Phim Việt và hành trình công nghiệp hóa giữa bộn bề khó khăn

Mi Lan |

Điện ảnh nằm trong danh sách 12 ngành mũi nhọn của chiến lược công nghiệp văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Tuy nhiên, trong năm 2023, phim Việt vẫn ngổn ngang khó khăn và tranh cãi.

Tiền và những bế tắc

Đầu tư cho điện ảnh như thế nào, đầu tư bao nhiêu tiền, đầu tư ra sao để đạt được hiệu quả vẫn là dấu hỏi lớn với phim Việt năm 2023.

Những đồng tiền từ nhà nước “rót” vào loạt dự án phim chào mừng, chiếu không ai xem, không bán nổi vé vẫn tiếp diễn dù giới chuyên gia gọi đây là sự thất thoát, lãng phí lớn.

Năm 2023 đánh dấu bi hài lên đến đỉnh điểm ở các hãng phim Nhà nước sau quá trình tiến hành cổ phần hóa. Hãng Phim truyện Việt Nam hoang tàn, đổ nát khiến NSND Trà Giang và nhiều nghệ sĩ bật khóc khi nhớ lại thời điện ảnh cách mạng còn huy hoàng. Bước vào kinh tế thị trường, những dự án phim được tài trợ, rót vốn đã không thể sinh lời, khiến hãng thua lỗ triền miên, nợ tiền thuế đất trong nhiều năm ròng.

Cùng chung số phận như Hãng Phim truyện Việt Nam, Hãng Phim Giải phóng (nay là Công ty Cổ phần phim Giải phóng) cũng thua lỗ, tính đến tháng 10.2023, hãng đang nợ thuế hơn 53 tỉ đồng.

Hãng Phim truyện I cũng được cổ phần hóa và điêu đứng trong cơn lốc thị trường. Dẫu “vật vã” trong suốt nhiều thập kỷ vì “tiền”, vì những bộ phim đặt hàng không bán được vé, vì khó khăn trong xoay xở các dự án sinh lời, nhưng sau bao năm tiến hành cổ phần, các hãng phim nhà nước vẫn gần như không thay đổi, thậm chí còn hoang tàn, bế tắc hơn như tình cảnh của Hãng phim truyện Việt Nam.

Cho đến 2023, dù liên tục bị phản ứng và tranh cãi, những dự án phim đặt hàng vẫn tiếp tục được... đặt hàng. Bộ phim “Đào, phở và piano” do Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng Công ty Cổ phần phim truyện I (Hãng phim truyện I) sản xuất ra mắt cùng “Đất rừng phương Nam” nhưng chìm nghỉm.

“Đào, phở và piano”, “Hồng Hà nữ sĩ” - 2 dự án phim nhà nước đặt hàng chưa được xếp lịch ra rạp, ngay cả khi được ra rạp, số phận của 2 dự án này có thể sẽ như “Sống cùng lịch sử”, không bán nổi một vé (trong một suất chiếu).

Năm 2022 từng đánh dấu kỷ lục của gần 40 phim Việt ra rạp thua lỗ, ế ẩm. Khi bàn đến công nghiệp điện ảnh, điều tiên quyết cần có phải là những dự án phim sinh lời.

Ngổn ngang những khó khăn

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về câu chuyện công nghiệp hóa điện ảnh, kiếm tiền từ điện ảnh như Hàn Quốc, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói: “Muốn công nghiệp hóa một ngành nghề, điều đầu tiên phải có là nhà máy. Với phim ảnh, “nhà máy” chính là phim trường. Chúng ta thậm chí còn chưa hề có phim trường chuyên nghiệp, các đoàn phim rong ruổi khắp các tỉnh thành thuê mướn bối cảnh. Riêng điều này đã rất khó để so sánh với các nước có ngành điện ảnh phát triển, để làm nên một ngành công nghiệp phải cần rất nhiều yếu tố từ chính sách, cơ chế hỗ trợ đến trường quay, nhân sự, tài năng trong nhiều khâu... mà chúng ta gần như đang chưa có gì”.

Theo đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho rằng, khi chiến lược công nghiệp hóa điện ảnh còn là câu chuyện xa vời kéo dài trong nhiều năm, trước mắt hãy làm tốt từng dự án phim, khi có phim chất lượng ra rạp, khán giả Việt chắc chắn sẽ đến ủng hộ, từ đó tạo nên thị trường phim nội sôi động, đủ sức đánh bật phim ngoại ở phòng vé.

Đạo diễn Charlie Nguyễn nói, đã đến lúc, các nhà làm phim cần trở thành những người biết kêu gọi đầu tư, và đầu tư có hiệu quả. “Khi tôi làm phim, điều đầu tiên, tôi phải có trách nhiệm với đồng tiền nhà sản xuất đã bỏ ra. Nếu bây giờ tôi mang một kịch bản đến trước nhà sản xuất và nói, đây là tâm huyết của tôi, đây là một bộ phim giàu tính nghệ thuật - sẽ chẳng ai quan tâm! Điều mà tôi phải đảm bảo với họ phải là, phim sẽ bán được vé” - Charlie Nguyễn nói.

