Điện Biên Phủ dưới nước Trận chiến thầm lặng của Phân đội phá lôi cảm tử

GHI CHÉP CỦA NGUYỄN HUY MINH |

Hai bài viết về “Điện Biên Phủ dưới nước” đăng tải trên Lao Động hẳn là đã có độ vang vọng khá xa bởi tôi nhận được thư tay gửi từ Vũng Tàu của ông Vũ Long Vân - nguyên Phó ty Bảo đảm hàng hải (nay là TCty Bảo đảm An toàn hàng hải miền Bắc), từng trực tiếp chỉ đạo cuộc chiến tranh chống phong tỏa, rà phá thủy lôi của cơ quan suốt từ năm 1965 đến hết chiến tranh. Nay đã ở tuổi 90 nên thư không thể viết dài, ông giới thiệu cho tôi gặp một người đã có mặt cùng ông trên tất cả các trận chiến những năm tháng ấy.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Tám - Đội phó Đội phá thủy lôi cảm tử Lê Mã Lương sống tại một căn hộ ven đường Trường Chinh (Hà Nội) nói rằng, công việc của mình và đồng đội những năm chiến tranh là tuyệt mật, ông chưa trả lời phỏng vấn bất kỳ ai và cũng không quen nói về mình. Nên đợi ít lâu, khi cuốn kỷ yếu lưu hành nội bộ có tên “Trận chiến thầm lặng” dày hơn 200 trang của Phân đội Lê Mã Lương mà ông chịu trách nhiệm biên tập chính được NXB GTVT xuất bản, tôi sẽ có góc nhìn bao quát và sâu hơn về mặt trận này.

Thời gian trôi nhanh, ông mời tôi qua nhà trao tận tay cuốn sách gói ghém tâm tư của rất nhiều người mà mỗi trang bản thảo đều được thủ trưởng Vũ Long Vân ký xác nhận sự chân thực trước khi in ấn. Mở đầu là hai câu thơ thuở ấy: “Ra đi mang nặng lời thề/ Thủy lôi quét sạch mới về quê hương”.

1. Kỷ yếu đăng bức thư của cố Cục trưởng Cục Vận tải đường biển - Tư lệnh mặt trận vận tải đường biển Lê Văn Kỳ đề ngày 25.8.2012 gửi toàn thể cán bộ chiến sĩ phân đội, bày tỏ một nỗi trăn trở khôn nguôi của ông và nếu lịch sử - thời cơ được lặp lại, ông sẽ có hành động khác.

