Thành phố Sáng tạo và động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế

Kim Sơn |

Sau Hà Nội, thêm 2 thành phố nữa của Việt Nam được công nhận danh hiệu Thành phố Sáng tạo UNESCO là Đà Lạt trong lĩnh vực âm nhạc và Hội An trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Thành phố Sáng tạo không chỉ là một danh hiệu danh giá mà còn là nguồn động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Cơ hội để hai thành phố nâng cao vị thế của mình

Thành phố Sáng tạo trong tiếng Anh được gọi là Creative City. Thành phố Sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải cho xã hội. Giá trị cốt lõi của Thành phố Sáng tạo vừa là trụ cột của công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo, vừa quy tụ và thu hút tầng lớp sáng tạo cũng như sự tham gia của cộng đồng, tạo nên các sản phẩm văn hóa cho người dân.

Mạng lưới Thành phố Sáng tạo toàn cầu (UCCN) của UNESCO được thành lập vào năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các thành phố đã xác định sáng tạo là yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường. Mục tiêu của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo toàn cầu là khuyến khích sự hợp tác giữa các thành phố lấy sáng tạo là một phần quan trọng trong phát triển đô thị bền vững. Thủ công và nghệ thuật dân gian, thiết kế, phim, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông và âm nhạc là 7 lĩnh vực sáng tạo nên mạng lưới này.

Tính đến tháng 10 năm 2022, Mạng lưới Thành phố Sáng tạo UNESCO có 295 thành phố thành viên đến từ 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 59 thành phố thành viên trong lĩnh vực Thủ công và Nghệ thuật Dân gian. Ngày 31.10.2023, sau quá trình đánh giá chặt chẽ của Ban Thư ký và các thành phố thành viên về hồ sơ và hoạt động thực tiễn, Tổng Giám đốc UNESCO đã ký Quyết định công nhận Đà Lạt và Hội An cùng 53 thành phố khác trên toàn thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Như vậy, sau khi Hà Nội trở thành Thành phố Sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực thiết kế vào năm 2019, giờ đây Việt Nam cùng lúc có thêm một 2 Thành phố Sáng tạo, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Các thành phố trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo toàn cầu đang sử dụng vai trò thành viên của họ theo hai xu hướng khác nhau. Tư cách là thành viên Mạng lưới Thành phố Sáng tạo toàn cầu giúp xây dựng thương hiệu địa phương để thu hút các nhà đầu tư và khách du lịch. Ngoài ra, sử dụng tư cách thành viên để xây dựng hợp tác hiệu quả với các thành phố trong mạng lưới, góp phần củng cố bản sắc địa phương mạnh mẽ hơn. Cả hai xu hướng này có thể được sử dụng đồng thời giúp các thành phố tương tác và hỗ trợ cho nhau. Việc được ghi danh là Thành phố Sáng tạo sẽ nâng cao vị thế, giá trị và vai trò của Đà Lạt và Hội An trên trường quốc tế; củng cố vị thế Việt Nam là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Đêm nhạc của Ưng Hoàng Phúc tại Mây lang thang ở Đà Lạt. Ảnh: Ban tổ chức
Đêm nhạc của Ưng Hoàng Phúc tại Mây lang thang ở Đà Lạt. Ảnh: Ban tổ chức

Hội An: Từ thành phố di sản đến Thành phố Sáng tạo

Khu phố cổ Hội An là một quần thể di tích sống, là biểu hiện nổi bật của sự sáng tạo và những giá trị không trùng lặp về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, văn nghệ dân gian, nghề truyền thống, tập quán và con người. Hội An, từng nổi tiếng với di sản văn hóa, đã trải qua sự chuyển đổi đáng kể khi trở thành Thành phố Sáng tạo. Sự gia nhập vào Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO đã tạo động lực mạnh mẽ cho Hội An phát triển theo hướng bền vững, tăng cường kết nối với các Thành phố Sáng tạo khác trên thế giới.

Hội An - Thành phố Sáng tạo được UNESCO công nhận không chỉ là danh hiệu mà còn là mục tiêu để phấn đấu, hoàn thành cam kết, mang lại giá trị và lợi ích cho cộng đồng. Trong đó, Hội An còn nhiều dư địa trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Thành phố hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1.710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4.000 nhân viên trực tiếp có thu nhập trung bình 80 đến 90 triệu mỗi năm từ nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, múa nghi lễ... phản ánh chân thực, sinh động đặc điểm văn hóa - xã hội của vùng đất này và trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống đời sống tinh thần của người Hội An. Trong số đó có Nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017).

Thủ công mỹ nghệ và Nghệ thuật Dân gian là những thế mạnh, lĩnh vực nổi bật được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian gần đây. Hiện nay nơi đây có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 nghề thủ công gồm mộc, gốm, làm đèn lồng, may mặc, làm đồ da... Khu phố cổ Hội An có đến 1.130 di tích kiến trúc nghệ thuật được tạo nên nhờ những đóng góp không nhỏ của các nghề thủ công mỹ nghệ như mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà... 3 làng nghề và một nghề truyền thống đã được công nhận là Di sản phi vật thể quốc gia và hai làng nghề truyền thống đang làm hồ sơ đề nghị công nhận.

