Ăn Tết ở bệnh viện

Nguyễn Thùy |

Tết bệnh viện, một đứa trẻ chào đời lúc nửa đêm cũng khiến niềm vui được nhân lên vạn lần. Và cũng vì Tết nên nỗi đau cũng sâu hơn bấy nhiêu lần khi ai đó phải tiễn biệt một người thân. Bệnh viện, nơi mà chẳng ai muốn đến vào những ngày đẹp nhất của năm. Thế nhưng, chắc chỉ ở nơi này vào dịp Tết, người ta mới càng hiểu, buồn vui cuộc đời cách nhau chỉ một bước chân.

Tết "đợi" ở phòng chờ sinh

Cảm nhận đủ đầy cảm xúc nhất trong ngày Tết ở bệnh viện chắc phải kể đến những người túc trực tại phòng chờ sinh của bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng. Ngày mùng 1 Tết, có 32 ca nhập viện. Các trường hợp đa phần là những sản phụ sắp chuyển dạ. Bước vào sảnh đợi, ai cũng dễ nhận ra một không khí chờ đợi, lo lắng.

Vài anh chồng đi tới lui với vẻ thấp thỏm đến nỗi có ai hỏi cũng chỉ gật đầu rồi lại bước đi. Các ông các bà lo lắng cũng chẳng kém nhưng niềm vui vẫn hiện rõ trên khóe mắt khi ai đó hỏi thăm về đứa cháu sắp chào đời. Loa thông báo vẫn hoạt động liên tục gọi tên sản phụ. Từ bác sĩ, y tá đến người nhà, ai cũng trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng chào đón những công dân mới. 

Tết ở phòng chờ sinh, chẳng ai quan tâm đến bánh mứt, hoa quả mà thay vào đó đủ các loại quần áo, bỉm sữa đã được chuẩn bị kỹ càng. "Chỉ mong mẹ tròn con vuông thì nhiều tết sau sẽ ăn to hơn, ăn bù cho năm nay", chị Ngân, một sản phụ nói chắc nịch. Vài sản phụ khác còn được hộ tống bởi cả gia đình khiến sảnh chờ lại được vài phút rộn ràng tiếng trò chuyện. Cô Hoa, mẹ một sản phụ đang chờ sinh ở đây cho hay: "Tết có mỗi chúng nó mà vào viện hết nên cả nhà cũng khăn gói đi theo luôn. Vừa đón cháu vừa đón Tết, bao nhiêu là niềm vui".

Mong chờ là vậy nhưng cũng không ít lần cả sảnh đợi im lặng dõi theo một ca sinh khó phải chuyển lên phòng mổ. Các ông bố lại thêm dịp đứng ngồi không yên. Anh Hoàng chia sẻ, chắc đây là cái Tết bệnh viện đáng nhớ của cả nhà khi thành viên nhỏ lục đục đòi ra vào sát năm mới. Anh nói: "Sinh nở là chuyện không đơn giản, chỉ biết nói vợ ơi cố lên thôi. Cho đến lúc thấy mặt con thì vẫn lo đủ chuyện".
 Sảnh đợi trước phòng sinh bệnh viện Phụ Sản- Nhi Đà Nẵng ngày Tết vẫn đông người tới lui để chờ đón những công dân tuổi khỉ.

Thế là, Tết dù có đến với nơi nào thì cũng phải chờ ở cửa phòng … chờ sinh. Chốc chốc, một gia đình lại đứng dậy chào mọi người để đi đón thành viên mới. Họ không quên gửi lại nhau những lời chúc bình an. Tết này sẽ có thêm nhiều công dân tuổi khỉ chào đời, rồi sẽ được như mong ước của các bà mẹ, rằng những cái tết sau sẽ còn to hơn tết này.

Nơi trì hoãn những nỗi buồn

Hạnh phúc, hân hoan, nhưng chắc sẽ khó ai tìm thêm được ở thêm một khoa phòng nào đủ đầy cảm xúc như thế. Tôi ghé thăm khoa Chăm sóc giảm nhẹ bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng đúng đêm giao thừa. Có gần 30 bệnh nhân lưu lại ăn Tết. Gần giờ phút chuyển giao năm mới, một vài bệnh nhân đủ sức khỏe cũng cố bắt kịp cuộc sống bên ngoài. Họ cùng ngồi lại trên một chiếc gường, xem chương trình đón năm mới qua chiếc máy tính xách tay. 

Một giường bệnh khác, đông đủ con cháu đã vào từ chiều tối để ăn Tết với người thân. Đó là những khoảnh khắc hiếm hoi mang không khí Tết ở nơi này. Nơi mà tôi cảm nhận rằng, dù có đi nhặt ở mỗi phòng, thậm chí là mỗi người thì chẳng thể đủ một chữ Tết mà nhiều người chúng ta đang hưởng.

