Hành xử luật “rừng” trên đất lấn chiếm

HỮU LONG |

Những cuộc hỗn chiến khốc liệt - đó là những gì đang diễn ra tại vùng đất hạn Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), giữa những người dân sẵn sàng “xử nóng” nhau bằng dao rựa, mã tấu, súng tự chế để bảo vệ đất canh tác của mình. Khi chúng tôi vào điểm nóng tranh chấp đất rừng trái phép mới hiểu sự bối rối từ chính quyền cơ sở trước diễn biến phức tạp của tình hình an ninh trật tự và công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn…

Vào điểm nóng

Chúng tôi có mặt tại trụ sở xã Ea Bung, huyện Ea Súp, 1 ngày sau vụ hỗn chiến kinh hoàng khiến 1 người chết, 7 người bị thương. Đặt vấn đề muốn vào hiện trường vụ tranh chấp đất sản xuất vừa xảy ra, anh Huỳnh Tấn Tư - Chỉ huy trưởng quân sự xã - đồng ý cùng một vài anh em dân quân tự vệ dẫn đoàn chúng tôi vào hiện trường và nói, thời điểm này, các nhà báo vào trong đó “bọn nó” không dám động đến đâu vì đang lúc “nước sôi lửa bỏng”. Vậy “bọn nó” là ai thì “vào sẽ biết!”

Cuối tháng 12, khi tuyến kênh thủy lợi chạy qua địa bàn xã Ea Bung khô trắng đáy cũng là lúc diện tích lúa nước, cây trồng của người dân xã Ea Bung đã thu hoạch tươm tất. “Nơi đây trước là rừng bạt ngàn, nhưng sau khi giao cho các công ty lâm nghiệp không hiệu quả, người dân bắt đầu lấn chiếm đất canh tác, sản xuất” - anh Tư điều khiển xe máy vừa chỉ tay về hướng những thửa ruộng trơ rạ, rừng cao su xanh tốt ở tiểu khu 263 giải thích cho tôi.

Xe chúng tôi tiếp tục qua những cánh đồng hút tầm mắt rồi một vài chòi phên xơ xác lần lượt xuất hiện. “Những chòi này người dân dựng để canh “bọn nó” vào cướp” - một dân quân tự vệ xã thốt lên. Một người dẫn đường cho chúng tôi hay, vài năm trở lại đây, ở tiểu khu 263, sự xuất hiện của lực lượng chức năng là thường xuyên sau khi các vụ xung đột, tranh chấp đất đai diễn ra liên miên, chưa có hồi kết.

Chúng tôi vào căn chòi cạnh bìa rừng mới hay, chủ nhà - bà Phạm Thị Phượng - cùng con trai tên Nguyễn Văn Hoàng mấy ngày nay vẫn đang bị tạm giữ tại cơ quan công an để phục vụ điều tra trong vụ hỗn chiến khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Mở tấm rèm thay cửa ra vào, chị Trần Thị Mai - vợ anh Hoàng - ánh mắt căng thẳng, cử chỉ bối rối như đề phòng trước nhóm người lạ vào nhà. Sau lời giải thích từ các anh quân sự xã về sự xuất hiện đoàn phóng viên muốn tìm hiểu nguyên nhân của các cuộc tranh chấp đất đai thì chị Mai mở lòng hơn. Theo lời kể của chị Mai, “bọn nó” thật ra là 1 nhóm người sống tại thị trấn Ea Súp muốn tranh giành đất đai của người dân đã canh tác lâu năm tại địa phương. “Thửa ruộng của gia đình vừa xảy xô xát có nguồn gốc từ đâu”, tôi hỏi. Chị Mai cho hay, “Đầu năm 2000, mẹ chồng chị có mua đất rừng theo hình thức viết tay từ một số người dân địa phương với diện tích hơn 7ha đất. Từ đó, gia đình chị trồng lúa, mía ổn định đến nay.” Theo chị Mai, gần đây có một số đối tượng xuất hiện giành đất, xô xát với gia đình chị và người dân tại thôn 8, 9 thuộc xã Ea Bung.

