Làm thế nào để nhớ được mọi thứ?

trần thế vinh (tổng hợp) |

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao có những người nhớ được tới 50.000 chữ số thập phân của số Pi, hay chỉ mất một giờ để ghi nhớ thứ tự chính xác của 1.528 con số ngẫu nhiên? Trong khi vô số người - mà rất có thể bao gồm cả chính bạn - không nhớ nổi 05 số điện thoại, rồi đôi khi còn quên cả chỗ để chìa khóa?

“Nhảy moonwalk cùng Einstein” là câu chuyện chân thực từ nhà vô địch trí nhớ “tay ngang” Joshua Foer. Anh sinh ngày 23.9.1982, là nhà báo tự do sống tại New Haven, bang Connecticut. Năm 2006, Foer giành chiến thắng trong giải Vô địch Trí nhớ Mỹ và xác lập kỷ lục mới trong vòng thi “nhớ quân bài nhanh” với tốc độ 1 phút 40 giây, nhờ đó trở thành đại diện của Mỹ trong giải Vô địch Trí nhớ Thế giới. Các bài viết của Foer được đăng trên The New York Times, National Geographic, Slate, cùng nhiều ấn phẩm khác. Năm 2012, Foer trở thành diễn giả của TED talk, với bài nói mang chủ đề “Những ngón nghề ghi nhớ mà ai cũng làm được”.

Xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách này của Joshua Foer tới bạn đọc.

Bậc thầy trí nhớ đầu tiên của thế gian

Không còn ai khác sống sót.

Những thành viên gia đình tới hiện trường nơi xảy ra thảm họa tại hội trường buổi đại tiệc vào thế kỷ thứ năm trước Công nguyên, họ đào bới đống đổ nát nhằm tìm kiếm dấu hiệu của người thân - nhẫn, dép, bất cứ thứ gì cho phép họ nhận dạng được để chôn cất đúng người.

Nhiều phút trước, nhà thơ Hy Lạp Simonides (556-468 TCN, người phát minh ra một số ký tự Hy Lạp và phát triển kỹ thuật ghi nhớ mnemonic) xứ Ceos đã đứng ngâm bài thơ ca tụng Scopas, một quý tộc vùng Thessaly. Khi Simonides ngồi xuống, một người đưa tin vỗ nhẹ lên vai ông. Hai thanh niên trẻ tuổi trên lưng ngựa đang đợi ở ngoài, bồn chồn như muốn nói với ông điều gì. Ông lại đứng lên và bước ra khỏi cửa. Ngay khoảnh khắc ông đi qua thềm cửa, trần hội trường sập xuống trong màn khói vang động như sấm của những mảnh đá cẩm thạch và bụi bặm.

Ông đang đứng trước cảnh tượng toàn mảnh vụn và những thi thể chôn vùi. Bầu không khí mới vài giây trước còn tràn ngập tiếng cười ngân vang giờ trở nên ám khói và im lặng. Các đội giải cứu bắt đầu khẩn trương đáo xới tòa nhà bị sập. Những cái xác mà họ kéo ra khỏi đống đổ nát bị nghiền nát đến độ không thể nhận ra. Không ai có thể nói chắc được những người nào đã ở bên trong. Bất hạnh nối tiếp bất hạnh.

Sau đó, một điều kỳ diệu đã xảy ra và thay đổi vĩnh viễn cách mọi người vẫn nghĩ về trí nhớ. Simonides đóng kín những giác quan của mình trước sự hỗn loạn xung quanh và quay ngược thời gian trong tâm trí. Đống đá cẩm thạch trở lại thành những cây cột và những mảnh vụn gờ tường rải rác gắn kết lại với nhau trên không trung. Gốm đá vụn nát trong mớ hỗn độn hồi sinh thành những cái bát. Những mảnh gỗ trồi lên trên đống đổ nát lại trở thành một cái bàn. Simonides thoáng thấy từng vị khách đang ngồi trong bữa tiệc, không hề biết tới thảm họa sắp xảy ra. Ông nhìn thấy Scopas đang cười nơi đầu bàn, một người bạn nhà thơ đang ngồi phía đối diện, vét nốt phần thức ăn với một mẩu bánh mì, một quý tộc đang nở nụ cười tự mãn. Ông quay về phía cửa sổ và thấy những người đưa tin đang tới, như thể mang theo một tin tức quan trọng.

