Thủy - người đàn bà say cuộc chơi men

HẢI AN (thực hiện) |

Nguyễn Thu Thủy, người đàn bà tự nhận mình có đặc tính của lửa, không phải bởi cô có tính nóng như lửa. Trong câu chuyện của chúng tôi vào một ngày cuối Xuân, giọng của Thủy ướt rượt như những giọt ngân kim của cơn mưa phùn, song chất đầy năng lượng của ngọn lửa đang nhảy nhót trong cuộc kiến tạo hình hài của gốm.

ĐÀN BÀ LÀM GỐM CÓ GÌ LẠ?

Chị là người hoàn toàn xa lạ với gốm, thế nhưng, chỉ trong 4 năm, chị đã khiến giới làm gốm phải gật gù. Phải chăng làm gốm cũng không có gì là khó lắm hay nhờ cơ duyên nào chăng?

- Nếu nhìn theo giác độ “vuốt, nặn, vẽ” kiểu làm gốm du lịch thì việc làm gốm kể cũng dễ thật, kiểu chơi bời, trải nghiệm. Nhưng nếu làm gốm nghiêm túc như một nghề mưu sinh hay hướng sáng tác nghệ thuật thì chẳng có gì là dễ cả.

Đúng là tôi chẳng có “căn bản” gì với gốm cả cho dù đã cầm bút vẽ từ khi chưa biết chữ. Đúng là, phải đến khi đã qua “tứ thập bất nghi hoặc” thì tôi mới mon men đến với gốm và rồi bén duyên đến tận bây giờ. Cái sự mon men của tôi lại cấu thành từ cái duyên vô tình và hữu tình.

Trước đây, tôi đã từng được mời sang làng gốm Bát Tràng để hướng dẫn bà con cách làm những sản phẩm gốm sứ mang tính du lịch sáng tạo. Cũng bởi tôi là giảng viên khoa du lịch, lại hoạt động trong cả ngành thiết kế đồ họa, marketing nên phù hợp với công việc trên.

Lúc đó, với tư cách của một người ngoài cuộc, chỉ xem xét, ngó nghiêng tôi thấy nghề làm gốm rất khó. Thế rồi, sau đó, tôi được một người thầy rủ sang Bát Tràng làm gốm, mà lần này là làm gốm thật chứ không còn kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì tôi mới vỡ ra nhiều điều.

Nhưng đó mới chỉ là những cơ duyên hữu tình chỉ lối tôi đến với gốm. Còn phải kể đến cái duyên vô tình nữa mới biến tôi thành Thủy “gốm”. Đại dịch COVID-19 khiến xã hội lâm cuộc phong tỏa “vô tiền khoáng hậu” khiến tôi có quá nhiều thời gian ngoài việc giảng dạy online. Nhà tôi lại ở gần Bát Tràng, nên tôi dành được hàng tuần, hàng tháng để lăn lê bò toài với gốm, tìm hiểu về gốm và nghề làm gốm.

Sự trầm lắng và đơn độc của thời gian cách ly giúp tôi toàn tâm toàn ý được với gốm như người thợ học nghề gốm, bắt đầu từ việc tìm hiểu về đặc tính đất, cách luyện đất, xeo đất, biết được những thời điểm tác động vào đất, cảm nhận được độ ẩm của đất, căn cứ vào thời tiết khô nồm để chọn công đoạn làm gốm, rồi sau đó là về men và nung. Mỗi công đoạn là cả một chương lớn về kiến thức, có liên hệ vừa độc lập vừa gắn liền với nhau.

Gốm sứ là loại hình công việc liên quan đến thổ, mà thổ mộc vốn được coi là vất vả. Vậy chị thấy nghề gốm nặng nhọc với sức vóc đàn bà hay không?