 Bìa cuốn kỷ yếu nội bộ của Phân đội cảm tử Lê Mã Lương vừa được xuất bản
Thư có đoạn: “Phân đội phá lôi Lê Mã Lương ra đời trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến chống phong toả. Tháng 5.1972, đế quốc Mỹ lần thứ 2 thả thuỷ lôi, bom chờ nổ bịt kín tất cả các luồng vào cảng biển miền Bắc. Tôi muốn nói rõ thêm một số nhiệm vụ rất quan trọng của phân đội ngày ấy. 1. Kiểm tra luồng Nam Triệu bằng sóng siêu âm: Sau Hiệp định Paris, việc kiểm tra và rà phá bom mìn, thuỷ lôi nghi còn sót lại trên luồng Nam Triệu là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng.
Tại cuộc họp do Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân chủ trì, kỹ sư Nguyễn Xuân Tám bằng các số liệu quan trắc khí tượng thuỷ văn nhiều năm, các số liệu thống kê sa bồi, nạo vét và bằng kinh nghiệm thực tiễn rà phá lôi đã phản biện một cách thuyết phục phương án của Viện Thiết kế. Ngay trong cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân đã quyết định chấp nhận phương án do kỹ sư Tám trình bày, nghĩa là vẫn giữ nguyên hướng cũ 3030 của chập Aval - Bãi Cát. Trên cơ sở quyết định đó, cuộc kiểm tra luồng bằng siêu âm được tiến hành.
Cũng tại thời điểm này, một nhóm nhà khoa học đã đề xuất phương án dùng bừa để bừa kiểm tra thuỷ lôi còn sót. Phương án này bị bác bỏ ngay vì thiếu thực tiễn và phi khoa học. Dù nhiều khó khăn, nguy hiểm rình rập, nhưng với sự chỉ đạo trực tiếp của các anh Phạm Văn Hải và Vũ Long Vân, tổ thực thi hiện trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chiến công này còn có công lao của TS Hàn Đức Kim - một nhà khoa học giỏi cả về lý thuyết và thực hành, anh và cộng sự đã có mặt thường xuyên, chịu đựng sóng gió, không sợ nguy hiểm, làm việc tỉ mỉ và hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Đúng là một nhà khoa học chân chính.
2. Thuyết minh về nhiệm vụ rà phá lôi và đảm bảo giao thông đường biển: Năm 1974, để chuẩn bị triển khai nhiệm vụ chiến lược, Trung ương muốn nghe Cục Vận tải đường biển và Ty BĐHH báo cáo về thành công của nhiệm vụ chống phong toả nói chung và rà phá lôi nói riêng.
 Kỷ niệm 40 năm ngày gặp lại của Phân đội cảm tử Lê Mã Lương (kỹ sư Nguyễn Xuân Tám ngồi ngoài cùng bên trái).
Trong nhiều ngày, anh Tám đã được phân công báo cáo cho hàng chục đoàn của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, các đoàn các tướng lĩnh... Anh Tám đã trình bày có hệ thống về các trang thiết bị, các phương án rà phá, những thành quả và những kinh nghiệm đã đạt được của cục và của ty trong suốt cuộc chiến chống phong toả, trả lời đầy đủ các câu hỏi các đồng chí lãnh đạo nêu ra liên quan đến sự quan tâm của Trung ương trên toàn tuyến ven biển của Việt Nam.
3. Triển khai phương tiện phá lôi theo tiến độ tổng tiến công: Bắt đầu chiến dịch giải phóng Thừa Thiên - Huế, anh Tám được cử lên Văn phòng Phủ Thủ tướng nhận lệnh. Người truyền đạt trực tiếp nhiệm vụ đột xuất này là đồng chí Đức - thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (đồng chí Đức sau này bị tử nạn trong chuyến máy bay rơi tại Sơn Trà - Đà Nẵng). Trở về Hải Phòng, anh Tám đã chỉ huy một phương tiện phá lôi do thuyền trưởng Trần Công Bình điều khiển, nhanh chóng hành quân làm nhiệm vụ trên biển đáp ứng nhu cầu chỉ đạo của cấp trên trong chiến dịch tổng tiến công, giải phóng miền Nam. Với 3 nhiệm vụ nêu trên, anh Tám đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đây cũng là chiến công chung của toàn phân đội.

Phân đội phá lôi Lê Mã Lương xứng đáng là một tập thể điển hình trong các lực lượng phá lôi của ngành đường biển. Cả phân đội và nhiều cá nhân xứng đáng được tặng các danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước. Tiếc rằng, vì một sự đố kỵ và cách thẩm tra thiếu khách quan, thiếu trách nhiệm mà phân đội đã không được khen thưởng xứng đáng, có những cá nhân còn chịu kỷ luật oan. Như trường hợp Phân đội trưởng Nguyễn Uyển - một cán bộ đoàn mẫu mực, dũng cảm kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ.

