Phở ta hấp dẫn khách Tây

HẢI AN |

Cách đây khoảng gần 30 năm, khi còn là một cậu sinh viên tỉnh lẻ năm thứ nhất đại học chân ướt chân ráo lên Hà Nội, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Tây đi nhan nhản ở trung tâm thành phố. Phong trào “Tây ba lô” mới manh nha vào thời kì đó. Nhưng ngạc nhiên hơn lại là hình ảnh những ông Tây ngồi lóng ngóng với đôi đũa trong quán phở. Ô Tây cũng biết ăn phở kìa!

Đầu tiên, phở là một thứ súp ngon lạ

Những năm cuối thập niên 1990, phở vẫn là thứ gì đó đắt đỏ so với một sinh viên luôn bị “viêm màng túi” như tôi. Một bát phở có giá khoảng 5.000 đồng, trong khi một bữa cơm sinh viên mới chỉ 3.000 đồng là hết nấc, còn cốc bia hơi Hà Nội lúc đó chỉ có 800 đồng một vại.

Tuy nhiên, tôi có người ông trẻ - em trai của ông ngoại - sống độc thân ở phố Hàng Bồ, gần toà soạn Báo Lao Động hồi xưa. Ông trẻ tuy đã hơn 70 tuổi nhưng là chuyên viên ngoại ngữ của Bộ Thương mại, nên vẫn dạy tiếng Anh, tiếng Pháp cho cán bộ của Bộ nên cũng rủng rỉnh lắm.

Thế nên, mỗi lần thèm phở, tôi lại mò lên Hàng Bồ “thăm ông trẻ” và kiểu gì sau vài câu chào hỏi, đích đến sẽ là một quán phở nào đó. Từ đây, tôi bắt đầu biết các quán phở lừng danh của Hà Nội như phở gia truyền Bát Đàn (số nhà 47), phở Tự Do ở phố Cầu Gỗ, phở Chiêu ở Hàng Đồng, phở Thìn Bờ Hồ...

Chính cái quán phở Thìn Bờ Hồ nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng là nơi tôi chứng kiến mấy thanh niên Tây cao lều nghều như cột điện, ngồi khom lưng trên dãy bàn ghế thấp tịt kê dọc ngõ nhỏ, tay lóng ngóng cầm đũa tre để cố hết sức gắp sợi phở bỏ vào miệng, trông vừa hoạt kê vừa tội nghiệp, vừa lạ mắt.

Tôi vẫn nhớ tay chủ quán phở, một trung niên nhỏ thó, không hiểu là con hay cháu của ông Thìn, miệng xoen xoét mắng nhân viên chậm chạp khiến mấy vị khách Tây trố mắt nhìn không hiểu tay chủ quán nói gì. Lập tức, tay chủ quán chuyển “bật phụ đề” tiếng Anh Streamline bằng A: “Boys, boys, quick, quick”.

Thế là oách rồi, nói chuyện được với Tây hồi đó mệt lắm. Nhìn thấy “Tây ba lô” lơ ngơ đi qua, tò mò nhìn vào quán, chủ quán chỉ “Hê lô” rồi cầm tờ thực đơn xanh đỏ in hình bát phở bốc khói có đôi đũa gác ngang bát ra chỉ trỏ để mời vào ăn phở. Đến lúc tính tiền thì giơ ngón tay ra báo giá, nếu Tây không hiểu thì hồn nhiên cầm lấy ví của khách, tự rút tiền ra, xong nhoẻn miệng “hì, thanh kiu, thanh kiu”.

Họ không đủ vốn tiếng Anh để hướng dẫn các ông Tây biết thế nào là phở, cách ăn phở bằng thìa và đũa, cách phân biệt các loại phở. Có lẽ, ở thời đầu mới hội nhập đó, những ông Tây đi ăn phở ở Việt Nam đều nghĩ rằng đây mà một loại mì bò theo cách dịch word by word “Beef Noodle”, thậm chí là “Cow Noodle” mới ghê.

