Phóng sự dự thi:

14 năm “tỏa bóng” giữa đỉnh trời đá xám

Đỗ Doãn Hoàng |

Năm 2000, anh giáo Mông Văn Nguyễn tạm xa mẹ già và vợ con, tự đẽo thang gỗ vượt núi lên tít đỉnh trời toàn đá tai mèo xám ngoét ở Lũng Mần (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) để dựng trường, gọi trẻ con người Mông về dạy học. Không điện đường trường trạm, nước sinh hoạt, thầy Nguyễn lại nghĩ cách xây bể giữ nước mưa lại giữa biển đá tai mèo, cứu trẻ em, phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc...
Đẽo thang vượt núi
Trung tá Hoàng Anh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cốc Pàng - bắt tôi bỏ lại hai ôtô gầm cao, một cái u-oat ở lại đồn. “Ông đừng có nằm mơ. Đi được xe máy vào Lũng Mần là phúc lắm rồi. Xe tôi đây, đổ đầy xăng rồi đấy”. Đường dốc đứng, nếu đèo hai thì không xe nào đi được, thành thử, một là đi bộ, hai là “một mình một ngựa” trong trạng thái “sẩy chân là sẩy mạng”. Để yên tâm, anh gọi điện yêu cầu anh Lê Bá Hùng - Bí thư xã Đức Hạnh - một sĩ quan đồn Cốc Pàng đã nhiều năm “cắm bản” làm cán bộ lãnh đạo - phải ngược núi đón đầu để gặp và tư vấn cho chúng tôi cách leo lên đỉnh mây mù tìm anh giáo Nguyễn.
Đến khi vách núi hai bên dựng tối om, vòi vọi thì tôi thấy rợn ngợp, hoang liêu kỳ lạ. Sông Nho Quế “xanh như là quê hương” cứ lắt lẻo bé như sợi dây thừng dưới chân mình, bờ bên kia là Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, kia là chợ tình Khau Vai huyền thoại. Chợt xe máy đưa tôi lạc vào một thung lũng mà trời đất bày trận địa đá tai mèo vô thiên lủng, xe luồn giữa các mõm đá mà đi, bà con người Mông chùng chình váy áo trỉa ngô trong các hốc đá đen kịt như được làm bằng than củi. Cuối con đường ấy, mái trường bé và gương mặt hiền khô của thầy Nguyễn hiện ra. Bà con kéo đến, Bí thư Hùng nhỏ nhẹ: “Hồi tôi và anh Nguyễn lên đây, mỗi người cầm con dao lớn, đi đến vách đá cao quá, phải đẵn vài cây gỗ, làm mấy cái thang dây, thang gỗ để trèo. Có đỉnh đá tai mèo, 3 lần thang dựng sừng sững vẫn chưa vượt qua được.
Biếu thầy một chai nước sông Nho Quế

“Lên đến nơi, học trò thấy thầy giáo là chạy. Bảo đi học nhé, bố mẹ nó bảo, học có ra ngô, có ra nước uống được không?” - Bí thư Hùng kể. Với 74 hộ và chừng 500 dân giữa chỏm chòe lưng núi, xóm này, hồi ấy, khi làm chính sách, cán bộ không phải đi hỏi han thống kê, bởi bà con 100% thuộc diện đói nghèo. 

Anh Hùng và Nguyễn hò nhau đi đẵn tre, đánh gianh về lợp một “túp lều bác Nguyễn”. Họ đóng một cái giường tre hai tầng, đêm đến, mỗi “thằng” một tầng. Trường buộc gá buộc tạm, rồi vận động trẻ đến trường. Học sinh buộc quần bằng dây rừng, đi cứ lụm cà lụm cụm. Trống trường thầy Nguyễn chế bằng một cái ống tre kêu rặt rặt. 

Học trò mỗi em đến lớp, mỗi ngày xách theo một chai nhựa chứa chừng 1 lít nước sông Nho Quế hoặc nước mưa để... biếu thầy. Thầy cũng cả tuần mới dám tắm. Cũng rửa mặt rồi lấy nước rửa rau rồi tối rửa chân, rửa chân xong còn hứng nước tưới rau hoặc cho lợn gà uống... Mỗi năm 8 tháng mùa khô, cả miền đá này quay quắt vì thiếu nước.