Vắng lặng hơn hẳn là phòng bệnh của anh Hà Xuân Hùng. Vừa đến nơi, vợ anh đã đón tôi ngồi trên chiếc giường cạnh bên người chồng đang thiếp ngủ. Chị tâm sự: "Cứ thức là đau nên hễ anh ngủ được phút nào là mừng được phút đó. 7 tháng rồi chưa có đêm nào tròn giấc cả em ạ". 

Ngày cận Tết chị muốn đưa anh về nhà để gia đình có mâm cơm tươm tất hơn nhưng sợ bệnh anh chuyển nặng nên hai vợ chồng đành ở lại. Gia đình nội ngoại chẳng còn nhiều người, chị phải gửi hai đứa con cho hàng xóm chăm hộ. Mọi ngày chị vẫn cho đứa nhỏ vào ngủ với anh nhưng đêm giao thừa chị muốn để con ở nhà, "có ai muốn ở bệnh viện đón Tết đâu, hoàn cảnh mình vậy thì mình cố gắng thay phần con cái".

Chị còn "khoe" nhờ có Tết, nhiều người ra viện, chị có được chỗ nằm tử tế hơn, với cả ở đây luôn có bác sĩ, có thuốc, anh sẽ bớt đau hơn. Tết ở viện buồn đó nhưng nỗi buồn ngày Tết dù có nhiều thì cũng qua nhanh thôi, nhưng nỗi đau bệnh tật của chồng thì sẽ còn dài. Vậy nên với anh chị, có được giấc ngủ êm, thở được bình thường đã là Tết bình an lắm rồi!

Đó cũng là mong ước mà tôi cảm nhận được từ các bệnh nhân ở khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Những ngày đầu năm, tiếng tít tít từ chiếc máy chạy thận nhân tạo vẫn phát ra liên hồi. Thứ dễ khiến người bình thường thấy ảo não lại là tín hiệu giúp kéo dài những ngày vui của nhiều bệnh nhân nơi đây. "Làm gì có khái niệm khỏi bệnh nữa, chỉ là kéo dài được ngày nào thì vui ngày đó. Chỉ cần được về nhà cùng con cháu giờ nào là Tết giờ đó rồi", là lời chia sẻ của chú Hiệp, một bệnh nhân tại khoa.

Vừa bước ra từ phòng chạy thận, chú Lý quê ở Quảng Nam vội khoác chiếc túi vải lên vai. "Tôi đi lại thế này đã 4 năm nay rồi. Nhà tôi ở cách đây 20 cây số. Tết này lạnh quá nhưng thôi cố được ngày nào với con cháu vui ngày đó. Có người còn không được về ăn Tết như mình". Chú Hiệp tiếp lời: "Mới phải chạy thận một năm nhưng bác sĩ nói bệnh chuyển nhanh và nặng quá, vậy là tôi đón giao thừa thứ 2 trong bệnh viện". 
 Bên cạnh những bệnh nhân phải ăn Tết bệnh viện luôn có các bác sĩ, y tá và người nhà bên cạnh. Với họ từng giây phút đều quý giá.

Chú kể, lần đầu ăn Tết ở đây còn có cả ban nhạc đến hát chúc Tết, rồi lì xì. Giao thừa thì những người bạn trong phòng cùng nhau ngồi ăn mâm cơm… rồi khóc. "Tủi lắm chứ, gia đình có đó mà không được về. Đến nay chỉ còn 3 người thôi. Phòng cũng không cùng ăn cơm nữa vì chẳng ai còn sức chuẩn bị nên càng buồn". Nói đến đây cũng đúng lúc có người cháu từ TPHCM về thăm, như bắt được dịp, chú Hiệp hỏi han chuyện từng người trong gia đình rồi căn dặn con cháu như sợ không còn kịp về gặp!

Giữ chặt từng ngày vui

Nếu Tết ở bệnh viện là cửa ngõ buồn vui thì những người bác sĩ, y tá túc trực ở đây chính là người gác những cánh cửa đó. Nhiệm vụ của họ không phải là đóng hay mở cánh cửa nào mà là cầm, giữ từng ngày vui cho từng bệnh nhân. Chị Huyền, y tá tại khoa Chăm sóc giảm nhẹ chia sẻ: "Bệnh nhân nằm ở khoa có khi cả năm, có người chỉ được vài giờ đồng hồ. Tất cả các ca bệnh đều đã ở giai đoạn cuối nên chúng tôi chỉ có thể giúp họ giảm đau và trì hoãn những cuộc chia ly càng lâu càng tốt". Chị Huyền bảo, Tết ai cũng muốn vui vẻ nên mong ước lớn nhất là tất cả người bệnh có thể cùng mình bước qua một năm mới bình an. Dù thậm chí đó chỉ là qua thời khắc giao thừa.

Tự nhận mình đang làm việc ở nơi phải thường xuyên chia tay với những người bệnh, chị Huyền hay những y bác sĩ khác đều hiểu rõ hơn ước muốn đó. "Buồn lắm em, cứ phải chia tay hoài mà không bao giờ có được niềm vui thấy bệnh nhân khỏe mạnh, ra về. Nhưng cứ phải động viên bản thân giữ tinh thần để làm việc. Mình buồn một thì nhiều người buồn mười. Mình làm tốt thì nỗi buồn sẽ lâu đến hơn", chị Huyền tâm sự.

Đêm trực giao thừa, khoa có 5 y tá và 1 bác sĩ thì có 3 người đã hơn một lần đón Tết cùng bệnh nhân. Y tá Đào khoe thành tích cao nhất trong tất cả khi ở liền 4 năm trong đêm 30 Tết. Thế nhưng chị vẫn thấy "bình thường" bởi còn nhiều anh chị em khác buồn hơn vì phải xa nhà. Như y tá Huyền, quê ở Huế nên chị phải tranh thủ chạy đi chạy về để lo Tết cho "hai bên", vừa gia đình vừa bệnh viện. Nhiều y bác sĩ khác còn ở xa hơn, có anh kể đã đặt vé tàu về Nghệ An sáng mùng 1.

Ba ngày Tết ở những khoa phòng bệnh viện khác nhau, khi bước đi trên những hành lang ra về, tôi vẫn nhớ nét mặt hoan hỉ của một đôi vợ chồng sắp sửa đứa con chào đời. Rồi vẫn còn nghe như y lời vợ anh Hùng kể rằng đã nói trước với các con, Tết này sẽ là cái Tết cuối cùng có ba ! 

Buồn vui lẫn lộn, nhưng hình ảnh ở khoa Thận nhân tạo lại khiến tôi nhớ và nghĩ mãi. Một bệnh nhân chạy thận xong đã cố đợi đến lúc bác sĩ bước ra ngoài. Anh đợi để gửi một chiếc bì lì xì đỏ. Người bác sĩ khi đó cũng bất ngờ nhưng rồi anh vẫn vui vẻ nhận, cả hai người nhìn nhau cười. Cả sảnh chờ ai cũng thấy, ai cũng vui. Chắc đó là chiếc phong bì ấm áp nhất mà tôi từng thấy. 

Bởi ở khoa bệnh chẳng bao giờ khỏi này, khi những người bác sĩ lo giữ từng nhịp thở cho bệnh nhân, chẳng ai biết khi nào sẽ chia tay nhau. Vậy nên mỗi ngày họ luôn cố giữ chặt những niềm vui dành cho nhau.

 

 


Nguyễn Thùy
TIN LIÊN QUAN

Nước Nga, ký sự trong lòng đất...

Đỗ Doãn Hoàng |

Chúng tôi đi dọc từ thủ đô, dọc St.Petersburg rồi Kratsnoda, lại vươn từ Vịnh Phần Lan ra đến Biển Đen Sochi, cuối cùng mới vòng về khám phá công trình kỳ vĩ gồm vô số các “lâu đài”, các “bảo tàng” lộng lẫy dưới lòng đất.

Tiếng sóng vỗ trên đỉnh Đông Trường Sơn

HƯNG THƠ |

Cô bạn cùng thời đại học với tôi quê ở đồng bằng, lên Hướng Phùng - xã miền núi ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị giáp biên với nước bạn Lào, nằm gối đầu trên đỉnh Đông Trường Sơn - nhận công tác đã 4 năm cứ luôn miệng rằng: “Đến đây, bạn sẽ thấy khoảng cách giữa đất liền trên đỉnh Trường Sơn và Hoàng Sa - Trường Sa máu thịt mỗi ngày đang xích lại gần hơn”. Tôi đã không tin lời bạn lắm, nhưng sau một lần ghé thăm, vẫn cứ viện cớ không tin, để được thêm lần nữa ghé thăm ngôi trường này...

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Nước Nga, ký sự trong lòng đất...

Đỗ Doãn Hoàng |

Chúng tôi đi dọc từ thủ đô, dọc St.Petersburg rồi Kratsnoda, lại vươn từ Vịnh Phần Lan ra đến Biển Đen Sochi, cuối cùng mới vòng về khám phá công trình kỳ vĩ gồm vô số các “lâu đài”, các “bảo tàng” lộng lẫy dưới lòng đất.

Tiếng sóng vỗ trên đỉnh Đông Trường Sơn

HƯNG THƠ |

Cô bạn cùng thời đại học với tôi quê ở đồng bằng, lên Hướng Phùng - xã miền núi ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị giáp biên với nước bạn Lào, nằm gối đầu trên đỉnh Đông Trường Sơn - nhận công tác đã 4 năm cứ luôn miệng rằng: “Đến đây, bạn sẽ thấy khoảng cách giữa đất liền trên đỉnh Trường Sơn và Hoàng Sa - Trường Sa máu thịt mỗi ngày đang xích lại gần hơn”. Tôi đã không tin lời bạn lắm, nhưng sau một lần ghé thăm, vẫn cứ viện cớ không tin, để được thêm lần nữa ghé thăm ngôi trường này...