Tấn công bằng robot bay theo bầy - cơn ác mộng tới từ tương lai

Tường Linh (Theo The Print) |

Hãy hình dung một cuộc chiến mà tại đó một nước sử dụng một đàn các phương tiện bay không người lái (UAV) tấn công tràn ngập đối phương và nhanh chóng giành chiến thắng. Các chuyên gia đánh giá kịch bản này không phải phim viễn tưởng mà sẽ sớm trở thành hiện thực trong các chiến dịch quân sự ngoài đời thực.

Những trải nghiệm khó quên trên chiến trường

Đầu tháng 1.2018, các quân nhân Nga điều hành một mạng lưới phòng không đa tầng tiên tiến ở căn cứ không quân Khmeimim, nằm tại phía Tây Syria, đã phát hiện 13 phương tiện bay không người lái (UAV) đang di chuyển nhanh ở độ cao thấp. Ngay lập tức, người Nga hiểu rằng họ đang chứng kiến một hình thức tấn công mới lạ. Sử dụng các hệ thống cảnh báo sớm và phòng không tầm ngắn, người Nga đã bắn hạ 7 UAV, gây nghẽn tín hiệu 6 chiếc còn lại vừa kịp thời gian.

Trong khi nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cả nhóm Taliban ở Afghanistan đã từng dùng UAV đơn lẻ mang thuốc nổ để thực hiện các vụ tấn công nhỏ, đây là lần đầu tiên người ta chứng kiến một cuộc tấn công sử dụng chiến thuật bầy UAV. Sau vụ này đã có thêm nhiều màn tấn công bằng số lượng lớn UAV khác tiếp tục xuất hiện trong các năm 2018, 2019, 2020. Tính tới thời điểm này, phòng không Nga ở Syria đã bắn rơi hoặc vô hiệu hoá hơn 150 UAV các loại.

Chiến thuật sử dụng bầy UAV không chỉ dừng lại ở chiến trường Syria. Ngày 14.9.2019, 25 UAV bay theo hai bầy đã tấn công các cơ sở khai thác và xử lý dầu thuộc sở hữu của công ty Aramco của Saudi Arabia nằm tại các vùng Abqaiq và Khurais (phía Đông Arab Saudi). Lực lượng Houthi sau đó đã đứng ra nhận trách nhiệm.

Hoạt động phân tích hình ảnh vệ tinh cơ sở dầu khí ở Abqaiq trước và sau khi bị tấn công cho thấy UAV đã đánh trúng 19 điểm. Điều đáng chú ý là Saudi có bố trí hệ thống phòng không bảo vệ các cơ sở này, gồm hệ thống tên lửa đối không tầm xa MIM-104 Patriot và hệ thống tên lửa đối không tầm gần Shahine (Crotale). Ngoài ra Saudi còn bố trí các hệ thống pháo phòng không Sky Guard ở quanh.

Tuy nhiên tất cả các hệ thống này không thể ngăn chặn các đợt tấn công và cũng không bắn hạ được bất kỳ UAV nào! Điều này cho thấy một bầy UAV hoặc tên lửa hành trình bay tới từ nhiều hướng, ở độ cao thấp, có thể né tránh bị phát hiện và tràn ngập để vô hiệu hoá hệ thống phòng không một cách dễ dàng như thế nào.

Một số giải thích khác cho rằng hệ thống Patriot được tối ưu hoá để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm cao, trong khi lính Saudi vận hành các hệ thống phòng thủ có độ sẵn sàng chiến đấu cũng như năng lực điều khiển vũ khí tồi. Tinh thần cảnh giác của những người lính này trước mối đe doạ cũng thấp.

Ngày 26.9.2019, trang Defense News đăng nhận xét của chuyên gia phòng vệ tên lửa Israel Uzi Rubin đánh giá vụ tấn công Abqaiq-Khurais là một cuộc "Trân Châu Cảng thời hiện đại", đồng thời nói rằng nó đã mang tới “rất nhiều gợi ý và giải pháp” cho chiến thuật dùng UAV tấn công theo bầy.

