Sạt lở bủa vây An Giang: Chính danh thủ phạm là “nhân tai”

LỤC TÙNG |

Không chỉ uy hiếp từ đầu sông đến cuối sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, mới đầu mùa mưa, nhưng sạt lở lại dồn dập đang tấn công đến các kênh, rạch các huyện, thị, thành phố với tốc độ khủng khiếp. Điều đáng lo hơn là, sự bùng nổ này không chỉ do thiên nhiên “nổi giận” như cách nói hình tượng của các nhà môi trường, mà do chính con người đã tạo ra.

Khắp nơi và dồn dập

Ngày 9.6, bờ rạch Ông Chưởng, đoạn khu vực chợ Cái Xoài (xã Kiến Thành, huyện Chợ Mới) xuất hiện sạt lở với chiều dài 120m làm sập 3 căn nhà và uy hiếp 16 căn khác. Trong lúc huyện điều động các lực lượng giúp dân di tản khỏi vùng nguy hiểm, thì tại bờ kênh Cả Xoài (ấp Kiến Thuận 2, xã Kiến Thành) đột nhiên sụp lún mặt đường xuống hơn 0,5m với chiều dài lên đến 150m và làm sạt lở hoàn toàn bờ kè kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng của 2 hộ dân tự làm.

Ông Dương Mai Thanh Sơn - Chủ tịch UBND xã Kiến Thành - cho biết: “Hiện, toàn xã có 8 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.200m”. Theo ông Sơn, với tình hình mưa đến sớm và kéo dài như hiện nay, khả năng sạt lở sẽ bùng phát là rất lớn.

Có mặt tại hiện trường, trực tiếp chứng kiến diễn biến phức tạp của nạn sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lâm Quang Thi đã chỉ đạo UBND huyện Chợ Mới khẩn trương thông báo tình trạng thiên tai khẩn cấp để có kế hoạch, hành động ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản và đặc biệt là tính mạng người dân. Trước đó vào ngày 3.6.2018, cũng trên rạch Ông Chưởng tại đoạn ấp Long Phú 1 (xã Long Điền B, Chợ Mới), sạt lở đã nhấn chìm hơn 50m ven bờ, khiến hàng chục hộ phải tháo dỡ, di dời khẩn cấp.

Đây chỉ là nét chấm phá trong bức tranh sạt lở đang bủa vây toàn tập tỉnh An Giang. Ông Lữ Cẩm Khường - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang - cho biết: “Năm 2002, toàn tỉnh có 25 điểm sạt lở, thì nay con số này lên đến 51”. Không chỉ tăng số về lượng, mà còn gia tăng cả về mức độ nguy hiểm và quy mô xâm hại.

“Có mặt khắp các con sông lớn như Hậu Giang (26 đoạn), tương tự là Tiền Giang (11) và Vàm Nao, Bình Di, Châu Đốc có từ 2 đoạn trở lên. Sạt lở còn tấn công lên các tuyến kênh, rạch như: Kênh Xáng Tân An (Tân Châu), kênh Cái Sắn (Long Xuyên) với tổng chiều dài trên 160km. Trong đó có 6 đoạn được cảnh báo ở mức độ rất nguy hiểm.

“Nếu bỏ riêng 2 huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên với đặc thù lũ quét, lũ ống thì cả tỉnh chỉ còn mỗi huyện Thoại Sơn là chưa bị sạt lở tấn công mạnh. Có thể nói, An Giang đang sống chung với sạt lở” - ông Lâm Quang Thi đúc kết.

Nhân tố con người

Tại cuộc họp bàn tìm giải pháp thích ứng bền vững với sạt lở do Phó Chủ tịch Lâm Quang Thi chủ trì vào ngày 14.6.2018, đại biểu nhiều sở, ngành đã dành nhiều thời gian đào sâu phân tích nguyên nhân sạt lở để làm nền tảng cho các giải pháp ứng phó hiệu quả, bền vững.

Ông Lữ Cẩm Khường cho rằng, một trong những nguyên nhân là do ảnh hưởng cấu tạo địa chất của vùng đất mới và tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu (BĐKHTC): “Địa chất bờ sông có tính cơ lý thấp, dễ bị mất liên kết trong môi trường nước. Trong khi đó, tác động từ BĐKHTC, mưa tập trung vào mùa lũ có xu hướng tăng đã tác động đến tính ổn định vốn “mỏng manh” của bờ sông, kênh, rạch”.