Người dân tại xã Ea Bung dựng chòi để giữ đất canh tác có nguồn gốc đất rừng sản xuất.
Người dân tại xã Ea Bung dựng chòi để giữ đất canh tác có nguồn gốc đất rừng sản xuất.

Đều là đất lấn chiếm

Cũng trong căn chòi gỗ của chị Mai, anh Nguyễn Văn Tú (33 tuổi, trú thôn 9, xã Ea Bung) - nhân chứng trong vụ hỗn chiến đất đai vào ngày 16.12 - kể lại, sáng hôm đó, “bọn nó” vào đất đang canh tác của gia đình bà Phượng đòi đất rồi 2 bên mới cãi vã việc phân định đất đai. “Sự việc đỉnh điểm vào buổi chiều, “bọn nó” nổ súng khiến người dân bị dồn nén lâu nay phản kháng, tự vệ để giữ đất và bảo vệ người thân” - anh Tú kể lại. Và theo lời kể của Tú, cả ngày hôm đó, 2 nhóm người dùng dao rựa, mã tấu lao vào nhau quyết ăn thua, hành xử theo luật “rừng” để tranh quyền sử dụng đất tại một số khu vực trong tiểu khu 263.

Chúng tôi - những người theo dõi, đưa tin từ đầu về sự việc tại tiểu khu 263 quả thật không thể xác tín ai trong 2 nhóm người xô xát trên là nạn nhân và ai là kẻ cướp đất.

Một ngày sau vụ hỗn chiến diễn ra, tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi có gặp ông Đặng Văn Hà (48 tuổi, thị trấn Ea Súp), 1 trong 7 người bị trọng thương sau vụ việc, được nghe câu chuyện hoàn toàn ngược lại. Ông Hà cơ thể yếu ớt, xanh xao, người đầy thương tích trên giường bệnh nhưng luôn khẳng định, bản thân ông chưa từng xảy ra xích mích hay mâu thuẫn gì với nhóm đó. “Khu vực đất tranh chấp vốn là đất của gia đình tôi. Sau đó, gia đình tôi cho bên kia mượn để trồng cây nhưng những người mượn đất không chịu trả mà có ý định “cướp” - ông Hà kể. Dù vậy, nhưng khi PV đặt câu hỏi ông Hà cho ai mượn và có giấy tờ gì không, thì ông Hà từ chối trả lời.

Vậy đâu là sự thật? Việc xác minh sẽ được được cơ quan công an thu thập, phục vụ điều tra như ông Bùi Đức Hạnh - Chủ tịch UBND xã Ea Bung - chia sẻ với chúng tôi. Có một sự thật được ông Hạnh xác nhận là, toàn bộ diện tích đất hiện người dân đang canh tác tại tiểu khu 263 đều có nguồn gốc đất rừng bị lấn chiếm mà ra. “Từ năm 2007 đến nay, tình hình an ninh trật tự, dân cư tại xã diễn ra phức tạp. Nhiều người dân ở Bình Phước, Đắk Nông tìm đến canh tác trái phép trên đất rừng theo thời vụ. Việc sản xuất, canh tác của họ luôn xảy ra mâu thuẫn với những người đang sống tại chỗ” - ông Hạnh nói và cho biết thêm, UBND xã và lực lượng công an hiện cũng đã nắm được một số đối tượng người địa phương và từ các tỉnh có hành vi sử dụng vũ lực để “cướp đất” của người đã canh tác lâu năm để bán thu lợi nhuận. “Các nhóm đối tượng này hoạt động vô cùng tinh vi, manh động. Những nạn nhân mà nhóm đối tượng này cướp thường là người từ các địa phương khác hoặc những gia đình không có ý thức chống cự. Hoạt động ngầm của những đối tượng này quả thật chúng tôi không thể nắm rõ được” - ông Hạnh giải bày.