Mô phỏng hoạt động tấn công sử dụng công nghệ bầy UAV của Cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA). Nguồn: DARPA
Mô phỏng hoạt động tấn công sử dụng công nghệ bầy UAV của Cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA). Nguồn: DARPA

Khi số lượng trở thành lợi thế lớn

Có một thực tế là trong khi Israel và Mỹ là các quốc gia thường xuyên sử dụng UAV trong các chiến dịch quân sự suốt nhiều năm qua, viễn cảnh những robot bay được dùng trong chiến tranh tương lai như thế nào lại chỉ hiện rõ hơn trong các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và Libya, hay gần hơn nữa là cuộc chiến ngắn ngủi giữa Azerbaijan và Armenia ở vùng Nagorno - Karabakh vào năm 2020.

Thế giới đã không khỏi kinh ngạc khi chứng kiến quân đội Azerbaijan sử dụng UAV vũ trang và vũ khí cảm tử lưu động chống lại xe tăng cùng nhiều hệ thống phòng không của Armenia một cách hiệu quả. Đáng chú ý hơn cả là màn tấn công của Azerbaijan vào hệ thống tên lửa đối không tầm xa S-300 - được quảng bá là cực kỳ hiện đại và hiệu quả trong việc ngăn chặn mối đe dọa từ trên không - các hệ thống phòng không tầm ngắn và khoảng 200 xe quân sự các loại của Armenia. Hoạt động của Azerbaijan cho thấy trình độ tác chiến rất cao.

Việc các quốc gia nhỏ bé nhưng lại phô ra những khả năng chiến đấu tiên tiến như vậy dĩ nhiên đã thu hút sự chú ý của cả thế giới. Điều này sẽ khiến các UAV và nhiều robot quân sự được đẩy mạnh sử dụng trong tương lai, trước mắt thể hiện qua việc UAV trinh sát và vũ trang sẽ sớm được đưa vào trang bị trong quân đội của nhiều nước.

Tuy nhiên, các vụ tấn công bằng UAV vào Khmeimim và cơ sở dầu khí ở Saudi, cũng như việc dùng UAV một cách hiệu quả như ở Syria, Libya, Nagorno - Karabakh đã cho thấy những ý niệm đầu tiên về việc chiến tranh trên không trong tương lai có thể sẽ đi theo hướng sử dụng mô hình “bầy UAV”.

Vụ tấn công ở Khmeimim đã cho thấy những mối đe doạ khổng lồ mà các UAV có thể mang lại khi chúng hoạt động theo bầy. Những chiếc UAV nhỏ gọn, chi phí thấp và có thể chế tạo loạt đơn giản, khi hoạt động theo bầy và tấn công một mục tiêu bằng cách thức dùng số lượng áp đảo, sẽ khiến hệ thống phòng thủ của đối phương, nhất là lưới phòng không, phải trả giá rất đắt.

Trong khi hệ thống phòng thủ từ một quốc gia sở hữu năng lực quân sự tốt như Nga có thể chống lại màn tấn công của các nhóm như IS, với khả năng phối hợp còn yếu, một đối thủ ở tầm quốc gia, tổ chức tấn công có kế hoạch bài bản, với số lượng dày UAV hơn và UAV có sức tấn công cao hơn, chắc chắn sẽ tạo ra mối đe doạ khó chống đỡ.

Điều đáng nói là những đội tấn công nhỏ dùng số lượng lớn UAV cũng có thể sở hữu các năng lực quân sự đủ để thay đổi cuộc chơi - điều vốn chỉ các cường quốc mạnh về kinh tế và quân sự như Mỹ, Nga, Trung Quốc làm được. Năng lực này sẽ giúp các nước nhỏ và cả các nhóm phi nhà nước có công cụ để đấu lại các cường quốc, trong một cuộc chiến tranh phi đối xứng.