Lớp học đầu tiên, trong căn nhà lợp gianh, ván thưng bằng vỏ cây móc xù xì, có được 29 em, đứa lớn thì có đến 3 con rồi, đứa bé thò lò mũi xanh lèo. Tất cả là lớp 1 hết. Lố nhố, ai cũng đi đất, hầu hết có tên mà tự các cháu không nhớ nổi họ của mình. Chúng hầu hết chỉ biết vài từ tiếng Kinh, thầy Nguyễn thì vọc vạch vài câu tiếng Mông. Thế là, thầy cứ giơ cái củ nghệ vừa nhổ ngoài sân lên, học trò gọi nó là “khé đè”, thầy nói theo rồi tự hiểu tiếng Mông như thế là củ nghệ. 

Thầy học tiếng của trò, trò lại học tiếng của thầy. Một cái lớp học tranh tre tơ tướp, thầy Nguyễn chia làm hai nhóm, lớp 1 và lớp 2 + lớp 3, thầy dạy cả hai ba nhóm cùng lúc. Học trò nghèo quá, cuối năm, thầy ra huyện xin được mấy chục cái cặp về làm phần thưởng cho những em có tinh thần hoặc kết quả tốt. Cuối năm, thầy lại bảo học trò trả cho thầy những cái cặp ấy để treo trong phòng ngủ của thầy. Sang năm, em nào học tốt thầy lại phát cái cặp ấy cho dùng cả một năm. Bố mẹ ông bà đám trẻ thì nhà ai mổ con gà cũng nhất định phải mời thầy giáo đến uống rượu, “vì thầy biết nhiều thứ hơn cả ông thầy cúng”.

Nhưng, dạy học xong, thấy dân quá khổ, đứng ngồi không yên, anh giáo Nguyễn lại tính kế giải “cơn khát nghìn đời” cho bà con. Anh gùi ximăng lên, dùng thuốc nổ phá đá làm một lòng chảo, xây những cái bể chứa nước mưa “cãi lại ông trời”. Có gì đâu, nước mùa mưa nhiều lắm, nhưng đá tai mèo lỗ chỗ lởm chởm hút hết, để rồi 8 tháng mùa khô người dân khổ sở trăm bề. Thầy Nguyễn lấy ximăng chít những kẽ đá lại, lót thêm miếng vải địa kỹ thuật chống thấm lên. 

Đặc biệt, từ khi được bầu làm Bí thư chi bộ thôn, dường như gánh trách nhiệm càng được thầy Nguyễn tự nguyện đặt lên vai mình nặng nề hơn. Anh gõ mõ tre “rặt rặt” gọi toàn thể bà con đến họp xóm. Anh bảo, hết nạn thất học, bớt nạn thiếu nước sinh hoạt, giờ lại vẫn còn nhiều cái chuyện đau đầu quá, bà con có gì phải báo với tôi ngay nhé. Thế rồi, vợ chồng không mặn nồng được, cũng đến hỏi thầy; rượu say cãi nhau, cũng nhờ thầy phân xử; trộm gỗ, trộm trâu, con cháu bị bắt sang bên kia biên giới, cũng lại xách chai rượu đến mời thầy một chén để “tao được trình bày với thằng thầy giáo cái này”. 

Có lần thầy Nguyễn đang làm việc với các đồng chí biên phòng về nạn bắt cóc phụ nữ đưa sang bên kia biên giới, thì thấy một nhóm đàn ông mặt mày tái nhợt, mồ hôi nhễ nhại vẫy vẫy ông thầy của mình ra gốc chuối thì thầm. Thầy Nguyễn cũng biến mất cả tiếng đồng hồ, rồi hỉ hả quay lại, hai tay còn ướt sượt các vệt xà phòng do rửa tiết kiệm nước: “Có chị đẻ con, đứa bé nằm ngang, không sao ra được. Cái gì cũng gọi thầy. Tôi đỡ đẻ suốt”.

