Bị Trung Quốc bắt và không tiếp cận được nguồn vốn đóng tàu, ngư dân miền Trung trăm bề khốn khó

Hữu Nhân |

Ngư dân miền Trung đánh bắt gần bờ may lắm cũng chỉ đủ tiền đong gạo qua ngày. Nhưng đánh bắt xa bờ, dù không bị Trung Quốc bắt giữ tàu trái phép trên vùng biển của mình, thì cũng lao đao lận đận với thủ tục và nguồn vốn để đóng tàu. Đường nào, ngư dân miền Trung cũng trăm bề khốn khó…

Vây cá cơm mồm 

Sau tiếng hô to: “Cá cơm mồm, buông lưới”, anh Hải đánh tay lái điều khiển chiếc tàu lượn vòng tròn trên biển. Tấm lưới mành dài hơn 500m với chiều sâu gần 40m được các ngư dân thả xuống làn nước xanh thẳm, khép kín đàn cá.

Tưởng trúng đậm, nhưng mẻ lưới chỉ thu được hơn 40kg cá cơm mồm lớn bằng đũa ăn cơm với giá bán hơn 3 triệu đồng. Họ tự an ủi:“đánh bắt gần bờ như thế cũng là may vì còn kiếm được chút ít về đưa vợ đong mua gạo”... 

Hơn 9 giờ sáng, tàu cá QNg – 44218TS với công suất 39CV của anh Hải Võ Hải ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) do chính anh điều khiển đưa tôi cùng 9 ngư dân xuất bến. Ra khỏi cửa biển Sa Huỳnh, anh Hải bẻ lái về hướng Nam rồi nhấn ga, tàu lướt nhanh trên sóng nước.

Tôi háo hức khi thấy từng đàn cá chuồn khoảng vài chục con lướt bay trên sóng khoe lớp vảy trắng bạc lấp lóa dưới nắng, nhưng anh Hải nói “cá đi ít như thế nên không thể buông lưới, khi nào máy dò báo hiệu có cá nhiều thì mới buông để không bị lỗ tiền dầu”. 

Tàu tiếp tục tiến vào vùng biển phía Nam, đến vùng biển Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định). Tôi đang loáng choáng vì say sóng bỗng giật mình khi nghe tiếng hô to của thuyền trưởng Hải: “Cá cơm mồm, buông lưới”.

Tàu cá của ngư dân khai thác hải sản trên biển  

Lời vừa dứt, anh đánh tay lái khá điệu nghệ cho tàu lượn vòng tròn trên biển để khép kín tấm lưới mành dài hơn 500m với chiều sâu gần 40m. Chiếc thúng chai được thả vội xuống nước bềnh bồng bên cạnh thân tàu. Ngư dân Võ Văn Thanh vội nhảy xuống thúng rồi lần dò theo lưới, những chiếc phao trắng tinh cứ ẩn hiện sau những con sóng. Trên biển giờ khá nhộn nhịp với nhiều tàu cá đang vội vã buông và kéo lưới.

Tưởng trúng đậm, nhưng mẻ lưới chỉ thu được hơn 40kg cá cơm mồm trắng ngà, lớn bằng đũa ăn cơm. Chiếc tàu vội quay vào bờ “vì lượng cá này phải bán ngay mới được hơn 3 triệu đồng chứ ươn thì chẳng ai mua”. 

Những người sống cạnh thủy thần

Nhiều ngư dân ở xã Phổ Vinh (Đức Phổ, Quảng Ngãi) bám biển với chiếc ghe câu bé nhỏ tựa chiếc lá giữa muôn trùng sóng nước. Khoảng 1 giờ sáng, hàng chục chiếc ghe công suất từ 12 – 20CV nổ máy vượt sóng vươn khơi. Cách bờ 17 – 22 hải lý thì trời vừa hửng sáng, trên mỗi ghe 2 – 4 ngư dân vội vã buông dây câu với mồi được móc vào lưỡi từ chiều hôm trước.

Khi mặt biển lấp lánh tia nắng ban mai, họ dỡ gói cơm nguội ra ăn lót dạ để lấy sức thăm câu, đập đá và ướp lạnh hải sản thu được. Công việc tiếp diễn dưới nắng đến khoảng 2 giờ chiều thì họ lại thu lưới câu và quay vào bờ.