Ông Nguyễn Hoàng Giang - Bí thư huyện ủy Ea Súp - thừa nhận, các vụ tranh chấp đất đai trên địa bàn huyện thời gian qua diễn ra phức tạp. Liên quan đến vụ xung đột khiến 8 người thương vong tại xã Ea Bung vừa qua, ông Giang thông tin, trách nhiệm chính ở đây thuộc về địa phương và các công ty lâm nghiệp trên địa bàn ngay từ đầu đã buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm, mua bán đất rừng trái phép. “Trước thực trạng các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp để mất rừng, huyện ủy thường xuyên tổ chức các cuộc họp ban ngành tăng cường công tác tuần tra, nắm địa bàn. Sự việc phức tạp nên huyện ủy từng báo cáo tỉnh ủy xin cơ chế riêng” - ông Giang nói.

Ông Nguyễn Đình Toản - Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp - thừa nhận, đã nắm được thông tin có nhiều đối tượng xã hội đen sử dụng vũ khí “nóng” trong các tranh chấp đất đai. Về việc này, ông Toản cho biết, huyện đã giao cho công an huyện lập chuyên án điều tra, xử lý. Về hướng xử lý tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng trái phép, ông Toản nói: “Những trường hợp này tôi đã chỉ đạo UBND các xã và các chủ rừng lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với người dân canh tác lâu năm, có hộ khẩu thường trú hợp pháp, chúng tôi sẽ bố trí đất ở và đất sản xuất cho họ. Nếu họ tự lấn chiếm, thì UBND xã có trách nhiệm xử lý”.

Bắt 7 đối tượng trong vụ hỗn chiến tại Đắk Lắk

Ngày 18.12, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt khẩn cấp bà Phạm Thị Phượng (44 tuổi), ông Nguyễn Văn Hoàng (28 tuổi), Nguyễn Văn Hiệp (25 tuổi), Nguyễn Trọng Tố (30 tuổi) cùng trú thôn 8, xã Ea Bung, huyện Ea Súp; Hà Văn Pha (40 tuổi, trú thôn 10 xã Ea Bung), Dương Văn Huấn (33 tuổi) và Dương Văn Hiến (28 tuổi) cùng trú thôn 1, xã Ya Tờ Mốt, liên quan đến vụ hỗn chiến khiến 8 người thương vong trên địa bàn xã Ea Bung trước đó. Theo cơ quan điều tra, việc bắt 7 đối tượng này nhằm phục vụ điều tra vụ án giết người xảy ra tại tiểu khu 263 xã biên giới Ea Bung ngày 16.12.

HỮU LONG
TIN LIÊN QUAN

Bắt khẩn 7 đối tượng trong vụ hỗn chiến ở Đắk Lắk

H.Long |

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt khẩn cấp 7 đối tượng để điều tra hành vi giết người liên quan đến vụ hỗn chiến vì giành đất tại huyện Ea Súp trước đó.

Vụ xô xát 7 người thương vong ở Đắk Lắk: Xác định có 30 người hỗn chiến

H.L |

Công an tỉnh Đắk Lắk đang điều tra xác định hành vi của các đối tượng gây thương vong, và nguồn gốc của lô đất nơi tranh chấp. 

Đắk Lắk: Hỗn chiến kinh hoàng, 7 người thương vong

H.L |

Xuất phát từ mâu thuẫn đất đai nên 2 nhóm người sử dụng dao rựa, mã tấu, gậy gộc, súng tự chế để xô xát nhau. Hậu quả, 1 người chết, 6 người bị thương.

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Bắt khẩn 7 đối tượng trong vụ hỗn chiến ở Đắk Lắk

H.Long |

Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt khẩn cấp 7 đối tượng để điều tra hành vi giết người liên quan đến vụ hỗn chiến vì giành đất tại huyện Ea Súp trước đó.

Vụ xô xát 7 người thương vong ở Đắk Lắk: Xác định có 30 người hỗn chiến

H.L |

Công an tỉnh Đắk Lắk đang điều tra xác định hành vi của các đối tượng gây thương vong, và nguồn gốc của lô đất nơi tranh chấp. 

Đắk Lắk: Hỗn chiến kinh hoàng, 7 người thương vong

H.L |

Xuất phát từ mâu thuẫn đất đai nên 2 nhóm người sử dụng dao rựa, mã tấu, gậy gộc, súng tự chế để xô xát nhau. Hậu quả, 1 người chết, 6 người bị thương.