121 tuổi vẫn cười

Nhật Lệ |

Cả ngõ nhỏ thuộc ấp 5, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TPHCM) mấy bữa nay xôn xao vì có nhiều đoàn nhà báo vào thăm cụ Nguyễn Thị Trù - cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam, và có lẽ là cao tuổi nhất thế giới. Căn nhà của ông Phương - con trai út cụ Trù - khá rộng và thoáng. Mải tiếp khách, ông quên cả ăn trưa. Ông đã 74 tuổi, hơi nghễnh ngãng và cộng thêm nhiều đòn tra tấn vì “theo Việt cộng” thời trước 75, trí nhớ giờ chập chờn, khi được, khi tắt.
Tâm hồn thanh thản, sẽ sống lâu

Vậy mà khi đến gian nhà sau thăm cụ Trù, nhiều người phải sửng sốt: Thoạt nhìn, mẹ của ông Phương xem ra còn thoải mái, minh mẫn hơn ông con trai thua bà đến 44 tuổi! Bà cụ người nhỏ thó nằm gọn trên chiếc võng, tóc chưa hẳn bạc trắng mái đầu như hình dung, thần sắc khá tốt, da dẻ còn tươi nhuận, không nhăn nheo như những bức ảnh chụp các cụ già mà các nhiếp ảnh gia hay trình làng. Cụ tỉnh giấc, cười hồn hậu, sau đó tỉnh queo: “Chờ hoài chưa thấy cho ăn”. Cụ không quên xin mấy quả bòn bon, lại cười: “Các anh chị tới đây là bà được ăn bánh, kẹo”.

 Vợ ông Phương, năm nay đã 75 tuổi, vừa đi làm ruộng về, nhắc, bà vừa ăn cơm xong, cả một chén cơm. Nhưng tính cụ thích ăn vặt cả ngày. Bánh, kẹo, trái cây, cụ đều thích. Ăn xong rồi cũng không nhớ mình đã ăn chưa. Hương - cháu dâu cụ - bảo, cụ thích ăn ngọt lắm.

Điều tôi quan tâm đầu tiên là các thức ăn hằng ngày của cụ. Chắc là thời trước, thức ăn chưa bị tẩm hóa chất như bây giờ, nên cụ sống lâu, sống khỏe? Nhưng khổ nỗi, dù có khai thác liên hồi đi chăng nữa, thì ông Phương con trai cụ cũng lẩm cẩm, không nhớ nổi, nên bí quyết sống trường thọ của bà cụ cũng phải tự mỗi người suy luận ra. Tóm lại, một ngày cụ ăn hai chén cơm, cộng thêm chén cháo buổi sáng, uống thêm sữa, còn lại ăn lai rai suốt ngày không biết chán. Thế nhưng, không hiểu sao hai chân của cụ vẫn khẳng khiu, người cụ cứ ngày càng quắt lại. Hiện cụ không đi lại được nữa. Con dâu của cụ - vợ ông Phương - cho biết, vào năm 2013, cụ bị một trận thập tử nhất sinh, tưởng là "đi", nhưng sau đó khỏe trở lại. Từ đó, cụ mới chịu bỏ trầu cau. Hồi trên 100 tuổi, cụ vẫn thường mò cua bắt cá mang về cho con cháu ăn và từng nổi tiếng là “sát cá”.

Trên giấy khai sinh, cụ Nguyễn Thị Trù sinh ngày 4.5.1893. Cụ có 11 người con, nay chỉ còn người con gái thứ tám, người con trai thứ chín và người con trai út. Trong gia đình, 4 người con gái của cụ Trù đều có chút của ăn của để, còn cánh con trai thì nghèo. Cả đời cụ Trù gắn với làm ruộng, mà ruộng ở khu vực huyện Bình Chánh - nơi từng là vùng “xôi đậu” thời trước giải phóng - thường rộng mênh mông. Làm ruộng cũng đủ sống, nhưng phải nuôi 11 miệng ăn thì không đơn giản. Chỉ biết, hai ông bà lấy nhau, không hợp tính thì vẫn ở với nhau cho đến lúc ông nhắm mắt xuôi tay. Ông theo đạo Cao Đài, bà theo đạo Phật, thế nên hai người chủng chẳng cãi nhau ai nên về phe nào.