Để xua cơn đói cồn cào, họ đặt nồi trên bếp kho những con cá tươi rói vừa câu được và dùng bữa trưa với phần cơm nguội còn lại từ ban sáng. Bóng dáng xóm làng và người thân đón đợi hiện dần trong chiều phai nắng. Tiếng cười nói lẫn với tiếng sóng vỗ rì rào trong gió. Những rổ cá ong, cá nhiễu, cá đổng… được chuyển vội lên bờ sang tay thương lái đưa đến tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Những hôm may mắn, mỗi ngư dân thu được 200 – 400 nghìn đồng với nụ cười tươi trên gương mặt sạm đen nắng gió biển khơi. “Thời gian gần đây, lượng cá câu được ít hơn trước. Nguyên nhân chủ yếu là do ngư dân nơi khác đến vùng biển này đánh thuốc nổ và nhiều tàu cá công suất lớn hành nghề giã cào theo kiểu tận diệt” – một ngư dân cho biết.

Ngư dân Võ Tấn Đạt với hơn 40 năm gắn bó cùng nghề câu, kể: Ngư dân nơi đây đã bao đời gắn bó với nghề câu dây để kiếm chén cơm, manh áo cho gia đình. Thuở trước, họ mưu sinh trên những chiếc ghe nan chèo bằng sức người vượt qua sóng cả.

Giờ ghe được đóng bằng gỗ gắn máy công suất nhỏ cùng ngư cụ với tổng giá trị khoảng 20 triệu đồng giúp ngư dân vơi bớt cơ cực và chạy nhanh vào bờ khi biển cả nổi phong ba.

“Nghề câu gần bờ như tui không giàu có nhưng cũng đủ nuôi ba đứa con trưởng thành. Con trai đầu của tui góp vốn với anh em đóng tàu công suất lớn khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa cho thỏa sức vẫy vùng chứ không chịu đánh bắt ven bờ.

Tui giờ đã lớn tuổi lại vừa mổ khối u trong gan nên gia đình và bà con khuyên nghỉ luôn cho khỏe vì các con đủ sức lo cho cuộc sống của cha mẹ. Nhưng tui nhất quyết đến vụ tới sẽ xuống ghe đi câu kiếm tiền và để vơi nỗi nhớ biển. Bởi vì nghề này đã gắn bó với tôi gần trọn cuộc đời” – ông bộc bạch.

Theo lời ngư dân Huỳnh Ngon, vụ câu của ngư dân xã Phổ Vinh bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 8 âm lịch năm sau, thời điểm ít giông bão. Dẫu vậy, cũng lắm lúc biển nổi sóng gió dữ dội như muốn nhấn chìm chiếc ghe bé nhỏ xuống đáy đại dương.

 Ghe câu của ngư dân Phổ Vinh chuẩn bị vào bờ

Gần 30 năm lênh đênh trên sóng nước, nhiều lần anh phải đối mặt với những hiểm nguy cận kề. Có lần, anh cùng với ba ngư dân đang buông câu thì trời bỗng nổi giông tố, biển dậy sóng dữ dội. Trong anh chợt hiện lên ánh mắt đau buồn của người vợ trẻ và ba con thơ dại. Anh trấn an mình và những ngư dân đi cùng rồi tìm cách điều khiển chiếc ghe hướng theo chiều gió để khỏi bị nhấn chìm.

Lần khác, gặp phải sóng lớn khi vào đến bờ thì một người bạn đi cùng rơi xuống nước và bị chiếc ghe đè lên phần đầu gây tử vong trên đường đi cấp cứu. Gia đình anh tự nguyện lo chi phí mai táng và vẫn chia phần lãi sau mỗi chuyến đi đối với thân nhân người đã khuất cho đến cuối vụ.

“Dù đánh bắt gần bờ nhưng cũng lắm nguy hiểm khi trời giông bão vì ghe công suất nhỏ nên chạy chậm. Nhiều người chạy vào không kịp nên bị chìm ghe, chết đuối đến mấy ngày sau thi thể mới tấp vào bờ” – anh nói. 

“Cái khó” chặn vươn khơi 

Vươn khơi đánh bắt trên những vùng biển xa với những con tàu lớn cùng trang bị hiện đại là ước muốn của nhiều ngư dân. Nhưng được sở hữu con tàu trị giá tiền tỷ là điều “khó thành hiện thực” đối với những ngư dân nghèo ở Quảng Ngãi nói riêng và cả miền Trung nói chung.

Ngư dân Huỳnh Ngon ở xã Phổ Vinh bộc bạch: “Tụi tui vốn ít nên chỉ đủ sắm chiếc ghe gắn máy vài chục triệu đánh bắt gần bờ. Nhiều người mạnh dạn vay vốn đóng tàu công suất lớn đánh bắt dài ngày bị thua lỗ phải bán tàu nhưng vẫn không đủ trả nợ. Đáng ngại nhất là tình trạng thiếu bạn chài vì chỉ vài phiên biển đánh bắt đạt thấp là họ bỏ sang tàu khác hay chuyển nghề. Khi ấy, tàu đành phải nằm bờ, không có tiền trả lãi vay vốn…”.