Xuyên biên giới giải cứu phụ nữ
Bí thư Hùng vừa ra trước hiên đã thấy một cô gái trẻ mặc váy Mông xanh đỏ rực rỡ. Tôi hỏi “ai đấy?”, thầy Nguyễn bảo: “Nó là Sần Thị Dí, con của ông Sần Mí Nù ở bản Lũng Mần này. Năm 2009, chị nó bị lừa bán sang làm vợ người Trung Quốc, khổ trăm bề. Vừa rồi họ lừa nốt cả con bé này, nói là đi quét nhà rửa bát, rồi bắt cóc sang bên Trung Quốc, đưa vào ổ mại dâm. Tôi làm đơn tố cáo, gửi tài liệu sang cho cơ quan chức năng Trung Quốc”. Thế rồi Dí đã được trao trả về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Năm 2010, con của Sần Mí Lúa từ Lũng Mần sang xã giáp ranh Sơn Vĩ bên tỉnh Hà Giang chơi, bị thằng Sình Mí Nủ từ bên Trung Quốc về lừa bán đi. Thầy Nguyễn lại phôtô hộ khẩu, giấy tờ, làm văn bản tố cáo, gửi sang công an Trung Quốc, mất 4 tháng cô bé mới thoát khỏi “tổ quỷ”. Tiếp đó, Thào Thị Già lại bị chính thằng Mí Nủ lừa bán lấy tiền. Quá căm thù kẻ tàn độc, thầy Nguyễn phối hợp với lực lượng biên phòng tiếp cận Nủ, dùng kế “điệu hổ ly sơn” lừa hắn đến căn nhà vắng uống rượu. Thầy uống rượu, câu giờ, chờ còng số 8 của các anh biên phòng Việt Nam đến bập vào tay hắn. Bí thư Hùng và Trung tá Đồn trưởng Hoàng Anh đã kể về các chiến công phối hợp với biên phòng của thầy giáo Nguyễn một cách đầy tự hào.

Tôi thật sự cảm kích trước nghị lực, sự tử tế, lòng nhân ái của thầy Nguyễn. Có lần tôi về quê anh ở xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Bố thầy là liệt sĩ, hy sinh khi thầy mới 4 tuổi. Vợ thầy cũng là giáo viên vùng cao, lương ba cọc ba đồng. Thầy bảo, 14 năm cắm chốt làm tất cả mọi thứ cho Lũng Mần, có lần người ta đã bảo tôi viết đơn xin về gần nhà để dạy học. Tôi nghĩ cũng hợp lý, nhất là khi tôi đã vào cái tuổi 50 rồi. “Nhưng lần nào ngồi vào bàn viết, tôi cũng có cảm giác mình thật hèn. Mình chạy trốn khỏi khó khăn và những người bà con hết mực thương yêu và cầu thị ở mình ư? Mình sống như vậy có xứng với ông bố đã hy sinh vì lý tưởng vệ quốc của mình không?”. 

Và thầy đã trụ lại để “tỏa bóng” bao dung với những đỉnh trời đá xám hiểm trở bậc nhất nước Việt Nam kia. Đúng như một câu danh ngôn: Trước thiên nhiên vĩ đại, dường như những toan tính nhỏ nhen nó cũng bị chìm lấp đi, anh giáo Mông Văn Nguyễn nhỉ?

Lời bình:

Nhiều phóng viên của Báo Lao Động, dấu chân của họ hầu như in lên mọi vùng đất của tổ quốc. Nhưng có lẽ, nơi đỉnh trời Lũng Mần xa hút tận vùng đá núi Bảo Lâm thì chỉ có Đỗ Doãn Hoàng. Lên Lũng Mần không phải để thỏa chí tò mò của một nhà báo vẫn lấy chuyện xê dịch làm thú vui, mà Hoàng đặt chân lên đó để hiểu thêm về sự hy sinh rất thầm lặng, nhiều khi “vô danh” của một con người, mà theo Hoàng ví von như là cây đại thụ “tỏa bóng” giữa đỉnh trời đá xám. Đó là thầy giáo Mông Văn Nguyễn.

Thầy Nguyễn lên Lũng Mần vừa như một “cơ duyên”, lại vừa như một hối thúc của lương tâm đối với các em người dân tộc thiểu số vùng đất này. Không chỉ mang cái chữ đến với các em, thầy Nguyễn còn “mang” đến cho họ một con đường, một bể nước, nhân văn hơn, anh đã kéo nhiều cô gái cả tin ra khỏi những “động quỷ” bên kia biên giới. Đọc xong phóng sự, lại rạo rực muốn được một lần đặt chân lên vùng núi đá ấy như Hoàng.

TRẦN ĐĂNG

 

 
Đỗ Doãn Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.