Có lần, tôi và ông trẻ vào ăn phở ở quán Phở Thìn Bờ Hồ đó, khi trong quán chỉ có mấy khách Tây. Lúc này, vốn ngoại ngữ của ông trẻ mới phát huy vai trò “marketing văn hoá” phở cho mấy ông Tây. Họ chậm rãi phát âm tiếng “Phở” với âm “ph” bật mạnh như âm “f” và được giải thích tại sao đây là phở chứ không phải mì.

Và rồi, họ cũng hiểu có hai loại phở cơ bản là phở chín và phở tái. Dừng ở đấy thôi, chưa thể nâng cao để biết thế nào là gầu, nạm gì cả. Ông trẻ tôi cũng hướng dẫn họ cách dùng đũa gắp bánh phở vào thìa, để thêm miếng thịt, rồi nhúng xuống bát lấy ít nước và cho vào miệng ăn.

Nói chung, đôi đũa vẫn cứ là một thứ “quái vật” đối với ngón tay của khách “Tây ba lô”, họ cảm giác như phải làm ảo thuật để ăn món này vậy. Thế nên, sau hồi đánh vật khiến nước phở, bánh phở văng tung toé, mấy ông Tây cạn lòng kiên nhẫn bèn bưng bát và dùng thìa lùa phở vào miệng.

Khác biệt văn hoá mà, cũng chẳng ai trách. Sau này, khi được mời ăn "cơm Tây" lần đầu tiên trong đời, tôi cũng đã hoảng hồn hoảng vía trước “kho binh khí” thìa, nĩa, dao ăn bày la liệt trước mặt, không biết dùng cái nào cho món nào, và dùng thế nào cho đúng. Lúc đó, tôi mới thấy thông cảm với “mặc cảm dùng đũa” của Tây.

Tuy nhiên, giá trị của món phở đem lại với “Tây ba lô” lại rất ổn, chẳng khác gì với một sinh viên “đói ăn thường trực” như tôi được ăn phở cả. Sau khi ăn xong bát phở, tôi nhớ một ông bật ngón tay cái lên và nói với ông trẻ: “Good soup”, và ông trẻ tôi bật cười ha hả.

Đúng thôi, có lẽ ấn tượng đầu tiên của phở Việt Nam đem lại cho thực khác ngoại quốc là một thứ súp nóng hổi, ngon lành, nhưng lại mới lạ bởi hương vị Á Đông. Họ cũng ăn súp thịt bò hầm thường xuyên nên tìm thấy sự đồng điệu của một bát phở có nước lèo được ninh bằng xương bò hàng giờ đồng hồ.

Chỉ khác là bát súp bò này có vị thơm của hoa hồi, thảo quả và gừng, bao bọc lấy những sợi bánh phở trắng ngần và những lát thịt bò nâu sẫm hay những miếng bò tái phơn phớt hồng. Đó là một thứ súp nặng kí, bắt răng lưỡi phải hoạt động tấp cập chứ không lỏng sệt để ăn bằng thìa hay chấm bánh mì.

Sự mê hồn của phở Việt

Ông trẻ tôi đã khuất núi được mươi năm, những hàng phở ở Hà Nội cũng đã quen thuộc với những vị khách nước ngoài. Sự giao thoa văn hoá và làn sóng du lịch đã biến Hà Nội thành ngã tư quốc tế và bát phở trở nên thân thuộc và hợp với khẩu vị của người nước ngoài khi đặt chân đến mảnh đất này.

Phở không chỉ tràn lan trên vỉa hè mà còn chảy ồ ạt vào các bếp ăn sang trọng của nhà hàng hay các khu “food court” của khách sạn hạng sang mang đậm tính trải nghiệm tinh hoa của bát phở dành cho người nước ngoài. Khách Tây bây giờ không chỉ đi ăn phở mang tính “phiêu lưu, khám phá” nữa mà họ ăn phở với tâm thế thưởng thức một món ăn ngon, rất cuốn, đem lại cảm giác hạnh phúc.

Gia phả đồ sộ của phở khiến khách nước ngoài luôn được va chạm với những trải nghiệm mới. Họ thú vị với miếng mỡ gàu vừa béo vừa giòn khi nhai hay vị ngọt đậm đà của miếng nạm được luộc vừa đủ độ. Họ trầm trồ trước hương vị phái sinh của món sốt vang trong bát phở sốt vang có nước dùng hồng màu cà rốt hay khoan khoái với vị lá chanh lẩn nhẩn mơ hồ trong bát phở gà.

