Vị vua trẻ hai lần đánh thắng quân Tống

TS Nguyễn Hữu Mạnh (Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN) |

Hiện nay, những địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước khi tới Hà Nội, không ai không biết đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột... Đây đều là các công trình kiến trúc được xây dựng bởi Lý Nhân Tông - vị vua trẻ, tài hoa nổi tiếng anh minh trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù còn rất trẻ, nhưng thời ông trị vì, nước ta đã hai lần đánh thắng quân Tống.

Dung mạo của bậc đế vương

Lý Nhân Tông có tên thật là Lý Càn Đức, ông là con của vua Lý Thánh Tông và Nguyên phi Ỷ Lan, sinh ngày 25 tháng Giêng năm Bính Ngọ (1066). Lý Thánh Tông là vị vua anh minh sáng suốt, tài ba trong trị quốc, an dân. Tuy vậy, các phi tần trong hậu cung chỉ sinh con gái mà không sinh được người con trai nào.

Sử chép rằng, năm 1063, vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi, trong một lần đi lễ, nhà vua gặp một cô gái hái dâu đứng tựa dưới gốc lan, nàng có nhan sắc xinh đẹp, trí tuệ thông minh mới đón vào cung ban hiệu là Ỷ Lan. Ngày nay, vẫn còn đền thờ gọi là đền Bà Tấm ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư biên soạn dưới thời Lê viết: “Tục truyền rằng vua đi cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm mới đi khắp các chùa quán. Xe vua đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy chỉ có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa vào bụi cỏ lan. Vua trông thấy mới đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân”.

Câu chuyện về việc Ỷ Lan phu nhân mang thai cũng rất ly kỳ. Ỷ Lan vào cung một thời gian nhưng vẫn chưa có mang, nên cũng thường hay đi lễ chùa cầu tự. Lý Thánh Tông còn sai các quan lại đi khắp nơi cầu trời khấn Phật ban cho vua mụn con trai.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho hay: "Bấy giờ vua đã nhiều tuổi 40, vua muốn có con trai, sai Bông đem hương đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa, Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa”. Ngôi chùa Thánh Chúa nay thuộc địa phận phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Trong tập “Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn” viết về sự tích Ỷ Lan ghi chép tương tự, nhưng chi tiết hơn: Khi Ỷ Lan đã vào cung, vua sai Thái giám Nguyễn Bông đi cầu tự. Ông này bèn đến chùa Thánh Chúa gặp nhà sư Đại Điên. Nhà sư bày kế cho Nguyễn Bông đầu thai để kiếp sau được làm hoàng đế. Trở về cung, Nguyễn Bông rình trộm Ỷ Lan tắm bị bắt gặp, xử tội chém. Sau đó, Ỷ Lan có thai, đủ tháng sinh được con trai là Lý Càn Đức.

Sau khi Nguyễn Bông bị giết, một đêm vua Lý Thánh Tông có một giấc mơ kỳ lạ, sách Đại Việt sử lược ghi rằng: “Vua mộng thấy tiên ông bế một đứa bé trai trao cho, khi thức dậy vua bảo: Hẳn là có điều tốt lành đây, ta sẽ có hoàng tử nối ngôi. Cùng hôm ấy thần phi họ Lê thấy trong lòng xốn xang, thụ thai đúng 14 tháng rồi sinh”.

Ngay ngày hôm sau, Lý Càn Đức đã được vua cha phong làm Hoàng Thái tử. Khi vua Lý Thánh Tông mất, Hoàng thái tử Lý Càn Đức mới 7 tuổi đã lên nối ngôi, lấy hiệu là Lý Nhân Tông. Theo nhiều bộ chính sử mô tả ông là vị vua có hình dáng, dung mạo khác người. Việt sử lược, cuốn sách sử sớm nhất nước ta, được biên soạn vào thời Trần, có mô tả ngoại hình của nhà vua như sau: “Ngài là người có xương trán nổi lên như mắt trời, ấy là dáng mặt của bậc Thiên tử và tay thì buông dài quá đầu gối”; Đại Việt sử ký toàn thư cũng khắc họa “Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân”.

Vị vua trẻ tài ba

Mặc dù còn ít tuổi, mọi việc quân quốc điều hành phải có sự giúp đỡ của mẹ, nhưng Lý Nhân Tông sớm tỏ ra là một con người thông minh, nhanh chóng quán xuyến được công việc triều đình. Không những thế ông còn được người hiền tài phò tá - Lý Đạo Thành theo dõi việc văn, Lý Thường Kiệt theo dõi việc võ. Vì thế đất nước Đại Việt trở nên hùng mạnh.