Việc mỗi đạo diễn có trách nhiệm với chất lượng dự án và tính hiệu quả trong đầu tư cho từng dự án phim sẽ góp phần nâng cao giá trị thương mại cho thị trường phim nội địa.

Phim “Bố già” và “Nhà bà Nữ” đang đoạt kỷ lục doanh thu của phim Việt.  Ảnh: Nhà sản xuất
Phim “Bố già” và “Nhà bà Nữ” đang đoạt kỷ lục doanh thu của phim Việt. Ảnh: Nhà sản xuất

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về tiến trình công nghiệp điện ảnh giữa bối cảnh phim Việt chưa đạt được chất lượng và giá trị thương mại, lại thiếu trường quay, thiếu nhân tài trong nhiều khâu, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương cho rằng: “Thị trường phim Việt đã có những tín hiệu vui khi nhiều dự án có doanh thu tốt như "Bố già", "Nhà bà Nữ", "Lật mặt"... Khi phim Việt chỉn chu, bắt trúng thị hiếu, sẽ tạo nên sức hút, kéo được khán giả đến rạp. Khán giả, công chúng chính là khách hàng. Công nghiệp điện ảnh muốn có, phải thuyết phục và phục vụ được đối tượng khách hàng của mình. Để có được nền công nghiệp phát triển, đầu tư cho nhân lực, con người là yếu tố tiên quyết. Có lẽ, chúng ta cũng phải tính đến việc đưa người đi học tập ở các nước có nền điện ảnh phát triển, bên cạnh đó là thúc đẩy những dự án phim hợp tác với nước ngoài, tổ chức các liên hoan phim quốc tế để học hỏi, giao lưu... Phải cần rất nhiều người tài ở mọi khâu, từ đạo diễn, biên kịch đến diễn viên, hóa trang, âm thanh, ánh sáng... mới có thể có được ngành công nghiệp phim ảnh”.

Về câu chuyện thiếu trường quay, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ dẫn dắt lại bài học từ trường quay Cổ Loa. Đây là trường quay được xây dựng từ lâu, vốn đã được rót vốn đầu tư nhiều lần, nhưng đều lãng phí, trường quay có thời gian bỏ không cho cỏ mọc.

Cách đây ba năm trường quay Cổ Loa cũng đã trình cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch một dự thảo đề án xây dựng với kinh phí xây dựng gần 7.000 tỉ đồng. Song do đề án chưa mang tính khả thi, còn khá sơ sài nên không được duyệt.

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, “Đầu tư không phải cứ thật nhiều tiền sẽ đạt được hiệu quả. Để xây dựng trường quay hoặc bất cứ công trình, thiết chế văn hóa nào cũng cần có chiến lược sử dụng đi kèm. Khi xây một bảo tàng, cần phải có chiến lược đưa bảo tàng vào sử dụng ra sao, có chương trình hoạt động hiệu quả như thế nào. Với một trường quay luôn “ngốn” hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng càng phải cần tính toán kỹ lưỡng, cần đi kèm theo đó là chiến lược hoạt động, phải tính toán được tính hiệu quả, sẽ có bao nhiêu đoàn phim sang quay, xây dựng các khu kiến trúc cụ thể như thế nào... Để mỗi trường quay sau khi xây dựng xong, ngoài việc thu lợi nhuận từ các đoàn phim đến quay, còn thu được lợi nhuận từ du lịch, giống như Hoành Điếm của Trung Quốc hay các khu trường quay ở Hàn Quốc. Các quốc gia đều khai thác được tối ưu lợi ích, giá trị thương mại của trường quay. Mỗi trường quay đều là điểm hút du lịch. Đằng này, trường quay Cổ Loa đầu tư hàng trăm tỉ xong, bỏ không, gần như chẳng có đoàn phim nào sang quay”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, nhắc đến công nghiệp điện ảnh, nghĩa là nhắc đến việc đầu tư đạt hiệu quả kinh tế trong phim ảnh. Để đạt được điều này, mỗi nhà làm phim không chỉ làm phim, có tác phẩm gì cứ “tung” ra rạp là xong, còn cần ở mỗi nhà làm phim tư duy của người làm kinh tế, biết nắm bắt thị trường, nắm bắt thị hiếu để phục vụ đối tượng khách hàng của mình.

“Chúng ta cần những người tài, ở rất nhiều khâu từ sản xuất phim đến quảng bá phim, cách thức đưa phim ra rạp, cách thu hút khán giả mua vé. Đều cần những tư duy chuyên nghiệp. Nếu không, dù có hàng nghìn tỉ đầu tư, vẫn thua lỗ, vẫn ế ẩm và đó là sự lãng phí” - PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ nói.