- Anh suy nghĩ như người ngoài cuộc nên thấy nghề gốm nặng nhọc với phụ nữ vậy thôi. Tôi đã từng đi nhiều làng gốm ở Việt Nam, đều thấy người làm chính ở nghề gốm là phụ nữ. Ngay ở làng gốm Phù Lãng, với những sản phẩm gốm có đặc điểm to nặng, phụ nữ vẫn chiếm số đông.

Có sự phân công lao động khá rõ ràng. Những khâu nặng nhọc, cần sức vóc như xúc đất từ mỏ vào, vê đất, xeo đất, đưa vào lò nung hay dỡ lò thì thường do đàn ông đảm nhiệm, còn lại các công đoạn như vuốt gốm, vẽ men lại do phụ nữ đảm nhiệm bởi nó cần đến sự khéo léo, dẻo dai, tỉ mẩn, chăm chỉ.

Vả lại, bây giờ có nhiều công cụ hỗ trợ nên làm gốm cũng không nặng nhọc lắm. Hầu như trong làm gốm không có sự phân biệt rằng, đây là công việc của nam giới hay nữ giới. Quan trọng nhất là người làm gốm phải có đam mê, tình yêu với nghề gốm cho dù đấy là nghề mưu sinh hay phương tiện sáng tác.

Một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy.
Một số tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy.

Chị nói cứ như chị là con dân Bát Tràng hay Phù Lãng với các hạt sét chảy đầy trong huyết quản vậy? Khi chị đến đây học và làm gốm, người ta có ngạc nhiên không?

- Tôi đúng là không phải dân gốc Bát Tràng, nhưng vì những cơ duyên đã kể phía trên nên tôi đã trở nên gắn kết với làng gốm này. Ban đầu, người dân ở đây cũng tò mò, nhìn tôi với ánh mắt kiểu: “Ôi đám nghệ sĩ hoa lá cành, sang đây để giết thời gian thôi mà”.

Nhưng rồi, tôi cứ gặp họ hàng ngày, hỏi han những cái cơ bản về đất, về men, về kỹ thuật nung này nọ thì dần dà cũng được nhìn nhận như một người thực sự muốn học nghề gốm. Để thực sự hòa nhập vào cộng đồng, tôi đã sống ở đây như người Bát Tràng, hàng ngày uống trà hạt Bát Tràng, ăn những món ăn Bát Tràng, thậm chí cả món đặc sản “thịt chó Bát Tràng” nữa.

Cứ như thế, tôi dần nắm được kỹ thuật làm gốm, dựng lò gốm, và nghiền ngẫm con đường đi cho gốm sứ của riêng mình. Sau chừng 1 - 2 năm thì tôi thành thạo nghề gốm, và sau hơn 3 năm, tôi đã tìm thấy phong cách cho các sản phẩm gốm sứ của Gốm Thủy.

POLYGON VÀ CON ĐƯỜNG LÝ TÍNH

Con đường riêng của chị ư? Nó là gì vậy? Tại sao không làm gốm Bát Tràng nhu truyền thống của làng gốm này?

- Phải có con đường riêng thì mới đem đến được niềm hứng khởi chứ. Sự khác biệt tạo nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của một người phụ nữ, anh có công nhận vậy không? Làm gốm hay làm nghệ thuật cũng vậy, nó luôn đòi hỏi sự sáng tạo để tạo ra vẻ đẹp tươi mới, lạ lùng, lôi cuốn.

Tôi là người đi sau, nếu không có con đường riêng của mình thì buồn tẻ và nhạt nhòa lắm. Tôi lại có thế mạnh về hội hoạ, về năng lực sáng tạo nghệ thuật thế nên càng bị thúc đẩy trong việc tạo ra phong cách nghệ thuật riêng. Và tôi đã đưa kỹ thuật hội họa Polygon vào gốm của mình.
Polygon (hay còn gọi là low-poly) là phương pháp tạo các lưới đa giác, chủ yếu là hình tam giác có độ đổ bóng, đậm nhạt khác nhau, mang đến chiều sâu cho tác phẩm hội họa. Chúng là những ô màu được tạo ra từ các loại men khác nhau, chịu tác động nhiệt khác nhau để tạo thành.