Simonides mở mắt. Ông nắm tay từng người đang hoảng loạn và cẩn thận bước qua đống đổ nát, dẫn đường cho họ, từng người một, tới những vị trí trong mớ gạch vụn nơi người thân của họ từng ngồi.

Khoảnh khắc đó, theo như truyền thuyết, nghệ thuật về trí nhớ đã khai sinh.

Khó mà tìm được người thông minh nhất

Câu chuyện dị thường về việc vì sao tôi lại đến được vòng cuối của Giải vô địch Trí nhớ Hoa Kỳ, trong tư thế bất động và đầm đìa mồ hôi này, bắt đầu từ một năm trước trên con đường cao tốc phủ đầy tuyết tại trung tâm Pennsylvanina. Tôi lái xe từ nhà ở thủ đô Washington tới Thung lũng Lehigh để tham dự cuộc phỏng vấn cho tạp chí Discover cùng một nhà vật lý lý thuyết tại Đại học Kutztown, người đã phát minh ra thiết bị buồng chân không được cho là sẽ nổ ra miếng bỏng ngô lớn nhất thế giới. Xe đi ngang qua York, bang Pennsylvania, nơi đặt Tòa nhà Danh vọng và Bảo tàng môn Cử tạ. Tôi nghĩ đó là một nơi mà tôi chẳng thể bỏ lỡ trong đời. Và tôi lại có một tiếng rảnh rỗi nữa.

Sự thực là, Tòa nhà Danh vọng chẳng có gì nhiều nhặn ngoài một bộ sưu tập những bức ảnh cũ và kỷ vật khô khan, được trưng bày ở tầng trệt văn phòng tập đoàn sản xuất đòn tạ lớn nhất cả nước. Xét về khía cạnh trưng bày, chỗ này là đồ bỏ đi. Nhưng tại đây, lần đầu tôi thấy bức ảnh đen trắng của Joe “Nguyên Tử Vĩ Đại” Greenstein, lực sĩ người Mỹ gốc Do Thái vạm vỡ cao 1m 64, ông đạt được biệt danh này vào thập niên 1920 nhờ những màn trình diễn đầy cảm hứng như cắn đôi những đồng xu và nằm trên một chiếc giường đinh trong khi ban nhạc Dixieland 14 người chơi nhạc trên ngực ông. Ông từng thay cả bốn cái lốp của một chiếc ô tô mà không cần dụng cụ gì. Dòng chữ bên cạnh bức ảnh mô tả Greenstein là “người đàn ông khỏe nhất thế giới”.

Nhìn vào bức ảnh, tôi nghĩ hẳn sẽ rất thú vị nếu người khỏe nhất thế giới gặp được người thông minh nhất. Nguyên Tử Vĩ Đại và Einstein, vòng tay ôm lấy nhau: Một cặp đôi hùng tráng của cơ bắp và trí tuệ. Một bức ảnh tuyệt vời để treo trên bàn làm việc, ít nhất là vậy. Tôi tự hỏi liệu đã có ai chụp nó hay chưa. Khi về nhà, tôi đã tra cứu trên Google một chút. Người khỏe nhất thế giới khá là dễ tìm: Đó là Mariusz Pudzianowski. Ông sống ở Biala Rawska, Ba Lan, và có thể nâng được đòn tạ nặng gần 420 kg (bằng khoảng 30 đứa cháu của tôi).

Trái lại, người thông minh nhất thế giới không dễ gì xác định được. Tôi đã gõ “chỉ số IQ cao nhất”, “nhà vô địch trí tuệ”, “thông minh nhất thế giới”. Tôi biết được một người ở thành phố New York có IQ là 228, và một kỳ thủ cờ vua tại Hungary từng bịt mắt chơi được đồng thời 52 ván cờ. Một người phụ nữ Ấn Độ có thể tính nhẩm căn bậc 23 của một con số gồm 200 chữ số trong vòng 50 giây, và một người khác có thể giải được cái gì đó mà người ta gọi là khối Rubik bốn chiều. Và dĩ nhiên là có rất nhiều ứng cử viên khác kiểu như Stephen Hawking (1942-2018, nhà vật lý lý thuyết, vũ trụ học nổi tiếng người Anh). Trí lực thường khó đo lường hơn sức lực.

