Huyền thoại nối tiếp huyền thoại

Khắc Dũng |

Biết tôi có chút am hiểu về văn hóa dân tộc Mạ, anh Huỳnh Văn Đẩu - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) - điện thoại mời: “Cố gắng đi Đồng Nai Thượng với anh. Trước giờ, lễ hội ăn trâu thì nhiều nơi tổ chức, nhưng đây là lần đầu tiên huyện Cát Tiên phục dựng chính thức lễ hội truyền thống này của người Mạ nói riêng và người thiểu số Tây Nguyên nói chung...”.

Ngồi trên vai người khổng lồ

Bữa cơm đón khách có mặt hầu như đông đủ mọi người, từ dân làng đến cán bộ xã Đồng Nai Thượng và huyện Cát Tiên. Trên bàn tiệc, hầu hết là những món ăn được chế biến từ nguyên liệu rừng: Đọt mây, cá suối, lá bép, gạo lúa rẫy... Và dĩ nhiên là không thể thiếu rượu cần. Chị Năm Lôi (Điểu Thị Lôi) - dũng sĩ diệt Mỹ trong chiến tranh - “lệnh” cho tôi: “Phải “hai cần” đầy mới xóa được cái tội nhiều năm rồi không vào xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng”. Suốt mấy ngày lễ hội, chị Năm Lôi luôn “bắt” tôi lúc nào cũng “hai sừng đầy” cho trọn cái nghĩa, cái tình của kon Duôn (người Kinh) với kon Chau (người thiểu số) Mạ ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng.

Say khướt, tôi lăn ra bên tấm cót trên nhà sàn và ngủ. Gần sáng thức dậy, âm thanh đầu tiên vọng vào tai tôi là lời mời “nhu - nhô” (uống) của dân làng. Đêm nay là đêm lễ trọng và với người dân Đồng Nai Thượng, thời gian dường như không còn là một khái niện hiện hữu. Vừa mở mắt, tôi bắt gặp ngay nụ cười có phần móm mém của chị Năm Lôi. Lúc này, chị đã thay bộ quân phục bằng bộ quần áo ngày thường. Lại hai “sừng” đầy! Đến lượt anh Đỗ Đình Bốn - Trưởng Công an huyện Cát Tiên. Anh Bốn chưa kịp rít hết một “sừng” thì một người đàn ông người Mạ leo lên vai anh ngồi chễm chệ. Anh bạn đồng nghiệp trẻ tuổi ái ngại nói nhỏ vào tai tôi: “Sao lại hỗn vậy?”. Tôi cười: “Tục lệ đấy. Ai biết ngồi lên vai người lớn là người đó sẵn sàng làm được việc lớn hơn! Không phải lo lắng điều gì cả”.

Quả thực, nhìn cách một người trẻ tuổi như anh chàng K’Đôi (khoảng 35 tuổi) đang ngồi chễm chệ trên vai một người lớn tuổi như ông Trưởng Công an huyện Cát Tiên Đỗ Đình Bốn lúc này, nhiều người cảm thấy sốc. Nhưng tôi thì không, bởi đã quá nhiều lần chứng kiến. Anh Bốn vẫn bình thản cầm cần rượu. Uống xong phần mình, anh Bốn chuyển cần cho người “ngồi trên vai mình”. K’Đôi nâng cần và tu một hơi dài. Nhớ lại khoảng giữa những năm 80 của thế kỷ trước, tôi về Đạ Huoai và lần đầu tiên chứng kiến cảnh một thanh niên lực lưỡng ngồi trên vai một già làng uống rượu, tôi hỏi: “Sao lại phải ngồi trên vai già làng?”. Một già làng khác giải thích: “Thằng K’Men sẽ là già làng thay thế già K’Móp, chỉ vài cái mùa rẫy nữa thôi. Ấy là thằng K’Men nhận cái nhiệm vụ rất lớn của già làng K’Móp giao cho. Nó phải bản lĩnh, phải xông pha trên mọi mặt trận của dân làng này đấy”. Chuyện đứng trên vai già làng khiến tôi nhớ đến thiên tài Isaac Newton từng nói rằng: “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn, bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ”.