Mi Lan
TIN LIÊN QUAN

Chờ sự vào cuộc của giới phê bình điện ảnh khi phim Việt trong bão dư luận

Huyền Chi |

Khi một bộ phim có nhiều luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, gây tranh cãi trong dư luận, nhà sản xuất và khán giả mong chờ sự vào cuộc của giới phê bình điện ảnh.

Minh Hằng đối đầu Trấn Thành, Lý Hải trên chặng đua phim Việt nửa đầu 2024

An Nhiên |

Sau những thành công nhất định ở chặng đường làm phim điện ảnh, cả 3 nghệ sĩ Trấn Thành, Lý Hải, Minh Hằng đều được kì vọng sẽ mang đến những tác phẩm “bùng nổ” vào năm sau.

Thị trường phim Việt tăng tốc dịp cuối năm nhưng chưa đủ đột phá

NGỌC DỦ |

Tính đến ngày 8.12, bộ phim “Đất rừng phương Nam” ra rạp giữa tháng 10, có doanh thu gần 140 tỉ đồng và “Người vợ cuối cùng” ra rạp đầu tháng 11, doanh thu hơn 96 tỉ đồng. Tháng 12 này, cuộc đua phim Việt tại rạp sôi động hơn khi có thêm “Người mặt trời” (khởi chiếu ngày 8.12) và “Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu” (khởi chiếu ngày 29.12).

Không khí lạnh rất mạnh sắp tăng cường xuống miền Bắc gây rét sâu kéo dài

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết khoảng sáng 19.12, một bộ phận không khí lạnh mạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Tận thấy những bữa ăn xơ xác tại trường bán trú bị tố "11 cháu ăn 2 gói mì chan cơm"

Long Nguyễn - Bảo Nguyên |

Lào Cai - Dù trên bảng thực đơn và công khai tài chính có ghi rõ, 174 học sinh bán trú được hưởng chế độ ăn sáng mỗi em 1 gói mì tôm và 1 quả trứng, thế nhưng thực tế nhà trường chỉ cho 11 em ăn chung 2 gói mì.

Xác định nguyên nhân vụ tai nạn liên hoàn khiến Quốc lộ 6 ùn tắc hoàn toàn

Minh Nguyễn |

Hoà Bình - Ngày 18.12, cơ quan chức năng bước đầu xác định nguyên nhân vụ tai nạn liên hoàn trên Quốc lộ 6 khiến giao thông ùn tắc hoàn toàn trong nhiều giờ.

"Voi Bản Đôn" Anh Tú có bạn gái đa tài, chủ nhân loạt ca khúc nổi tiếng

Anh Trang |

LyLy được biết tới là một nhạc sĩ, ca sĩ hoạt động solo trong giới giải trí Việt. Cô được cho là đang hẹn hò với "Voi Bản Đôn" Anh Tú.

Hậu vệ Trần Thị Duyên: "Xin đừng nhớ đến tôi với danh xưng hotgirl bóng đá"

PHẠM ĐÌNH - HOÀNG HUÊ (THỰC HIỆN) |

Trao đổi với Lao Động, hậu vệ Trần Thị Duyên cho biết, cô muốn người hâm mộ theo dõi và ghi nhận tài năng trên sân cỏ, thay vì chú ý tới ngoại hình hay danh xưng "hotgirl" của bóng đá Việt Nam.

Chờ sự vào cuộc của giới phê bình điện ảnh khi phim Việt trong bão dư luận

Huyền Chi |

Khi một bộ phim có nhiều luồng ý kiến trái chiều trên mạng xã hội, gây tranh cãi trong dư luận, nhà sản xuất và khán giả mong chờ sự vào cuộc của giới phê bình điện ảnh.

Minh Hằng đối đầu Trấn Thành, Lý Hải trên chặng đua phim Việt nửa đầu 2024

An Nhiên |

Sau những thành công nhất định ở chặng đường làm phim điện ảnh, cả 3 nghệ sĩ Trấn Thành, Lý Hải, Minh Hằng đều được kì vọng sẽ mang đến những tác phẩm “bùng nổ” vào năm sau.

Thị trường phim Việt tăng tốc dịp cuối năm nhưng chưa đủ đột phá

NGỌC DỦ |

Tính đến ngày 8.12, bộ phim “Đất rừng phương Nam” ra rạp giữa tháng 10, có doanh thu gần 140 tỉ đồng và “Người vợ cuối cùng” ra rạp đầu tháng 11, doanh thu hơn 96 tỉ đồng. Tháng 12 này, cuộc đua phim Việt tại rạp sôi động hơn khi có thêm “Người mặt trời” (khởi chiếu ngày 8.12) và “Trên bàn nhậu, dưới bàn mưu” (khởi chiếu ngày 29.12).