Điển hình như trận Ba Mom - Quả Xoài anh Uyển đã dẫn đầu đồng đội dùng phương tiện lướt trong vùng có bom mìn - thuỷ lôi dày đặc để thông luồng trong thời gian 48 tiếng theo lệnh của lãnh đạo; trốn khỏi bệnh viện khi vết thương chưa lành để lại tiếp tục xông vào trận chiến. Như trường hợp của Phân đội phó Phạm Văn Ngọ - một cán bộ có tác phong lỳ lợm trước mọi nguy hiểm, luôn đi đầu trong các điểm nóng. Bằng hành động dũng cảm anh hùng anh Ngọ luôn là nguồn động viên, là niềm tin của đồng đội. Vì nhiệm vụ, anh Ngọ đã tạm gác hoàn cảnh rất khó khăn của gia đình để có mặt trong tất cả các trận chiến cho đến ngày tất cả các tuyến luồng đều sạch thuỷ lôi.

 

Nghe lệnh xuất kích.

Sự việc đã qua 40 năm, nhưng tôi luôn trăn trở. Nếu lịch sử - thời cơ được lặp lại, với tư cách nguyên Cục trưởng Cục Vận tải đường Biển, tôi sẵn sàng đề nghị cấp trên tặng danh hiệu anh hùng cho tập thể Phân đội phá lôi Lê Mã Lương, cho các thành viên ban chỉ huy và nhiều chiến sĩ xuất sắc của phân đội. Tôi cũng đề nghị tặng danh hiệu anh hùng cho các anh Phạm Văn Hải, Vũ Long Vân - những người có công lớn trong việc lãnh đạo Ty BĐHH hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chống phong toả; cho anh Đào Nguyên - tổ trưởng tổ điện, người có bàn tay vàng đã cùng tổ điện quấn 40 cuộn từ phục vụ cho phá lôi.

Anh Nguyên cũng là người quấn thành công chiếc mô tơ của máy siêu âm; cho TS Hàn Đức Kim - người đóng góp nhiều công sức và hiệu quả trong nhiệm vụ kiểm tra luồng Nam Triệu bằng siêu âm. Hôm nay, viết bài này cho kỷ yếu của phân đội, tôi vẫn còn rất xúc động, vì trong cuộc họp mặt sau 40 năm, tất cả các cán bộ, chiến sĩ của phân đội đã dành cho tôi, cho cố Trưởng ty Phạm Văn Hải, cho anh Vũ Long Vân, cho khách mời dự những tình cảm, những lời nói chân tình và tốt đẹp nhất. Mọi người như quên đi tất cả những thiệt thòi, vẫn chỉ có tình đoàn kết thương yêu nhau, vì nhau, không công thần, không háo danh, không oán trách… Có lẽ đấy cũng là một trong những nguyên nhân thành công của phân đội”.

2. Nguyên Phó ty BĐHH, nguyên cố vấn phân đội phá lôi Vũ Long Vân viết: “Từ năm 1967-1968, các chiến sĩ tự vệ của các đoạn, trạm, đội Quyết thắng của Ty BĐHH đã tiến hành tháo gỡ và rà phá thành công hàng trăm quả thuỷ lôi, bom chờ nổ, giải phóng các tuyến luồng, đã có nhiều kinh nghiệm về phương án đánh địch. Nhưng nay, trước tình hình mới gay go và ác liệt hơn nhiều, trận chiến đòi hỏi cần có một đơn vị đặc biệt đủ mạnh như một quả đấm thép để thực hiện nhiệm vụ rất nặng nề của cấp trên giao cho là phải tháo gỡ, rà phá và thông tuyến trong thời gian ngắn nhất. Phân đội phá lôi Lê Mã Lương được thành lập, một phân đội quyết tử, thiện chiến, ưu tú, có quyết tâm cao, đoàn kết nhất trí, không sợ hy sinh nguy hiểm, bao gồm khoảng 30 thanh niên được tuyển chọn trong số gần 300 thanh niên tình nguyện từ các đơn vị… được quy tụ từ nhiều đơn vị với nhiều ngành nghề khác nhau nên có nhiều sáng tạo trong xử lý kỹ thuật tháo gỡ, rà phá và linh hoạt trong các phương án đánh địch.