Cách đây chưa lâu, khi Hà Nội đã chìm trong đêm khuya, tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú khi nhìn thấy một đám khách Tây cả nam lẫn nữa ngồi quanh một cái bàn nhựa trên vỉa hè Phủ Doãn, dùng tay bốc những miếng gà chặt và ăn ngon lành cùng với chai bia mát lạnh. Sau đó mới gọi phở gà để ăn. Hỏi anh chủ quán thì mới hay, đám khách Tây đó trọ trong Ngõ Huyện, đêm nào cũng ra đây làm đĩa gà chặt và bát phở xong mới về ngủ.

Không chỉ phở bò, phở gà, chúng ta dễ dàng bắt gặp khách nước ngoài ở những quán phở xào, phở cuốn, phở trộn khắp Hà Nội. Hầu như khách Tây không chê một thứ phở nào hay để sự khó khăn của việc sử dụng đũa trở thành rào cản ngăn họ đến với phở.

Có lẽ, sau món “nem cuốn - đại sứ ngoại giao” thì phở trở thành thương hiệu nhận diện nổi bật nhất của ẩm thực Việt Nam đối với người nước ngoài. Giờ đây, họ đã biết phở là phở chứ không phải là mì và phở Việt Nam có giá trị chẳng kém món mì vằn thắn của Trung Quốc, mì bò của Đài Loan (TQ), mì Udon hay Ramen của Nhật Bản...

Không chỉ đam mê ăn phở khi sang Việt Nam, mà người nước ngoài còn học nấu phở và đem phở về nước mình. Khá nhiều đầu bếp Tây ở các bếp sang trọng tại nhà hàng hay khách sạn ở Việt Nam và trên thế giới nấu phở nhoay nhoáy, với đủ hành, gừng, hồi, quế... thậm chí còn gia giảm độ đậm nhạt bằng nước mắm.

Nhật Bản, một đất nước có nền ẩm thực phong phú, đồ sộ và cực kì khắt khe với các món ngoại nhập, thế nhưng cũng đã bị bát phở Việt Nam chinh phục. Chính tại đất nước này, những quán phở Việt Nam do người Nhật mở đã xuất hiện với nhãn hiệu phở và quy cách nấu phở được chuyển nhượng từ Việt Nam.

Người Nhật mê món phở Việt Nam đến nỗi đã từng đề xuất lấy ngày 4.4 hàng năm là ngày tôn vinh món phở. Bởi lẽ, trong tiếng Anh, 4 đọc là Four và âm đó gần giống với âm Phở. Những điều đó đã khiến cho bát phở của Việt Nam trở nên giá trị hơn rất nhiều, không chỉ dừng ở phạm vi một món ăn ngon.

Mùi phở của Việt Nam đã bay khắp thế giới. Hễ nơi nào có người Việt, là nơi đó có nồi nấu phở. Thực khách ăn phở không chỉ là người Việt xa xứ mà còn rất nhiều người nước ngoài đã nghiện hương vị phở.

Thế nhưng, khi hỏi chuyện những người nước ngoài đã từng ăn phở Việt Nam, ví dụ như ông Yasushi Ogura - một người đàn ông Nhật Bản coi Việt Nam như quê hương thứ hai, đặc biệt là ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) - ông bảo rằng, chẳng đâu ăn phở ngon bằng ở Hà Nội.

Ông Ogura chia một tháng thành hai nửa, 15 ngày sống ở Nhật Bản và 15 ngày sống ở Việt Nam. Bao giờ cũng thế, hễ đặt chân tới Việt Nam là sẽ đi ăn ngay một bát phở rồi mới bắt xe giường nằm lên Lũng Cú có làng Lô Lô Chải, nơi ông gọi là nhà của mình ở Việt Nam.