Mặc dù vậy, trong khi tra cứu Google, tôi khám phá ra một ứng cử viên khá thú vị, nếu không phải là người thông minh nhất thế giới, thì ít nhất cũng là một dạng thiên tài kỳ lạ nào đấy. Tên anh là Ben Pridmore, trong vòng một giờ anh có thể nhớ được thứ tự chính xác của 1.528 con số ngẫu nhiên và - để gây ấn tượng được với cả những người theo khuynh hướng nhân bản hơn - bất cứ bài thơ nào người ta đưa cho anh. Anh từng là nhà vô địch trí nhớ toàn thế giới.

Suốt mấy ngày sau đó, tâm trí tôi cứ vẩn vơ nghĩ về bộ não của Ben Pridmore. Trí nhớ của tôi cùng lắm thuộc hạng trung bình. Có những thứ tôi thường xuyên quên mất: Chìa khóa ô tô để đâu (và cả nơi tôi đỗ xe nữa); thức ăn còn trong lò nướng; sinh nhật bạn gái, ngày kỷ niệm của chúng tôi, ngày lễ Tình nhân; chiều cao lối đi xuống tầng hầm bên nhà bố mẹ (ui da!); số điện thoại của bạn bè; vì sao tôi lại mở tủ lạnh; sạc điện thoại; tên vị tham mưu trưởng của cựu Tổng thống George W. Bush; thứ tự trạm nghỉ của đường Cao tốc thu phí bang New Jersey; đội Redskins thắng giải Super Bowl lần cuối năm nào; việc đậy nắp bồn cầu.v.v...

Ngược lại, Ben Pridmore có thể ghi nhớ thứ tự của bộ bài Tây đã được trộn sẵn trong 32 giây. Trong vòng năm phút, anh có thể ghi lại vĩnh viễn trong trí nhớ 96 sự kiện lịch sử khác nhau. Có đáng ghen tị không chứ? Tôi từng đọc được rằng một người bình thường phải mất khoảng 40 ngày mỗi năm để khắc phục hậu quả của những thứ họ quên mất.

Tôi cứ nghĩ mãi về điều mà Ben Pridmore đã nói trong một buổi phỏng vấn báo chí, thứ đã khiến tôi suy tư về sự khác biệt thực sự giữa trí nhớ của anh và của tôi. “Tất cả chỉ nằm ở kỹ thuật và hiểu biết về cách vận hành của trí nhớ”. Anh đã nói vậy. “Ai cũng có thể làm được, thật đấy”.

Một nghệ thuật bị lãng quên

Vài tuần sau cuộc viếng thăm tới Tòa nhà Danh vọng bộ môn Cử tạ, tôi đứng ở cuối hội trường trên tầng 19 của Trụ sở Con Edison gần Quảng trường Union tại Manhattan, trở thành một khán giả quan sát Giải vô địch Trí nhớ Mỹ 2005. Được sự mê hoặc đối với Ben Pridmore thôi thúc, tôi có mặt ở đó để viết một bài ngắn cho tạp chí Slate, nêu những ý tưởng về một giải Super Bowl dành cho các nhà bác học. Một nhóm những chàng trai (và vài quý cô), đa dạng về độ tuổi, chăm chú đọc những trang giấy đầy các con số ngẫu nhiên và danh sách từ vựng dài. Họ tự nhận mình là “các vận động viên trí tuệ” hay ngắn gọn là MA (mental athletes).