Trận đánh đầu tiên tiêu diệt thủy lôi MK-52 tại Lạch Triều, trận tả xung hữu đột giữa thiên la địa võng các loại bom của địch tại Ba Mom - Quả Xoài, trận vớt vật thể nổi nghi là thủy lôi trôi ở Rều Đá… rồi trận đánh tại các cửa sông đến tận Nhật Lệ đều là những chiến công vang dội. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có rất nhiều bước ngoặt đột xuất về nhiệm vụ và tổ chức, dẫn đến không thể kịp thời tổ chức tổng kết toàn diện về cuộc chiến chống phong toả nói chung và rà phá thuỷ lôi nói riêng.

Trong cuộc chiến khốc liệt với lòng dũng cảm vượt qua mọi nguy hiểm, không sợ hy sinh xương máu, với một tập thể tuyệt vời đã lập nên nhiều chiến công vẻ vang như vậy, nhưng bước ra khỏi cuộc chiến trở lại vị trí công tác thời bình đã không có một bằng khen, không một tấm huân chương, không một danh hiệu cao quý… Thời gian qua đi, lịch sử khó lặp lại. Nhưng với những hiểm nguy mà phân đội đã trải qua, với những chiến công mà phân đội đã đạt được, tôi muốn gửi đến toàn phân đội sự đánh giá tổng quát là: Toàn phân đội hoàn toàn xứng đáng là một tập thể anh hùng; Từng thành viên ban chỉ huy đều xứng đáng với danh hiệu anh hùng; Nhiều chiến sĩ của phân đội cũng rất xứng đáng với danh hiệu anh hùng”.

3. Theo Phân đội trưởng Nguyễn Uyển, Phân đội phá thủy lôi do đoàn quản lý, với hàng trăm lá đơn xin gia nhập, trong đó có đơn viết bằng máu, lấy tên AHLLVTND Lê Mã Lương làm tên gọi. Trải qua 8 tháng hoạt động (từ tháng 6.1972 - tháng 2.1973), phân đội đã rà phá nổ, tháo gỡ hơn 300 quả thủy lôi các loại, giữ vững mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống, hoàn toàn làm chủ tuyến luồng Đông Bắc và luồng cảng Hải Phòng

 Cuối năm 1972, phân đội hành quân vào chi viện cho khu Bốn, Quảng Bình. Tháng 2.1973, phân đội giải thể, để lại những chiến công hết sức to lớn: Mở luồng Quả Xoài (hay còn gọi là Ngã ba Đồng Lộc trên biển); Phá thế phong tỏa bằng thủy lôi của Mỹ đối với cảng dầu B12 và toàn tuyến Đông Bắc; Chủ động phá vây bằng thủy lôi của Mỹ đối với quân cảng, bảo vệ an toàn nhiều phương tiện kỹ thuật của hải quân ở Quảng Ninh; Có công lớn để cho lãnh đạo khẳng định vùng biển Việt Nam không có thủy lôi trôi.

Hơn 8 tháng hoạt động, dù dùng phương tiện chạy lướt cho thủy lôi nổ hay dùng phương tiện phóng từ hiện đại, mặc dù nhiều người bị thương nhưng không ai bỏ cuộc. Tháng 12.1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư khen: “Bộ Tổng tư lệnh nhiệt liệt khen ngợi thành tích rà phá thủy lôi, thông luồng, thông tuyến, phục vụ có hiệu quả GTVT đường biển của lực lượng bảo đảm hàng hải. Mong các đồng chí nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, lập nhiều chiến công và thành tích hơn nữa, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
 Tổ điện