Lúa đã đầy bồ

Chân Mây là đỉnh núi phải vượt qua trước khi vào làng Đồng Nai Thượng. Đứng trên đỉnh Chân Mây nhìn xuống, buôn làng của người Mạ, người S’tiêng nép mình bên những triền núi quanh co, nhấp nhô. Những quả đồi thấp bây giờ đã phủ kín màu xanh của cây điều. Mấy chục năm rồi, cây điều xóa đói bây giờ đã già cỗi. Một cuộc cách mạng thành công rực rỡ vừa bước sang trang, nhường chỗ cho một cuộc cách mạng mới. Tổng già làng Điểu K’Lộc thức dậy thật sớm. Sáng nay, ông lãnh trọng trách điều hành toàn bộ lễ hội ăn trâu. Tôi tiếp cận với tổng già làng để tìm hiểu thêm về cây lúa của người Mạ. Già làng Điểu K’Lộc nói: “Bây giờ, những ngọn đồi xa ngọn đồi gần đều phủ kín màu xanh của cây điều. Nhưng, trong những khoảng rừng ấy, bà con vẫn giữ lại cho mình một khoảnh đất rộng để canh tác nương rẫy. Nương rẫy của bà con được trồng cây lúa mẹ (yang koi) là chính. Cùng với cây lúa là bầu, bí, rau, đậu...”. Già cười: “Nhưng muốn hiểu cái mir (rẫy), cái yang koi (lúa mẹ) của người Mạ thì kon Duôn phải hai cái sừng đầy trước đã”. Tổng già làng Điểu K’Lộc tỏ ra rất hài lòng trước việc kon Duôn là tôi hai “sừng” đầy mà vẫn mở được cuốn sổ ghi chép thủ sẵn trong túi áo trên.

Theo tổng già làng Điểu K’Lộc, vùng cư trú của người Mạ, người S’tiêng xứ này chủ yếu là canh tác lúa rẫy, nhưng cũng có những vùng thấp quanh năm có nước thuận tiện cho lúa mẹ trổ bông. Vùng lúa mẹ trổ bông dưới nước ấy gọi là vùng srê (khái niệm này giống như từ “ruộng” của người Việt). 

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là lúa mẹ của rẫy hay của ruộng đều phải được giữ cho trong sạch. Lại nhớ hơn hai mươi năm trước vào đây, tôi cùng một anh cán bộ người Kinh bứt trái bầu trồng trên phân trâu bên góc nhà vào luộc, mời mấy anh thanh niên người Mạ đến nhu lắc, mấy anh chàng chỉ nhu (uống) chứ không sar (ăn). Hỏi sao vậy, mấy thanh niên bảo trái bầu ấy bẩn lắm (!). Với lúa mẹ cũng vậy, hễ “cho ăn” cái phân là hạt thóc ấy “dơ”, nên không dùng được. Đây quả là một quan niệm khó đổi thay! Ấy nhưng, đã có một người tiếp tục làm được cái công việc mà trước đây Điểu Thị Lôi, Nguyễn Văn Quy đã làm. Đó là ông Bí thư, kỹ sư trẻ tuổi Đào Duy Mai, hay còn gọi là “Mai lúa”.