Trong việc quản lý đất nước, Lý Nhân Tông định quan chế, chia văn võ bá quan làm 9 phẩm, từ đó mà phân bổ vào các vị trí khác nhau trong triều. Lý Nhân Tông rất quan tâm đến nông nghiệp. Ông cho đắp đê để chống lũ lụt. Nổi tiếng là đê Cơ Xá, đây là đoạn đê sông Hồng gần cầu Long Biên ngày nay, khởi đầu cho việc đắp đê ngăn lũ ở Việt Nam, nhằm giữ cho kinh thành khỏi ngập lụt.

Năm 1117, nhà vua ra lệnh cấm giết trộm trâu, định lệ rất khắt khe: Kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, phải làm Khao giáp (làm kẻ hầu trong việc quân), vợ thì phạt 80 trượng, bắt làm phu phục dịch ở nhà chăn tằm. Người giết trâu và ăn trộm trâu đều phải bồi thường; hàng xóm biết mà không tố cáo cũng bị phạt 80 trượng.

Về giáo dục, vua mở khoa thi tam giáo (Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo), còn gọi là Minh kinh bác học để chọn người tài vào làm quan. Vua cho lập Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên ở Đại Việt, chọn những nhà khoa bảng tài giỏi vào dạy.

Ngay từ nhỏ, Lý Nhân Tông đã được tham dự triều chính, cùng các đại thần bàn bạc việc chống Tống ngay khi nhà Tống đang tập kết lực lượng ở Ung Châu, chuẩn bị tiến sang nước ta. Năm Bính Thìn (1076), nhà Tống đem đại binh sang xâm lược Đại Việt. Vua Lý Nhân Tông với sự giúp sức của Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt đã đánh bại được đội quân nhà Tống trên sông Như Nguyệt. Kháng chiến chống Tống thắng lợi, vua Lý Nhân Tông gửi cho vua Tống một bức thư “Thỉnh hoàn Vật Dương, Vật Ác nhị động biểu”, nhân hội nghị Vĩnh Bình giữa hai nước, nhằm đòi lại hai động là Vật Dương và Vật Ác.

Lời lẽ trong thư mềm mỏng, khiêm nhượng, nhưng vẫn khôn khéo vạch được mưu mô chiếm đất của nhà Tống. Cuộc đàm phán đã giành lại đất ở các động Vật Dương, Vật Ác cho nước nhà cho thấy khả năng ngoại giao thông minh, khôn khéo của nhà vua.

Vua Lý Nhân Tông tiếp tục lấy Phật giáo làm quốc giáo, coi Phật giáo là phương tiện thống nhất nhân tâm, củng cố sự thống nhất và uy quyền của triều đại. Dưới sự bảo trợ của nhà vua, Phật giáo thời kỳ này đã phát triển huy hoàng cả về mặt tổ chức, số lượng chùa tháp, tăng ni. Vị trí quốc giáo của Phật giáo thời Lý Nhân Tông còn được khẳng định, củng cố thêm trên phương diện tư tưởng với việc nhà vua và các tăng ni hết sức coi trọng phát triển giáo lý Phật giáo.

Sử chép, nhà vua đã hai lần cử người sang Tống để thỉnh kinh Tam Tạng vào năm 1081 và năm 1098. Năm 1088, nhà vua phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư để hỏi việc nước. Cũng trong năm này, ông cho phân hạng các loại chùa trong nước thành hạng đại, trung và tiểu danh lam, cho quan văn chức cao kiêm làm Đề cử (chuyên quản lý ruộng đất và tài sản của nhà chùa).

Nhà vua bỏ ra rất nhiều tiền của nhằm trùng tu, tôn tạo chùa Diên Hựu (Chùa Một Cột), biến ngôi chùa này trở thành một đại danh lam đất kinh kỳ. Đại Việt sử ký Toàn thư cho biết: “Bấy giờ vua sửa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy xung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là hồ Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp”.

Vua cho đúc chuông lớn ở đây. Chuông đúc quá to, đúc xong đánh lại không kêu, đem vứt xuống ruộng, nhiều rùa kéo nhau vào làm ổ, do đó mà có tên là Chuông Quy Điền (Chuông ruộng rùa). Đây là một trong bốn An Nam Tứ đại khí, quốc bảo của dân tộc Việt.

Dưới triều đại của ông, các hội đua thuyền liên tiếp được tổ chức. Đặc biệt hội đèn Quảng Chiếu mở năm 1120 và 1126 là những ngày hội hoa đăng đích thực. Vua về tận núi Chương Sơn (Ý Yên, Nam Định) khánh thành Bảo tháp Vạn Phong Thành Thiên, về núi Đọi Sơn (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) khánh thành Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh... và mở hội lớn.

Đánh giá tổng quát về ông, các sử gia từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đến Phan Huy Chú, Lê Quý Đôn... đều xem ông là “vị vua giỏi”, “vị anh quân” của vương triều Lý. Đại Việt sử ký Toàn thư cho biết, dưới thời ông trị vì, “nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, mình được thái bình, là vua giỏi của triều Lý”. Tháng 12 năm Đinh Mùi (1127) ông mất, ở ngôi 55 năm, thọ 62 tuổi.