Trong khi đó, nhiều tàu cá không thiếu bạn chài, không nằm bờ thì lại gặp khó bởi những lý do không biết tỏ cùng ai, như trường hợp của ông Võ Đạt ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Tháng 7.2014, tàu cá QNg – 94912 TS với công suất 100CV của ông bị Trung Quốc bắt giữ trái phép khi đang khai thác hải sản trên vùng biển vịnh Bắc Bộ.

Trên tàu lúc này có anh Võ Quang Tèo (con trai ông Đạt) làm thuyền trưởng cùng với 5 ngư dân. Sau nhiều ngày giam cầm, phía Trung Quốc thả các anh theo tàu cá của ngư dân Quảng Bình về nước, nhưng thu giữ tàu cá của ông Đạt cùng trang thiết bị trị giá hơn 1,1 tỷ đồng.

Khi nghe tin Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, ông Đạt hy vọng sẽ được sớm vay vốn để đóng mới tàu cá công suất lớn tiếp tục vươn khơi. Và ông là một trong những trường hợp được xét duyệt đầu tiên, nhưng đành phải xin rút hồ sơ vay vốn ưu đãi theo nghị định.

Ông cười buồn: “Chủ trương của Nhà nước giúp đỡ ngư dân khiến tụi tui vui mừng lắm. Nhưng nhiều quy định không thuận lợi nên rất khó đáp ứng theo yêu cầu. Vì vậy, tôi phải vay mượn bên ngoài hơn 3 tỷ đồng để đóng mới tàu cá tiếp tục vươn khơi đánh bắt”.

Liên quan đến Nghị định 67, theo báo cáo của UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có 26 trường hợp xin rút hồ sơ vay vốn. Theo ông Phan Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Quảng Ngãi thì 26 trường hợp nói trên rút hồ sơ bởi lý do: “Nghị định 67 tuy có nhiều ưu đãi, nhưng so với thực tế còn có quá nhiều điều buộc ngư dân phải tính toán.

Niềm vui của ngư dân Huỳnh Ngon sau cả ngày nhọc nhằn trên sóng nước  

Về phía ngân hàng, do nguồn vốn cho vay quá lớn nên cũng dè dặt trong vấn đề xét duyệt triển khai cho vay. Đây là thực trạng chung của cả nước, mặc dù ngành đã nhiều lần khuyến khích ngư dân nhưng đến nay tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu theo chương trình này vẫn khá chậm”. 

Vậy là, đánh bắt gần bờ may lắm cũng chỉ đủ tiền đong gạo qua ngày. Nhưng đánh bắt xa bờ, dù không bị Trung Quốc bắt giữ tàu trái phép trên vùng biển của mình, thì cũng lao đao lận đận với thủ tục và nguồn vốn để đóng tàu. Đường nào, ngư dân miền Trung cũng trăm bề khốn khó…

 

Hữu Nhân
TIN LIÊN QUAN

Khi ảnh bất lực, chúng tôi "cầu cứu" Đan

Hoàng Văn Minh |

Gần như đã thành thói quen của những thư ký toà soạn báo Lao Động suốt hơn 15 năm nay, mỗi khi không “sản xuất” được ảnh đẹp cho bài chính trang 1, thậm chí cả bài trang trong cho số báo hôm sau là chúng tôi gọi “cầu cứu” Đan (bút danh của hoạ sĩ Hoàng Đặng) để nhờ ông vẽ tranh minh hoạ.

Ở nơi cái gì cũng thiếu, chỉ có nước là thừa

Cao Thùy Liên |

Sống trên mặt nước. Giặt giũ, sinh hoạt - dùng nước ngay bên mạn thuyền, ăn uống - ra giữa sông lấy nước, về rửa phèn qua loa là dùng được. Mấy người phụ nữ da đen nhẻm, cười như được mùa từ thuyền này nói vọng sang thuyền kia: “Ở đây cái gì cũng thiếu, chỉ có nước là thừa, và trong bến ngoài dòng đều bẩn như nhau, nhưng phải nhắm mắt dùng thôi”.

Nghịch lý nuôi bò vắt sữa: Chính quyền ở đâu khi người nuôi bò sữa đang “chết” dần vì bệnh “soma”?

