Tiếng sóng vỗ trên đỉnh Đông Trường Sơn

HƯNG THƠ |

Cô bạn cùng thời đại học với tôi quê ở đồng bằng, lên Hướng Phùng - xã miền núi ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị giáp biên với nước bạn Lào, nằm gối đầu trên đỉnh Đông Trường Sơn - nhận công tác đã 4 năm cứ luôn miệng rằng: “Đến đây, bạn sẽ thấy khoảng cách giữa đất liền trên đỉnh Trường Sơn và Hoàng Sa - Trường Sa máu thịt mỗi ngày đang xích lại gần hơn”. Tôi đã không tin lời bạn lắm, nhưng sau một lần ghé thăm, vẫn cứ viện cớ không tin, để được thêm lần nữa ghé thăm ngôi trường này...

Từ cổ tích đến hiện thực

Sáng sớm mùa đông ở Hướng Phùng, “đặc sản” sương mù vẫn còn nặng hạt nhưng ánh nắng đã len lỏi, tạo thành từng ray bên mái nhà sàn ở góc sân trường. Dù đang ở trung tâm của người Vân Kiều, nhưng để tìm được một nhà sàn truyền thống chưa bị pha tạp của đồng bào, phải đến Trường Tiểu học Hướng Phùng. Ngôi nhà sàn được phục dựng nguyên bản, với những đồ vật mang đặc trưng của người đồng bào, có cả bếp lửa bập bùng dưới mái tranh.

Trường miền núi, ở trên một quả đồi nên các dãy phòng học, sân trường và dãy nhà ở giáo viên mấp mô. “Anh nên lên trên này, có thể nhìn bao quát cả sân trường. Cổ tích hay hiện thực gì, ở đây đầy đủ cả” - cô văn thư tên Oanh, chỉ tay vào chiếc thang tre, rủ rê. Nhà sàn không cao lắm, chỉ dăm bậc thang là đến nơi, nhưng khi ngoái đầu nhìn theo hướng Oanh nói, tôi cứ nghĩ mình vẫn còn lâng lâng sau một đêm ngất ngây bên ché rượu cần...

Thầy hiệu trưởng rất trẻ, tên là Nguyễn Mai Trọng. Và bất ngờ đầu tiên thầy Trọng mang đến cho tôi là những mô hình trực quan làm bằng đá ở suối, do thầy cô giáo trong trường sáng tạo để bồi đắp hiểu biết cũng như những câu chuyện thời sự về lòng yêu nước cho học sinh ở miền núi. Chuyện bắt đầu từ một hội thảo diễn ra vào buổi chiều cuối tháng 9 cách nay đã 2 năm. 

Thầy Trọng kể, sau sự kiện “quái vật” Hải Dương 981 của Trung Quốc tiến vào hạ đặt trái phép ở vùng biển Hoàng Sa chủ quyền của Việt Nam, giáo viên ở Trường Tiểu học Hướng Phùng đã bàn bạc thực hiện một mô hình giáo dục trực quan về biển đảo. “Ý tưởng thì rất nhiều, nhưng trường không có kinh phí. Cuối cùng anh em thống nhất là lấy đá làm nguyên liệu để dựng mô hình. Thế là, giáo viên tận dụng ngày nghỉ, thay nhau xuống suối, nhặt từng viên đá cỡ bằng nắm tay rồi tập kết về trường” - thầy Trọng hướng mắt về phía sân, ngắm nhìn thành quả với vẻ hài lòng.

Tiết ngoại khoá tại trường tiểu học Hướng Phùng, Hướng Hoá - Quảng Trị. Ảnh: Hưng Thơ

 

Ngay chính giữa sân, bên miếng đất đỏ bazan, những viên đá đồng đều được xếp thành hình bản đồ Việt Nam, kết dính với nhau bằng ximăng. Trên “biển”, các hòn cuội lớn tượng trưng cho quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. “Vì bị “nước lớn” bào nhẵn nhụi, nên hai quần đảo này được ưu ái cố định chặt và nổi bật hơn”, thầy Trọng cười, đầy ẩn ý.

