Kỳ 3 loạt phóng sự “Ra khơi mùa “biển độc”: Xác xơ mùa biển lặng

Đăng Khoa - Hữu Long |

Gặp nhau khi thuyền lướt đôi, lão ngư Trần Dũng hỏi với: “Có chi chưa?”. Ông Khanh đáp: “Đủ bữa ăn, chú thì răng?”; “Được 2 con thôi (2 con mực nang), lỗ dầu rồi Khanh ơi”, ông Dũng than thở rồi nặng nhọc kéo từng mảnh lưới lên thuyền.

Biển vắng giữa vụ chính

3 giờ sáng, nhà lão ngư kỳ cựu Nguyễn Cò (69 tuổi, thôn Cự Lại Đông, xã Phú Hải, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đèn điện sáng trưng. Hơn chục con người ngồi trên chiếc chiếu sờn cũ, rách toe 4 góc trải giữa nền gạch vừa uống trà, vừa rít thuốc và nói về cuộc sống những ngày “biển chết”, cá, mực, ghẹ biển ban cho vừa ít ỏi, giá rẻ như cho bằng chất giọng bi quan, khi gắt gỏng cùng những cái thở dài nghe thật buồn bã.

Nửa tháng treo thuyền, ngày 6.5, họ lại ra khơi

Lão Cò đưa ánh mắt dò xét rồi hỏi: “Chú mi đã đi biển lần mô chưa? Mửa (nôn) chết”. Tôi chưa kịp đáp, lão tiếp: “Chú nghe danh “tàu không số” Cự Lại Đông chưa? Thuyền lambada đó, ra ngoài kia nó nhảy múa trên đầu sóng. Như tui ăn nằm trên biển mấy chục năm còn mửa gần chết. Tui không dọa mô nghe. Nếu chú muốn nếm khổ cùng dân đây cho biết thì cứ khoác áo lội vô (áo phao bơi) rồi đi”. Lão Cò quay sang nói với ngư dân Trần Khanh (47 tuổi): “Tàu chú mi to, máy mạnh, cho ông ni đi theo hí”. Ông Khanh lưỡng lự một lúc rồi cũng gật đầu đồng ý cho tôi đi theo. Ông Khanh chạy vội đi gọi thêm 2 người đi “bạn”, một tay xách can dầu, tay kia xách túi đựng 2 chai nước lọc, 4 gói mỳ tôm và gói thuốc lá rồi dắt tôi đi xuống biển. Tờ mờ sáng, biển Cự Lại Đông thưa thớt người. “Dân ở đây không có nghề thứ 2, đất đai không có để trồng cây, nuôi con, chỉ bám lấy biển. Mọi năm, tháng 4 biển lặng, cá, mực, ghẹ nhiều vô kể. Chuyến nào trúng mánh, trừ đi chi phí cũng có đồng ra đồng vô. Còn như bây giờ “hẻo” lắm, cá không biết đi đâu hết. Mười chuyến về lỗ tiền dầu hết tám chuyến. Kiểu ni mà kéo dài thì dân ở làng ni đói chứ chẳng phải chơi đâu”, nói rồi ông Khanh đặt chiếc túi bên mép nước, châm lửa đốt nhang, chắp tay, miệng lầm bầm khấn về phía biển.

Mặt trời vừa cưỡi trên đầu sóng, ông Khanh, ông Trần Hợi, ông Nguyễn Dân, cùng vài ngư dân khác và tôi, người gánh đầu, người đẩy đuôi chiếc thuyền xoay theo hình tròn, phải mất 12 vòng, chiếc thuyền mới chạm mép sóng. Thuyền nổ máy, chồm trên từng đầu sóng vươn khơi. Thi thoảng gặp con sóng to, chiếc thuyền chao đảo, nước biển nhảy tót qua mạn thuyền vào khoang. Ông Khanh trấn an: “Bình tĩnh, ngoài kia sóng êm hơn”. Chúng tôi neo trên vùng biển cách bờ gần 10 hải lý, nước biển màu ngọc bích, xa xa đường chân trời, những chiếc tàu hàng to lớn chậm rãi “trôi” về Nam - Bắc.

Việc đầu tiên, ông Khanh lôi từ dưới khoang thuyền lên chiếc bếp, chiếc ấm, đun nước nấu mỳ tôm cho cả 4 người chúng tôi lót dạ bữa sáng. “Giờ biển không có cá, anh em tui có mỳ ăn là tốt lắm rồi. Chú em chắc không quen với cảnh ni, nhưng ăn tạm kẻo đói, đến chiều vào bờ mới được ăn cơm”, ông Khanh bảo. Trên thuyền chỉ có 3 cái chén, 3 đôi đũa gãy khúc, ông Khanh nhường cho chúng tôi ăn trước. Ông Khanh kể, nghèo khổ, 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, ông vay mượn đủ bề mới sắm được chiếc thuyền cá không tên, không số hiệu, gắn máy 24CV từ một ngư dân trong xã với giá 30 triệu. Chiếc thuyền chỉ hoạt động vùng biển cách bờ 20 hải lý đổ lại. “Cá, ghẹ, mực ở vùng ni ngày càng thưa đi. Mỗi chuyến đi về chỉ đủ trang trải tiền dầu, ba người chia phần chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày thôi. Đánh bắt gần bờ không khá nổi đâu em à”, ông Khanh nói, rồi cả 3 người nhìn nhau bảo “khổ cũng phải kéo”.