4. Ngày 18.12.1973, Báo QĐND đăng tải viết “Những mẩu chuyện về phá mìn trên biển” của phóng viên chiến trường Tư Đương cho thấy, vùng biển được phá thủy lôi ngày ấy cũng được viết tắt để đảm bảo tuyệt đối bí mật: “Tầu đang chạy, bỗng có tiếng nổ dưới đáy nước, tiếp đến một tảng sóng dội lên, mũi tàu gần như cắm xuống mặt nước. Vài giây sau, tư thế của tàu lại bình thường. Anh em reo hò át cả tiếng sóng gió… Những đêm ngày chiến đấu của Phân đội Lê Mã Lương liên tục trên vùng biển X, với phương tiện thô sơ như vậy, dần dần được trang bị tốt hơn và có nhiều trận đánh thắng lớn hơn. Bà con ven biển, nơi đơn vị ở, đêm đêm nghe mìn nổ họ lo lắng; Mỗi sáng phân đội trở về đầy đủ, họ vui mừng như người ruột thịt của mình vừa qua cơn nguy hiểm. Những chiến sĩ tự vệ ấy được bà con vùng biển Y yêu mến và chăm sóc như các dũng sĩ diệt Mỹ”.

Viết báo thời chiến tranh là như vậy, nhưng cuốn sổ tay dày 88 trang ông tặng lại cho phân đội gần đây để làm kỷ yếu ghi chép hết sức tỉ mỉ, rõ ràng những gì cá nhân ông chứng kiến về trận Ba Mom - Quả Xoài, bắt sống thủy lôi, giải vây cho ngư trường, mở Cửa Vạn cho đến hoàn cảnh và tính cách một vài chiến sĩ ngày ấy: “Chí phá 58 quả, tháo gỡ 2 quả; Bắc phá 40 quả, tháo gỡ 2 quả; Ngọ phá 46 quả, tháo gỡ 2 quả; giải phóng 572km luồng, giải vây 72 thuyền đánh cá ra khỏi vùng thủy lôi, cứu được 4 tấn lưới bằng 20.000 đồng…” .

Phân đội còn có một nhân vật đặc biệt là chuyên viên cao cấp, phóng viên báo Nhân Dân Hoàng Tuấn Nhã, người cùng ăn, cùng ở, cùng chịu đựng sóng gió gian khổ và cùng tham gia các trận chiến rà phá thủy lôi trên vùng biển Đông Bắc như một chiến sĩ cảm tử thực thụ.

Theo nguyện vọng của anh Nhã, phân đội đã kết nạp anh là thành viên danh dự. Năm 1977, anh cho xuất bản cuốn “Nhật ký thành phố chống phong tỏa”, trong đó có nhiều trang ghi chép về Phân đội Lê Mã Lương: “Tất cả chúng tôi đều đeo phao, đội mũ sắt, súng trường tự động kề bên. Một lúc phải đương đầu với 2 kẻ thù: Máy bay và thủy lôi. Khẩu đại liên Gô-ri-u-nốp cũng mở khóa nòng, lắp đạn, sẵn sàng chiến đấu nếu máy bay của Hạm đội 7 đến can thiệp. Trước mặt tôi, tấm hải đồ để cạnh tay lái trên tủ con cao ngang tầm ngực, được theo dõi bằng ánh đèn pin bọc khăn mùi soa để giảm ánh sáng. Chốc chốc tôi phải bỏ khăn ra, lóe đèn pin chiếu quanh khu vực để xác định vị trí của từng hòn đảo… Luồng đảm bảo an toàn rồi, ngay tối nay có thể dẫn tàu vạn tấn vào dỡ hàng và trú đậu. Để khao quân, Ngọ và Thống đem một gói mìn làm bằng thuốc nổ moi ở ruột quả thủy lôi trên Hòn Mây lên canô, đi đến một cái vực phía sau núi, đánh một phát, đem về hai con cá vược mình đỏ tía như hồng ngọc, mỗi con nặng 25kg…”.