Trước khi mất, vua Lý Nhân Tông để lại một bài chiếu “Lâm chung di chiếu” - cho thấy một vị vua có tấm lòng nhân hậu, cao cả, không phiền nhiễu dân: “Nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là may rồi, còn phải thương khóc làm gì? Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế”.

TS Nguyễn Hữu Mạnh (Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN)
TIN LIÊN QUAN

Đại danh y, người thầy thuốc của nhân dân

TS. Nguyễn Hữu Mạnh (Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN) |

Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX chứng kiến nhiều biến chuyển chính trị - văn hóa lớn. Trên bầu trời văn hóa, khoa học Việt Nam thời đó xuất hiện nhiều tác giả nổi tiếng như Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức... Trong đó, đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam, là người dành hết thời gian, tâm sức, tiền bạc để chữa bệnh cho nhân dân.

Phù điêu nữ thần Núi Cấm của người Champa

Nguyễn Thiện Nhân |

Cùng với Quảng Nam, Bình Định là vùng đất đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Champa ở miền Trung Việt Nam. Vương quốc này đã để lại một khối di sản văn hóa Champa đồ sộ, gồm 11 hiện vật có niên đại gần 1.000 năm của tỉnh Bình Định đã được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó, phù điêu nữ thần Núi Cấm là tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Champa, được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 4 vào năm 2015.

Tái hiện sống động nghi lễ Vua Hùng dạy dân cấy lúa

Thuận Thiên |

Phú Thọ - Trong ngày 5.2, dù mưa dày hạt nhưng hàng trăm người vẫn tập trung về cánh đồng ở phường Minh Nông, TP Việt Trì để chứng kiến Lễ hội tái hiện nghi thức Vua Hùng dạy dân cấy lúa.

Chuyên gia: Sẽ có thêm đợt giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 5

Đức Mạnh |

Giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ đang có dấu hiệu chậm lại và áp lực với các doanh nghiệp cũng dần giảm bớt. Ngân hàng Nhà nước từ đó sẽ có thêm không gian để hạ lãi suất.

Quảng bá du lịch Đà Nẵng qua mô hình nhà vệ sinh công cộng

Mai Hương |

Triển khai mô hình xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng là một cách quảng bá hình ảnh du lịch Đà Nẵng thân thiện, mến khách.

Xuất hiện chiêu lừa đảo "ba con bị tai nạn, lên xe chú chở đến bệnh viện"

TUỆ NHI |

TPHCM - Trường học tại TP Hồ Chí Minh đã phát đi cảnh báo chiêu lừa đảo “Ba con bị tai nạn giao thông, lên xe chú chở đến bệnh viện” xuất hiện mới đây.

Chứng khoán: Cổ phiếu bất động sản sẽ tạo sóng cho thị trường

Gia Miêu |

Thị trường chứng khoán dự báo vẫn có thể tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu trụ có dòng tiền của các quỹ, thậm chí có cơ hội vượt qua vùng kháng cự 1.065 điểm.

Bước ngoặt mới trên chiến trường Ukraina

Ngọc Vân |

Ukraina đã nhận được xe tăng chiến đấu chủ lực đầu tiên của Anh, Đức và các nước phương Tây khác - bước ngoặt có thể thay đổi cục diện chiến trường.

Đại danh y, người thầy thuốc của nhân dân

TS. Nguyễn Hữu Mạnh (Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQGHN) |

Xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX chứng kiến nhiều biến chuyển chính trị - văn hóa lớn. Trên bầu trời văn hóa, khoa học Việt Nam thời đó xuất hiện nhiều tác giả nổi tiếng như Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Trịnh Hoài Đức... Trong đó, đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam, là người dành hết thời gian, tâm sức, tiền bạc để chữa bệnh cho nhân dân.

Phù điêu nữ thần Núi Cấm của người Champa

Nguyễn Thiện Nhân |

Cùng với Quảng Nam, Bình Định là vùng đất đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Champa ở miền Trung Việt Nam. Vương quốc này đã để lại một khối di sản văn hóa Champa đồ sộ, gồm 11 hiện vật có niên đại gần 1.000 năm của tỉnh Bình Định đã được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Trong đó, phù điêu nữ thần Núi Cấm là tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Champa, được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia đợt 4 vào năm 2015.

Tái hiện sống động nghi lễ Vua Hùng dạy dân cấy lúa

Thuận Thiên |

Phú Thọ - Trong ngày 5.2, dù mưa dày hạt nhưng hàng trăm người vẫn tập trung về cánh đồng ở phường Minh Nông, TP Việt Trì để chứng kiến Lễ hội tái hiện nghi thức Vua Hùng dạy dân cấy lúa.