 

 Con dâu chăm sóc mẹ chồng chu đáo. Ảnh: T.S
Nhưng nhìn chung, tính cụ Trù luôn vui vẻ. Thời trẻ, giận con giận cháu thì la toáng lên là xong. Người đàn bà nông dân này trải qua nhiều vất vả, khổ cực, vậy mà luôn lạc quan. Trước đây, khi còn chưa lẫn hẳn, cụ thường niềm nở chào hỏi khách đến, tâm sự bí quyết sống lâu của mình là “biết thương yêu giúp đỡ mọi người và nếu có thể thì làm những việc tốt, như vậy thì tâm hồn thanh thản, sẽ sống lâu thôi”. Cách đây 2 năm, cụ vẫn làm việc vặt trong nhà như quét nhà, lau chùi bàn ghế và giúp đỡ con cháu.
Năm 2011, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã từng trao bằng công nhận cụ Trù là cụ bà cao tuổi nhất Việt Nam. Sau 3 năm, ngày 22.7, tổ chức này lại đến trao bằng kỷ lục cho cụ và hứa sẽ chịu mọi chi phí liên quan để xúc tiến đề xuất kỷ lục cụ bà cao tuổi nhất cho Tổ chức Kỷ lục Châu Á và Thế giới. Cũng theo tổ chức này, hiện cụ bà Misao Okawa tại Nhật Bản - 116 tuổi - đang giữ kỷ lục cao tuổi nhất thế giới. Chính vì lẽ đó, có thể nói, cụ Trù hiện nay là người cao tuổi nhất thế giới, hơn cụ Misao đến 5 tuổi.
Thiền ở trong tâm
Nhìn bức ảnh vào năm 1963, khi bà cụ Trù vô ấp chiến lược, lúc ấy dù đã 70 tuổi, trông cụ rất đẹp lão. Nhưng cũng vào năm đó, cụ ông mất, nên cụ bà hay đến tịnh xá Ngọc Phước để thiền và làm từ thiện. Cụ ăn chay niệm Phật hằng tháng vào ngày rằm, mồng một. Theo ông Phương, về sau, khi không thể đi lại được nữa, cụ mới ở nhà không lên chùa. Thiền định đã mang lại cho cụ một vẻ thanh thoát, dù vẫn phải trải qua những cơn lẫn vô thức ngày thường. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là một cái tâm thanh thản, biết giúp đỡ và chia sẻ với người khác.
Cụ Trù luôn giữ mình theo đúng khuôn phép của người Phật tử mẫu mực, dạy dỗ con cái nghiêm khắc. Ông Phương nhớ lại, mỗi lần giận con, trước đây cụ thường tỏ ý tức giận trong vài ngày, nhưng càng về sau, cụ càng tự kiểm soát tâm trạng một cách nhẹ nhàng hơn. Nói xong là hết giận liền. Sống chan hòa, yêu thương con cháu, ăn uống điều độ và đặc biệt, siêng năng lao động cần cù cả khi đã trên 100 tuổi..., tất cả đã giúp cho cụ Trù trụ lại ở kiếp sống này lâu như thế, trong khi chính con cái của cụ cũng đã lần lượt ra đi. Đặc biệt, cụ có người con trai út và người con dâu hiếu thảo, nuôi và chăm sóc mẹ bao nhiêu năm trời mà vẫn vui vẻ, nhẹ nhàng. Thế nên, các con của ông Phương cũng đối đãi với cụ, với cha mẹ chu đáo y như thế.

Cả đời cụ suốt 121 năm qua ít khi phải dùng đến thuốc, chưa bao giờ phải nằm viện, và có một thứ thuốc quý hơn tất cả, là tình yêu thương của con cháu đối với cụ. Nước mắt chảy xuôi, cha mẹ lo cho con cái là lẽ thường, nhưng ít khi nước mắt chảy ngược. Đến lúc xế bóng, không chỉ con mà còn cả cháu lo lại cho cụ. Như thế mới hiểu, cụ Trù là một người hạnh phúc đến độ nào. Và cụ cũng là một nhà giáo dục đại giỏi, khi tạo dựng được một nếp nhà đông đúc mà con cháu quây quần, hiếu thảo và đầm ấm như thế, cho dù không ai giàu có gì.