Không phủ nhận tác động từ thiên nhiên, nhưng theo Phó Giám đốc Sở TNMT An Giang Võ Hùng Dũng, chính nhân tố con người đã “nối giáo” cho thiên tai bùng phát: “Nền đất yếu, lại thêm dòng chảy bị thay đổi, bị tác động do con người với những hoạt động kinh tế - xã hội đã khiến cho sạt lở gia tăng thêm. Dễ thấy nhất là sự gia tăng cả về mật độ lẫn cường độ của các phương tiện giao thông thủy và bộ đã tạo ra những rung chấn, tải trọng lớn cùng với việc gia tăng xây dựng nhiều công trình kiến trúc, nhà ở ven bờ làm cho các bờ sông, kênh, rạch quá tải sức chịu đựng”.

Đồng tình với ý kiến này, nhưng theo ông ông Lâm Quang Thi, còn có nguyên nhân bất cập từ “người quản lý”: “Thông thường khi làm kênh, mương, người ta chú ý đến yếu tố thủy lợi, giao thông. Vì vậy, khi dân số, mật độ giao thông tăng lên mà ngành chức năng lại thiếu các giải pháp can thiệp bằng biển báo, thông báo đã “mở đường” cho sạt lở gia tăng”.

Nhân nhắc đến công tác quản lý, ông Võ Hùng Dũng đề cập thêm thực trạng nhức nhối trên lĩnh vực quản lý khai thác cát. Các đập thủy điện phía thượng nguồn Mê Kông, khiến các dòng sông hạ nguồn thiếu hụt phù sa, thay đổi quy luật hình thành cát, sỏi là nguyên nhân quan trọng gây sạt lở. Trong lúc điều này đang diễn ra ngày một gay gắt thì chính cách quản lý bất cập đã tự làm gia tăng thêm nguy cơ. Điển hình là chưa đủ biện pháp mạnh để răn đe tình trạng khai thác cát trái phép.

“Khai thác cát chính thống, được ngành TNMT cấp phép trên cơ sở nghiên cứu khoa học nhằm hướng tới chỉnh trị dòng chảy an toàn có tác dụng giảm bớt sạt lở. Còn khai thác cát lậu thì ngược lại, làm gia tăng nguy cơ sạt lở” - ông Dũng bức xúc - “Thế nhưng theo quy định hiện hành, các phương tiện khai thác cát lậu có quy mô 50m3 trở lên mới bị phạt, tịch thu phương tiện.

Nắm được điều này, thời gian gần đây, cát tặc sử dụng phương tiện có quy mô 10-20m3 nên nếu bị bắt cũng chỉ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng, không đủ sức răn đe”. Xem ra, để phòng chống sạt lở sông, kênh, mương ở An Giang có hiệu quả, trước hết phải bắt đầu từ việc phòng chống sạt lở ngay trong nếp nghĩ và lối hành xử của con người.

LỤC TÙNG
TIN LIÊN QUAN

Giả danh phóng viên Báo Lao Động xin bỏ qua lỗi vi phạm nồng độ cồn

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

Khi bị tổ công tác CSGT dừng xe, thông báo lỗi vi phạm, người đàn ông đi cùng tài xế vi phạm nồng độ cồn tự nhận mình làm việc ở Báo Lao Động để đề nghị được bỏ qua.

Kỷ luật nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên

Nguyễn Hoàn |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Khắc Lâm - Nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Thái Nguyên.

TPHCM có 438 người bán dâm, một số người nước ngoài góp vốn hoạt động mại dâm trá hình

MINH QUÂN |

TPHCM – Tổng số người bán dâm trên địa bàn TPHCM khoảng 438 người, trong đó có khoảng 69 người được thống kê qua xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. Đồng Hới tử vong tại phòng làm việc

PHI LONG - ĐỨC TUẤN |

QUẢNG BÌNH – Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP. Đồng Hới được xác nhận vừa tử vong tại phòng làm việc.

Bộ Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra liên ngành các bếp ăn tập thể

Hương Giang |

Theo Bộ Y tế cảnh báo, trong thời gian qua vẫn xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, đặc biệt là bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp và trường học.

Dự kiến 9 nhóm đối tượng được áp dụng tăng lương cơ sở từ 1.7.2023

Ái Vân |

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Theo đó, từ ngày 1.7.2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng.

Quảng Ngãi: Cưỡng chế biệt phủ xây trái phép nhưng cố tình không tháo dỡ

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Dù hạn định yêu cầu tháo dỡ tòa nhà xây dựng trái phép, khôi phục nguyên trạng đã hết, tuy nhiên chủ nhân tòa biệt phủ trái phép lý sự rằng không tìm ra thợ giỏi để tháo dỡ, buộc nhà chức trách phải ban hành quyết định cưỡng chế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ mang quà đến Ukraina

Song Minh |

Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ đến thủ đô Kiev của Ukraina vào ngày 20.2 - chuyến thăm đầu tiên kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự gần 1 năm trước.