Văn học công nhân cần đưa hình tượng thành biểu tượng

Huyền Chi |

Văn học công nhân từng có nhiều tác phẩm giá trị, khắc họa hình ảnh người công nhân của thời đại như "Cửa biển" của Nguyên Hồng, "Mưa mùa hạ" của Ma Văn Kháng, "Vùng mỏ" của Võ Huy Tâm, "Suối gang" của Xuân Cang... Trong bối cảnh lực lượng công nhân có nhiều thay đổi: Được tiếp cận công nghệ hiện đại, có trình độ cao, được công đoàn bảo vệ quyền lợi, nền văn học Việt Nam đang thiếu những tác phẩm lớn tương xứng với vai trò của giai cấp này.

Đề tài văn học công nhân không thiếu

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động, nhà thơ Lê Tuấn Lộc - Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn công nhân nhận định, giờ đây, đời sống của công nhân đã được cải thiện nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần được khai thác. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, vì sao văn học công nhân vẫn chưa phát triển xứng tầm?

Nếu ở thời chiến, nhân vật của thời đại là hình ảnh người chiến sĩ giải phóng quân thì trong thời bình, vị trí trung tâm thuộc về người công nhân, người lao động. Nhiều năm qua, các tác giả đã phản ánh về cuộc sống người công nhân một cách đa chiều, sinh động. Đó có thể là những người lao động hăng say sản xuất, người công nhân dung dị với tình yêu quê hương, đất nước.

Năm 2006, khi Chi hội Nhà văn Công nhân được thành lập, nhiều tác phẩm đã được trao giải. Từ đó, Giải thưởng Văn học Công nhân đã tôn vinh các cây bút viết về công nhân, công đoàn, tiêu biểu như: Tập truyện ngắn "Dòng chảy của Nam Ninh", tiểu thuyết "Vụng dại tình đầu" của Bùi Việt Sỹ, tập thơ "Ngược dốc" của Vũ Từ Trang, tập thơ "Tên rơi trước mặt" của Nguyễn Thái Sơn, tiểu thuyết "Khoảng trống" cuộc đời của Nam Ninh, "Biển mùa đông" thơ của Nguyễn Tùng Linh...

Sau năm 2014, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức các giải thưởng, cuộc thi vận động các tác giả viết về công nhân và công đoàn. Trong giai đoạn 2010 - 2014, với 32 tác giả đã đạt giải, gần 500 tác phẩm dự thi đã khẳng định văn học công nhân vẫn tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, so với thời hưng thịnh, văn học công nhân có phần lắng xuống và ít có các tác phẩm đồ sộ, gây tiếng vang. Chia sẻ với phóng viên Lao Động, nhà thơ Nguyễn Hải Đường - Phó Ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam chỉ ra thực trạng các tác phẩm viết về công nhân ngày càng thưa vắng về cả số lượng lẫn tác giả. Đề tài viết về người công nhân, lao động vốn là chủ đề được đánh giá là “khó nhằn” và kén độc giả. Thế nhưng, ông khẳng định, văn học công nhân không thể vì xu hướng xã hội hay quá trình công nghiệp hóa mà bị thu hẹp.

“Khi công nghệ chiếm lĩnh đời sống, công nhân cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là công nhân cổ cồn, công nhân áo trắng. Đề tài công nhân phải tiếp tục được mở rộng và viết về những người công nhân làm khoa học.  Ở đâu có công nghiệp thì ở đó có công nhân, dù đó là công nghiệp du lịch hay những ngành công nghiệp không khói. Có thể nói, đề tài về công nhân là không thiếu” - nhà thơ Hải Đường cho biết.

Trong dòng lịch sử, giai cấp công nhân là lực lượng nòng cốt, đóng góp to lớn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngược lại, văn học công nhân dường như chưa thể tách khỏi những câu chuyện vụn vặt cá nhân để cho ra đời những kiệt tác mang tính thời đại. Đây được xem là một thiếu sót lớn, dẫn đến sự mất cân đối trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng từng chia sẻ, nhiều năm qua, văn học Việt Nam vẫn thiếu những tác phẩm viết về người công nhân như "Một chiều giông gió" và nếu có tác phẩm ra đời thì cũng chưa thực sự gây được ấn tượng với đông đảo bạn đọc.

