vội số mực được 300 ngàn đồng rồi nhanh chóng thu dọn đồ đạc. Trên đường trở về nhà, đoán biết thắc mắc trong suy nghĩ của chúng tôi, ông Năm cười hề hề: "Cuối tháng vừa rồi, khi cá lại chết dạt bờ, tỉnh Quảng Bình đưa ra lệnh cấm biển. Chừ đi lén, đi chui cũng lo lo", ông Năm nói. Ông Năm nhỏ thó, đen nhẻm, đầu tóc rối tinh, đôi chân cà thọt, nhưng bù lại hiếm thấy người thứ hai vui tính như ông. Ông Năm kể rằng từ ngày cấm biển, chính quyền, công an canh giữ rất nghiêm, nhưng được vài hôm, những chiếc thuyền lộng thôn Trung Bính đã lén ra khơi câu mực. "Đáng ra vợ chồng tui chưa trở lại biển mô, nhưng vì cái ông Sa (ngân hàng Sacombank) ngày mô cũng đòi tiền lãi. Cách đây gần một tuần, cán bộ ngân hàng dọa về phát mãi ngôi nhà. Bí quá tui phải ra biển chứ ngồi ở nhà ruột gan nóng bừng bừng không chịu thấu", ông Năm rầu rĩ và cho rằng mình không còn lựa chọn nào khác.

Ngót nghét bốn mươi năm bám biển, ông Năm là người đầu tiên ở xã Bảo Ninh đóng tàu đánh bắt xa bờ. "Năm năm trước, tui bị tai nạn giao thông, suýt chết, phải bán tàu ở nhà. Ăn, nằm riết rồi nhớ biển, phần nữa không ra biển không biết lấy chi ăn nên vợ chồng bàn nhau đi thế chấp nhà, vay 200 triệu đồng đóng thuyền, mua ngư lưới cụ đi lộng câu mực, thả lừ nhưng cũng chỉ đủ sống qua ngày", ông Năm kể. Đã ba năm qua, ông Năm chưa trả được vốn, nhưng điều ông lo nhất là khoản tiền lãi ngân hàng 1,8 triệu đồng mỗi tháng không biết xoay xở ra sao nếu bị cấm biển dài ngày. Trưởng thôn Trung Bính, ông Nguyễn Thanh Bình nói rằng tình hình như hiện nay đã ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống bà con ngư dân. Thôn Trung Bính có 28 tàu cá, trong đó có 12 tàu xa bờ phải nằm bờ vì hải sản đánh bắt về rớt giá, lỗ vốn. "Riêng 12 chiếc thuyền lộng trong diện cấm ra khơi, nhà nước hỗ trợ trước mắt mỗi khẩu 15kg gạo. Sắp tới đây sẽ hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu đồng, tui lên danh sách niêm yết xong xuôi rồi. Tuy nhiên, mấy ngày vừa rồi, cứ tối tối là bà con giong thuyền đi câu mực chui", ông Bình nói.

Ngư dân Trần Dọng (thôn Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nói với chúng tôi bằng chất giọng tếu táo, đầy mâu thuẫn, nhưng chát chua của người miệt biển: "Chừ nhà nước cấm tui vẫn phải ra biển, ở nhà gạo mô để ăn, thiệp đám cưới dắt ngoài hàng rào lấy tiền mô ra", ông Dọng nói. Chúng tôi hỏi ông có ăn mực, cá do mình tự tay bắt được không, ông Dọng không ngần ngại trả lời: "Con mực Nhân Trạch nổi tiếng ngon, ăn sống ngọt không tả nổi, nhưng hai chục ngày ni tui không đụng đũa vì sợ độc. Chừ bắt mực về giá bán chỉ bằng một nửa...", ông Dọng nói rồi lật mở tập vở học sinh được ông đặt tên là "nhật ký đi biển", ghi chi chít ngày, tháng, giá mực, số tiền kiếm được sau những chuyến ra khơi. "Như mùa biển năm ngoái, trừ chi phí cha con tui kiếm được 50 triệu đồng. Năm trước nữa thì khá hơn, 60 triệu. Năm ni ngán quá tui không ghi nhật ký nữa", ông Dọng cho hay.