Mổ xẻ chiến thuật bầy UAV

Vậy chính xác chiến thuật bầy UAV là như thế nào? Về cơ bản, đây là kỹ thuật điều khiển một hệ thống tấn công gồm nhiều UAV đơn lẻ, có khả năng tự hành cao. Các UAV trong hệ thống có khả năng tương tác và gắn kết với nhau, đồng thời cũng tương tác tốt với môi trường bên ngoài.

Thuật toán điều khiển bầy UAV được xây dựng dựa trên các nghiên cứu về hành vi bầy của côn trùng, các loại cá, chim và động vật. Thông tin thu được sẽ dùng để nghiên cứu phát triển khả năng điều khiển bầy nhân tạo, một cách thông minh.

Các màn biểu diễn xếp hình trên không tập thể của UAV là ví dụ cho thấy công nghệ điều khiển bầy. Thực tế tại những cuộc trình diễn này, tất cả các UAV đều được điều khiển bằng một hệ thống tập trung. Còn ở bầy UAV thực thụ, mỗi chiếc sẽ có khả năng tự hành nhờ hệ thống trí thông minh nhân tạo (AI). Chúng sẽ “nhìn” nhau bay để duy trì đội hình và tránh va chạm với nhau nhờ các thuật toán mô phỏng hoạt động của bầy ngoài tự nhiên.

Điểm khác biệt của bầy UAV với tự nhiên là không có con UAV “chúa” và UAV thợ. Thay vì thế, các UAV cùng đưa ra quyết định để thực hiện các hoạt động như bay đội hình và tự sửa chữa đội hình nếu có sự cố. Ví dụ, trong quá trình bay nếu có một hoặc hai chiếc UAV bị rơi vì lỗi kỹ thuật, bầy UAV sẽ tự sắp xếp lại đội hình để điền vào chỗ trống. Việc này đảm bảo cả bầy sẽ tiếp tục giữ đội hình ban đầu và thực hiện nhiệm vụ đã được giao.

Ngày hôm nay quân đội nhiều nước chủ yếu tiến hành loại hình chiến tranh cơ động (manoeuvre warfare) trong đó họ sẽ vô hiệu hoá khả năng ra quyết định của quân đội đối phương thông qua các biện pháp tấn công gây sốc và rối loạn hoạt động, từ đó sẽ giành được chiến thắng chung cuộc.

Trong tư duy chiến tranh mới này, chiến thuật dùng UAV theo bầy có chỗ đứng vững chắc và có thể trở thành bước tiến hoá tiếp theo - với các đàn UAV thể hiện đặc tính phi tập trung tự nhiên của hoạt động cận chiến, cùng tính di động của chiến tranh cơ động.

Các UAV hoạt động theo bầy có mức độ tự hành và trí thông minh nhân tạo nhất định. Khả năng tự hành mở rộng tầm với của quân đội quấn công vào sâu trong các không gian chiến đấu đã được phòng ngự vững chắc của đối phương.

Khả năng tự hành giúp UAV hoạt động với tầm xa hơn và bền bỉ hơn các hệ thống khác do con người điều khiển, trong khi AI đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm, mang tính tự sát. Điều này cho phép người ta vạch ra các kế hoạch tác chiến táo bạo hơn, phi truyền thống hơn. Những điều kể trên rõ ràng mang tới khả năng thành công cao hơn cho mọi chiến dịch quân sự.

Sự dịch chuyển sang các nền tảng không người lái đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Và con đường được ưa chuộng để phóng đi một vũ khí động năng hoặc phi động năng là đường không.

Thông thường, tại các cường quốc quân sự dựa nhiều vào không lực như Mỹ, các hoạt động đường không phụ thuộc mạnh vào nhiều loại máy bay đa năng có người điều khiển. Người Mỹ dùng vũ khí này cho vô số hoạt động chiến đấu quan trọng, cũng như nhiệm vụ phi chiến đấu trong suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, việc đối phương cải thiện khả năng phát hiện và giao chiến với các loại máy bay này đã làm tăng chi phí thiết kế và sản xuất những loại máy bay mới thay thế chúng.

Trong bối cảnh ấy, việc có thể triển khai một lượng lớn UAV có khả năng tự điều phối hoạt động với nhau và mang được vũ khí, sẽ giúp quân đội trên khắp thế giới có khả năng tác chiến giống những đạo quân mạnh hơn, với chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Các vũ khí tiên tiến này, kết hợp với vũ khí truyền thống do người điều khiển, sẽ khiến đối phương cực kỳ khó chống đỡ đòn tấn công. Trong mô hình chiến tranh mới kết hợp giữa máy và người này, mỗi chiến binh sẽ trở thành một vị chỉ huy đội hình chiến đấu, thay vì chỉ đóng vai trò người điều khiển bầy UAV.

Bởi, một khi được đưa vào tác chiến, đàn UAV hoặc robot hiện đại trong tương lai, với khả năng tự hành và có trí thông minh nhân tạo, sẽ xác định vị trí mục tiêu, nhận diện mục tiêu được ưu tiên cao và lên kế hoạch tấn công mà chẳng cần tới bất kỳ sự can thiệp nào của con người.

Thiết bị bay không người lái yểm trợ XQ58A của quân đội Mỹ. Nguồn: AFP
Thiết bị bay không người lái yểm trợ XQ58A của quân đội Mỹ. Nguồn: AFP

Mỹ đi đầu cuộc đua điều khiển bầy

Mỹ hiện được xem là quốc gia đi đầu thế giới về công nghệ điều khiển bầy và đã có nhiều chương trình nghiên cứu về điều khiển bầy UAV cũng như đạn thông minh, đạn tự sát.

Ví dụ, Mỹ từng trình diễn công nghệ bầy Perdix vào năm 2017. Lần đó, 3 chiếc máy bay chiến đấu F/A-18 Super Hornet đã thả ra tổng cộng 103 UAV Perdix trong quá trình bay. Sau khi được thả ra, các UAV này tập trung ở một điểm đã định trước, rồi tiếp tục thực hiện 4 nhiệm vụ được giao. 3 trong số đó bao gồm việc bay cố định trên mục tiêu, trong khi nhiệm vụ thứ 4 là hình thành một vòng tròn có đường kính 100m trên trời.

Màn trình diễn cho thấy những chiếc Perdix dường như sở hữu một trí thông minh nhân tạo chung. Chúng có thể điều chỉnh đội hình khi bay và có khả năng tự sửa chữa đội hình bay, khi một vài chiếc trong bầy gặp sự số lúc đang thực hiện nhiệm vụ.

Bầy UAV dạng này có tiềm năng ứng dụng rất cao. Chỉ huy có thể thả chúng ra để làm phương tiện trinh sát từ trên cao, qua đó cung cấp thông tin quan trọng về tình hình đối phương cho binh lính dưới mặt đất. Chúng cũng có thể được sử dụng để săn lùng, định vị và báo vị trí của binh lính, vũ khí đối phương.

Ngoài ra, chúng còn có thể gây nghẽn hoạt động liên lạc của đối phương, hình thành mạng lưới liên lạc quanh khu vực chúng đang hoạt động hoặc cung cấp thông tin trinh sát kéo dài tại một khu vực đặc biệt. Người ta cũng có thể gắn thiết bị nổ nhỏ để chúng sở hữu khả năng tấn công, ám sát binh lính đối phương.

Trong chiến đấu, chúng có thể đánh lừa radar của máy bay, các hệ thống phòng không mặt đất bằng cách đóng giả những vũ khí tấn công với kích thước lớn hơn mình rất nhiều lần.

Ngoài chương trình Perdix, Cơ quan nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) cũng đã trình diễn bầy UAV X-61A Gremlin. Ý tưởng của chương trình này là biến các máy bay vận tải như C-130 thành những con “tàu mẹ” với khả năng thả ra và thu hồi các bầy UAV nhỏ, với số lượng cực lớn.

Nếu thành công, chương trình sẽ mở ra rất nhiều khả năng tác chiến cho quân đội Mỹ, cho phép triển khai nhiều bầy UAV nhỏ, rẻ tiền, tái sử dụng được, có thể trang bị hàng loạt cảm biến và mang được nhiều loại “hàng” khác nhau, kể cả thuốc nổ để tấn công mục tiêu.

Trong khi đó, Hải quân và Thuỷ quân lục chiến Mỹ thì đang nghiên cứu chương trình Công nghệ bầy UAV giá rẻ (LOCUST). Chương trình này dựa trên ý tưởng bắn các bầy UAV đi từ những ống phóng để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Lục quân Mỹ cũng đang nghiên cứu về bầy UAV dựa trên trí thông minh nhân tạo để giành được ưu thế chiến thuật trên chiến trường. Tại đó, các bầy UAV sẽ được sử dụng kết hợp với những nền tảng chiến đấu di động của Lục quân để nhanh chóng áp đảo lực lượng đối phương.

Cuối cùng, chương trình “Skyborg” của Không quân Mỹ đang nghiên cứu việc triển khai một bầy UAV chiến đấu có khả năng đóng vai trò yểm trợ máy bay có người điều khiển khi thực hiện nhiệm vụ. Các mẫu UAV XQ-58A của công ty Kratos, mẫu 5GAT của Sierra và ATS của Boeing hiện đang được phát triển trong khuôn khổ chương trình này.

Một viễn cảnh khó tránh 

Không chỉ Mỹ, nhiều quốc gia cũng đang nghiên cứu công nghệ UAV bầy. Phi đội số 216 của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) đã được giao nhiệm vụ thử nghiệm và triển khai khả năng tấn công bầy trong tương lai. Anh đã thông báo về dự án Mosquito, là một phần trong khuôn khổ chương trình máy bay yểm trợ không người lái của RAF mang tên Máy bay chiến đấu hạng nhẹ mới giá hợp lý (LANCA). Chương trình này đặt mục tiêu xây dựng một hệ thống các máy bay yểm trợ không người lái vào năm 2023.

Anh còn thử nghiệm các bầy UAV mang thiết bị gây nghẽn điện tử và thiết bị giả lập để tiến hành tác chiến điện tử. Khi đưa vào sử dụng, bầy UAV này có thể khiến hệ thống phòng không của kẻ thù tưởng như đang bị tấn công quy mô lớn.

Tại Pháp, Airbus đã lần đầu tiên trình diễn công nghệ UAV bầy và máy bay yểm trợ không người lái trong chương trình Hệ thống không chiến tương lai (SCAF). Trong khi đó, Nga cũng có một sáng kiến mang tên "Đàn 93" với mục tiêu sử dụng bầy UAV với số lượng lớn để tấn công tràn ngập các mục tiêu quan trọng. Sáng kiến này là sản phẩm của Học viện không quân Zhukovsky, đề xuất việc phóng đồng thời hơn 100 UAV, mỗi chiếc trang bị đầu đạn nặng khoảng gần 3kg, để tấn công mục tiêu.

Người Nga cũng đã thử nghiệm máy bay yểm trợ không người lái S-70 Okhotnik và nghiên cứu chiến thuật dùng vũ khí này để chọc thủng không phận được bảo vệ của đối phương. Nga hiểu rõ cả Mỹ và Trung Quốc đang đầu tư mạnh cho công nghệ bầy UAV nên đã tích cực đầu tư để rút ngắn khoảng cách.

Hiện có thể nói Trung Quốc là quốc gia ở gần Mỹ nhất về khả năng sử dụng công nghệ bầy UAV. Gần đây Học viện Công nghệ thông tin và điện tử Trung Quốc (CAEIT) đã thử nghiệm việc phóng một đàn 48 UAV mang tên CH-901. Trước đây, CAEIT đã trình diễn màn điều khiển bầy 200 UAV quân sự hồi năm 2017.

Các công ty Trung Quốc cũng trình diễn màn xếp hình bằng hơn 1.000 UAV. Tuy nhiên các UAV này được điều khiển qua một hệ thống kiểm soát trung tâm và không có trí thông minh nhân tạo riêng biệt.

Trung Quốc hiện đang nghiên cứu cách thức tích hợp các đội UAV hiện có vào một hệ thống tự hành chung. Ngoài ra, Trung Quốc còn đang phát triển chương trình UAV yểm trợ AVIC 601-S "Anjian". Điều đặc biệt là các UAV vũ trang này sẽ sử dụng nền tảng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm của Trung Quốc.

Các quốc gia khác đang phát triển công nghệ bầy UAV còn có Israel, nhưng nước này không tiết lộ nhiều thông tin. Song xét tới việc Israel đã sử dụng UAV rất thường xuyên trong nhiều năm qua, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng nước này đã phát triển và làm chủ thành công các công nghệ điều khiển bầy UAV, cũng như đạn tự sát. Thực tế, Israel đã từng sử dụng một số vũ khí này để vô hiệu hóa mạng lưới phòng không của Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ, đất nước đã phô diễn năng lực điều khiển UAV xuất sắc tại Syria và Libya thông qua các nền tảng nội địa như TB-2, cũng có nhiều sáng kiến điều khiển bầy UAV. Trong số đó, đáng chú ý nhất là công nghệ điều khiển bầy Kargu, một loại UAV có vũ trang. Tuy nhiên việc Thổ Nhĩ Kỳ dính các lệnh cấm vận do Mỹ ban bố gần đây có thể sẽ làm ảnh hưởng tới hoạt động nghiên cứu của nước này.

Iran là một quốc gia khác thu hút sự chú ý về công nghệ điều khiển bầy UAV. Iran đã coi UAV là một trong các nền tảng chủ đạo trong chiến lược quân sự của nước này. Nhà chức trách Iran cũng dùng UAV cho 2 mục đích chính là trinh sát và tấn công. Các thiết bị UAV của Iran có khả năng thực hiện nhiệm vụ trong mọi điều kiện thời tiết. Trong trang bị của Iran cũng có các UAV có khả năng ném bom, bắn tên lửa hoặc tấn công tự sát.

Cả Iran và Thổ Nhĩ Kỳ không phô diễn công nghệ cho thấy bầy UAV của họ có trang bị trí thông minh nhân tạo. Tuy nhiên có bằng chứng cho thấy cả hai nước đã làm chủ được những khía cạnh nhất định của công nghệ điều khiển bầy UAV và đã đưa vũ khí này vào trang bị.

Có thể thấy rằng cuộc đua phát triển công nghệ điều khiển bầy UAV hiện đang rất nóng. Cho dù công nghệ này vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa trở nên phổ biến, khả năng chúng được sử dụng nhiều trong các thập kỷ tới đây là hoàn toàn có thể xảy ra. Câu hỏi lúc này, vì thế, không phải là liệu thế giới sẽ dùng vũ khí bầy UAV hay không, mà là khi nào loại vũ khí lợi hại và đáng sợ này sẽ trở thành công cụ chiến đấu phổ biến, như cây súng trên tay người lính vậy.

Tường Linh (Theo The Print)
TIN LIÊN QUAN

Robot Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để đến túp lều bí ẩn trên Mặt trăng

Nguyễn Hạnh |

Robot thám hiểm Mặt trăng Yutu-2 của Trung Quốc gần đây đã phát hiện ra thứ gì đó hấp dẫn ở phía xa trên Mặt trăng, nhưng nó sẽ mất một vài tháng để tiếp cận vật thể và xem xét kỹ hơn.

Robot mặt người Sophia bước chân vào Metaverse với phiên bản NFT riêng

Anh Vũ |

Được giới thiệu lần đầu vào năm 2016, robot có khuôn mặt người Sophia, mang quốc tịch Saudi Arabia, giờ đây đã trở thành một hiện tượng công nghệ robot.

"Robot sống" đầu tiên trên thế giới hiện có thể sinh sản

Thanh Hà |

Các nhà khoa học Mỹ, những người tạo ra "robot sống" đầu tiên trên thế giới, cho biết, những dạng sống được gọi là xenobot này, hiện có thể sinh sản theo cách chưa từng thấy ở thực vật và động vật.

