Khúc tráng ca của một người thợ

LÊ TUYẾT |

Tôi gặp ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - trong một hội thảo về xu hướng phát triển nhiệt điện diễn ra ở Côn Đảo. Cao lừng lững, khuôn mặt hồng hào, nói cười rổn rảng đúng chất người thợ cả đời ăn gió nằm sương. Nếu không có cuộc trò chuyện với ông sau đó mà chỉ nghe bài tham luận của ông, tôi khó có thể tin được, ông đang ở độ tuổi U.80.

Bắt đầu bản nhạc cuộc đời bằng những nốt vui

Bắt đầu công việc của một công nhân trực tiếp, trải qua nhiều vị trí, hơn 50 năm theo nghề, bàn tay ông Thụ in dấu trên nhiều công trình lịch sử của đất nước. Nhắc lại những năm tháng đã qua, ông đúc kết: Tôi may mắn vì cả cuộc đời mình được tham gia chế tạo, lắp ráp máy móc. Đời người thợ của mình xem như không uổng phí.

Năm 1963, khi đó ông Nguyễn Văn Thụ đang học năm cuối Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Phát dẫn điện. Giai đoạn đó, miền Bắc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965) của Đại hội Đảng lần thứ III, ưu tiên giai đoạn đó là phát triển công nghiệp nặng, làm cơ sở để phát triển kinh tế. Những sinh viên như ông, sau khi hoàn tất chương trình học, được điều ra các công trường, làm công nhân trực tiếp sản xuất ít nhất một năm, được cơ sở nhận xét tốt rồi mới quay trở lại trường nhận bằng tốt nghiệp.

Ông được điều về Quảng Ninh, được sắp xếp vào một tổ sản xuất, trở thành công nhân lắp máy Nhà máy nhiệt điện Uông Bí - nhà máy nhiệt điện lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. “Tôi được trả lương công nhân 36 đồng/tháng. Lăn lộn ngày đêm ở công trường, ở lán trại, ăn uống thiếu thốn nhưng chúng tôi không thấy khổ mà trái lại còn lấy làm vinh dự vì được làm việc với các bác, các chú là công nhân bậc 5, bậc 6, được chỉ dạy cho những kiến thức thực tiễn mà ở trường mình chưa được học” - ông Thụ kể.

Đầu năm 1980, ông Thụ đang làm chỉ huy công trình Nhà máy Ximăng Hoàng Thạch thì được Bộ trưởng Bộ Xây dựng điều sang làm Tổng chỉ huy xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại I (nay là Cty CP Nhiệt điện Phả Lại - PV), khi đó ông 36 tuổi. Sau khi nhận lệnh điều động, ông Thụ được gửi sang Liên bang Xô Viết tu nghiệp 4 tháng tại Nhà máy Nhiệt điện Leningrad. Vừa về nước, ông đến thẳng công trường.

“Tôi đã biến áp lực đó thành một lợi thế. Gặp khó khăn gì tôi báo cáo trực tiếp, đồng chí tháo gỡ ngay” - ông Thụ chia sẻ. Tham gia xây dựng công trình thời điểm đó có khoảng 4.000 lao động, đời sống rất khó khăn. Trách nhiệm của người chỉ huy công trình là lo toàn bộ chỗ ăn, ở cho người lao động.

Ông Thụ đề xuất với ông Đỗ Mười (khi đó là Phó Thủ tướng) cung cấp lương thực, thực phẩm, tăng lương cho anh em với lời cam kết, đẩy nhanh tiến độ công trình. Ngay lập tức, ông Đỗ Mười yêu cầu các địa phương như Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng hỗ trợ lợn, gạo cho công nhân công trình. Tiền lương của thợ tăng lên, nhiều thợ bậc cao, lương cao gấp 3 lần lương của tổng chỉ huy.

“Bây giờ, mỗi khi nhìn lại những năm tháng đã qua, đặc biệt là những ngày mới bắt đầu vào nghề, vào đời, tôi luôn cảm ơn những năm tháng khó khăn đã rèn cho chúng tôi sức mạnh, ý chí, một thái độ sống tích cực biết vươn lên. Cuộc đời mỗi người như một bản nhạc, ta có quyền lựa chọn cho mình những nốt nhạc vui để bắt đầu” - ông Thụ chia sẻ.