Võ Đức Phúc |

Người dân nuôi bò sữa ở TP.Hồ Chí Minh đang ôm nợ, “chết” dần bởi bệnh “soma”, trong khi chẳng thấy cán bộ nào đến giúp nông dân. Đáng nói là để cứu dân, chính quyền đã đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất sữa hiện đại, nhưng chỉ mang tính trình diễn bởi người dân lại không có cơ hội với tới…

Cơ quan chức năng bất lực, công nhân cam chịu để đầu gấu bảo kê, trấn lột

Lê Tuyết - Trung Thành |

Những người lao động nghèo khổ từ các tỉnh miền Bắc, miền Tây, miền Trung tới miền Đông Nam Bộ làm công nhân không chỉ kiếm tiền nuôi thân mà sau lưng họ còn có mẹ già, con thơ… nên khi gặp những tay côn đồ đòi tiền bảo kê, họ không còn cách nào khác là chấp nhận đóng tiền để mong được yên ổn làm việc.

WHO khuyến cáo mới nhất về COVID-19

Khánh Minh |

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết giai đoạn khẩn cấp của đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc.

Lại xuất hiện clip triệu view tố cân hải sản gian lận ở làng chài Mũi Né

DUY TUẤN |

Bình Thuận - Sau kì nghỉ Tết Quý Mão, lại xuất hiện một clip được đăng tải lên mạng xã hội TikTok nhằm cảnh báo tình trạng bán hải sản dùng cân không chuẩn tại chợ làng chài Mũi Né, phường Mũi Né, Phan Thiết (Bình Thuận).

Ông Trump nói có thể giải quyết xung đột Nga-Ukraina trong 24 giờ

Song Minh |

Cựu Tổng thống Donald Trump cho biết, ông có thể giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraina "trong 24 giờ", khi phát biểu tại buổi khai mạc chiến dịch tranh cử tổng thống hôm 28.1.

Cá lóc nướng tăng giá cận ngày vía Thần Tài

Phương ngân |

TPHCM – Cận ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng), tuyến phố bán cá lóc nướng lớn nhất TPHCM bắt đầu nhộn nhịp “vào mùa”. Trong dịp này, giá cá lóc nướng bắt đầu tăng do giá cá nhập vào tăng hơn năm trước.

Khi ảnh bất lực, chúng tôi "cầu cứu" Đan

Hoàng Văn Minh |

Gần như đã thành thói quen của những thư ký toà soạn báo Lao Động suốt hơn 15 năm nay, mỗi khi không “sản xuất” được ảnh đẹp cho bài chính trang 1, thậm chí cả bài trang trong cho số báo hôm sau là chúng tôi gọi “cầu cứu” Đan (bút danh của hoạ sĩ Hoàng Đặng) để nhờ ông vẽ tranh minh hoạ.

Ở nơi cái gì cũng thiếu, chỉ có nước là thừa

Cao Thùy Liên |

Sống trên mặt nước. Giặt giũ, sinh hoạt - dùng nước ngay bên mạn thuyền, ăn uống - ra giữa sông lấy nước, về rửa phèn qua loa là dùng được. Mấy người phụ nữ da đen nhẻm, cười như được mùa từ thuyền này nói vọng sang thuyền kia: “Ở đây cái gì cũng thiếu, chỉ có nước là thừa, và trong bến ngoài dòng đều bẩn như nhau, nhưng phải nhắm mắt dùng thôi”.

Nghịch lý nuôi bò vắt sữa: Chính quyền ở đâu khi người nuôi bò sữa đang “chết” dần vì bệnh “soma”?

Võ Đức Phúc |

Người dân nuôi bò sữa ở TP.Hồ Chí Minh đang ôm nợ, “chết” dần bởi bệnh “soma”, trong khi chẳng thấy cán bộ nào đến giúp nông dân. Đáng nói là để cứu dân, chính quyền đã đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất sữa hiện đại, nhưng chỉ mang tính trình diễn bởi người dân lại không có cơ hội với tới…

Cơ quan chức năng bất lực, công nhân cam chịu để đầu gấu bảo kê, trấn lột

Lê Tuyết - Trung Thành |

Những người lao động nghèo khổ từ các tỉnh miền Bắc, miền Tây, miền Trung tới miền Đông Nam Bộ làm công nhân không chỉ kiếm tiền nuôi thân mà sau lưng họ còn có mẹ già, con thơ… nên khi gặp những tay côn đồ đòi tiền bảo kê, họ không còn cách nào khác là chấp nhận đóng tiền để mong được yên ổn làm việc.