Trên 786km sạt lở đặc biệt nguy hiểm uy hiếp đồng bằng sông Cửu Long: Chính phủ chi 1.500 tỉ để khắc phục

khánh vũ |

Thông tin này được công bố tại hội nghị giới thiệu bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa được tổ chức mới đây (chiều 18.6), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng. 

Diễn biến phức tạp của sạt lở bờ sông, bờ biển có xu thế ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô, đã khiến Bộ NNPTNT tổ chức khẩn hội nghị bàn giải pháp khắc phục, với sự tham gia của đại diện diện 13 tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL - địa bàn đang có nguy cơ mất hàng nghìn km đất liền do sạt lở.

“Rừng mất tới đâu kè mái đê đến đó”

Theo báo cáo, bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL, đến nay cả nước đã xác định được 562 điểm trên tổng số 786km sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, có 55 điểm với 173km sạt lở đặc biệt nguy hiểm; 507 điểm sạt lở nguy hiểm và sạt lở bình thường, tổng chiều dài 613km.

Tỉnh An Giang là địa bàn có tới 9 điểm sạt lở trên tổng chiều dài gần 20km; Cà Mau: 8 điểm trên tổng chiều dài gần 55km; Kiên Giang: 5 điểm trên tổng chiều dài gần 29km; Cần Thơ: 4 điểm với gần 13km... Số liệu nghiên cứu của Ủy hội sông Mê Kông cho thấy, việc các quốc gia thượng nguồn xây dựng thủy điện khiến lượng phù sa bồi cát về khu vực ĐBSCL giảm đến 70%, bên cạnh đó là tình trạng khai thác cát quá mức dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này ngày càng gia tăng.

Ông Tăng Quốc Chính - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai - Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) cho biết: Diễn biến sạt lở ở ĐBSCL trước và sau năm 2010 đang rất phức tạp. Trước thời điểm năm 2010, Trung Quốc chưa hoàn thành các công trình thuỷ điện thì ĐBSCL vẫn diễn ra tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nhưng ở mức độ không nghiêm trọng.

Nhưng kể từ sau 2010 đến nay, nhiều dự án thủy điện, hồ chứa của Trung Quốc đã hoàn thành thì sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng gia tăng với mức độ nghiêm trọng hơn. Thống kê từ năm 2010 đến nay, khu vực ĐBSCL đã có 562 điểm sạt lở trên chiều dài gần 800km. Đáng lưu ý, khu vực này hiện đang có 55 điểm sạt lở ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.

Cũng theo ông Tăng Quốc Chính, nguyên nhân chính và chủ yếu dẫn đến sạt lở bờ sông và bờ biển ở ĐBSCL có tác động từ các hồ chứa. Khi theo quy hoạch, trên thượng lưu sông Mê Kông đang có 19 dự án hồ chứa đang được triển khai. Trong đó có nhiều hồ chứa lớn của Trung Quốc.

Chia sẻ thông tin tại hội nghị, ông Tăng Quốc Chính cho rằng, theo đánh giá và khảo sát từ các cơ quan chuyên môn nếu trước đây lượng phù sa trên sông Mê Kông đổ về ĐBSCL khoảng 73 triệu m3/năm. Nhưng đến năm 2012, khi nhiều dự án hồ chứa được hoàn thành thì lượng phù sa về khu vực này chỉ còn 42 triệu m3. Đến năm 2012, Trung Quốc đã xây dựng 6/8 hồ, trong đó có 2 hồ rất lớn, dung tích 22,2 tỉ m3.

Dự báo khi 19 dự án hồ chứa được hoàn thành thì ĐBSCL chỉ còn khoảng 10 - 15 triệu m3. Cũng theo ông Tăng Quốc Chính, ngoài tác động của các hồ chứa trên thượng nguồn sông Mê Kông thì tình trạng khai thác cát, gia tăng các công trình, mật độ dân cư hai bên bờ sông, ven biển cũng là nguyên nhân khiến diễn biến sạt lở ở ĐBSCL ngày càng có diễn biến rất phức tạp.

Ông Nguyễn Thiện Pháp - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết: Mức độ và tốc độ xói lở những năm qua trên địa bàn là rất lớn. Từ năm 2000 đến nay xói lở đã làm mất 6km bờ biển và đai rừng phòng hộ ven biển. Để khắc phục tình trạng này Tiền Giang đã và đang phải kè mái đê biển theo phương châm "rừng mất đến đâu kè mái đê tới đó".

Dự báo, từ nay đến năm 2020, tỉnh Tiền Giang tiếp tục bị sạt lở bờ biển khoảng 3km nữa. Theo kế hoạch, trong năm nay tỉnh Tiền Giang phải kè 1.800m, số còn lại khoảng 1.400m nữa sẽ tiếp tục hoàn thiện nốt trong 2 năm 2019 - 2020.

“Đê biển mất đến đâu thì kè bảo vệ đê biển đến đó. Đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài ngoài xử lý ở những điểm sạt lở mất rừng chúng ta phải kè mái đê thì phải xây dựng các công trình gây bồi, tạo bãi để trồng rừng phòng hộ, ngoài đê phải có đai rừng phòng hộ hơn 200m. Như thế mới bảo vệ được đê biển” – ông Nguyễn Thiện Pháp nhấn mạnh.