Có năm sự kiện tất cả. Đầu tiên, thí sinh phải học thuộc một bài thơ 50 dòng chưa từng xuất bản tên là “Tấm thảm thêu của tôi”. Sau đó, người ta đưa cho họ 99 bức ảnh chân dung kèm họ tên và họ có 15 phút để ghi nhớ nhiều người nhất có thể. Rồi họ có 15 phút tiếp theo để nhớ một danh sách 300 từ vựng ngẫu nhiên, năm phút để nhớ một trang giấy có 1.000 con số bất kỳ (25 dòng số, 40 số một dòng), và năm phút nữa để nhớ thứ tự của một bộ bài Tây xáo sẵn. Trong các thí sinh có hai người thuộc nhóm 36 bậc thầy thế giới về trí nhớ - một thứ hạng đạt được bằng cách ghi nhớ chuỗi 1.000 số ngẫu nhiên trong thời gian dưới một giờ, thứ tự chính xác của mười bộ bài Tây đã trộn trong cùng khoảng thời gian, và thứ tự của một bộ bài trong chưa đầy hai phút.

Tôi hỏi Ed Cooke, một bậc thầy trẻ tuổi đến từ Anh Quốc, người đã tới sự kiện tại Mỹ vào mùa xuân để luyện tập cho Giải vô địch Thế giới vào mùa hè. “Ồ, tôi chẳng phải là thiên tài đâu”, anh cười khúc khích, “Nói thật là tất cả chúng tôi đều chỉ có trí nhớ tầm trung thôi. Anh cần phải hiểu là kể cả trí nhớ tầm trung cũng có sức mạnh kỳ diệu nếu được sử dụng đúng cách”. Ed và mọi vận động viên tâm trí khác mà tôi từng gặp cứ khăng khăng, như Ben Pridmore từng nói trong cuộc phỏng vấn, rằng ai cũng có thể làm được như họ. Nó chỉ đơn giản là vấn đề học cách “tư duy theo kiểu dễ ghi nhớ hơn”, sử dụng kỹ thuật ghi nhớ mnemonic 2.500 tuổi “cực kỳ giản đơn”, hay còn được gọi là kỹ thuật “lâu đài ký ức” mà người ta cho là Simonides xứ Ceos đã phát minh ra trong đống đổ nát của đại thảm họa sập hội trường.

Những kỹ thuật của lâu đài ký ức - hay còn được gọi bằng những cái tên như phương pháp du hành hoặc phương pháp vị trí, và rộng hơn là  ars memorativa, hay “nghệ thuật của  trí nhớ” - được những người La Mã như Cicero hay Quintilian cải tiến, hệ thống hóa thành một bộ quy tắc và hướng dẫn phổ quát. Nó phát triển rực rỡ trong thời Trung cổ như một cách thức để giới sùng đạo ghi nhớ mọi thứ, từ những bài giảng đạo, kinh cầu cho tới những hình phạt đang chờ đợi kẻ tội đồ nơi địa ngục. Đây cũng là mẹo được những bậc nguyên lão đế chế La Mã cổ sử dụng để ghi nhớ bài diễn thuyết của họ, là cách mà người ta cho rằng chính khách người Athen Themistocles đã dùng để nhớ được tên họ của 20.000 công dân Athen, hay cách các học giả thời trung cổ dùng để học thuộc lòng tất cả các cuốn sách.

Ed giải thích với tôi rằng các thí sinh tự nhận mình là “thành viên của một chương trình nghiên cứu không chuyên”, với mục đích giải cứu một truyền thống rèn luyện trí nhớ lâu đời đã bị mai một và biến mất hàng thế kỷ trước. Một trí nhớ được rèn luyện không chỉ là công cụ đắc lực mà còn là yếu tố thiết yếu của bất cứ bộ óc trần thế nào. Hơn thế nữa, rèn luyện trí nhớ được coi như một dạng tu tâm dưỡng tính, một phương pháp bồi đắp tính cốt lõi của trí tuệ và rộng hơn là đạo đức. Ý tưởng này còn cho rằng chỉ qua việc ghi nhớ, những ý niệm mới thực sự hòa nhập được với tâm thức và giá trị của chúng mới được thẩm thấu. Nhưng rồi, vào thế kỷ 15, cuộc cách mạng in ấn xuất hiện, biến sách vở thành mặt hàng sản xuất hàng loạt, và cuối cùng thì chuyện ghi nhớ những thứ mà các trang sách in có thể nhớ giúp bạn chẳng còn quan trọng nữa. Những kỹ thuật ghi nhớ từng là một phần thiết yếu của văn hóa trung cổ và cổ điển nay bị xếp chung với tín ngưỡng Huyền học thần bí, kín đáo thời Phục hưng và tới thế kỷ 19 thì bị mai một.

