Hoa sữa nồng nàn và làn sóng chặt bỏ

XUÂN NHÀN - NHIỆT BĂNG |

Làn sóng chặt bỏ cây hoa sữa trồng trên các tuyến đường phố cách đây hơn 10 năm đã và đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành, nhất là tại miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa... Lý do, người dân nhiều lần phản ứng vì mùi hoa sữa khiến họ ăn không ngon, ngủ không yên, thậm chí đổ bệnh.

Vì sao chính quyền lại không nhận ra sai lầm này ngay từ sớm, mà ngồi chờ cây hoa sữa thành... cổ thụ mới chặt bỏ, gây tốn kém, lãng phí nhiều tiền bạc và nhân công?

Ám ảnh

Hoa sữa trở thành “tội đồ”, đe dọa sức khỏe và đời sống người dân TP. Quy Nhơn (Bình Định) cách đây hơn 10 năm, khi những hàng cây trên đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Tăng Bạt Hổ, Lê Xuân Trữ, Nguyễn Du kịp phổng phao cao vút, trổ cành, phát tán xum xuê. Hoa sữa đồng loạt bung cánh, nở rộ vào mùa mưa.

Vì vậy, đến hẹn lại lên, quãng cuối năm, khi màu hoa phủ trắng trên cao, nhiều người có nhà trên những con phố lựa chọn trồng hoa sữa lại nơm nớp, quay cuồng đối phó mùi hương nồng nặc, đặc quánh đầy ám ảnh của nó. Chị Nguyễn Thị Hồng (nhà trên đường Nguyễn Thái Học) cho biết: “Khoảng thời gian đó, dẫu ở nhà hay lên cơ quan, cuộc sống của tôi cũng bị bủa vây bởi mùi hương đậm đặc đến nghẹt thở. Không mùa hoa sữa nào mà tôi và người nhà thoát khỏi chứng viêm mũi, đau đầu”.

 

Có bằng chứng giấy trắng mực đen nào chỉ ra “thủ phạm” du nhập cây hoa sữa về Quy Nhơn? Nhiều người nhớ loáng thoáng là có thời điểm, thành phố từng bị “mê hoặc” bởi những lời ca nồng nàn, lãng mạn rất phổ biến cách đây vài thập kỷ: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm... Có lẽ nào anh lại quên em...”.

Phó giám đốc phụ trách mảng cây xanh, Công ty CP công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn Châu Thị Hảo kể: “Cây hoa sữa xuất hiện chủ yếu bằng con đường tự phát. Những năm 1995 - 1997, Công ty giống lâm nghiệp vùng Nam Trung Bộ đưa về từ Hà Nội bán cho dân. Trước khi có quyết định phê duyệt chủng loại cây xanh vỉa hè của UBND TP. Quy Nhơn (tháng 4.2012), các hộ dân vẫn được phép lựa chọn, trồng, bảo vệ, chăm sóc cây xanh trước nhà. Bấy giờ, không chỉ Quy Nhơn mà nhiều đô thị khác ở miền Trung cũng vô cùng háo hức với loài hoa sữa. Và bởi tự phát nên việc hiện diện của hoa sữa tại Quy Nhơn không theo quy chuẩn nhất định nào. Có nơi trồng lưa thưa, rải rác, nhưng cũng có nơi như đường Hai Bà Trưng, mật độ khá dày. Thuở hoa sữa manh nha xuất hiện, đơn vị tiền thân của chúng tôi, Công ty công trình đô thị Quy Nhơn, thậm chí còn chưa có vườn ươm cây giống”.

Vẫn theo bà Hảo, số liệu kiểm kê đến năm 2013 cho thấy, trên địa bàn Quy Nhơn có 853 cây hoa sữa: “Lâu dài, nhóm cây xanh trên cần được thay thế. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc đồng loạt đốn hạ. Qua thực tế công việc, chúng tôi thấy, hoa sữa, nếu duy trì ở cự ly thích hợp, sẽ có ích trong chức năng tham gia điều hòa không khí, nhất là với khu vực đang hoặc có nguy cơ ô nhiễm cao như khu xử lý rác thải tập trung, khu dịch vụ hậu cần nghề cá... Hai năm nay, một số doanh nghiệp xây dựng các khu đô thị mới trên địa bàn cũng có nhu cầu chia sẻ cho mục tiêu thiết lập cảnh quan dự án. Hàng chục cây theo dạng này, đã được tiếp nhận, di dời bởi Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc”.

Nhiệm vụ chính mỗi năm của Công ty CP công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị Quy Nhơn là chạy theo sự than phiền và tâm trạng bức xúc của người dân “mỗi mùa hoa sữa về”. “Chỗ nào dân kêu, chúng tôi cử người và phương tiện xuống xử lý. Biện pháp chủ yếu là cắt tỉa, thu gọn cành nhánh, hạn chế, ngăn chặn khả năng trổ hoa ồ ạt. Việc di dời, thay thế phải tiến hành từng bước. Nó liên quan đến quy hoạch “đầu ra”, đến sự tồn tại các công trình hạ tầng kỹ thuật và cả an toàn tính mạng của người dân” - bà Hảo nói.

Không có con số chính xác nào về những hàng cây hoa sữa còn lại trong nội thành TP. Quy Nhơn tới thời điểm hiện nay. Bà Hảo đưa ra một ước đoán: Khoảng 50%, tức trên dưới 400 cây. “Chi phí dời bứng 1 cây chừng 500.000 – 600.000 đồng. Nếu chẳng may gặp sự cố, làm đứt cáp viễn thông hay vỡ ống nước, chi phí còn cao hơn. Cũng có trường hợp, việc di dời là vô kế khả thi. Năm ngoái chúng tôi giao cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc hơn 10 cây nhưng có tới 7 cây buộc phải cắt bỏ vì sợ ảnh hưởng các công trình ngầm bên dưới”.

