Nguồn nước sinh hoạt tại Hà Nội ô nhiễm: An ninh nguồn nước còn lỏng lẻo

NHÓM PHÓNG VIÊN |

Thông tin khu vực suối, hồ ở đầu nguồn Nhà máy Nước sạch Sông Đà được người dân phát hiện có dầu loang do đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước khiến người dân lo lắng. Phải chăng đây là nguyên nhân khiến nhiều khu vực tại Hà Nội nước sạch có mùi khét, khó ngửi.

Trong khi cơ quan chức năng tiến hành làm rõ, thì vấn đề nổi lên là: Công tác an ninh, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đang rất lỏng lẻo.

Dầu thải có phải là thủ phạm gây ô nhiễm?

Sáng 14.10, PV Lao Động có mặt tại xã Phú Minh, cách nhà máy nước chừng 4km là đầu nguồn con suối dẫn vào nguồn nước Nhà máy Nước sạch Sông Đà. Theo quy định, đây là vùng bảo hộ vệ sinh lấy nước sinh hoạt. Tại đây, một mùi khét bốc lên khiến những chiếc khẩu trang trở nên vô dụng. Người dân sinh sống quanh khu vực này cho biết, từ tối 8.10, quanh khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước Sông Đà xuất hiện một mùi khét, suối đặc kén dầu đã qua sử dụng. Theo người dân, ngay hôm sau họ đã được thuê để vớt dầu, khoảng 50 người tham gia vào công việc này.

“Lên đến nơi tôi thấy một màu đen quánh 2 bên bờ suối, chỗ nào bị lẫn cả cây cỏ thì dầu đặc quánh lại từng tảng. Phụ nữ chúng tôi còn hay mang bên người ủng, găng tay chứ cánh đàn ông thì không có gì, tay không bốc dầu. Lên đến nơi người yếu thì phát quang, phát cỏ, người khoẻ thì vớt dầu. Chúng tôi vớt dầu vào từng chiếc can 20l, can đựng không hết thì cho vào tải” - người dân vớt dầu nói.

Tại họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường sáng 14.10, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho rằng, hành động vô trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào đó đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước để lại hậu quả khôn lường với cả triệu dân dùng nước sinh hoạt tại Hà Nội.

Đường dẫn ra suối Khại - một trong những nguồn cấp nước cho Nhà máy nước sông Đà (tỉnh Hòa Bình) và sau đó thành nước sinh hoạt cho thành phố Hà Nội - trơn trượt bởi dầu thải. Ảnh: TTXVN
Đường dẫn ra suối Khại - một trong những nguồn cấp nước cho Nhà máy nước sông Đà (tỉnh Hòa Bình) và sau đó thành nước sinh hoạt cho thành phố Hà Nội - trơn trượt bởi dầu thải. Ảnh: TTXVN

Tổng cục Môi trường đã đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan chức năng truy tìm thủ phạm đổ dầu vào đầu nguồn nước của Nhà máy Nước sạch Sông Đà.

“Hành động vô trách nhiệm của doanh nghiệp hay cá nhân nào đó đã gây ảnh hưởng đến nguồn nước sạch sông Đà - vốn là nguồn rất quan trọng trong cung cấp nguồn nước cho người dân ở Hà Nội. Do vậy, cần kiểm soát tốt nguồn nước đầu nguồn này nếu không hậu quả sẽ khôn lường”.

Tuy nhiên cũng trong ngày 14.10, ông Bùi Quang Điệp - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình - lại khẳng định, không có việc ô nhiễm môi trường đầu nguồn, việc nước sinh hoạt Hà Nội có mùi lạ không liên quan gì tới nguồn nước trên này. “Cái mùi là mùi Clo do công nghệ xử lý của nhà máy nước thôi” - ông Điệp nói.