Bản đồ khu vực sạt lở nguy hiểm ở ĐBSCL. Ảnh: Kh.V
Bản đồ khu vực sạt lở nguy hiểm ở ĐBSCL. Ảnh: Kh.V

Chính phủ chi 1.500 tỉ đồng để khắc phục sạt lở

Nêu ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đều nhấn mạnh: Cùng với các giải pháp đầu tư xây dựng công trình phòng chống sạt lở, việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong đó có bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển có ý nghĩa rất quan trọng trong việc theo dõi diễn biến sạt lở, nâng cao năng lực ứng phó, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại, ổn định dân sinh vùng ven sông, ven biển ĐBSCL là cần thiết và cấp bách.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: Trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp, Chính phủ vẫn ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí để giảm thiểu những tác động từ sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra.

Vì vậy cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó việc ứng dụng bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL là một trong những giải pháp để nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo, hỗ trợ các nhà quản lý, chính quyền địa phương và cộng đồng tiếp cận trực tuyến nhanh chóng, chi tiết các vị trí, hình ảnh và video tại các khu vực sạt lở nhằm từng bước kiểm soát an toàn về phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nêu rõ: Chúng ta đang phải đối mặt với tác động kép, tác động của biến đổi khí hậu và phát triển thiếu bền vững. Do mất cân bằng bùn cát, hoạt động khai thác cát trên dòng sông Mê Kông, xây dựng nhà ở trái phép... cùng các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công và các tỉnh,thành phố vùng ĐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân, tác động tiêu cực đến phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven sông, ven biển.

"Giải pháp có thể làm và cần làm ngay là tôn trọng, phục hồi lại các hệ sinh thái. Có những chỗ lượng phù sa về nhiều có thể phục hồi bằng các giải pháp "bẫy phù sa", phục hồi rừng. Có những chỗ không có phù sa phải xây dựng các công trình kiên cố giảm năng lực phát sóng gây xói lở bờ biển. Đi kèm với đó phải đẩy mạnh trồng rừng cũng như việc sử dụng hợp lý đất vùng ven biển, chỉnh trị sông" - Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.

Trước diễn biến phức tạp của sạt lở có xu thế ngày càng gia tăng cả về phạm vi và quy mô, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Trước mắt, sẽ hỗ trợ 1.500 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để xử lý khẩn cấp 29 khu vực đặc biệt nguy hiểm, các khu vực sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, công trình hạ tầng thiết yếu khu vực ĐBSCL, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong đó có bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL.

Đây là nội dung quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong việc từng bước theo dõi, kiểm soát diễn biến sạt lở, nâng cao năng lực ứng phó, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại, ổn định dân sinh vùng ven sông, ven biển ĐBSCL là cần thiết và cấp bách. Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương bổ sung 1.000 tỉ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT chủ trì, tổng hợp, đề xuất danh mục, mức hỗ trợ.

Từ năm 2011 đến nay, tổng kinh phí đầu tư xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển là 11.185 tỉ đồng cho 95 dự án. Trong đó đã đầu tư 3.778 tỉ đồng, còn 2.977 tỉ đồng sẽ tiếp tục được đầu tư cho 71 dự án còn lại. Ngoài ra, có 24 dự án với kinh phí 4.430 tỉ đồng đang được tiếp tục đầu tư tại giai đoạn 2016 - 2020.


khánh vũ
TIN LIÊN QUAN

Dân phản đối khai thác cát vì sợ sông “nuốt” nhà

ĐÌNH PHÙNG |

Nhà cửa, hoa màu bị cuốn trôi, người dân liên tục phản đối nhưng hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra tại khu vực Long Quang (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Sạt lở bủa vây An Giang: Chính danh thủ phạm là “nhân tai”

LỤC TÙNG |

Không chỉ uy hiếp từ đầu sông đến cuối sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, mới đầu mùa mưa, nhưng sạt lở lại dồn dập đang tấn công đến các kênh, rạch các huyện, thị, thành phố với tốc độ khủng khiếp. Điều đáng lo hơn là, sự bùng nổ này không chỉ do thiên nhiên “nổi giận” như cách nói hình tượng của các nhà môi trường, mà do chính con người đã tạo ra.

An Giang thành lập “Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp” để ứng phó sạt lở

Lục Tùng |

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi tại cuộc họp bàn giải pháp ứng phó sạt lở (SL) bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh An Giang tổ chức vào sáng 14.6, tại TP. Long Xuyên.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Hà Nội: Sau chấn chỉnh, loạt lô cốt vẫn án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh

PHẠM ĐÔNG |

9 chiếc lô cốt đang án ngữ trên đường Vũ Trọng Khánh khiến giao thông đông đúc, quá tải dù đã cận kề Tết Nguyên đán Quý Mão. Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội lại yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi công hệ thống xử lý nước thải Yên Xá gây ùn tắc.

Dân phản đối khai thác cát vì sợ sông “nuốt” nhà

ĐÌNH PHÙNG |

Nhà cửa, hoa màu bị cuốn trôi, người dân liên tục phản đối nhưng hoạt động khai thác cát vẫn diễn ra tại khu vực Long Quang (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Sạt lở bủa vây An Giang: Chính danh thủ phạm là “nhân tai”

LỤC TÙNG |

Không chỉ uy hiếp từ đầu sông đến cuối sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, mới đầu mùa mưa, nhưng sạt lở lại dồn dập đang tấn công đến các kênh, rạch các huyện, thị, thành phố với tốc độ khủng khiếp. Điều đáng lo hơn là, sự bùng nổ này không chỉ do thiên nhiên “nổi giận” như cách nói hình tượng của các nhà môi trường, mà do chính con người đã tạo ra.

An Giang thành lập “Tổ ứng phó thiên tai khẩn cấp” để ứng phó sạt lở

Lục Tùng |

Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi tại cuộc họp bàn giải pháp ứng phó sạt lở (SL) bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh An Giang tổ chức vào sáng 14.6, tại TP. Long Xuyên.