Không chỉ là hạt thóc

Hôm trước khi ăn sáng, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu và Bí thư Đồng Nai Thượng Đào Duy Mai “tính toán” với tôi: Để có 500kg gạo cho một khẩu người dân tộc thiểu số mỗi năm theo nhu cầu, nếu canh tác theo kiểu phát nương làm rẫy và đủ cho chu kỳ nương rẫy tái sinh thì mỗi người dân tộc thiểu số cần đến 10ha rừng. Trước kia, khi rừng núi còn bạt ngàn, phương thức canh tác lúa mẹ của rẫy hoặc ruộng như thế là khả thi. Nhưng nay, khoảng 1.500 khẩu người Mạ và S’tiêng vùng Đồng Nai Thượng này cần 15.000ha rừng để phát đốt và chọc lỗ, tra hạt? Bí thư Đồng Nai Thượng Đào Duy Mai nói: “Phải đưa cái lúa nước vào đời sống của bà con. Nhưng khó nhất vẫn là làm sao để cho bà con chấp nhận đưa cái phân xuống ruộng”.

Ở Đồng Nai Thượng, biệt danh “Mai lúa” không giống như “hai lúa” miền Tây, mà đây giống như một danh hiệu không chính thức. Với Mai, lúa nước cho đồng bào dân tộc thiểu số là nỗi trăn trở lớn nhất. Đó chính là cuộc cách mạng mới, sau cây điều của anh Hai Quy, chị Năm Lôi. Đó chính là huyền thoại nối tiếp của “Mai lúa” và tổng già làng Điểu K’Lộc ở xứ sở thần linh này. Bí thư Mai khẳng định với tôi: “Đến lúc này, dân làng Đồng Nai Thượng đã tự túc được lương thực. Bà con đã không còn phải lo nghĩ đến hạt gạo bỏ vào trong nồi mà nghĩ đến bữa cơm có món gì đó nhiều đạm hơn. Có điều, làm thế nào đó để việc sử dụng phân bón thành một “tục lệ” của bà con nơi đây”.

Trước nhất, ông Bí thư xã vận động những cán bộ cách mạng lão thành, những già làng như Điểu K’Lộc, K’Đố, Điểu Thị Lôi... làm trước để bà con nhìn vào đó rồi làm theo. Cái phân chuồng trong nhà già làng Điểu K’Lộc, trong nhà nữ xạ thủ uy tín Điểu Thị Lôi... không còn phải bỏ phí. Dân làng làm theo. Đến giờ, Đồng Nai Thượng đã có hơn hai chục hécta lúa nước được canh tác một cách bài bản dưới sự hướng dẫn của ông cán bộ người Kinh vừa là Bí thư xã vừa là kỹ sư nông nghiệp Đào Duy Mai. Nhưng trước hết, cán bộ Mai huy động toàn bộ lực lượng thanh niên trong làng cứ mỗi tuần bỏ ra một ngày để đắp đập, be kè, làm đất, vác đá ra khỏi các chân ruộng. Thanh niên hăng hái làm. Già làng cũng lăn xả vào. Bởi vậy, dân làng không ai làm ngơ.

Thế là đến giờ, mấy chục hécta lúa nước của Đồng Nai Thượng tốt tươi trước sự ngỡ ngàng đến rạng rỡ của dân bản. Ngày gặt lúa, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên Huỳnh Văn Đẩu chụp ảnh chung với dũng sĩ diệt Mỹ Điểu Thị Lôi cùng bà con dân làng. Ai ai cũng đều vui! Ngày trước, làm lúa rẫy, một gùi lúa tỉa xuống, bà con tuốt được khoảng 40 gùi hạt (tương đương năng suất 1,6 tấn, mỗi gùi khoảng 30kg). Bây giờ, làm ruộng có bón phân bài bản, mỗi hécta trung bình thu được 3 tấn. “Không chỉ hạt thóc đâu anh” - cán bộ Mai nói - “giờ, bà con biết bón cái phân chuồng là vui, là thành công rồi. Nhưng phải tiến xa hơn là hướng đến cây càphê, cây tiêu... Nếu cây điều trước đây là cây xóa đói với bước đệm sử dụng phân bón để thay đổi một cách làm nông thì cây lúa vừa rồi là cây chuyển đổi một phương thức canh tác. Trên cơ sở đó, Đồng Nai Thượng sẽ tiến đến cây làm giàu là càphê và tiêu. Giờ, tuy chưa nhiều nhưng trong làng cũng đã có một vài hộ bà con trồng cây càphê, cây tiêu... rất hứa hẹn. Gia đình tổng già làng Điểu K’Lộc là một điển hình”.

