Người vẽ tranh truyền thần ở Quy Nhơn

Phố Nhơn |

Trong căn nhà nhỏ trên đường Tăng Bạt Hổ ở TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), giữa dòng xe ồn ã, ông Trần Minh Đức (62 tuổi) cặm cụi vẽ tranh truyền thần từ những bức ảnh cũ nát. Gần 40 năm nay, ông gắn bó với nghề truyền thống, bất chấp sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số. Bây giờ, ông được xem là người duy nhất ở Quy Nhơn làm nghề vẽ tranh truyền thần.

Bức vẽ phải “giống và tới”

Thấy có khách, người họa sĩ già nở nụ cười rồi lê bước chân khập khiễng để lấy ghế mời khách ngồi. Thấy khách nhìn đôi chân xiêu vẹo của mình, ông cười bảo: “Tôi bị liệt sau một cơn sốt khi mới 2 tuổi”. Dù tật nguyền, thế nhưng niềm đam mê vẽ từ nhỏ đã thôi thúc ông phải cố gắng học để theo đuổi ước mơ của mình. Nghị lực ấy cũng giúp ông vào được đại học sau khi hoàn thành chương trình học phổ thông. Năm 1982, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM (khóa 1976 - 1980), ông đầu tư thêm 2 năm vừa học vẽ truyền thần, vừa vẽ rong ở TP.HCM.

Năm 1982, ông Đức về Quy Nhơn mở tiệm vẽ Minh Đức. Tiệm vẽ Minh Đức ra đời khi nghề vẽ truyền thần còn đang thịnh. Nay nghề này không còn sôi động như trước, những thợ vẽ cùng thế hệ với ông đều đã chuyển nghề, nhưng tiệm vẽ Minh Đức vẫn rỉ rả có hàng. Đồ nghề để vẽ của ông Đức khá đơn giản, gồm: giấy, bút chì, cọ vẽ… đều là thứ dễ tìm, chỉ có bột vẽ là “đứt hàng” hẳn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Để bù vào “gia vị” thiếu hụt ấy, ông Đức mày mò tự chế tạo bột vẽ bằng lọ nồi, có hỗn hợp dầu hỏa, dầu phộng. Thứ bột đen này có độ bám rất tốt, lại không phai nhạt qua thời gian. Để minh chứng cho điều ấy, ông Đức lấy cho chúng tôi xem những tấm chân dung cũ mà ông đã vẽ. Có những bức vẽ cách đây 20 năm, giấy đã ố vàng nhưng bột vẽ thì vẫn còn tươi sắc.

Theo ông Đức, nghề vẽ truyền thần lên ngôi khi nghệ thuật nhiếp ảnh còn là chuyện hiếm. Người ta đặt vẽ ảnh thờ, vẽ ảnh chân dung để treo tường, phục chế những tấm ảnh kỷ niệm bị ố vàng, hư hỏng… Gọi là tranh truyền thần, bởi đây là loại chân dung không chỉ thể hiện được đường nét, dáng dấp khuôn mặt. Tranh còn phải thể hiện được cả tâm trạng, nét tính cách, thậm chí là thần thái, tình cảm của nhân vật. Phác họa một bức chân dung không khó. Cái khó là nắm bắt được cái thần thái của họ để đưa vào tranh một cách sống động. Vậy nên nghề vẽ truyền thần là nghề đòi hỏi lòng kiên trì, tính cần mẫn, mức độ tập trung cao. Người vẽ phải có một số kiến thức nhất định về hội họa và giải phẫu học cộng với kinh nghiệm, cảm xúc và trí tưởng tượng.