 

Bài học nhớ đời và “treo” câu hỏi vì sao

Không chỉ người dân mà khách du lịch đến TP. Nha Trang cũng ngao ngán với hệ thống cây xanh trên các tuyến phố. Là thành phố du lịch biển, nhưng cùng một tuyến đường lại trồng đủ thứ loại cây. Tất cả không tuân theo một hoạch định nào, trông rất lộn xộn. Nơi trồng phượng, xà cừ, đoạn trồng me, bàng, chỗ trồng sao, sò đo cam, cây ăn quả... Riêng cây hoa sữa, với số lượng gần 1.000 cây đã trồng từ những năm 1990 tại nhiều tuyến đường lớn như Lê Hồng Phong, Tô Hiến Thành, Bạch Đằng...

Ban đầu người dân không ý kiến gì nhưng vài năm sau, loại cây này trưởng thành và ra hoa thì họ bắt đầu kêu trời vì không chịu nổi mùi hương. Người dân nhiều lần phản ứng, năm 2011, tỉnh Khánh Hòa phải chỉ đạo TP. Nha Trang chặt bỏ loại cây này trên hơn 50 tuyến đường. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc loại bỏ loại cây này theo ý nguyện của người dân diễn ra với tốc độ chậm.

Trên đường Lê Hồng Phong, nhiều gốc cây hoa sữa đồ sộ vừa bị cưa bỏ nằm chỏng chơ trên vỉa hè. Ông Phạm Bá (tổ 3, Phước An Hòa, phường Phước Hải) cho hay: “Người dân phản ứng là đúng, vì mùi hoa sữa nồng nặc, rất hắc mũi, nhất là về đêm, không ai chịu thấu. Cách đây vài năm họ cưa bỏ bên kia đường trồng lại cây sao, năm nay mới cưa bên còn lại trồng lại cây dầu”.

Tuy nhiên, ông Bá thắc mắc không biết vì sao lúc đầu TP. Nha Trang lại trồng hàng loạt cây hoa sữa, để rồi giờ đây phải huy động tiền bạc và nhân công chặt bỏ, gây lãng phí, mà phố phường phải trải qua một thời gian dài mới có “màu xanh” trở lại.

“Cây hoa sữa rễ chùm, đâu phải rễ cọc. Qua nhiều năm, cây đã có tuổi nên rễ cứ bẩy lên trên, làm vỉa hè, đường sá... biến dạng. Tôi được biết giá thành cây này khá rẻ, có thể vì thế mà các ông trồng cho giảm chi phí chăng” - ông Bá phân vân.

 

Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị (UBND TP. Nha Trang) cho biết, trước đây Nha Trang không hề có quy hoạch trồng cây xanh trên các tuyến đường phố, cũng không được quản lý, mà từ 1997 mới bắt đầu nói đến chuyện này. “Nhà nước cũng trồng, dân cũng tự trồng nên hệ thống cây xanh mới lộn xộn như vậy. Riêng cây hoa sữa, theo tôi biết có hai nguyên nhân. Thứ nhất, Nhà nước trồng từ trước. Thứ hai, một số tổ chức, cá nhân ra Hà Nội nghe mùi hương cây hoa sữa ra hoa thoang thoảng hấp dẫn nên về trồng” - ông Thinh nói.

Ông Thinh không trả lời được câu hỏi của PV Lao Động “ai đã chủ trương trồng cây hoa sữa”: “Tui bó tay luôn. Tôi lật hết hồ sơ quản lý trồng cây xanh theo từng năm cũng không thấy có hồ sơ nào liên quan đến việc trồng cây hoa sữa” (!). Ông Thinh bảo, mỗi ngày chỉ chặt bỏ được 1 cây hoa sữa với lượng nhân công đến 10 người vì nhiều cây gốc hơi đồ sộ, rễ chùm ăn đi khắp nơi, một phần để đảm bảo an toàn nhà dân, giao thông trên phố.

Vì sao vài năm sau khi trồng cây hoa sữa, chính quyền không nhận ra sai lầm, sớm triệt hạ cây hoa sữa, mà để nhiều cây hóa cổ thụ mới làm công tác này, gây lãng phí tiền của? “7-8 năm sau nó mới ra hoa mà. Không phải vì thành phố thiếu tiền mà không chặt bỏ hàng loạt đâu. Vấn đề ở đây là nếu loại bỏ cùng lúc tất cả 1.000 cây hoa sữa sẽ tác động lớn đến chỉ số môi trường trong thành phố, vì cây xanh điều tiết khí hậu, điều hòa không khí...” - ông Thinh nói.

Vậy vì sao phải kêu gọi doanh nghiệp tài trợ cây xanh thay thế cây hoa sữa? “Cái này thành phố kêu gọi các tổ chức, cá nhân thể hiện trách nhiệm với môi trường, đô thị, cộng đồng thôi” - ông Thinh phân trần. Qua nhiều lần kêu gọi, đến nay, Nha Trang được một doanh nghiệp tài trợ 200 cây dầu trưởng thành. Theo ông Thinh, đề án cây xanh trên địa bàn thành phố trong những năm tiếp theo sẽ quy hoạch rõ từng tuyến đường thống nhất trồng loại cây gì. Thật khó ngờ, mùi hương hoa sữa thoang thoảng, thì thầm như thơ ca xướng tụng lại là ác mộng đối với người dân miền Trung và là bài học nhớ đời của chính quyền đô thị.

XUÂN NHÀN - NHIỆT BĂNG
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.