Giờ, xứ sở thần linh người Mạ Đồng Nai Thượng thóc đã đầy bồ, chả mấy ai còn nghĩ đến chuyện phải no cơm, nói như anh Mai - Bí thư xã - là làm sao để dân làng nơi đây làm giàu bằng hạt càphê, bằng hạt tiêu. Sẽ có một huyền thoại nữa nối tiếp ở xứ sở thần linh Đồng Nai Thượng này.

Tôi tin là như thế!

Khắc Dũng
TIN LIÊN QUAN

Trẻ dưới 18 tuổi đi làm thêm: Nên hay không?

THUỲ DƯƠNG - THIỆN NHÂN |

Với nhiều bạn trẻ đi làm thêm, tự kiếm tiền để tiêu cho các mục đích cá nhân là một nhu cầu khá phổ biến. Không đợi đến tuổi lao động, nhiều bạn trẻ dưới 18 tuổi đã dành một phần trong quỹ thời gian của mình để đi làm thêm kiếm tiền.

Lời khai của nghi phạm trộm 100 lượng vàng ở TPHCM

Anh Tú |

TPHCM  - Ngày 31.1, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02), Công an TPHCM cho biết, đang lấy lời khai đối tượng Phạm Văn Nu (37 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) để điều tra vụ trộm hơn 100 lượng vàng ở quận 12.

Hàng ghế đá dưới những gốc hoa sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Trong đợt cải tạo, chỉnh trang hè phố Nguyễn Chí Thanh vừa qua, dưới các gốc cây hoa sữa đã được bố trí ghế đá, thảm hoa,... làm cho tuyến phố này quang đãng và sạch đẹp trở lại.

Chợ bán đồ cúng, vàng mã lớn nhất TPHCM đông nghịt khách ngày vía Thần Tài

Anh Tú - Khánh Linh |

TPHCM - Chợ Thiếc (quận 11, TPHCM) là nơi chuyên bán đồ cúng từ vàng mã đến hoa, bánh kẹo, đặc biệt là các loại bánh chỉ có ngày vía Thần Tài mới có như bánh thuẫn, bánh bông lan cỡ đại, bánh đào tiên, bánh tổ... Ngày vía Thần Tài, khu bán vàng mã, đồ cúng ở thủ phủ chợ Thiếc tấp nập người dân đến mua các lễ vật về cúng, cầu mong một năm tài lộc, thịnh vượng.

Công viên Cầu Giấy có diện mạo mới, người dân thích thú đi bộ thể dục

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội - Nhiều người dân vui mừng khi hàng rào tại một số vị trí quanh Công viên Cầu Giấy được tháo dỡ để mọi người đều có thể dễ dàng tiếp cận.

Hoàng Anh Gia Lai đối diện án phạt nặng nếu bỏ V.League 2023

AN NGUYÊN |

Theo điều lệ giải đấu và quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai có khả năng đối diện với án phạt nặng nếu quyết định không tham dự V.League 2023.

Giá đất nền giảm sâu, giá căn hộ chung cư vẫn cao chót vót

Khương Duy |

Sau đại dịch COVID-19, giá đất nền đã được điều chỉnh về giá trị thực, gần như tương đương mức cuối năm 2021 khi chưa xảy ra cơn sốt đất. Trong khi căn hộ chung cư không nằm trong xu hướng giảm giá bán.

Xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội Không có vốn, doanh nghiệp lấy gì để xây?

Cẩm Hà |

Không chỉ gặp khó khăn trong quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mới phải dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH), các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng dẫn đến hiệu quả xây dựng NƠXH còn cách rất xa so với kỳ vọng.