Trước khi vẽ, ông Đức ngắm thật kỹ, lọc cho được cái thần của đối tượng, rồi chốt lại. Thứ đến là việc “truyền” sao cho trung thực về dung mạo, chi tiết trên khuôn mặt… ; đồng thời, nâng lên những chi tiết đắt như một ánh mắt, một khóe môi, một nụ cười hay một nếp nhăn… đủ để làm toát lên cái hồn của bức chân dung. “Một bức vẽ truyền thần đẹp phải đạt 2 yếu tố: giống và tới. Giống là nét nào phải ra nét ấy, nhưng không phải là chép lại hình ảnh một cách cứng nhắc. Còn tới là phải đạt đến cái thần của bức chân dung. Đặc biệt, con mắt có sống bức chân dung mới đẹp”, ông Đức cho biết.

Vẽ bằng cả trái tim

Từ khi theo nghề vẽ truyền thần, ngọn lửa đam mê của ông Đức không bao giờ tắt, bởi đối với ông chỉ cần được vẽ tranh thôi là ông đã cảm thấy hạnh phúc rồi, dù cho bữa đói bữa no. Có tận mắt nhìn thấy đôi bàn tay nhanh nhẹn, khéo léo của ông khi vẽ tranh mới cảm nhận được lòng yêu nghề, đam mê như thế nào. Ông bảo, cuộc sống của mình có hai màu đen - trắng như những bức truyền thần mình vẽ, giản dị, mộc mạc đến hoài cổ. Giữa phố thị nhộn nhịp, vẫn còn nhiều người tìm đến ông như để khỏa lấp những nỗi buồn rất xưa cũ, tìm lại những đường nét, con người, kỷ niệm xa xưa. Bản thân ông cũng nặng lòng với những cảnh, những tình trong tranh.

Không nặng lòng sao được khi mà gần 40 năm qua, ông vẽ hàng nghìn bức tranh. Và mỗi bức tranh ông lại được lắng nghe một câu chuyện về họ. Ông bảo tâm hồn mình nhạy cảm như những sợi dây đàn. Mỗi câu chuyện lại chạm vào tâm hồn ông một cách dễ dàng như gảy vào sợi dây đàn một loại âm sắc. Bởi vậy, ông vui buồn cùng bao nhiêu con người… trong tranh. Ở đó, có những âm thanh còn ngân vang mãi.

Ông kể, một phụ nữ ở huyện Tây Sơn mang đến cho ông một tấm ảnh nhỏ của chồng đã bị mối mọt cắn lỗ chỗ mà các hiệu phục chế ảnh vi tính đã chào thua. Trước sự tha thiết của khách, ông mềm lòng nhận lời. Ông cố dán lại các chỗ rách của ảnh, dùng kính lúp để rọi lớn chi tiết trên khuôn mặt và hình dung các chi tiết mà người khách tả về chồng rồi bắt tay vào vẽ. Một, hai ngày, người phụ nữ ấy lại bắt xe đò hơn 50 cây số xuống tiệm để giúp ông “điều chỉnh” những nét vẽ chưa giống. Ngày nhận ảnh, khách reo lên: “Đây đích thị là khuôn mặt chồng tôi rồi!”. Lúc ấy, cảm xúc vui sướng trong ông không thể diễn tả được.

Rồi, những người có người thân đã mất, không còn giữ được một tấm hình, chỉ đến gặp ông, miêu tả lại đường nét, tính cách, nhờ ông vẽ. Như cách đây 5 năm, một gia đình đánh xe từ Gia Lai xuống nhờ ông vẽ lại bức chân dung ông cụ đã mất cách đây gần 50 năm. Con cháu ông cụ ngồi quanh ông Đức miêu tả lại những đường nét của người đã khuất. Vừa nghe, ông Đức vừa vẽ phác thảo lại bằng những nét vẽ của mình. Sau hơn 5 tiếng, ông hoàn chỉnh bức vẽ trong tiếng khóc thút thít vì xúc động của con cháu ông cụ. “Tôi đã vẽ bức chân dung đó bằng cả trái tim”, ông bộc bạch. Bởi vậy, có những kỷ niệm về nghề khiến ông sau khi hoàn thành xong bức vẽ lại len lén lấy tay lau nước mắt.