Khác biệt giữa "học vẹt" và rèn luyện trí nhớ 

Người dẫn đầu “phong trào phục hưng” trong rèn luyện trí nhớ này là một nhà giáo dục 67 tuổi người Anh, Tony Buzan, người tự nhận là có “thương số sáng tạo” cao nhất thế giới. Khi tôi gặp ông trong một quán cà phê ở tòa nhà Con Edison, ông mặc bộ com-lê màu xanh navy với năm nút áo viền vàng lớn và áo sơ mi không cổ, cái nút áo to trên cổ khiến ông có khí chất của một vị linh mục phương Đông. Buzan thành lập Giải vô địch Trí nhớ Thế giới vào năm 1991 và kể từ đó đã tổ chức thêm các giải vô địch quốc gia ở hơn chục quốc gia, từ Trung Quốc tới Nam Phi hay Mexico. Ông kể rằng từ thập niên 70, ông đã làm việc với lòng nhiệt huyết của một nhà truyền giáo để đưa những kỹ thuật ghi nhớ này vào ứng dụng trong trường học trên toàn thế giới.

Buzan tin rằng trường học đã và đang giảng dạy sai lệch hoàn toàn. Họ nhồi nhét những lượng lớn kiến thức vào đầu học sinh nhưng lại không dạy cách để lưu giữ chúng. Việc ghi nhớ bị mang tiếng xấu là một cách thức “thiếu đầu óc” vì chỉ nhằm lưu trữ kiến thức đủ lâu để vượt qua được bài kiểm tra sắp tới. Nhưng ông cho là bản thân chuyện ghi nhớ không hề xấu, mà chính cái truyền thống học vẹt nhàm chán đã phá hoại nền giáo dục phương Tây. “Suốt thế kỷ vừa qua chúng ta chỉ có định nghĩa sai lệch về trí nhớ, hiểu biết hời hợt về nó, áp dụng nó sai cách, và chỉ trích nó là vô tác dụng và không thú vị”, Buzan lập luận. Nếu ghi nhớ kiểu học vẹt là một cách để cào khắc các ý niệm vào bộ não của chúng ta thông qua vũ lực kiểu lặp đi lặp lại - phương pháp “học thuộc bất chấp” (nguyên văn tiếng Anh: “Drill and kill” - thuật ngữ dùng để chỉ phương pháp giảng dạy theo kiểu bắt học sinh lặp đi lặp lại kiến thức một cách máy móc để ghi nhớ (“drill”) và “giết chết” (“kill”) động lực học của học sinh) cũ rích - thì nghệ thuật trí nhớ là một phương thức ghi nhớ tao nhã hơn thông qua kỹ thuật. Theo Buzan, nó nhanh hơn, ít vất vả hơn và tạo ra những ký ức dài lâu hơn.

Với Buzan, bộ não giống như một loại cơ bắp và rèn luyện trí nhớ như một kiểu vận động tinh thần. Giống với mọi loại bài tập khác, nó khiến bộ não khỏe hơn, nhanh hơn và lanh lợi hơn theo thời gian. Đó là một ý tưởng có từ thuở sơ khai của rèn luyện trí nhớ. Ngày nay, việc “vận động tinh thần” đã có chỗ đứng vững vàng trong suy nghĩ đại chúng. Phòng gym cho não bộ và trại tập huấn trí nhớ hiện là một phong trào đang lên. Phần mềm rèn luyện trí não đã trở thành ngành công nghiệp trị giá 265 triệu đô-la Mỹ vào năm 2008, một phần hiển nhiên là do nghiên cứu chỉ ra rằng người cao tuổi chịu khó vận động trí não bằng trò giải ô chữ và cờ vua có thể giảm nguy cơ mắc chứng mất  trí nhớ tiệm tiến và bệnh Alzheimer.