Sau thành công của bản đồ Việt Nam, nhà trường tiếp tục xây dựng bức tranh Thánh Gióng cưỡi ngựa đánh đuổi giặc và ngôi nhà sàn của Bác Hồ. Lần này, những phụ huynh là người đồng bào Vân Kiều đã ngỏ ý góp ngày công, cùng thầy cô xuống suối chở đá. Người miền xuôi và miền ngược cùng chung tay, nên chẳng mấy chốc tranh hoàn thành. Ở hai bức tranh đá này, giáo viên mỹ thuật của trường đã dùng sơn, tô lên từng viên đá để tạo hình, khiến tranh bắt mắt, tuyệt đẹp.

Chưa dừng lại ở đó, ngay giữa sân khấu chính của trường, còn có mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa bằng tấm nhựa mica. Thầy Trọng nhớ lại, lúc thầy cô giáo dựng cột mốc, học sinh cứ tưởng... ốp tường. Nhưng “đó là cách đây mấy tháng, bây giờ thì em nào cũng kể vanh vách về cột mốc chủ quyền. Tôi thường nói với các giáo viên rằng, nếu học sinh trường này mà đi thi kể chuyện về biển đảo, chắc đạt giải cao hết”. Tôi cười hoài nghi. Thầy Trọng nghiêm túc: “Để rồi anh xem”.

Lớp trước dựng nước, lớp sau phải giữ gìn

Sau tiếng trống báo hiệu đến giờ chào cờ đầu tuần, hơn 600 học sinh của trường xếp thành hàng, ngay ngắn và trật tự trước sân khấu chính. Có đến 412 em là học sinh người đồng bào, nên đồng phục em có em không. Nhưng không vì thế mà nghi thức chào cờ kém phần trang trọng. Sau hiệu lệnh, cánh tay chào cờ đồng loạt đưa lên, ánh mắt của toàn trường hướng về phía lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay, cạnh đó là mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa.

Thế rồi, câu chuyện về cột mốc chủ quyền đầu tiên trên đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa được giáo viên lồng ghép, kể lại: “Cột mốc này được xây dựng theo mô hình một con tàu, đầu tàu ghi lời dặn của Bác Hồ với bộ đội Hải quân: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có trời, có biển, bờ biển của ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ lấy nó”. Giữa thân tàu, là cột cờ với dòng chữ: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quần đảo Trường Sa, đảo Nam Yết”...

Cả sân trường không có tiếng trò chuyện, chỉ có một vài cánh tay nhỏ bé đưa lên, thắc mắc hỏi mô hình thầy cô dựng lên trên kia, là cột mốc chủ quyền Trường Sa lần thứ mấy; ở trên đất liền dựng cột mốc đã khó, giữa biển xây như thế nào; cuộc sống của chiến sĩ hải quân ở cột mốc chủ quyền... Tất cả các câu hỏi này, được giáo viên trả lời trực tiếp, nên học sinh rất thích thú.

Buổi chào cờ ở một trường miền núi, tuần nào cũng diễn ra một cách thú vị như vậy.

Hết giờ chào cờ, 34 học sinh lớp 3 cùng cô giáo Nguyễn Thị Thảo Nguyên tiếp tục với tiết ngoại khóa. Các em đi theo hàng, đứng dọc mô hình bản đồ Việt Nam, sau khi khái quát các nội dung của bài học, cô Thảo Nguyên bắt đầu đặt các câu hỏi. Học sinh Hồ Văn Hiền, xung phong trả lời bằng cách cầm thước đến chỉ từng địa điểm, phía bắc giáp gì, quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa ở đâu. Tất cả câu trả lời của Hiền đều chính xác, cô giáo gật đầu và Hiền được các bạn tán thưởng bằng một tràng vỗ tay. Cô Thảo Nguyên kể, những buổi học ngoại khóa không chỉ tạo hứng thú với học sinh, mà giáo viên nhiều lúc cũng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. 