Căn nhà nhỏ, đồng thời là hiệu vẽ Minh Đức số 153 Tăng Bạt Hổ với những bức ảnh chân dung đã hoàn thành, còn dang dở; lại vừa nhộn nhịp bởi đám học trò đến học vẽ. Xuất phát từ việc mở rộng nghề nghiệp để rộng lối mưu sinh, hơn 10 năm qua, ông Đức thu nhận học trò, công việc mới này mang lại thu nhập, giúp ông nỗ lực hơn trong nghề. Chỉ tiếc rằng khi vốn sống dày thêm mỗi ngày là đường đời lại mỏng đi một chút nhưng đến giờ vẫn chưa tìm được học trò đam mê nghề để nối nghiệp.

Dù chưa tìm được “truyền nhân” cho nghề, nhưng người vẽ truyền thần ở Quy Nhơn này vẫn có được niềm vui tinh thần hằng ngày, bởi đơn giản là ông chia sẻ được tâm tình với biết bao con người. Và ông tin rằng tranh truyền thần sẽ còn chinh phục một bộ phận khách hàng. Bởi với ông, tranh truyền thần không chỉ ở vẻ đẹp hoài cổ mà còn ở sức hấp dẫn từ cái đẹp vừa tĩnh vừa động vừa đơn giản dễ xem, dễ cảm vừa sâu sắc, bí ẩn hiện diện trong mỗi một bức chân dung truyền thần.

Phố Nhơn
TIN LIÊN QUAN

Huấn luyện viên Troussier ra mắt vào ngày 27.2

AN NGUYÊN |

Lễ ra mắt tân huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam - ông  Philippe Troussier sẽ diễn ra vào ngày 27.2 tới đây.

Bóng đá nam SEA Games 32: Cơ hội và thách thức cho U22 Việt Nam

AN NGUYÊN |

Quy định không sử dụng cầu thủ quá tuổi ở môn bóng đá nam tại SEA Games 32 vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho U22 Việt Nam.

Số phận của hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng giữa Nga - Mỹ

Khánh Minh |

Nga tuyên bố đình chỉ New START - hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ nhằm ngăn chặn ngày tận thế hạt nhân.

Bất bình chó thả rông công viên, không rọ mõm, không ai xử phạt

MINH HÀ - HÀ CHI |

Theo ghi nhận tại một số địa điểm công cộng ở Hà Nội như công viên Thống Nhất, bãi đất trống khu vực Hồ Tây mặc dù đã có biển cảnh báo cấm chó thả rông tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra khiến người dân không khỏi bất an, lo lắng.

Xét xử cựu thiếu tá công an làm giả quyết định khởi tố

Anh Tú |

TPHCM - Sáng 22.2, TAND TPHCM  đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Tuấn Thanh - cựu thiếu tá, điều tra viên thuộc Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TPHCM về tội 'giả mạo trong công tác'.

Một nghìn lẻ một tranh chấp phổ biến trong quản lý chung cư

ĐỨC MẠNH |

Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thống kê hiện có 129/845 tòa nhà, cụm tòa chung cư tại Hà Nội có tranh chấp, khiếu kiện trong khi con số trên tại TPHCM là 105/935.

Mạnh tay với “ma men”: Giới thiệu là em Phó Chủ tịch huyện cũng không thoát

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội đang tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm hình thành thói quen “Đã uống rượu bia - không lái xe”.

Dự kiến Sử thành môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc: Học sinh nửa mừng nửa lo

Đức Trung - Ngọc Chi |

Thông tin dự kiến đưa Lịch sử thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng nhận được sự quan tâm lớn từ phía các học sinh. Dù vẫn còn nhiều lo lắng vì áp lực tăng thêm nhưng nhiều học sinh cũng đã sẵn sàng thay đổi phương pháp học sử để có được kết quả tốt nhất.