Cần rạch ròi giữa "cấm - không cấm"

Ông Nguyễn Khắc Tân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhân Trạch, thẳng thắn nói rằng người dân trên địa bàn trong thời gian cấm biển vừa qua vẫn ra khơi, xã không thể ngăn cấm được họ vì "ở nhà không biết làm ăn kiểu gì". Xã Nhân Trạch có 270 phương tiện đánh bắt gần bờ. Vụ cá bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài cho đến tháng 7. Sang tháng 8, phần lớn ngư dân Nhân Trạch đã phải treo thuyền trên bờ. "Mỗi chiếc thuyền nuôi sống 3-4 lao động trong nhà. Tình hình bây giờ giá cả hết sức bấp bênh, thu nhập của bà con ngư dân ít đi, xót xa lắm", ông Tân khẳng định không thể cấm biển dài ngày vì sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân địa phương. Ông Tân đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình cần làm rõ việc hải sản của ngư dân đánh bắt vào đã an toàn chưa, nếu an toàn thì phải giúp dân tìm đầu ra, ổn định giá cả chứ không thể cấm biển.

 

Ngư dân Trần Dọng (trái) nói rằng ông vẫn phải ra khơi câu mực về bán, dù bản thân không dám ăn. Ảnh: Đ.K 

Liên quan đến vấn đề khai thác thủy hải sản gần bờ, trong công văn ngày 29.4 của UBND tỉnh Quảng Bình về việc xử lý sản phẩm hải sản khai thác trên địa bàn gửi Sở NNPTNT tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã đã nêu rõ “tiếp tục chỉ đạo cấm các tàu cá đánh bắt ở cá vùng biển gần bờ”. Tuy nhiên vào ngày 5.5, ông Phan Văn Khoa – Giám đốc sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình đã ký công văn gửi UBND các huyện, thị ven biển về việc hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật tạm thời trong khai thác, nuôi trồng thủy sản. Công văn hướng dẫn “đối với hải sản được khai thác trong vùng biển 20 hải lý trở vào phải được sự giám sát hải sản an toàn bằng cách lấy mẫu thường xuyên để phân tích các chỉ tiêu theo quy định. Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản tổ chức giám sát hải sản khai thác trong vùng 20 hải lý và đề nghị bà con ngư dân hạn chế khai thác thủy sản trong vùng này”. Ngày 10.5, ông Trần Đình Du – Phó giám đốc sở này nói rằng công văn trên của Sở NNPTNT tỉnh là thực hiện theo công văn của Bộ NNPTNT về việc hướng dẫn các biện pháp cấp bách ứng phó với hải sản chết bất thường tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Thực tế vào chiều 10.5, Đồn Biên phòng Nhật Lệ (TP.Đồng Hới) cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, lực lượng BĐBP tiếp tục tuyên truyền ngăn chặn không cho các ngư dân ra đánh bắt thủy hải sản ở vùng biển gần bờ.

Liên quan đến vấn đề tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ, ông Nguyễn Thanh Điệu – Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới cho biết, ngư dân địa phương vừa cập bờ chuyến đánh bắt xa khơi đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ việc cá chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân. Các cơ quan chức năng dù đã rất nỗ lực trong việc tổ chức thu mua cho ngư dân nhưng cá lại được bán với giá quá rẻ, chỉ bằng khoảng 1/2 so với bình thường. “Ngư dân chừ đi đánh bắt cá vùng biển xa về thu không đủ bù lỗ, nên sau chuyến ra khơi đầu tiên, ai cũng băn khoăn có nên tiếp tục ra khơi nữa không. Không đi thì nhớ biển, đi thì lỗ, nên chúng tôi muốn nhà nước làm răng để ổn định giá khi ngư dân đánh bắt về. Chứ đi về mà tiền thu về không đủ bù tiền chi, răng mà ngư dân tiếp tục ra khơi được” – ông Điệu nói.