Tìm kiếm biểu tượng công nhân thế hệ mới

Nói về lí do văn học công nhân còn thiếu những tác phẩm lớn, nhà thơ Hải Đường cho hay: “Những tác phẩm về văn học công nhân tạo tiếng vang hầu như đều viết về số phận con người, vì tác giả đã biến một hình tượng công nhân thành một biểu tượng của công nhân trong giai đoạn đó. Có lẽ thứ chúng ta đang thiếu là chưa chọn được hình tượng người công nhân có thể nâng lên làm biểu tượng để tránh những phản ánh đơn thuần trong cuộc sống, khai thác chuyện cá nhân.

Hơi tiếc là vài năm qua, số lượng nhà văn được sống thật sự trong đời sống của người lao động không nhiều. Họ cần viết từ cuộc sống của công nhân chứ không phải đứng ngoài nhìn cuộc sống của công nhân rồi viết cho nhân dân”.

Ông cũng nói rằng, các nhà văn không thể tránh xa bi kịch, bởi suy cho cùng bi kịch xuất phát từ những mâu thuẫn, mà mâu thuẫn thì thúc đẩy xã hội phát triển. Cuộc sống luôn có hai gam màu sáng tối, nhà văn viết về những góc tối để nhìn về phía ánh sáng.

Muốn khai thác nhân vật, cần chú trọng vào một đối tượng cụ thể. Nhà thơ Tố Hữu từng nói, “thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy”. Bản chất cuộc sống vốn đã đẹp, phong phú và hấp dẫn, còn thơ ca chỉ cần phản ánh trung thực những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Nhà văn Nam Cao thì nói rằng, sống đã rồi hãy viết. Hay nhà văn Xuân Diệu đã viết: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi”. Có thể nói, nếu không đến tận nơi “quẫy đạp”, không có kinh nghiệm thực chiến bằng cách sống cùng nhân dân lao động, các tác giả khó có được một tác phẩm tốt về đề tài công nhân, theo nhà thơ Hải Đường.

Để thích ứng với xu thế phát triển của đất nước, Hội Nhà văn Việt Nam hết sức quan tâm đến mảng văn học công nhân. Về mặt tổ chức, Hội có một chi hội riêng cho văn học công nhân, có các tạp chí, trang điện tử dành cho mảng này. Hàng năm, Hội có những cuộc thi, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức lễ trao giải để thúc đẩy lớp nhà văn trẻ cầm bút, phản ánh và khai thác hình tượng công nhân thế hệ mới.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từng nhắc đến mảng văn học công nhân: “Đối với tôi, văn học công nhân hiện lên đầy đẹp đẽ. Trong lịch sử, văn học công nhân không chỉ là một đề tài mà là một phần của lịch sử trong nền văn học cách mạng. Trước năm 1945, những người sống trong các hầm mỏ, nhà máy đã viết và họ trở thành nhà văn. Những tác phẩm viết bởi những người công nhân đã đạt chất lượng nghệ thuật, tư tưởng ngang bằng với những thể loại khác.

Tôi nghĩ rằng cho đến hiện tại, công nhân, công an, quân đội, nông dân chỉ là đề tài cho những nhà văn sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Đời sống công nhân bây giờ đã biến động và thay đổi quá lớn. Tôi cho rằng viết về công nhân là viết về số phận con người.

Về vị thế, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam, luôn giữ vai trò, vị trí trung tâm, quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Hiện nay, tổng số lao động làm công hưởng lương trong các loại hình doanh nghiệp ở nước ta có khoảng 24,5 triệu người, trong đó công nhân, lao động trong các doanh nghiệp chiếm khoảng 60%, chiếm tỉ lệ khoảng 14% số dân và 27% lực lượng lao động xã hội.