Đây là một sự rất khác biệt với gốm bởi thường thường, người ta không sử dụng quá nhiều loại men trên cùng một sản phẩm hay một bề mặt để tránh sự chảy men lẫn vào nhau trong quá trình vẽ men và nung. Thế nhưng, tôi đã mày mò nghiên cứu, dựa trên kỹ thuật vẽ polygon trên toan bằng màu acrylic để vẽ được nhiều loại men trên gốm.

Nhìn chung, trong nghệ thuật, quy tắc “đại đồng tiểu dị” là hiển nhiên, và việc của người nghệ sĩ là làm thế nào loại bỏ cái khác biệt nhỏ để đạt được sự đồng nhất lớn lao. Sau rất nhiều lần thử - sai, ghi chép, đánh giá, rút kinh nghiệm, tôi đã đưa được polygon vào gốm.

Thành tựu “điên rồ” nhất của tôi là chiếc lọ lục bình có đường kính 40cm, cao 140cm gồm hơn 700 ô màu, trong đó có đủ các loại men như men chảy, men thủy tinh... Để vẽ men cho cho sản phẩm, tôi đã mất 6 ngày lao động liên tục, trong khi, ở những sản phẩm khác, quá trình này chỉ kéo dài tối đa 2 - 3 ngày.

Hơn 700 ô màu hình chữ nhật to cỡ ngón tay, màu sắc đa dạng nhờ việc phối trộn các loại men khác nhau đòi hỏi sự tỉ mẩn cũng ở mức "điên rồ" khiến nhiều đồng nghiệp phải lắc đầu. Nó còn chứa đựng mối nguy lớn là loang men, chảy men giữa các ô. Nếu điều này xảy ra, nếu tôi tính toán sai, thì tác phẩm sẽ bị lỗi, hỏng.

Nhưng rất may, mọi sự toàn thành. Tôi ngắm chiếc lọ như thể đây là một cái lồng chim mà mỗi ô màu kia chính là một chiếc nan. Chúng long lanh như những hạt thủy tinh dưới ánh dương quang, như những hạt tinh thể crystal trong ống kính vạn hoa. Vẻ đẹp của chúng đem lại niềm vui cho người sáng tạo và người ngắm.

Chị có vẻ hoan lạc với cuộc chơi của màu sắc, từ màu vẽ đến màu men?

- Đúng vậy! Tôi bị cuốn hút bởi cách biến ảo của màu sắc trong phương pháp Polygon. Tuy nhiên, vẽ men theo cách polygon trên gốm khó hơn nhiều so với trên toan. Ở trên toan, tôi có thể nhìn thấy màu sắc, còn trên gốm, tôi phải tính được màu sắc.

Nói một cách khác, vẽ màu trên toan hoàn toàn là cảm tính, tôi có thể nhìn thấy màu muốn vẽ hiện lộ ngay sau nét cọ. Còn vẽ men trên gốm là lý tính hoàn toàn, sự hiển thị màu sắc chỉ nằm trong tính toán phức tạp trong quá trình tác động của lửa và các chất hóa học trong men.

Màu của men sống lại khác màu của men chín sau nung, vậy làm thế nào để ra màu như ý muốn... thì tôi phải thử nghiệm trộn các loại men, ghi nhớ kết quả phản ứng màu để có được bảng màu của men sau khi nung. Nhưng vẫn phải tính toán thêm sự tùy biến của lửa ở 1.200 độ C, thứ quyết định màu cuối cùng. Nhiều khi sự biến thiên màu sắc do lửa đã tạo nên sự hấp dẫn mới lạ với nghệ sĩ.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy với công việc hàng ngày.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy với công việc hàng ngày.

NGƯỜI ĐÀN BÀ MANG TÍNH LỬA

Lửa dường như là nguồn cảm hứng của chị trong nghề gốm?