Hơn 80% di tích trong Khu phố cổ thuộc sở hữu tư nhân và tập thể đã tạo nên sự đặc thù của Khu phố cổ như một “bảo tàng sống” với chủ nhân thực sự chính là cộng đồng dân cư ở đây. Họ không chỉ nắm giữ các di tích mà còn đang thực hành, bảo lưu các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể như nếp sống truyền thống của cư dân đô thị, lễ hội, tín ngưỡng dân gian, ẩm thực... Hệ sinh thái các làng nghề, cộng đồng làng nghề cũng như những phong tục, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú, đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian như: Hát bả trạo, hò khoan, hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội.

Việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới Thành phố Sáng tạo UNESCO có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hội An. Đồng thời, để thực hiện các cam kết với mạng lưới và thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, sáng tạo liên quan, thành phố Hội An sẽ cụ thể hóa các kế hoạch hành động thông qua triển khai các sáng kiến, kết nối chính sách.

Bên cạnh việc tiếp tục các hoạt động bảo tồn và phát huy các nghề thủ công, nghệ thuật dân gian; Hội An sẽ phải triển khai các sáng kiến đã cam kết gồm Dự án Đồ mộc Kim Bồng - Khơi nguồn sáng tạo, Dự án ươm mầm tài năng trẻ sáng tạo, Dự án Sáng tạo Hội An trong không gian số; và các sáng kiến quốc tế như Lễ hội nghệ thuật dân gian quốc tế Hội An, Lễ hội đèn lồng quốc tế Hội An, Nhà sáng tạo Hội An. Ngoài ra; thành phố tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển, sáng tạo trên các lĩnh vực khác; kết nối, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các thành phố khác trong và ngoài mạng lưới; tăng cường các hoạt động mở rộng mạng lưới...

Hội An còn là vùng đất có sức hấp dẫn và cảm hứng mạnh mẽ cho các chuyên gia, nhà sáng tạo, nghệ sĩ trong nước và quốc tế sống và sáng tạo ở nhiều loại hình, lĩnh vực sáng tạo cũng như chiều sâu và nội dung sáng tạo, trở thành một trong những không gian sáng tạo hấp dẫn tại đất nước.

Thành phố Đà Lạt còn nhiều dư địa phát triển

Thành phố Đà Lạt có những yếu tố đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Thành phố đã được nhiều thế hệ người Việt Nam ưu ái gọi bằng những cái tên đầy thơ mộng, như "thành phố sương mù", "thành phố ngàn hoa", "thành phố tình yêu", "thành phố mộng mơ". Trong hệ thống đô thị Việt Nam, Đà Lạt luôn được đánh giá là đô thị duy nhất tạo được ấn tượng nổi trội về sự khác biệt mà không đô thị nào có được với những đặc điểm rất riêng về điều kiện tự nhiên, nguồn gốc các thành phần cư dân, quy hoạch, kiến trúc.

Thành phố Đà Lạt được ghi nhận trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo Việt Nam nằm trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO về lĩnh vực âm nhạc sẽ thúc đẩy hơn nữa việc phát triển văn hóa, giúp thành phố định hình phát triển trong tương lai.

Hiện nay, Đà Lạt là địa điểm thu hút, tập hợp nhiều nhân sĩ, trí thức, những nghệ sĩ tài năng đến với Đà Lạt để sáng tác, sáng tạo văn hóa - nghệ thuật. Đặc biệt, Đà Lạt đang sở hữu 3 di sản thế giới được UNESCO ghi danh là: Di sản phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” (2005), Di sản tư liệu “Mộc bản Triều Nguyễn” (2009) và "Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang" (2015). Không đô thị nào cùng lúc sở hữu 3 di sản thế giới được UNESCO công nhận như Đà Lạt, cho thấy dư địa trong phát triển văn hóa của thành phố. Đây là những điều kiện lý tưởng để phát triển ngành dịch vụ, du lịch.

Đà Lạt còn là nơi hội tụ, sinh sống của 20 dân tộc anh em nên có nguồn tài nguyên nhân văn mang đậm bản sắc truyền thống với nhiều phong tục tập quán, kiến trúc nhà ở, lễ hội văn hóa dân gian, đặc sắc. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Âm nhạc xuyên suốt trong quá trình phát triển Đà Lạt và trở thành sợi dây kết nối các dân tộc. Âm nhạc cũng trở thành một trong những nguồn thu kinh tế mũi nhọn cho Đà Lạt, vào mỗi dịp cuối tuần với gần 30 sân khấu ca nhạc hoạt động khắp thành phố. Chất âm nhạc chảy trong con tim của người dân và du khách.

Ngoài ra, Đà Lạt được biết đến, nổi tiếng với kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà gỗ, những tòa lâu đài và biệt thự, việc bảo tồn và khai thác kiến trúc này có thể tạo ra cơ hội du lịch. Ngoài ra, với không gian xanh mát, để sớm đạt được mục tiêu đề ra khi tham gia đô thị sáng tạo UNESCO thì cánh cửa triển khai các "hoạt động xanh", sáng tạo phải được mở như: Phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao; Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững và thân thiện với môi trường; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Nhìn chung, Việt Nam với vốn đa dạng văn hóa và sự sáng tạo bền vững, hiện đang nỗ lực để ngày càng nhiều thành phố được tham gia Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO. Được công nhận là Thành phố Sáng tạo, Hội An và Đà Lạt đã chứng tỏ được sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực văn hóa và kinh tế. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo, đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Thành phố Sáng tạo cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo, tạo ra nguồn lực mới cho kinh tế quốc gia.

Trao đổi với TTXVN nhân sự kiện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công bố danh sách 55 thành phố mới được bổ sung vào Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của UNESCO (UCCN), trong đó Đà Lạt và Hội An, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức UNESCO cho biết: “Với việc ghi danh Đà Lạt và Hội An đợt này, cùng với Hà Nội là Thành phố Sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế năm 2019, đến nay, nước ta đã cơ bản hình thành Mạng lưới Thành phố Sáng tạo của Việt Nam trong Mạng lưới Thành phố Sáng tạo toàn cầu. Đây là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách, biện pháp phát triển công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, để công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm với những lợi thế, tiềm năng vốn có, thực sự là hướng đi mới, đột phá trong phát triển kinh tế sáng tạo, định vị thương hiệu quốc gia, góp phần phát triển bền vững đất nước".

Lê Thị Hồng Vân - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO

Kim Sơn
TIN LIÊN QUAN

Làng cổ nghìn năm ở Phú Thọ sắp lên thành phố

Tô Công |

Phú Thọ - Từng được biết đến là làng cổ thuần nông có từ thời kỳ Hùng Vương, trải qua lịch sử hàng nghìn năm, làng Phú An nay là TX Phú Thọ đã phát triển không ngừng, theo quy hoạch của tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt, TX Phú Thọ sẽ nâng cấp lên thành phố.

Hà Nội và TPHCM một lần nữa ghi danh vào top 100 thành phố tốt thế giới

Ý Yên |

Trong top 100 thành phố tốt thế giới năm 2023, Hà Nội đứng thứ 98, còn TP HCM xếp thứ 85.

Hội An và Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo toàn cầu

Hoàng Bin |

Quảng Nam - Chiều 31.10, Hội An và Đà Lạt đã chính thức gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Không khí lạnh rất mạnh sắp tăng cường xuống miền Bắc gây rét sâu kéo dài

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết khoảng sáng 19.12, một bộ phận không khí lạnh mạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Tận thấy những bữa ăn xơ xác tại trường bán trú bị tố "11 cháu ăn 2 gói mì chan cơm"

Long Nguyễn - Bảo Nguyên |

Lào Cai - Dù trên bảng thực đơn và công khai tài chính có ghi rõ, 174 học sinh bán trú được hưởng chế độ ăn sáng mỗi em 1 gói mì tôm và 1 quả trứng, thế nhưng thực tế nhà trường chỉ cho 11 em ăn chung 2 gói mì.

Xác định nguyên nhân vụ tai nạn liên hoàn khiến Quốc lộ 6 ùn tắc hoàn toàn

Minh Nguyễn |

Hoà Bình - Ngày 18.12, cơ quan chức năng bước đầu xác định nguyên nhân vụ tai nạn liên hoàn trên Quốc lộ 6 khiến giao thông ùn tắc hoàn toàn trong nhiều giờ.

"Voi Bản Đôn" Anh Tú có bạn gái đa tài, chủ nhân loạt ca khúc nổi tiếng

Anh Trang |

LyLy được biết tới là một nhạc sĩ, ca sĩ hoạt động solo trong giới giải trí Việt. Cô được cho là đang hẹn hò với "Voi Bản Đôn" Anh Tú.

Hậu vệ Trần Thị Duyên: "Xin đừng nhớ đến tôi với danh xưng hotgirl bóng đá"

PHẠM ĐÌNH - HOÀNG HUÊ (THỰC HIỆN) |

Trao đổi với Lao Động, hậu vệ Trần Thị Duyên cho biết, cô muốn người hâm mộ theo dõi và ghi nhận tài năng trên sân cỏ, thay vì chú ý tới ngoại hình hay danh xưng "hotgirl" của bóng đá Việt Nam.

Làng cổ nghìn năm ở Phú Thọ sắp lên thành phố

Tô Công |

Phú Thọ - Từng được biết đến là làng cổ thuần nông có từ thời kỳ Hùng Vương, trải qua lịch sử hàng nghìn năm, làng Phú An nay là TX Phú Thọ đã phát triển không ngừng, theo quy hoạch của tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt, TX Phú Thọ sẽ nâng cấp lên thành phố.

Hà Nội và TPHCM một lần nữa ghi danh vào top 100 thành phố tốt thế giới

Ý Yên |

Trong top 100 thành phố tốt thế giới năm 2023, Hà Nội đứng thứ 98, còn TP HCM xếp thứ 85.

Hội An và Đà Lạt trở thành thành phố sáng tạo toàn cầu

Hoàng Bin |

Quảng Nam - Chiều 31.10, Hội An và Đà Lạt đã chính thức gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.