Những cuộc hành quân theo dặm dài đất nước

Hơn 50 làm nghề, ông trải qua nhiều vị trí từ một người thợ đến giữ các vị trí quan trọng như Phó Tổng Giám đốc TCty Lắp máy Việt Nam hay Tổng Giám đốc TCty Cơ khí Xây dựng COMA, điều để lại cho ông nhiều ấn tượng có lẽ là những cuộc hành quân từ Bắc chí Nam, xây dựng các công trình lịch sử, với những đoàn quân lên đến hàng ngàn người.

Sau công trình Nhiệt điện Phả Lại, ông và đội quân của mình lần lượt tham gia thi công lắp máy các công trình lớn như nhà máy Thủy điện Trị An, Sông Đà, xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam, 5 trạm biến áp trung gian dọc các tỉnh từ Nam về Bắc.

“Đều là lắp các tổ máy nhưng mỗi công trình đều có những khó khăn riêng. Như đối với Thủy điện Sông Đà Hòa Bình, các tổ máy phải đặt trong hầm sâu để đề phòng chiến tranh. Còn tham gia lắp máy cho Thủy điện Trị An, tôi đưa lực lượng lắp máy từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc vào. Đây là công trình trọng điểm dành cho miền Nam sau ngày đất nước thống nhất nên những người thợ như chúng tôi càng phải nỗ lực hết sức mình” - ông Thụ chia sẻ.

Khi đưa thợ từ các tỉnh vào miền Nam, yêu cầu tiên quyết đối với người chỉ huy chính là phải lo được chỗ ăn, ở cho anh em. Khi công việc ổn định, các anh em thường đưa người thân vào cùng, có người ở lại miền Nam lập nghiệp. “Lúc đó, một lý do để anh em chịu đi cùng mình chính là cơ hội việc làm ở miền Nam đang rộng mở, những người thợ biết nghề có cơ hội để thể hiện mình” - ông Thụ đánh giá.

Không chỉ tham gia vào các công trình lớn, ông Nguyễn Văn Thụ khi đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước đã mạnh dạn đề xuất những kiến nghị tiết kiệm cho ngân sách, tháo gỡ khó khăn cho ngành cơ khí.

Khi thấy toàn bộ các nhà máy nhiệt điện do nhà thầu nước ngoài thực hiện từ các khâu đơn giản nhất, năm 2008, ông tập hợp 8 tổng công ty chuyên chế tạo thiết bị nhiệt điện kiến nghị lên Chính phủ tách việc ra, đảm bảo nội địa hóa để các doanh nghiệp cơ khí trong nước được tham gia xây dựng. Kết quả của những kiến nghị đó là sự ra đời của Quyết định 1791/QĐ-TTg phê duyệt cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện được xây dựng và đưa vào vận hành giai đoạn 2012-2025. Quyết định này đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp cơ khí trong nước.

“Với việc nội địa hóa 30% - 40% và nâng lên 50% dự án sẽ tiết kiệm được một chi phí rất lớn cho công trình. Bên cạnh đó, ngành cơ khí trong nước muốn phát triển phải có cơ hội để thực hành, làm việc” - ông Thụ nhấn mạnh.

Lấy tia lửa hàn làm pháo hoa đêm giao thừa

Gắn bó với máy móc, cả đời theo đuổi những công trình từ Bắc chí Nam, chia sẻ bí quyết để yêu và gắn bó với nghề, ông mỉm cười: Đó là tinh thần lạc quan. Công việc càng khó khăn, hoàn cảnh càng khắc nghiệt, người thợ càng phải lạc quan!

Ông Thụ nhớ lại: Giao thừa Tết Nhâm Tuất năm 1982, khoảng 4.000 công nhân đang làm việc tại công trường Nhiệt điện Phả Lại đã được thưởng thức pháo hoa được tạo nên từ… lửa hàn. Năm đó, trong kế hoạch thi công của đơn vị, công trường sẽ làm việc xuyên tết. Thời khắc chuyển giao năm cũ, đón năm mới, khi anh em đang thi công trên ống khói ở độ cao 200 mét, ông yêu cầu tăng thêm nhiều que hàn cho thợ, đốt, tạo thành từng chùm hoa lửa hàn chạy dài từ đỉnh ống khói, đổ xuống, sáng bừng như pháo hoa. Cùng với các ánh đèn chiếu sáng hàng nghìn watt, một vùng rộng lớn quanh ngã ba Lục Đầu Giang thêm rực rỡ!