- Lửa là một trong tứ đại tạo nên con người và thế giới này. Lửa có vai trò tối quan trọng trong gốm sứ. Tính toán được lửa là nắm bắt được bí quyết làm gốm. Nhưng làm thế nào để nắm bắt được lửa lại thực sự rất khó, bởi tính biến thiên vô cùng của nó. Cùng loại men này, cách phối trộn men này, nhưng mẻ nung hôm nay sẽ tạo ra sản phẩm có màu sắc, phẩm cấp gốm khác với mẻ nung hôm qua.

Lửa đã giúp tôi chơi đùa được với men. Từ các loại men sẵn có ở Bát Tràng, nhờ lửa mà tôi tạo ra hơn 100 màu sắc cho men gốm, biến các sản phẩm gốm đơn sắc như nâu, ghi, xanh lá cây, xanh coban thành muôn hồng nghìn tía. Lửa cũng khiến tôi có dòng gốm riêng, cho dù vẫn chế tạo bằng đất, men, phương pháp tạo hình, phương pháp nung của Bát Tràng, nhưng lại thành gốm Thủy rực rỡ, tươi vui.

Thế chị có tính cách của lửa không?

- Tôi không nóng đến 1.200 độ C như lửa đâu, nhưng nhìn lại cuộc đời, tôi thấy mình có sự tùy biến, hay biến thiên như lửa vậy, không biết chắc được men của đời mình sẽ là màu gì. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, với 8 người là họa sĩ, từ ông nội đến bố, tôi đến với hội họa khá sớm và có tranh được giải thưởng ngay khi mới 4 - 5 tuổi.

Tưởng con đường hội họa sẽ thẳng băng, rồi lên cấp hai tôi lại mê văn chương và học chuyên Văn, cũng đoạt giải văn lớp 9 và lớp 12, sau đó là suất vào thẳng Đại học Sư phạm Hà Nội khoa Văn. Nhưng tôi lại đi học khoa Du lịch ở trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQGHN) vì tính thích đi đây đó.

Sau khi tốt nghiệp, tôi lại làm quay về thiết kế đồ họa khi làm trợ lý giám đốc sáng tạo của công ty truyền thông. Nhưng rồi tôi lại chuyển sang công tác giảng dạy từ năm 2000 cho đến nay. Trong suốt thời gian đó, tôi vẫn theo đuổi nghệ thuật, sáng tạo đồ họa, sáng tác logo...

Ngọn lửa của chị ở gia đình thế nào?

- Phụ nữ làm nghệ thuật kể ra cũng thiệt thòi, nhất là với một kẻ bấn loạn thời gian như tôi, vừa làm giảng viên đại học, vừa làm gốm, vừa làm vợ, vừa làm mẹ. Làm gốm rất mất thời gian bởi nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, dày công mới có tác phẩm ưng ý như tôi đã kể với việc vẽ men mất 5 - 6 ngày.

Cũng may, tôi cũng giỏi “phân lô” thời gian như phân màu trên gốm vậy, chia con người cho các múi giờ ở các chức năng khác nhau. Tôi vẫn nấu cơm cho gia đình, chỉ khi nào dạy quá muộn thì lại rủ chồng đi ăn ngoài. Nhìn chung, thời lượng tề gia nội trợ của tôi khoảng 60%.

Xin cảm ơn chị về buổi trò chuyện đầy đam mê và màu sắc này!

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (1977)

Giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (từ năm 2000 đến nay).

Hội viên Chi hội đồ họa 2 Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Chi hội phó Chi hội đồ họa 2 Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Ban chấp hành CLB Gốm Nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam.

HẢI AN (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Nghệ nhân tranh cát thổi hồn cho những hạt cát nở hoa

Duy Tuấn |

Bình Thuận – Từ những hạt cát vô tri, các nghệ nhân tranh cát đã kể những câu chuyện trong những bức tranh sống động chỉ với những chiếc thìa nhỏ trên tay. Nghệ thuật tranh cát đã gắn kết những trái tim, các nghệ nhân tranh cát đều tâm nguyện tạo ra những bức tranh cát đẹp cho đời và vươn lên trong cuộc sống.