5. Thuyền phó Nguyễn Đình Yên đã có một kỷ niệm để đời khi vợ đến ngày sinh con đầu lòng nhưng không thể tìm nổi người đỡ đẻ vì tất cả đã đi sơ tán hết. Ông bèn lót ổ cho vợ ngay trên thuyền phá lôi trực chiến nằm phơi mình trên sông Ruột Lợn bằng một cái chiếu rải trên ván sàn, một cái chăn cũ, vài bộ quần áo của hai vợ chồng đã giặt sạch dùng làm tã lót, một cái đèn dầu, vài bao diêm và một túi bông băng cứu thương. Lại nghe dọa rằng ở quê, những lúc người vợ đau đẻ các cô thường cứ réo tên chồng mà chửi, rồi mẹ vợ bắt anh chồng phải trèo lên tụt xuống cây cau ngoài ngõ hoặc tụt quần lội xuống ao… nên không khỏi lo lắng.

Nhưng ngày trở dạ đã có Nguyễn Văn Trạc - y sĩ của phân đội. Cậu bé Nguyễn Xuân Dũng đã chào đời trong gió rét thổi ào ào với máy bay B52 quần thảo trên bầu trời Hải Phòng, trong vòng vây thủy lôi và cả trong vòng tay yêu thương của hết thảy phân đội sáng 23.12.1972. Phân đội trưởng Nguyễn Uyển nói rằng, cậu bé ra đời trên sông nước, sau này thể nào cũng trưởng thành trên sông nước giống bố: “Mong cho cu Dũng lớn lên sẽ trở thành thuyền trưởng hoặc máy trưởng tàu viễn dương để được đi khắp năm châu bốn biển…”. Giờ đây, Nguyễn Xuân Dũng là một máy trưởng tàu viễn dương, lời tiên tri ngày nào của bậc cha chú đã trở thành sự thật.

6. Đêm trước buổi gặp lại những chiến hữu thân thương đã từng vào sinh ra tử sau 40 năm (1972-2012), Phân đội phó Nguyễn Xuân Tám không tài nào ngủ được. Ông viết cho đồng đội về những ngày tháng trẻ trung “vượt sóng, phá bom, mở luồng tàu chạy” mà lòng “phơi phới dậy tương lai” mới hôm nào mà nay đều đã lơ lửng ở tuổi “thấp thập cổ lai hy”, người còn người mất: “Anh Vũ Long Vân có mặt trên tất cả các trận chiến rà phá thủy lôi của phân đội tại vùng biển Đông Bắc, cùng chịu đựng gian khổ, cùng sinh tử với anh em. Có những tình huống cực kỳ nguy hiểm, như cần phải cưa quả thủy lôi để nghiên cứu tại chỗ, anh cũng tham gia cưa với các chiến sĩ.

Chính anh là người đề xuất ra phương pháp phá lôi bằng thuyền gỗ với cách gắn cuộn từ tạo sức căng của đường sức từ trường hợp lý, phá nổ thủy lôi rất hiệu quả”; “Cuộc sống và chiến đấu nhanh chóng gắn bó mọi người thành một khối keo sơn, thương yêu nhau, nhường cơm sẻ áo, chủ động giành lấy và chia sẻ những hiểm nguy khi xung trận. Khi trận chiến kết thúc, nhiệm vụ hoàn thành, đơn vị giải thể, cách mạng chuyển sang một giai đoạn mới, Phân đội Lê Mã Lương cũng dần lùi sâu vào dĩ vãng.

Sự kết thúc của đơn vị thật lặng lẽ, không một cuộc họp tổng kết, không bình công báo công, không liên hoan chia tay. Mọi người tứ tán khắp nơi. Không ai cưỡng được thời gian, 40 năm là quá dài và khắc nghiệt”; “Đơn vị trên dưới 30 người mà nay chỉ có 10 người có mặt, duy chỉ có tình cảm đồng đội thân thiết là vẫn y nguyên, bởi nó được tôi luyện, được kết tinh trong gian khổ, đạn bom… Không thể nào ngủ lại được. Mình cứ ngồi yên lặng, lắng nghe tiếng gió và mưa rơi…”.