Ông Điệp nói: “Tối 8.10, phát hiện một số bao tải để trên bờ ở xã Phúc Tiến, vị trí các bao tải trên bờ chứ không phải đổ xuống suối. Sau khi phát hiện ra đã cho lập biên bản, đã cho đi xét nghiệm rồi. Việc này không liên quan gì tới việc gây ảnh hưởng nguồn nước. Tôi khẳng định luôn nguồn nước đầu vào không vấn đề gì”.

An ninh nguồn nước - luật còn lỏng lẻo?

Vấn đề đặt ra là phải chăng việc bảo vệ nguồn nước còn lỏng lẻo để những kẻ “thiếu trách nhiệm” có thể đổ cả tấn dầu thải vào khu vực lẽ ra cần bảo vệ nghiêm ngặt?

Trao đổi với PV Lao Động, một lãnh đạo Cục Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng, sẽ xem xét, có thể sửa Luật Tài nguyên nước để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nguồn nước sinh hoạt.

Khu vực suối chảy vào nguồn nước dẫn vào Nhà máy Nước sạch Sông Đà đã bị nhiễm dầu. Ảnh: NGUYỄN HÀ
Khu vực suối chảy vào nguồn nước dẫn vào Nhà máy Nước sạch Sông Đà đã bị nhiễm dầu. Ảnh: NGUYỄN HÀ

Vị này cho biết thêm, việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đã quy định chặt chẽ tại Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt. Ngoài ra, các vùng bảo vệ nước đầu nguồn như hành lang bảo vệ nguồn nước, đới (vùng - PV) bảo hộ vệ sinh nguồn nước này thì Công ty nước sạch sẽ lập rồi báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường rồi trình UBND tỉnh phê duyệt. “Tuy nhiên, có thể thấy trong vụ việc này, hành lang bảo vệ nguồn nước, đới bảo hộ vệ sinh chưa được chú tâm” - ông này nói.

Khi PV Lao Động đặt vấn đề, để bảo đảm an toàn tuyệt đối về nguồn nước sinh hoạt, và không để xảy ra bất cứ sự cố nào thì Nhà nước có nên sở hữu, quản lý các công ty cấp nước sinh hoạt, vị lãnh đạo này cho rằng, việc này có thể được xem xét khi sửa Luật Tài nguyên nước. “Ở một số nước cũng áp dụng mô hình này. Chúng tôi sẽ xem xét, những mô hình quản lý tốt, trên tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nguồn nước sinh hoạt sẽ được xem xét để sửa đổi” .

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tốn - Giám đốc Công ty Nước Sông Đà - nói: “Ngay sau khi nhận được thông tin về vết dầu loang, công ty đã thông báo với chính quyền địa phương và Công an tỉnh Hoà Bình, đề nghị công an kiểm tra, tìm ra đơn vị làm rơi dầu”.

Luật Tài nguyên nước 2012 quy định trách nhiệm bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt của các cấp địa phương như sau: Đối với UBND cấp tỉnh: Xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt đối với các nguồn nước trên địa bàn.

Đối với UBND cấp huyện, cấp xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.

Vụ việc xả dầu thải vào nguồn nước cho thấy trách nhiệm của đơn vị kinh doanh và địa phương còn chưa cao và buông lỏng đảm bảo an ninh cho nguồn nước rất quan trọng đối với người dân Hà Nội.

Công ty Nước sạch Sông Đà nói về mùi lạ

Trước câu hỏi dầu loang có bị lọt vào khu xử lý nước hay không, ông Nguyễn Văn Tốn - Giám đốc Công ty Nước sạch Sông Đà nói: “Để khẳng định 100% là không lọt thì không dám, nhưng chúng tôi khẳng định chất lượng nước nhà máy sản xuất ra với kết quả công ty kiểm nghiệm hằng ngày đều cho ra kết quả đảm bảo”. Về việc người dân vẫn ngửi thấy mùi cháy khét, ông Tốn cho rằng, theo quan điểm của công ty, đó là mùi clo. Cũng theo lãnh đạo công ty này, trong quy trình xử lý của một nguồn nước, với việc chất lượng nước hồ Đồng Bài tương đối ổn định, nước đầu vào ổn định thì nước đầu ra cũng ổn định. Theo quy định, ngày nào công ty cũng lấy mẫu nước để kiểm chứng. Từ chỗ đổ thải ra ria hồ khoảng 3km, chảy qua một ao của người dân, qua suối Bằng và từ suối Bằng đổ về Hồ Đồng Bài. Công ty đã thuê người xử lý hết vết dầu loang từ lúc phát hiện ra.