“Có buổi, tôi giảng cho học sinh lớp 2. Có em giơ tay, hỏi “quái vật” Hải Dương 981 của Trung Quốc từng xâm phạm vùng biển chủ quyền Việt Nam ở vị trí nào trên bản đồ; tại sao biển đảo của Việt Nam, nhưng ngư dân ra khơi đánh cá lại hay bị tàu Trung Quốc đâm chìm; sao Thánh Gióng không đi đuổi “quái vật” xâm phạm lãnh thổ...”. Trả lời những câu hỏi như thế, cô Thảo Nguyên thường nhẹ nhàng: “Các em học thật giỏi, sau này trở thành chiến sĩ Hải quân hoặc Thánh Gióng, để đi bảo vệ ngư dân nhé”.

Đối diện với lớp học của cô Thảo Nguyên, giáo viên Đoàn Thị Kim Liên cũng tổ chức ngoại khóa cho khối học sinh lớp 5 ở bức tranh Thánh Gióng và ngôi nhà sàn của Bác. Cứ thế, chuyện về Thánh Gióng mình mặc giáp, tay nhổ bụi tre, phi ngựa sắt phun lửa lao vào đánh tan tác quân xâm lược, bảo vệ đất nước; chuyện Bác Hồ về ở thủ đô, nhưng vẫn nhớ thương đồng bào các dân tộc, nên đã dựng một ngôi nhà sàn để ở và làm việc... được học sinh đón nhận, khắc sâu và liên hệ thực tiễn. “Khi tôi giảng về Thánh Gióng, các em sẽ được liên hệ đến truyền thống dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Còn về bức tranh ngôi nhà sàn, các em sẽ hiểu hơn về cuộc đời giản dị, yêu thương đồng bào của Bác...” - cô Kim Liên, giải thích.

Không phải tự dưng, những kiến thức ngoại khóa đôi lúc vượt ra ngoài phạm vi sách vở lại được giáo viên ở trường giải đáp đầy đủ, chính xác với học sinh. Mà trước đó, nhà trường đi đi lượm lặt, sưu tầm các tư liệu rồi đặt ở phòng truyền thống, để bồi dưỡng thêm kiến thức cho các giáo viên. Từ đó, thông qua những hoạt động tưởng như đơn giản ấy, câu chuyện về các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời của tổ quốc được kể lại, bài học về biển đảo được nối dài, những tư liệu về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa ngày một dày thêm. Dù ở nơi đâu, chưa một ai đặt chân đến biển đảo của tổ quốc, nhưng tất cả đã cảm nhận được sự gần gũi, thân quen của Trường Sa - Hoàng Sa máu thịt.

Buổi chiều, miền biên giới chuyển lạnh đột ngột. Học sinh khối lớp 4 tràn ra sân, các em hí hoáy nhổ từng cây cỏ vừa mới nhú lên, nhặt từng chiếc lá rơi vãi ở bức tranh Thánh Gióng, nhà sàn Bác Hồ và mô hình bản đồ Việt Nam. Theo lịch định sẵn, mỗi tháng các khối thay phiên nhau vệ sinh từng mô hình này. Hồ Văn Kiên, học sinh lớp 4, người đồng bào Vân Kiều, đang cùng các bạn sắp lại những hòn cuội ở mô hình bản đồ Việt Nam. Tôi hỏi Kiên cảm nhận về công việc mình đang làm, Kiên dạ thưa, rồi ngắn gọn: “Thầy cô giáo đã xây dựng mô hình này, lớp trẻ như chúng em phải giữ gìn. Cũng như người đi trước đã dựng nước, đã lập chủ quyền biển đảo, thì chúng em sẽ cố gắng học tốt, sau này xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Nghe cảm nhận của cậu học trò mới học lớp 4 người đồng bào Vân Kiều, dù đang đứng trên đỉnh Đông Trường Sơn, dưới chân mình là bùn đất đỏ hoe, nhưng rõ ràng tôi nghe rõ từng tiếng sóng biển đang vỗ, rất gần.

HƯNG THƠ
TIN LIÊN QUAN

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Hòa Bình

PV |

Hoà Bình - Cơ quan công an vừa khởi tố các bị can liên quan đến vụ án “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 28-01S thuộc Sở Giao thông vận tải Hòa Bình.