Tôi gặng hỏi Buzan rằng học những kỹ thuật này khó đến thế nào. Các thí sinh đã luyện tập kiểu gì? Trí nhớ của họ đã cải thiện nhanh đến đâu? Họ có dùng những kỹ năng này trong cuộc sống hằng ngày không? Nếu chúng thực sự dễ dàng và hiệu quả như ông khẳng định thì tại sao tôi lại chưa từng nghe về chúng? Tại sao tất cả chúng ta lại không sử dụng chúng? “Anh biết không,” ông đáp, “thay vì hỏi tôi tất cả những câu này, anh nên tự mình thử xem sao”.

Trí nhớ ngoại biên 

Về mặt sinh lý học, chúng ta hầu như giống hệt với tổ tiên, những người đã vẽ hình bò rừng lên vách hang động Lascaux ở Pháp - đây là một trong những hiện phẩm văn hóa cổ xưa nhất còn tồn tại cho tới ngày nay. Não chúng ta không lớn hơn hay thông minh hơn não của họ. Nếu một trong những đứa bé sơ sinh của họ rơi vào tay cha mẹ nuôi ở New York trong thế kỷ 21, đứa bé đó nhiều khả năng sẽ lớn lên bình thường như bao bạn bè đồng trang lứa.

Tất cả sự khác biệt giữa chúng ta và họ đều nằm ở ký ức. Không phải những ký ức nằm trong não chúng ta, bởi đứa trẻ sinh ra hôm nay cũng bước vào thế giới như một tờ giấy trắng chẳng khác gì một đứa trẻ sinh ra vào 30.000 năm trước, mà là những ký ức được lưu trữ xung quanh chúng ta - trong sách vở, tranh ảnh, bảo tàng và ngày nay thì ở trong phương tiện kỹ thuật số. Ngày xửa ngày xưa, trí nhớ là nguồn cội của mọi nền văn hóa, nhưng 30 thiên niên kỷ qua, từ khi loài người bắt đầu vẽ lại ký ức lên vách hang, chúng ta đã dần thay thế trí nhớ tự nhiên của chính mình bằng thứ thượng tầng kiến trúc khổng lồ của những phương tiện hỗ trợ trí nhớ ngoại biên - một quá trình đang tăng tốc đến chóng mặt trong những năm gần đây.

Hãy tưởng tượng chúng ta tỉnh dậy vào ngày mai và phát hiện ra tất cả mực in trên thế giới trở nên vô hình và tất cả byte (đơn vị thông tin máy tính) biến mất. Thế giới của chúng ta sẽ ngay lập tức sụp đổ. Nền văn hóa của chúng ta là một tòa kiến trúc ấn tượng được xây dựng nên từ trí nhớ ngoại biên.

Nếu trí nhớ là công cụ để chúng ta lưu giữ những thứ cho là giá trị nhất thì đáng buồn thay, nó cũng có mối liên hệ với sự ngắn ngủi của đời người. Khi chết, ký ức của chúng ta cũng mất theo. Theo cách nào đó, hệ thống trí nhớ ngoại biên phức tạp mà chúng ta tạo ra là một cách chống lại chuyện sinh tử. Sự thông thái tiến hóa từ chỗ sở hữu thông tin nội tại tới chỗ biết cách tìm và nơi tìm thông tin trong mê cung trí nhớ ngoại biên.

Đối với những bậc tiền bối coi trọng trí nhớ, rèn luyện trí nhớ không phải là để trở thành một “cuốn sách sống”, mà đúng hơn là thành một dạng “hướng dẫn đọc sách sống”, một chỉ mục biết đi về mọi thứ họ từng đọc và mọi thông tin họ thu nạp được. Đây không chỉ là việc đơn thuần sở hữu một thư viện nội tại về các sự thật, những câu trích dẫn và các ý tưởng; mà là về việc xây dựng một phương thức có tổ chức để truy cập chúng.

trần thế vinh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

5 bài tập giúp não bộ cải thiện trí nhớ

THANH NGỌC (THEO BOLDSKY) |

Theo Boldsky, não bộ là trung tâm kiểm soát và điều phối thông tin. Do đó, cần luyện tập não bộ với những bài tập đơn giản để cải thiện trí nhớ.