Mặc dù được lệnh là làm việc xuyên tết nhưng sau ngày mùng một, ông Thụ lại cho anh em nghỉ 3 ngày, anh em có thể về quê. Ông nói: Tôi nghĩ, công việc vốn đã rất áp lực, ngày tết dù nghèo khó cỡ nào, người ta luôn muốn sum họp với gia đình. Muốn anh em dốc sức làm việc, phải để anh em thấy thoải mái.

“Đời người thợ gian nguy vô cùng! Càng áp lực, khả năng xảy ra tai nạn lao động càng cao. Đêm ở công trường, chỉ cần nghe chuông điện thoại là tôi giật mình, rồi không tài nào ngủ được. Đời làm chỉ huy của mình, trên một lần phải tiễn biệt những người thợ của mình. Với tôi, đảm bảo an toàn cho người thợ của mình là điều tiên quyết, sau đó mới đến tiến độ của công trình. Bởi sau lưng mỗi người thợ còn là một gia đình. Điều đó mới quan trọng hơn tất thảy”.

LÊ TUYẾT
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Kẻ thứ 3 - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9: Trẻ con luôn cần tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Cha mẹ ly hôn, gia đình không hoàn thiện, con trẻ dễ lâm vào tình trạng mất cân bằng do không được quan tâm chăm sóc toàn diện. Chính vì lẽ đó, “người thứ ba” là cha dượng hay mẹ kế sẽ luôn là đối tượng để các em gây sự và trút mọi hờn giận.

Văn Hậu có cơ hội dự ASIAD 19 cùng U24 Việt Nam

HOÀNG HUÊ |

Ban tổ chức Đại hội Thể thao Châu Á - ASIAD 19 chính thức chốt độ tuổi tham dự môn bóng đá nam. Theo đó, các đội tuyển được dùng cầu thủ thuộc lứa U24 và 3 cầu thủ quá tuổi.

Tổng thống Zelensky thừa nhận tiền tuyến Ukraina ngày càng khó khăn

Song Minh |

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky thừa nhận tình hình tiền tuyến ở phía đông đất nước đang trở nên khó khăn hơn và Nga đang tung thêm nhiều binh lính vào trận chiến.

Muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định phải quy định mức chiết khấu tối thiểu

Cường Ngô |

Nếu muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định thì không có cách nào khác là Nhà nước phải quy định mức chiết khấu tối thiểu. Đó là quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu khi góp ý sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu.

Cựu quân nhân hơn 30 năm cứu hộ người bị tai nạn giao thông

Tô Công |

Phú Thọ - Một cựu quân nhân tại huyện Đoan Hùng nổi tiếng gần xa với tấm lòng hiệp nghĩa, hơn 30 năm tự nguyện làm cứu hộ người bị tai nạn giao thông.

Lời khai của lái thuyền chở 12 khách đi chùa bị chìm khiến 1 người tử vong

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Chiều 5.2, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cảng vụ Đồng Nai và Công an TPHCM tiến hành điều tra nguyên nhân vụ chìm thuyền khiến 1 người tử vong. Bước đầu, tại cơ quan công an, lái thuyền khai, khi xảy ra tai nạn đã cùng phụ lái cố gắng đẩy những người trong thuyền ra bên ngoài. Trong đó, có một nạn nhân N.T.H vướng vào nơi chứa áo phao và ôm vào cột sắt trên thuyền nên không cứu được.

Quốc lộ 1A qua Quảng Ngãi, vừa sửa xong lại… hỏng

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Mặc dù được sửa chữa cách đây khoảng 1 tháng nhưng tuyến Quốc lộ 1, đoạn qua phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi lại tiếp tục xuống cấp, "ổ voi", "ổ gà" chi chít, trở thành những cái “bẫy” ám ảnh người tham gia giao thông.

Lấy phiếu tín nhiệm cán bộ: Có tiêu chí gương mẫu của bản thân và vợ, chồng

PHẠM ĐÔNG |

Một trong những tiêu chí được xem xét khi lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị là sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như trách nhiệm nêu gương; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...