Hàn Quốc thử nghiệm robot hỗ trợ giảng dạy trong trường mầm non

Tường Vân (Theo The Guardian) |

Hàn Quốc bắt đầu thử nghiệm sử dụng robot cỡ nhỏ làm thiết bị hỗ trợ giảng tại 300 trường mầm non ở Seoul.

Robot phục vụ tận bàn lần đầu xuất hiện ở TPHCM

Anh Tú |

TPHCM - Thay vì được phục vụ bởi con người, tại một quán cà phê ở TPHCM, thực khách đến chỉ cần chọn món bằng mã QR Code trên điện thoại, ngay sau đó được robot phục vụ tận tình, chu đáo.

Đưa tàu du lịch sẵn sàng đón khách

Nguyễn Hùng |

Do không thể đóng thêm tàu vì quy hoạch đội tàu du lịch vịnh Hạ Long đã chốt cố định số lượng, nên huyện Vân Đồn đề xuất điều chuyển một số tàu du lịch từ vịnh Hạ Long sang để phục vụ du khách khi mở các sản phẩm du lịch mới. Tuy nhiên, liệu tàu nào sẵn sàng về Vân Đồn khi vịnh Hạ Long luôn sôi động, đông khách?

Hà Nội: Lấn chiếm vỉa hè, nhân viên quán ăn còn chỉ cách qua mặt công an

Thế Kỷ |

Hà Nội - Hầu hết các quán ăn uống, nhà hàng trong Khu đô thị Thành phố Giao Lưu (Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đều lấn chiếm vỉa hè, thậm chí là quây kín cả vỉa hè bằng bạt. Nhân viên của quán còn biết cả xử lý khi lực lượng chức năng đi tuần tra.

Thời tiết hôm nay 28.3: Miền Bắc tiếp tục mưa rét, giảm nhiệt sâu

AN AN |

Dự báo thời tiết hôm nay 28.3, Bắc Bộ có mưa nhỏ trời rét vào sáng sớm với nhiệt độ thấp nhất 16 - 18 độ C. Khu vực phía Tây Bắc Bộ từ chiều nay có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm/24h, có nơi trên 60mm/24h.

Robot Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để đến túp lều bí ẩn trên Mặt trăng

Nguyễn Hạnh |

Robot thám hiểm Mặt trăng Yutu-2 của Trung Quốc gần đây đã phát hiện ra thứ gì đó hấp dẫn ở phía xa trên Mặt trăng, nhưng nó sẽ mất một vài tháng để tiếp cận vật thể và xem xét kỹ hơn.

Robot mặt người Sophia bước chân vào Metaverse với phiên bản NFT riêng

Anh Vũ |

Được giới thiệu lần đầu vào năm 2016, robot có khuôn mặt người Sophia, mang quốc tịch Saudi Arabia, giờ đây đã trở thành một hiện tượng công nghệ robot.

"Robot sống" đầu tiên trên thế giới hiện có thể sinh sản

Thanh Hà |

Các nhà khoa học Mỹ, những người tạo ra "robot sống" đầu tiên trên thế giới, cho biết, những dạng sống được gọi là xenobot này, hiện có thể sinh sản theo cách chưa từng thấy ở thực vật và động vật.

Hàn Quốc thử nghiệm robot hỗ trợ giảng dạy trong trường mầm non

Tường Vân (Theo The Guardian) |

Hàn Quốc bắt đầu thử nghiệm sử dụng robot cỡ nhỏ làm thiết bị hỗ trợ giảng tại 300 trường mầm non ở Seoul.

Robot phục vụ tận bàn lần đầu xuất hiện ở TPHCM

Anh Tú |

TPHCM - Thay vì được phục vụ bởi con người, tại một quán cà phê ở TPHCM, thực khách đến chỉ cần chọn món bằng mã QR Code trên điện thoại, ngay sau đó được robot phục vụ tận tình, chu đáo.