Đẹp ngỡ ngàng bộ điêu khắc 100 con Rồng trên gốm của nghệ nhân Hải Phòng

Quang Trung |

Bằng tình yêu nghệ thuật, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (sinh năm 1976, xã Tú Sơn, Kiến Thuỵ, Hải Phòng) đã biến những hòn đất vô tri thành bộ tác phẩm 100 con Rồng gốm phù điêu với các hình dáng, tư thế khác nhau.

Độc đáo phiên bản ấn rồng đón Tết Giáp Thìn của nghệ nhân gốm Bát Tràng

THU THUỶ |

Lấy cảm hứng từ ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng, các nghệ nhân tại làng gốm Bát Tràng cho ra đời sản phẩm ấn rồng phiên bản gốm độc đáo, trình làng đúng dịp đón Tết Giáp Thìn 2024.

Chiếc vali lạ khiến 1 đoạn đường tại Đà Nẵng bị phong tỏa chỉ chứa rác thải

Văn Trực |

Đà Nẵng - Sau nhiều tiếng đồng hồ kiểm tra, chiếc vali lạ bị bỏ lại trên vỉa hè đường Việt Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) được xác định chỉ chứa rác thải.

Ông Putin chiến thắng áp đảo trong bầu cử tổng thống Nga

Ngọc Vân |

Tổng thống Nga Vladimir Putin giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay với gần 90% phiếu bầu.

Căn hộ chung cư sốt nóng, đất nền dưới 2 tỉ đồng được nhà đầu tư săn lùng

ANH HUY |

Khi giá căn hộ chung cư đang tăng cao, nhiều nhà đầu tư đã chuyển hướng tìm mua những mảnh đất nền có giá từ 1-2 tỉ đồng.

Dự báo số lượng siêu bão trong mùa bão đặc biệt dữ dội

Khánh Minh |

Dự báo bão của ECMWF cho thấy mùa bão năm 2024 được coi là đặc biệt dữ dội với nhiều siêu bão.

Giám đốc đi xin vai và chuyện ít biết phía sau những vai diễn trên phim giờ vàng

Bình An |

Nhiều diễn viên từng chia sẻ họ đã đi xin vai diễn vì nhiều lý do, có thể quá ưng nhân vật, có thể cuộc sống khởi nghiệp khó khăn, không có việc làm.

Nghệ nhân tranh cát thổi hồn cho những hạt cát nở hoa

Duy Tuấn |

Bình Thuận – Từ những hạt cát vô tri, các nghệ nhân tranh cát đã kể những câu chuyện trong những bức tranh sống động chỉ với những chiếc thìa nhỏ trên tay. Nghệ thuật tranh cát đã gắn kết những trái tim, các nghệ nhân tranh cát đều tâm nguyện tạo ra những bức tranh cát đẹp cho đời và vươn lên trong cuộc sống.

Đẹp ngỡ ngàng bộ điêu khắc 100 con Rồng trên gốm của nghệ nhân Hải Phòng

Quang Trung |

Bằng tình yêu nghệ thuật, Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (sinh năm 1976, xã Tú Sơn, Kiến Thuỵ, Hải Phòng) đã biến những hòn đất vô tri thành bộ tác phẩm 100 con Rồng gốm phù điêu với các hình dáng, tư thế khác nhau.

Độc đáo phiên bản ấn rồng đón Tết Giáp Thìn của nghệ nhân gốm Bát Tràng

THU THUỶ |

Lấy cảm hứng từ ấn "Hoàng đế chi bảo" của vua Minh Mạng, các nghệ nhân tại làng gốm Bát Tràng cho ra đời sản phẩm ấn rồng phiên bản gốm độc đáo, trình làng đúng dịp đón Tết Giáp Thìn 2024.