Trình độ học vấn và trình độ chuyên môn, nghề nghiệp, chính trị của giai cấp công nhân ngày càng được cải thiện. Số công nhân có tri thức, nắm vững khoa học - công nghệ tiên tiến đã tăng lên, hình thành lớp công nhân trẻ có trình độ học vấn, văn hóa, được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp, được rèn luyện trong thực tiễn sản xuất hiện đại, phương pháp làm việc ngày càng tiên tiến.

Với những sứ mệnh quan trọng, hình tượng người công nhân, người lao động không thể thấp thoáng trong mặt trận văn hóa nghệ thuật. Văn học công nhân không thể vắng bóng trên cơ cấu nền văn học nước nhà.

Huyền Chi
TIN LIÊN QUAN

Cận cảnh Trung tâm văn hóa công nhân lao động ở địa bàn có 8 khu công nghiệp

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương vừa đưa vào hoạt động Trung tâm văn hóa công nhân lao động Bến Cát. Công trình nhằm chăm lo tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động trên địa bàn có đến 8 khu công nghiệp.

Ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ở Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội

Hải Anh |

Hà Nội - Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội. Điểm sinh hoạt văn hoá công nhân được Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội hỗ trợ 10 triệu đồng.

Hà Nội: Ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân

Hải Anh |

Hà Nội - Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy  ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty TNHH dược phẩm Hoa Linh. Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 và 25 thành lập quận Cầu Giấy (01.9.1997 – 01.9.2022).

Đối mặt nguy cơ vỡ nợ, Mỹ hết tiền cho Ukraina

Song Minh |

Mỹ hết tiền cho Ukraina trong bối cảnh Washington đối mặt vỡ nợ, gánh khoản nợ hơn 31 nghìn tỉ USD.

Trở về từ bệnh viện, tuyển thủ nữ Việt Nam tập tễnh nhận huy chương

Thanh Vũ |

Sau khi đi chụp X-quang tại bệnh viện, trung vệ Trần Thị Thúy Nga đã kịp trở lại sân Olympic để nhận huy chương vàng SEA Games 32 cùng đội tuyển nữ Việt Nam.

Nhận định U22 Việt Nam vs U22 Myanmar tại trận tranh hạng 3 SEA Games 32

TAM NGUYÊN |

Kể cả khi U22 Việt Nam không giành huy chương đồng SEA Games 32, điều được quan tâm nhất là cách họ đứng dậy.

Gặp "nữ thần" vừa giành HCV môn Kun Khmer ở SEA Games 32

Trần Lâm |

Phú Thọ - Triệu Thị Phương Thủy - nữ vận động viên giành Huy chương vàng (HCV) môn Kun Khmer tại SEA Games 32 trở về quê hương xã Thượng Long, huyện Yên Lập với sự hân hoan, chào đón của bà con xóm làng.

Rào cản thuốc morphin giảm đau cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Nguyễn Ly |

Đối với những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, không chỉ đau đớn về thể xác mà còn cả tinh thần. Thuốc morphin là thuốc giảm đau đặc hiệu giúp bệnh nhân ung thư giảm đau, nhưng vì quy định và những suy nghĩ tồn tại nhiều năm qua đã khiến không ít bệnh nhân đến lúc ra đi vẫn chịu sự đau đớn.

Cận cảnh Trung tâm văn hóa công nhân lao động ở địa bàn có 8 khu công nghiệp

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương vừa đưa vào hoạt động Trung tâm văn hóa công nhân lao động Bến Cát. Công trình nhằm chăm lo tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động trên địa bàn có đến 8 khu công nghiệp.

Ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ở Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội

Hải Anh |

Hà Nội - Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội. Điểm sinh hoạt văn hoá công nhân được Liên đoàn Lao động Thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí 50 triệu đồng, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội hỗ trợ 10 triệu đồng.

Hà Nội: Ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân

Hải Anh |

Hà Nội - Liên đoàn Lao động quận Cầu Giấy  ra mắt Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty TNHH dược phẩm Hoa Linh. Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 và 25 thành lập quận Cầu Giấy (01.9.1997 – 01.9.2022).