Để giải quyết khó khăn cho ngư dân địa phương, UBND tỉnh Quảng Bình đã có chính sách hỗ trợ khẩn cấp, tạm thời trong khi đợi sự hỗ trợ từ Chính Phủ. Cụ thể: Tạm ứng 500 tấn gạo từ nguồn dự trữ gạo Quốc gia, khu vực Bình Trị Thiên để hỗ trợ cho ngư dân các huyện, thị xã, TP ven biển bị ảnh hưởng. Khi có gạo hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh sẽ khẩn trương cấp bù, đủ số lượng với định mức hỗ trợ: 15kg/khẩu/tháng x 1.5 tháng; tạm ứng nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2016, số tiền gần 2,7 tỉ đồng để hỗ trợ cho ngư dân có tàu khai thác gần bờ bị thiệt hại do ảnh hưởng cá chết với mức 1 triệu đồng/1 tàu. Khi có nguồn hỗ trợ từ Chính phủ, tỉnh sẽ cấp hỗ trợ bù, đủ mức 5 triệu đồng/tàu. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng đã được hỗ trợ và tiếp tục cần được hỗ trợ gạo; rà soát, báo cáo danh sách cụ thể theo từng hộ, số lượng tàu thuyền của hộ ngư dân khai thác gần bờ bị thiệt hại do cá chết cần hỗ trợ và yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP trực tiếp chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra sai sót.
Đăng Khoa – Phi Long
TIN LIÊN QUAN

Kỳ 3 loạt phóng sự “Ra khơi mùa “biển độc”: Xác xơ mùa biển lặng

Đăng Khoa - Hữu Long |

Gặp nhau khi thuyền lướt đôi, lão ngư Trần Dũng hỏi với: “Có chi chưa?”. Ông Khanh đáp: “Đủ bữa ăn, chú thì răng?”; “Được 2 con thôi (2 con mực nang), lỗ dầu rồi Khanh ơi”, ông Dũng than thở rồi nặng nhọc kéo từng mảnh lưới lên thuyền.

Kỳ 2: Ra khơi mùa “biển độc“: Vướng nợ vì biển giả

LÂM HƯNG THƠ |

“Biển bạc không còn như xưa nữa. Biển đang dần trở thành biển giả*. Ngư dân bị giằng mất miếng cơm manh áo, tới đây không biết lấy gì để sinh sống” - anh Hồ Văn Lạng - người thuyền trưởng 37 tuổi, nhưng đã có đến hơn 20 năm đi biển, chua chát nói.

Ra khơi mùa “biển độc” - Kỳ 1: Chát đắng mồ hôi ngư dân trên biển Vũng Áng

QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN |

Biển là không gian, là nguồn sống của hàng triệu ngư dân miền Trung. Nhưng thảm nạn cá chết xảy ra hơn 1 tháng qua khiến cả ngư dân đi biển lẫn người kinh doanh trên bờ điêu đứng theo. Để thấu hiểu, chia sẻ nỗi thống khổ của người dân miệt biển miền Trung trong những ngày khốn khó này, phóng viên Báo Lao Động ra khơi cùng ngư dân trong những ngày “biển không lành”...

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỳ 3 loạt phóng sự “Ra khơi mùa “biển độc”: Xác xơ mùa biển lặng

Đăng Khoa - Hữu Long |

Gặp nhau khi thuyền lướt đôi, lão ngư Trần Dũng hỏi với: “Có chi chưa?”. Ông Khanh đáp: “Đủ bữa ăn, chú thì răng?”; “Được 2 con thôi (2 con mực nang), lỗ dầu rồi Khanh ơi”, ông Dũng than thở rồi nặng nhọc kéo từng mảnh lưới lên thuyền.

Kỳ 2: Ra khơi mùa “biển độc“: Vướng nợ vì biển giả

LÂM HƯNG THƠ |

“Biển bạc không còn như xưa nữa. Biển đang dần trở thành biển giả*. Ngư dân bị giằng mất miếng cơm manh áo, tới đây không biết lấy gì để sinh sống” - anh Hồ Văn Lạng - người thuyền trưởng 37 tuổi, nhưng đã có đến hơn 20 năm đi biển, chua chát nói.

Ra khơi mùa “biển độc” - Kỳ 1: Chát đắng mồ hôi ngư dân trên biển Vũng Áng

QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN |

Biển là không gian, là nguồn sống của hàng triệu ngư dân miền Trung. Nhưng thảm nạn cá chết xảy ra hơn 1 tháng qua khiến cả ngư dân đi biển lẫn người kinh doanh trên bờ điêu đứng theo. Để thấu hiểu, chia sẻ nỗi thống khổ của người dân miệt biển miền Trung trong những ngày khốn khó này, phóng viên Báo Lao Động ra khơi cùng ngư dân trong những ngày “biển không lành”...