Theo ông Tốn, có thể khẳng định 100% chất lượng nước từ ngày 9.10 đến nay là đảm bảo. “Kết quả nước ở đây là dựa vào kết quả kiểm nghiệm của công ty với số liệu cụ thể. Không phải là công ty không công bố mà vì lúc đó có đoàn thanh tra nên công ty cũng muốn có kết luận của đoàn thanh tra. Chúng tôi cũng đã có thông báo, đồng thời gửi kết quả xét nghiệm nội kiểm cho khách hàng” - ông Tốn nói.

Ông Tốn cho biết, khi phát hiện dầu loang, công ty đã biết sẽ có nguy cơ chảy xuống hồ chứa của mình nên phải dùng các biện pháp để ngăn chặn. Đầu tiên là dùng các phao chuyên dụng để ngăn dùng, hút dầu, cách ly để dầu không loang ra, sau đó dùng đến hút thấm để đảm bảo vệ sinh.

Mỹ: Doanh nghiệp gây ô nhiễm nước sinh hoạt phải bồi thường

Tổ chức phi lợi nhuận Environmental Working Group mới đây công bố báo cáo phát hiện nguồn nước ở 74 hệ thống nước cộng đồng, phục vụ 7,5 triệu dân ở bang California, Mỹ bị nhiễm các hóa chất PFAS. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra có nồng độ cao PFOA và PFOS - hai trong số hàng nghìn loại hóa chất PFAS - những loại hóa chất có thể làm tăng lượng cholesterol ở người, cũng như gây ra các vấn đề với hệ miễn dịch, các vấn đề với tuyến giáp và thậm chí cả ung thư.

Ông John Linc Stine - cựu quan chức cơ quan kiểm soát ô nhiễm Minnesota cho hay, năm ngoái, cơ quan tư pháp bang Minnesota đã đạt được một thỏa thuận với 3M với khoản trợ cấp 850 triệu USD để chi trả cho việc mua sắm các hệ thống cần thiết để đảm bảo nước sinh hoạt an toàn và khử ô nhiễm. THANH HÀ

Pháp luật quy định việc bảo vệ tài nguyên nước sinh hoạt thế nào?

Theo quy định tại Điều 32 Luật tài nguyên nước 2012 thì việc bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt được quy định cụ thể như sau:

- Tổ chức, cá nhân không được xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt.

- Tổ chức, cá nhân khai thác nước để cấp nước cho sinh hoạt phải thực hiện các biện pháp sau đây:

+ Thường xuyên quan trắc, theo dõi chất lượng nguồn nước sinh hoạt và bảo đảm chất lượng đối với nguồn nước do mình khai thác;

+ Có phương án khai thác nguồn nước khác để thay thế trong trường hợp xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt đang khai thác.

- Người phát hiện hành vi gây hủy hoại, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt có trách nhiệm ngăn chặn và kịp thời báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

+ Xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trong phạm vi địa phương theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

+ Tổ chức công bố thông tin chất lượng nguồn nước sinh hoạt, cảnh báo hiện tượng bất thường về chất lượng của nguồn nước sinh hoạt đối với các nguồn nước trên địa bàn.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại địa phương.