Biển Đà Nẵng, ngày 8.5. Ông Nguyễn Bán (60 tuổi, trú quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) đồng ý cho chúng tôi lên tàu nhưng nửa đùa: “Đi chơi thì được chứ mùa này hải sản làm gì có mà… chụp ảnh”. Con tàu công suất chưa đầy 50CV chuyên đánh bắt hải sản từ 20 hải lý trở lại mà chúng tôi đang đi thuộc sở hữu của ngư dân Phạm Thủy (45 tuổi, em rể ông Bán). Ông Thủy cho biết, trước tin đồn nước biển Đà Nẵng nhiễm độc khiến người tiêu dùng lo lắng, tẩy chay mặt hàng thủy sản đã khiến hàng loạt ngư dân tại Đà Nẵng phải nghỉ biển. Trong tháng 4, tàu ông Thủy cũng treo lưới vì buôn bán ế ẩm. “Trước đây, thuyền tôi đánh bắt thường hơn 400kg hải sản mỗi ngày thu về khoản tiền chừng 5 triệu đồng. Trừ chi phí xăng dầu, bảo dưỡng tàu thuyền thì thu nhập mỗi người từ 500.000 - 1 triệu đồng/chuyến biển, nhưng giờ sản lượng và giá cả thủy sản đều bị sụt giảm nghiêm trọng” - ông Thủy chia sẻ.

Tôm cá ít bất thường

Gần nửa giờ rút, lưới rỗng không, ông Dân thở dài, nói giọng rầu rầu: “Răng lạ ri Hợi hè”. Ông Hợi đáp: “Chú lên đổi cho thằng Khanh xem có hên hơn tý nào không”. “Ừ, để tao”, ông Dân đáp lời rồi đứng phắt dậy đi về phía mui thuyền. Chiếc thuyền vẫn thả trôi tự do theo lưới cá, lúc chồm lên trên đầu sóng, ngụp xuống như muốn hất người xuống giữa bể khơi. Bỗng ông Dân mừng rỡ, nói to: “Đây rồi chớ mô nữa”. Tay thoăn thoắt, ông cố kéo lưới thật nhanh đưa hai con mực nang, mỗi con nặng hơn 1kg lên khoang thuyền. Ông Khanh thả 50 tay lưới (chiều dài 1,5km), được chia thành 3 trộ (thả ở các khu vực khác nhau) được thả xuống biển từ chiều hôm trước. Kéo xong trộ lưới thứ nhất, ông Khanh nổ máy, chiếc thuyền lao vun vút đến khu vực biển xa để thả lưới, rồi tiếp tục kéo những trộ khác. Công việc cứ lặp đi lặp lại.

Gặp nhau khi thuyền lướt đôi, lão ngư Trần Dũng hỏi với: “Có chi chưa? Ông Khanh đáp: “Đủ ăn, chú thì răng?”; “Được 2 con thôi (2 con mực nang), lỗ dầu rồi Khanh ơi”, ông Dũng than thở rồi nặng nhọc kéo từng mảnh lưới lên thuyền. Ông Dũng ra khơi một mình. Ông kể rằng nhà neo người, thuyền nhỏ, không có vốn đầu tư lưới, ông chỉ làm một mình được tới đâu hay tới đó. “Nhiều đêm gác tay lên trán, không biết mượn mô ra chục, mười lăm triệu mua lưới. Như giờ, lưới rách gần hết, họ làm ra mười, mình chỉ được một thôi. Không làm thì lấy chi ăn”, ông Dũng nói.

Màn đêm đã ken dày chỉ còn nghe tiếng sóng vỗ thẳng vào mạn thuyền. Dưới ánh đèn, dàn lưới nặng khoảng 2 tạ được 3 người hì hục sửa soạn rồi thả xuống đáy biển sâu. Khoảng 23h, ông Thủy (chủ tàu Đà Nẵng) ra lệnh cho anh em cất lưới. Con tàu bỗng chao hẳn sang một bên bởi trọng lượng ước chừng 200kg của mẻ lưới vừa cất. Đổ ra, ngoài những loại tôm, cá nhỏ thì phần lớn đều là bùn, đất và rác thải. Đống thủy sản ngay sau đó được phân loại ra từng rổ lớn. Nét mặt trở nên đăm chiêu, ông Thủy giải thích: “Hôm qua, tôi thả cào tại vị trí cách bờ gần 17 hải lý nhưng tôm, cá cũng chỉ bằng khoảng 50% so với ngày thường. Đó là chưa kể vẫn xuất hiện những loài cá chết phân hủy không rõ nguyên nhân”.

Hôm ấy, trên đường trở vào bờ, ông Trần Khanh mới thật thà rằng ông chưa nghe được “lệnh” từ chính quyền là dân không được đánh bắt và ăn hải sản gần bờ. “Mực, ghẹ người ta vẫn thu mua bình thường, đem đi xuất khẩu hay nhà hàng khách sạn chi đó. Chừ cấm đi biển, con cái học hành, tiền mua gạo lấy mô ra”, ông Khanh nói. Ghẹ, mực được thương lái cân mua tại chỗ, tiền tươi. Sau một ngày ra khơi, ông Khanh, ông Hợi và ông Dân thu về gần 3 triệu đồng tiền bán ghẹ, mực. Còn gần 3kg cá bị từ chối mua, ông Khanh chia phần cho ông Hợi, ông Dân về kho ăn. “Cá chừ đem ra chợ bán cũng chẳng ai mua nên anh em tui chia nhau ăn hết. Ở biển không ăn cá thì ăn cái chi đây”, ông Khanh nói.

Những ngư dân Cự Lại Đông như ông Khanh, ông Hợi, ông Dân, ông Dũng... ngày mai vẫn đi về phía biển mà không còn sự lựa chọn nào khác nữa. Và khi tôi đang loay hoay nghĩ cách để tuần sau trở lại mang về cho nhà ông Khanh vài chục ký gạo thì nhận được tin báo của ngư dân này rằng hôm nay, ba anh em ông trở về trong khoang thuyền đúng 2 con mực nang. “Qua trúng, nay trật lất, chẳng khác nào đánh số đề em ơi”, chất giọng rè rè của ông Khanh qua điện thoại nghe buồn đến lạ.

Đăng Khoa - Hữu Long
TIN LIÊN QUAN

Kỳ 2: Ra khơi mùa “biển độc“: Vướng nợ vì biển giả

LÂM HƯNG THƠ |

“Biển bạc không còn như xưa nữa. Biển đang dần trở thành biển giả*. Ngư dân bị giằng mất miếng cơm manh áo, tới đây không biết lấy gì để sinh sống” - anh Hồ Văn Lạng - người thuyền trưởng 37 tuổi, nhưng đã có đến hơn 20 năm đi biển, chua chát nói.

Ra khơi mùa “biển độc” - Kỳ 1: Chát đắng mồ hôi ngư dân trên biển Vũng Áng

QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN |

Biển là không gian, là nguồn sống của hàng triệu ngư dân miền Trung. Nhưng thảm nạn cá chết xảy ra hơn 1 tháng qua khiến cả ngư dân đi biển lẫn người kinh doanh trên bờ điêu đứng theo. Để thấu hiểu, chia sẻ nỗi thống khổ của người dân miệt biển miền Trung trong những ngày khốn khó này, phóng viên Báo Lao Động ra khơi cùng ngư dân trong những ngày “biển không lành”...

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Khán giả Việt Nam tin thầy trò ông Park Hang-seo sẽ vô địch AFF Cup 2022

AN NGUYÊN |

Dù gặp bất lợi về mặt tỉ số so với đối thủ Thái Lan, nhưng người hâm mộ và cổ động viên Việt Nam vẫn tin vào một chiến thắng của thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo trên sân khách, qua đó giành ngôi vô địch AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kỳ 2: Ra khơi mùa “biển độc“: Vướng nợ vì biển giả

LÂM HƯNG THƠ |

“Biển bạc không còn như xưa nữa. Biển đang dần trở thành biển giả*. Ngư dân bị giằng mất miếng cơm manh áo, tới đây không biết lấy gì để sinh sống” - anh Hồ Văn Lạng - người thuyền trưởng 37 tuổi, nhưng đã có đến hơn 20 năm đi biển, chua chát nói.

Ra khơi mùa “biển độc” - Kỳ 1: Chát đắng mồ hôi ngư dân trên biển Vũng Áng

QUANG ĐẠI - TRẦN TUẤN |

Biển là không gian, là nguồn sống của hàng triệu ngư dân miền Trung. Nhưng thảm nạn cá chết xảy ra hơn 1 tháng qua khiến cả ngư dân đi biển lẫn người kinh doanh trên bờ điêu đứng theo. Để thấu hiểu, chia sẻ nỗi thống khổ của người dân miệt biển miền Trung trong những ngày khốn khó này, phóng viên Báo Lao Động ra khơi cùng ngư dân trong những ngày “biển không lành”...