Nhìn ông ăn phở say mê, húp cạn đến thìa nước dùng cuối cùng, rồi ngồi sung sướng tận hưởng hương thơm của phở ngấm vào người, sau đó đứng dậy cảm ơn chủ quán phở mới thấy việc được ăn phở là một hạnh phúc đơn giản mà diệu kì. Thật tuyệt vời phở Việt!

HẢI AN
TIN LIÊN QUAN

Xem cách nấu phở độc đáo ở chợ Đồng Văn, Bình Liêu

Vân Hoa |

Từ bao giờ, du khách đến Bình Liêu đều tìm đến món phở xào trứ danh ở chợ phiên. Bánh phở dày, to bản do chủ quán tráng tay trên bếp củi. Và mỗi thực khách sẽ "chế biến" món phở xào của riêng mình khi tự ra chợ mua thịt hay gia vị về xào.

Hơn 100 gian hàng phở hội tụ trong gala Ngày của Phở 12.12 tại Nam Định

Chí Long |

Gala Ngày của Phở 12.12 chính thức khai mạc ngày 11.12 tại thành phố Nam Định với chủ đề Phở Việt - Tinh hoa hội tụ. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, truyền thông và người dân địa phương.

Tôn vinh Phở Việt ra thế giới thông qua "Ngày của Phở"

MINH HÀ - LINH TRANG |

Sự kiện Ngày của Phở 12-12 năm 2022 với chủ đề “Phở Việt - Tinh hoa hội tụ” hứa hẹn sẽ quảng bá rộng rãi món ăn truyền thống của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

Huế: Tiếp tục lấy ý kiến về mô hình thành phố trực thuộc trung ương

Tường Minh |

Huế - UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tổ chức lấy ý kiến của người dân về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc trung ương.

Đến lượt ngân hàng cũng đi cho thuê nhà

Lam Duy |

Một ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh đang chào mời cho thuê 8 tài sản là các căn nhà, cụm tòa nhà. Việc này gây chú ý bởi Luật các Tổ chức tín dụng 2017 quy định các ngân hàng không được kinh doanh bất động sản.

Hà Nội: 21 năm sống cảnh tạm bợ, không lối thoát trong những căn nhà cũ nát

Tùng Giang - Đinh Thiện |

Từ năm 2002 đến nay, khoảng 600 hộ dân tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) mắc kẹt trong dự án treo Công viên hồ điều hòa Hạ Đình. Dù phải sống trong cảnh tạm bợ, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng nhưng người dân không dám sửa và cũng không được phép xây lại.

Tranh luận sôi nổi "chọn trường nổi tiếng trước, học ngành gì tính sau"

Trang Hà |

Câu chuyện thí sinh nên chọn ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân hay chọn trường danh tiếng để có "mác" dễ xin việc sau này luôn nóng khi mùa tuyển sinh cận kề.

Triều Tiên khánh thành 10.000 nhà ở hiện đại tại Bình Nhưỡng

Song Minh |

Triều Tiên tổ chức lễ khánh thành 10.000 nhà ở hiện đại tại quận Hwasong ở Bình Nhưỡng hôm 16.4.

Xem cách nấu phở độc đáo ở chợ Đồng Văn, Bình Liêu

Vân Hoa |

Từ bao giờ, du khách đến Bình Liêu đều tìm đến món phở xào trứ danh ở chợ phiên. Bánh phở dày, to bản do chủ quán tráng tay trên bếp củi. Và mỗi thực khách sẽ "chế biến" món phở xào của riêng mình khi tự ra chợ mua thịt hay gia vị về xào.

Hơn 100 gian hàng phở hội tụ trong gala Ngày của Phở 12.12 tại Nam Định

Chí Long |

Gala Ngày của Phở 12.12 chính thức khai mạc ngày 11.12 tại thành phố Nam Định với chủ đề Phở Việt - Tinh hoa hội tụ. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, truyền thông và người dân địa phương.

Tôn vinh Phở Việt ra thế giới thông qua "Ngày của Phở"

MINH HÀ - LINH TRANG |

Sự kiện Ngày của Phở 12-12 năm 2022 với chủ đề “Phở Việt - Tinh hoa hội tụ” hứa hẹn sẽ quảng bá rộng rãi món ăn truyền thống của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.