Bổ sung ngay 4 thực phẩm giúp tăng cường trí nhớ cho người sau tuổi 40

VY VY (THEO EAT THIS NOT THAT) |

Theo nhiều nghiên cứu được đăng tải trên Eat This Not That, nhận thức của chúng ta có thể bắt đầu suy giảm từ năm 45 tuổi và cũng có thể bắt đầu sớm ở độ tuổi 30. Hãy bổ sung những thực phẩm này ngay từ bây giờ để có thể giúp cải thiện trí nhớ cũng như tăng cường sức khỏe.

Tập thể dục giúp tăng trí nhớ và khả năng tư duy

Thanh Vân (Theo Healthline) |

Tập thể dục với cường độ vừa phải, hợp lý có thể giúp cải thiện tư duy và trí nhớ của bạn chỉ trong sáu tháng.

Thế giới động vật: Bất ngờ với trí nhớ siêu phàm của mực nang

Nguyễn Hạnh |

Mực nang có một trí nhớ mạnh mẽ đến mức chúng có thể nhớ những gì chúng đã ăn cho đến khi chết vì tuổi già, một nghiên cứu mới đã tiết lộ.

Những thực phẩm giúp cải thiện trí nhớ ngắn hạn

ánh nhiên (theo Boldsky) |

Bộ não có khả năng kiểm soát tất cả các hoạt động của cơ thể. Đôi khi chúng ta có xu hướng quên mọi thứ và đó là cách tạo ra trí nhớ ngắn hạn. Để tăng cường thể lực cho não bộ và cải thiện trí nhớ ngắn hạn một cách tự nhiên, bạn có thể ăn thêm những loại thực phẩm sau.

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Dự báo diễn biến không khí lạnh mạnh giáp Tết Nguyên đán 2023

AN AN |

Cơ quan khí tượng nhận định không khí lạnh sẽ tác động mạnh hết ngày mai 17.1.2023 (tức ngày 26 Tết Nguyên đán).

Nguyễn Thái Luyện kháng cáo sau khi bị tuyên án chung thân

Anh Tú |

TPHCM - Sau khi bị TAND TPHCM tuyên án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) vừa có đơn kháng cáo kêu oan cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.

5 bài tập giúp não bộ cải thiện trí nhớ

THANH NGỌC (THEO BOLDSKY) |

Theo Boldsky, não bộ là trung tâm kiểm soát và điều phối thông tin. Do đó, cần luyện tập não bộ với những bài tập đơn giản để cải thiện trí nhớ.

Bổ sung ngay 4 thực phẩm giúp tăng cường trí nhớ cho người sau tuổi 40

VY VY (THEO EAT THIS NOT THAT) |

Theo nhiều nghiên cứu được đăng tải trên Eat This Not That, nhận thức của chúng ta có thể bắt đầu suy giảm từ năm 45 tuổi và cũng có thể bắt đầu sớm ở độ tuổi 30. Hãy bổ sung những thực phẩm này ngay từ bây giờ để có thể giúp cải thiện trí nhớ cũng như tăng cường sức khỏe.

Tập thể dục giúp tăng trí nhớ và khả năng tư duy

Thanh Vân (Theo Healthline) |

Tập thể dục với cường độ vừa phải, hợp lý có thể giúp cải thiện tư duy và trí nhớ của bạn chỉ trong sáu tháng.

Thế giới động vật: Bất ngờ với trí nhớ siêu phàm của mực nang

Nguyễn Hạnh |

Mực nang có một trí nhớ mạnh mẽ đến mức chúng có thể nhớ những gì chúng đã ăn cho đến khi chết vì tuổi già, một nghiên cứu mới đã tiết lộ.

Những thực phẩm giúp cải thiện trí nhớ ngắn hạn

ánh nhiên (theo Boldsky) |

Bộ não có khả năng kiểm soát tất cả các hoạt động của cơ thể. Đôi khi chúng ta có xu hướng quên mọi thứ và đó là cách tạo ra trí nhớ ngắn hạn. Để tăng cường thể lực cho não bộ và cải thiện trí nhớ ngắn hạn một cách tự nhiên, bạn có thể ăn thêm những loại thực phẩm sau.