Kỹ sư Nguyễn Xuân Tám rút cục vẫn không muốn nói về mình, hết thảy những gì tôi được biết về phân đội cảm tử mà ông là thành viên là qua cuốn kỷ yếu mà ngay từ tên gọi của nó cũng quá đỗi khiêm nhường và kín đáo: “Trận chiến thầm lặng”. Tôi thấy ở ông vẫn tồn tại tác phong hết mực nghiêm ngắn của những người cộng sản thời chiến mà dù năm tháng có qua đi thì vẫn còn đây…

GHI CHÉP CỦA NGUYỄN HUY MINH
TIN LIÊN QUAN

“Điện Biên Phủ dưới nước” - Chuyện về tàu phá thủy lôi không người lái

NGUYỄN HUY MINH |

Sau khi bài viết “Điện Biên Phủ dưới nước - Chuyện kể của dũng sĩ trong ngôi làng cổ” đăng tải, tôi nhận được lời khuyên hãy đến đường Huyền Quang (TP.Bắc Ninh), sẽ thấy một điều thú vị. Quả thực, sau hàng rào sắt của Cty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 4, khiêm nhường, lặng lẽ nghỉ ngơi một con tàu bé nhỏ có hình dáng lạ lùng - tượng đài khoa học kỹ thuật hiếm hoi của Việt Nam - mang mật danh T5 17A trong thời chiến.

“Điện Biên Phủ dưới nước”: Chuyện kể của dũng sĩ trong ngôi làng cổ

NGUYỄN HUY MINH |

Sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ biệt cõi trần, trên báo Lao Động xuất hiện hàng loạt những dòng tít lớn: “Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tư lệnh của các Tư lệnh”; “Nhớ Đại tướng: Tiếng khóc đã cất thành lời”... Đặc biệt, còn có một bản tin ngắn mang tiêu đề “Chiến sĩ “Điện Biên Phủ dưới nước” tưởng nhớ Đại tướng”. Bản tin ấy khiến tôi rất băn khoăn - “Điện Biên Phủ dưới nước” - sao mình chưa từng nghe nói tới?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Cổ động viên tuyển Việt Nam mang cúp vô địch mô hình sang Thái Lan

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Hàng ngàn cổ động viên Việt Nam đã đi quãng đường gần 1000km, mang cúp tới Thái Lan cổ vũ cho thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo ở trận chung kết lượt về AFF Cup 2022.

“Điện Biên Phủ dưới nước” - Chuyện về tàu phá thủy lôi không người lái

NGUYỄN HUY MINH |

Sau khi bài viết “Điện Biên Phủ dưới nước - Chuyện kể của dũng sĩ trong ngôi làng cổ” đăng tải, tôi nhận được lời khuyên hãy đến đường Huyền Quang (TP.Bắc Ninh), sẽ thấy một điều thú vị. Quả thực, sau hàng rào sắt của Cty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 4, khiêm nhường, lặng lẽ nghỉ ngơi một con tàu bé nhỏ có hình dáng lạ lùng - tượng đài khoa học kỹ thuật hiếm hoi của Việt Nam - mang mật danh T5 17A trong thời chiến.

“Điện Biên Phủ dưới nước”: Chuyện kể của dũng sĩ trong ngôi làng cổ

NGUYỄN HUY MINH |

Sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ biệt cõi trần, trên báo Lao Động xuất hiện hàng loạt những dòng tít lớn: “Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tư lệnh của các Tư lệnh”; “Nhớ Đại tướng: Tiếng khóc đã cất thành lời”... Đặc biệt, còn có một bản tin ngắn mang tiêu đề “Chiến sĩ “Điện Biên Phủ dưới nước” tưởng nhớ Đại tướng”. Bản tin ấy khiến tôi rất băn khoăn - “Điện Biên Phủ dưới nước” - sao mình chưa từng nghe nói tới?