 

Chứng minh thư của cụ Trù ghi rõ năm sinh 1893. Ảnh: T.S 
Ông Phương kể, căn nhà cụ Trù ở lợp mái tôn, vách ván, nên mấy đứa cháu (chủ yếu là con của ông) đã bàn góp tiền, xây cho cụ căn nhà đàng hoàng, tường gạch, để khách khứa đến thăm có chỗ tiếp đón đàng hoàng. Ông có cả thảy 7 người con, nhưng chỉ con trai út ở ngay cạnh nhà để tiện bề chăm sóc bà nội và cha mẹ. Nếu nói về con cháu, chắt, thì có đến đứng chật kín cả căn nhà từ ngoài vào trong, cũng không đủ, không thể kể hết.
Bao nhiêu năm qua, ông và vợ chăm lo chu đáo cho mẹ già. Mỗi tháng, cụ Trù chỉ nhận được 240.000 đồng tiền trợ cấp dành cho người cao tuổi, ngoài ra không còn khoản gì khác. Bản thân ông và vợ cũng chỉ biết trông cậy vào đàn con mỗi tháng gửi tiền về. Thế nhưng, hai người đã gắng chăm sóc mẹ già hết mức có thể. Mỗi sáng, bà Đoàn dậy nấu cơm rồi đi làm ruộng, cô con dâu út bán cháo ngoài ngõ bê sang bát cháo cho bà. Tối, ông Phương lại ngủ cạnh võng của cụ Trù, canh chừng cụ té ngã. Ngày trước, cụ còn ở một phòng trong nhà, nhưng sau do sinh hoạt người già bất tiện, nên cả nhà dành gian sau cho cụ ở thoáng mát hơn.
“Nhẹ bồng một kiếp nhân sinh”- một nhà văn nổi tiếng từng đặt tên cho cuốn tiểu thuyết của mình như thế. Để trải nghiệm được điều đó, đôi khi, con người phải trả giá rất nhiều. Nhưng ở đây là một triết lý sống rất đơn giản, tự nhiên của cụ Trù: Sống thiện, sống có ích cho đời, cho con cháu và đặc biệt, có thể từ giã cõi đời này bất cứ lúc nào trong một vẻ thanh thản, nhẹ nhàng...
Còn rất nhiều “cụ Trù” khác…
Còn một điều lạ nữa, là ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, có nhiều người già sống thọ như cụ Trù. Hiện tại, theo ông Kim - Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Đa Phước, huyện Bình Chánh - ngoài cụ Trù ra, còn có 2 cụ bà nữa sống lâu trên 100 tuổi. Đó là cụ Nguyễn Thị Tư (101 tuổi) và cụ Phạm Thị Năm (107 tuổi). Ngoài ra, danh sách số cụ trên 90 tuổi phải trên hai mươi mấy người, trong đó, có 7 cụ trên 95 tuổi.
Nhật Lệ
TIN LIÊN QUAN

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Khán giả Việt Nam tiếc nuối chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo

Chi Trần |

Người hâm mộ Việt Nam tiếc nuối khi phải nói lời chia tay huấn luyện viên Park Hang-seo sau hơn 5 năm gắn bó.

Chờ đợi cuộc tái cấu trúc trên thị trường bất động sản

ANH HUY |

Ở góc độ tích cực, bối cảnh trầm lắng, tắc thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) trong nhiều tháng qua thúc đẩy cuộc tái cấu trúc trên thị trường mạnh mẽ hơn. Không chỉ doanh nghiệp cơ cấu lại sản phẩm, mà nhà đầu tư cũng dần tiệm cận với cách thức đầu tư lành mạnh và tầm nhìn dài hạn. 

Tranh luận trả lương tháng 13 và thưởng Tết nguyên đán

TUỆ NHI |

Dù đã 26 tháng Chạp nhưng nhiều người vẫn chưa được nhận lương tháng thứ 13 hay tiền thưởng Tết và đùa rằng với họ niềm vui xuân vẫn chưa về.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Ghe chở hoa xuân rực rỡ, tấp nập về chợ hoa trên sông lớn nhất TPHCM

KHÁNH LINH - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Từ chiều nay 25 tháng Chạp (ngày 16.1), ghe hoa từ các tỉnh miền Tây đã tấp nập cập bến Bình Đông (quận 8, TPHCM), chợ hoa “Trên bến dưới thuyền” cũng chính thức khai mạc. Tết này, hoa về bến Bình Đông đa dạng về chủng loại, rực rỡ sắc màu, giá cả không tăng so với những Tết trước.