Ngoài ra, Điều 9 Luật Tài nguyên nước 2012 cũng quy định các hành vi bị cấm là: Đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hành vi khác gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; Xả nước thải, đưa các chất thải vào vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào nguồn nước; Xả khí thải độc hại trực tiếp vào nguồn nước; xả nước thải vào lòng đất thông qua các giếng khoan, giếng đào và các hình thức khác nhằm đưa nước thải vào trong lòng đất; gian lận trong việc xả nước thải. H.L

NHÓM PHÓNG VIÊN
TIN LIÊN QUAN

Nước sinh hoạt có mùi lạ, người dân "rồng rắn" đi xin nước

SƠN TÙNG |

Gần 1 tuần qua, do nước ở một số khu vực trên địa bàn Hà Nội bỗng nhiên bốc mùi lạ nên người dân không dám sử dụng cho việc sinh hoạt trong gia đình. Trước việc khan hiếm nước sạch, người dân khu HH Linh Đàm đã được tặng xe nước vào chiều 14.10.

Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà lý giải nước sinh hoạt có mùi

Song Hà |

Ngày 14.10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã có báo cáo gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy các ngày 9, 10 và 11.10.

Ý kiến chuyên gia, luật sư về tình trạng nước sinh hoạt bốc mùi ở Hà Nội

P.ĐÔNG - C.NGUYÊN |

Trao đổi với Lao Động cùng ngày, Phó GS-TS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội - cho biết:

Mời 6 bác sĩ bị đề nghị cấm cửa quay lại giải quyết cam kết hợp đồng

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Sở Y tế Bình Dương cho biết, sẽ mời 6 bác sĩ tự ý nghỉ việc quay về đơn vị cũ để giải quyết các vấn đề đã cam kết thực hiện hợp đồng.

Hư thực ồn ào Trấn Thành giành chỗ với khán giả, đòi bao cả rạp để riêng tư

ĐÔNG DU |

Trước thông tin một tài khoản mạng xã hội có tên N.V tố Trấn Thành có hành động không đẹp với khán giả tại rạp chiếu phim, đại diện phía rạp CGV đã lên tiếng.

Ông Trần Quốc Tuấn tiếp tục làm Trưởng ban thi đấu AFC

HOÀNG HUÊ |

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ông Trần Quốc Tuấn tiếp tục được Liên đoàn bóng đá Châu Á (AFC) giao trọng trách giữ vị trí Trưởng ban thi đấu AFC.

TP.Móng Cái dừng hoạt động cơ sở bị tố xét nghiệm COVID-19 nhập nhèm giá

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - UBND TP.Móng Cái sáng nay (3.3) cho biết, cơ sở dịch vụ y tế tại địa chỉ số 5, Lê Hữu Trác, phường Ka Long, TP.Móng Cái đã bị dừng mọi hoạt động liên quan đến các dịch vụ y tế. Cơ sở này trước đó bị tố có sự nhập nhèm tính giá xét nghiệm COVID-19

Khốn khổ khi đối diện xe độ đèn ban đêm

Quý An |

Độ đèn ôtô như một thứ "mốt", bất chấp các tiêu chuẩn chiếu sáng và nguy cơ không đủ tiêu chuẩn đăng kiểm.

Nước sinh hoạt có mùi lạ, người dân "rồng rắn" đi xin nước

SƠN TÙNG |

Gần 1 tuần qua, do nước ở một số khu vực trên địa bàn Hà Nội bỗng nhiên bốc mùi lạ nên người dân không dám sử dụng cho việc sinh hoạt trong gia đình. Trước việc khan hiếm nước sạch, người dân khu HH Linh Đàm đã được tặng xe nước vào chiều 14.10.

Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà lý giải nước sinh hoạt có mùi

Song Hà |

Ngày 14.10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đã có báo cáo gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy các ngày 9, 10 và 11.10.

Ý kiến chuyên gia, luật sư về tình trạng nước sinh hoạt bốc mùi ở Hà Nội

P.ĐÔNG - C.NGUYÊN |

Trao đổi với Lao Động cùng ngày, Phó GS-TS Trần Hồng Côn - nguyên giảng viên Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội - cho biết: