PGS. TS Bùi Hoài Sơn: Không nhất thiết cứ phải nhiều tiền mới có một bộ phim hay

Hào hoa (thực hiện) |

Bộ phim “Đất rừng phương Nam” cán mốc 123 tỉ đồng sau nhiều sóng gió, tranh cãi. Từ “Đất rừng phương Nam”, “nghịch lý” gây tranh cãi suốt thời gian dài của điện ảnh Việt lại được bàn tiếp. Đó là chuyện doanh thu khác biệt giữa phim có yếu tố lịch sử do tư nhân và nhà nước sản xuất.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ông hiện là Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Có một “nghịch lý” của dòng phim có yếu tố lịch sử ở Việt Nam, đó là: phim đặt hàng của nhà nước thường nặng tính tuyên truyền, khô cứng, kén khán giả, trong khi phim hư cấu, có khả năng doanh thu cao như “Đất rừng phương Nam” dễ bị chỉ trích, ném đá. Đây vốn là câu chuyện đã gây tranh cãi suốt thời gian dài, theo ông, chúng ta phải bắt đầu từ đâu để thay đổi hiện trạng này?

- Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, không thể trả lời ngắn gọn trong một bài phỏng vấn. Tuy nhiên, tôi có suy nghĩ thế này, thị trường điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: cả tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ, cơ chế chính sách cho điện ảnh, công nghệ và kỹ năng kinh doanh.

Nhưng đúng là tư duy, quan điểm quản lý, văn hóa phê bình, trình độ dân trí về nghệ thuật đóng vai trò cực kỳ quan trọng để chúng ta xây dựng một nền nghệ thuật Việt Nam phát triển tương xứng với kỳ vọng.

Chúng ta luôn mong muốn có một nền nghệ thuật phát triển để từ đó bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn cho con người Việt Nam từ những tác phẩm của người Việt Nam, cho người Việt Nam, và vì người Việt Nam.

Chúng ta cũng mong muốn kể câu chuyện hay, hình ảnh đẹp, thông điệp tích cực của Việt Nam thông qua nghệ thuật, nhất là phim ảnh, đến thế giới, để người dân các nước hiểu rõ hơn, yêu mến nhiều hơn đất nước và con người Việt Nam.

Đó thực ra cũng là bài học từ nhiều quốc gia và chúng ta có thể học kinh nghiệm. Để làm được điều đó, chúng ta cần xây dựng một môi trường thuận lợi cho điện ảnh từ tất cả những yếu tố trên.

Bên cạnh các bộ phim tư nhân, các dòng phim khác nhau (cả phim hài, phim khoa học viễn tưởng, phim kinh dị, phim ca nhạc, phim tình cảm, phim hành động, phim hoạt hình...) để thể hiện sự đa dạng của điện ảnh, chúng ta rất cần có những bộ phim do Nhà nước đặt hàng.

Tôi từng xem các bộ phim do Nhà nước đặt hàng, gần đây nhất là "Hồng Hà nữ sĩ". Tôi thấy được những thông điệp tích cực từ các bộ phim đó, và rất hy vọng những thông điệp này đến được với công chúng, nhất là công chúng trẻ, để họ có thể hiểu thêm về văn hóa, con người và đất nước tươi đẹp của chúng ta.

Tuy nhiên, những cơ chế như không có kinh phí dành cho quảng bá phim, hay không có chính sách khuyến khích nhà làm phim hoặc tư nhân phát hành phim khiến cho các bộ phim được làm xong lại chuyển trả cho Nhà nước, không đến khán giả một cách thuận lợi.

Làm như thế, theo tôi, là chưa đúng với tinh thần của phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp điện ảnh nói riêng (thứ mà chúng ta đã thể hiện được qua Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Theo đó, chu trình sản xuất ra một sản phẩm nghệ thuật phải đồng bộ và chuyên nghiệp. Nghệ sĩ phải lắng nghe được nhu cầu của thị trường. Sản phẩm nghệ thuật phải tìm được công chúng. Sản xuất phải gắn với quảng bá và phát hành.

Với phim nhà nước, chúng ta từng đổ hàng triệu USD cho một dự án phim lịch sử để chào mừng đại lễ, nhưng chiếu không ai xem. Đây có thể được xem là một sự lãng phí không, theo ông?

- Chắc chắn đây là một sự lãng phí! Đó cũng là lý do tại sao chúng ta phải phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng môi trường thuận lợi, phù hợp cho phát triển điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung của nước nhà.

Theo ông lý do là vì...?

- Chúng ta cũng không có được một cơ chế hợp tác công tư trong lĩnh vực điện ảnh khiến lĩnh vực đầu tư đầy mạo hiểm này ít nhận được sự quan tâm của xã hội, hoặc nếu có lại chỉ tập trung vào những dòng phim có khả năng có doanh thu cao, chứ chưa hẳn là những dòng phim mà Nhà nước mong muốn.

Hơn thế, quan điểm về điện ảnh của chúng ta cũng có những vấn đề riêng. Nếu như ở nước ngoài, phim ảnh là nghệ thuật, có quyền được hư cấu, sáng tạo, tưởng tượng bay bổng thì ở ta, điện ảnh đôi khi phải chuyên chở quá nhiều trách nhiệm khiến một bộ phim khi ra đời bị “soi” quá nhiều.

Văn hóa phê bình cũng chưa thực sự phát triển khiến những phê bình điện ảnh, hoặc là như giới thiệu phim, hoặc là bình luận thiếu căn cứ, không dẫn dắt được dư luận và tạo định hướng thẩm mỹ cho công chúng.

Môi trường mạng lại tạo điều kiện cho ai cũng trở thành nhà báo, nhà phê bình điện ảnh, khiến cho thông tin trở nên nhiễu loạn.

Chúng ta cần có một văn hóa phê bình chuyên nghiệp hơn để dẫn dắt dư luận về cái hay, cái đẹp, khả năng truyền cảm hứng của các tác phẩm điện ảnh.

Văn hóa phê bình cần hướng đến mục đích là giúp công chúng có hiểu biết sâu sắc về thể loại nghệ thuật, văn hóa, và lịch sử nghệ thuật liên quan đến tác phẩm; khách quan, không bị ảnh hưởng bởi sở thích cá nhân hoặc định kiến; thể hiện sự tôn trọng đối với tất cả các ý kiến khác biệt, chấp nhận sự đa dạng trong quan điểm và thực tế rằng, mỗi người có cách tiếp cận và cảm nhận khác nhau đối với nghệ thuật.

Có được một môi trường và không khí nghệ thuật như vậy, tôi tin rằng nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển.

Làm phim lịch sử vừa phải hấp dẫn để có doanh thu, vừa không được phép gây tranh cãi, là bài toán khó với cả điện ảnh thế giới. Trong trường hợp của “Đất rừng phương Nam”, góc nhìn của ông khi phim bị lôi vào những tranh cãi liên quan đến xuyên tạc lịch sử và lạm dụng tranh cãi để bán vé?

- Làm phim lịch sử rất khó vì đây là chủ đề nhạy cảm. Ngay cả các nhà nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử cũng có thể có những nhầm lẫn hoặc không chắc chắn về những chi tiết trong lịch sử.

Nên một nghệ sĩ, một tác phẩm nghệ thuật, dù có cố gắng đến đâu cũng khó có thể không có sai sót nào đó về mặt lịch sử.

Nhìn ra thế giới, chúng ta có thể thấy một sự kiện lịch sử, một nhân vật lịch sử, nhưng có nhiều cách diễn giải khác nhau.

Ở khía cạnh khoa học, lịch sử vừa là chân lý, nhưng cũng vừa là một sự lựa chọn! Nói như vậy không có nghĩa là làm phim về lịch sử, chúng ta thích làm gì thì làm.

Văn hóa mỗi quốc gia khác nhau nên cách nhìn nhận, đánh giá về nghệ thuật (và cả lịch sử cũng vậy) cũng khác nhau.

Làm phim về lịch sử cần tôn trọng những sự thật lịch sử. Đó là những sự thật đã được thừa nhận chung, được xem là có giá trị với cộng đồng. Nhưng trong lịch sử còn nhiều góc khuất và có những cách đánh giá khác nhau về những vấn đề cụ thể, trong từng giai đoạn cụ thể.

Cảnh trong phim “Đất rừng phương Nam“. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp
Cảnh trong phim “Đất rừng phương Nam“. Ảnh: Nhà sản xuất cung cấp

Đó là những khoảng không gian tuyệt vời cho nghệ sĩ khai thác. Đây là lý do chúng ta cần thống nhất về quan niệm làm phim lịch sử cũng như xây dựng văn hóa tranh luận chuyên nghiệp, tôn trọng các ý kiến khác biệt.

Tránh việc vì không thích, không ưa một ai đó, một việc gì đó, lại lấy những yếu tố ngoài chuyên môn, không phù hợp để đánh giá về một tác phẩm nghệ thuật, từ đó khiến công chúng trở nên “bối rối”, ảnh hưởng đến hiệu quả của tác phẩm nghệ thuật.

Phim “Đất rừng phương Nam” hay bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào khác cũng vậy. Quan điểm của tôi là chúng ta cần trân trọng những đóng góp của nghệ sĩ. Mọi góp ý cần thể hiện sự tôn trọng, yêu quý, cầu thị để có những tác phẩm tốt cho nghệ thuật của dân tộc.

Những suy diễn thái quá đều không có lợi cho nghệ thuật dân tộc. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, trong Nghị quyết 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, Đảng ta đã nhấn mạnh: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa”. Đã là một lĩnh vực “đặc biệt tinh tế” thì chúng ta cũng cần có những ứng xử tinh tế đối với cả tác phẩm nghệ thuật và với người sáng tạo nghệ thuật!

Chúng ta không có được lực lượng làm phim tài năng, hùng hậu như các quốc gia khác. Ông có cho rằng, việc đưa người đi học hỏi ở các quốc gia cũng là kế hoạch cần bàn đến khi chúng ta công nghiệp hóa văn hóa, chấn hưng văn hóa?

- Chúng ta mong muốn nghệ thuật nước nhà phát triển để từ đó chuyển tải những thông điệp tích cực cho người Việt Nam và đến công chúng toàn cầu. Đó cũng là cách chúng ta chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, nghệ thuật, khẳng định sự tự tin và tự hào dân tộc qua các nghệ thuật, đồng thời là cách chúng ta khẳng định chủ quyền quốc gia về văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn!” Chúng ta chỉ có thể bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa nếu chúng ta có những phương tiện chuyển tải những giá trị đó, và nghệ thuật là một trong số những phương tiện đó. Trước kia, dân tộc ta có được tinh thần yêu nước một phần từ các tác phẩm văn học, nghệ thuật truyền thống, qua thơ, ca, hò vè, với các điệu chèo, tuồng... Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực ấy của văn học, nghệ thuật.

Ngày nay, chúng ta sẽ rất băn khoăn đến tương lai văn hóa nước nhà cũng như vận mệnh dân tộc khi công chúng bị bao vây bởi đủ loại văn hóa, văn học, nghệ thuật nước ngoài. Không phải chỉ tôi đâu, nhiều người đã lo lắng khi người dân của chúng ta thì vẫn ở đây, nhưng tinh thần đã “vượt biên” với những sản phẩm văn học, nghệ thuật nước ngoài.

Tôi không nói tất cả các sản phẩm ấy không có giá trị. Có rất nhiều sản phẩm rất có giá trị. Nhưng cũng không ít sản phẩm không phù hợp, thậm chí làm băng hoại văn hóa, đạo đức dân tộc. Nhìn những gì đang diễn ra, với nhiều vụ án đau lòng, chắc chắn nhiều người sẽ nghĩ về nguyên nhân văn hóa. Và tôi đồng tình với nhiều người khi cho rằng, có nhiều nguyên nhân đến từ việc chúng ta đã không gìn giữ được các giá trị văn hóa tốt đẹp, bị có yếu tố tiêu cực từ nước ngoài chi phối, khiến nền tảng đạo đức bị ảnh hưởng, dẫn đến các hệ lụy không mong muốn khác.

Đây là lý do chúng ta mong muốn phát triển công nghiệp văn hóa và chấn hưng văn hóa dân tộc.

Điểm quan trọng nhất để phát triển công nghiệp điện ảnh là gì, theo ông?

- Công nghiệp điện ảnh thì cần phải chú trọng vào 4 yếu tố: Tài năng sáng tạo, vốn văn hóa, công nghệ và kỹ năng kinh doanh điện ảnh. Con người, cụ thể ở đây là tài năng của nghệ sĩ bao giờ cũng là nguồn lực quan trọng nhất.

Tôi đã từng xem đi, xem lại bộ phim "Chuyện tình cây táo gai", "Phải sống" hay "Đèn lồng đỏ treo cao" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, và nhận thấy rằng, không nhất thiết cứ phải nhiều tiền mới có một bộ phim hay.

Các bộ phim điện ảnh hay không chỉ là những khung hình, cảnh chiến tranh hoành tráng mà còn ở cả những trăn trở về thân phận con người.

Nếu chúng ta có được những đạo diễn tài năng như thế, nền điện ảnh của chúng ta chắc chắn sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển.

Nhưng ở chiều ngược lại, để có thể có những tài năng như thế, chúng ta cần rất nhiều điều, cả về môi trường thể chế, chính sách hỗ trợ cho điện ảnh, cả về giáo dục, đào tạo điện ảnh, phê bình điện ảnh hay thị trường điện ảnh.

Học hỏi ở các quốc gia khác thông qua hợp tác làm phim, cử người tham gia các khóa đào tạo, tổ chức nhiều hơn nữa các liên hoan phim quốc tế ở Việt Nam, tham gia vào các liên hoan phim quốc tế... chính là cách chúng ta xây dựng nguồn lực quan trọng nhất cho điện ảnh.

Hào hoa (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

“Đất rừng phương Nam” đạt doanh thu 123 tỉ đồng và nghịch lý ở phim lịch sử

Mi Lan |

Bộ phim “Đất rừng phương Nam” cán mốc 123 tỉ đồng sau nhiều sóng gió, tranh cãi. Từ “Đất rừng phương Nam”, “nghịch lý” gây tranh cãi suốt thời gian dài của điện ảnh Việt tiếp tục được bàn lại. Đó là chuyện doanh thu khác biệt giữa phim có yếu tố lịch sử do tư nhân và nhà nước sản xuất.

Thấy gì từ những tranh cãi vẫn đang bủa vây “Đất rừng phương Nam”?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ |

Lao Động đăng tải bài viết của PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương quanh những tranh cãi về phim “Đất rừng phương Nam”.

Cần nhìn nhận "Đất rừng phương Nam" là sản phẩm mang tính hư cấu, sáng tạo

Nhóm PV |

Thời gian qua, có nhiều tranh luận trong lĩnh vực điện ảnh. Mới đây nhất là bộ phim "Đất rừng phương Nam" với những luồng ý kiến tranh luận trái chiều như làm sai lệch lịch sử, trang phục và bối cảnh chưa "thuần Việt"...

Người giàu thứ 2 Ấn Độ gọi ông Phạm Nhật Vượng là nhà lãnh đạo có tầm nhìn

Thanh Hà |

Ông Phạm Nhật Vượng vừa có cuộc gặp với ông Gautam Adani - tỉ phú giàu thứ hai Ấn Độ, giàu thứ 23 thế giới.

18 giờ kinh hoàng trên du thuyền chở 1.000 khách gặp bão dữ giữa biển

Ngọc Vân |

Chuyến đi trong mơ trở thành cơn ác mộng đối với 1.000 hành khách trên du thuyền bị bão tấn công giữa biển, khiến 100 người bị thương.

Công an vào cuộc vụ người dân ồ ạt mang sổ đỏ đi tích hợp VNeID

Khánh Linh |

Sau khi nhận được các cuộc gọi từ số máy lạ, nhiều công dân đã mang sổ đỏ và căn cước công dân đến Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Hà Nội để làm thủ tục khai báo, tích hợp thông tin vào ứng dụng VNelD.

Hiện trạng khu đất sẽ xây dựng toà tháp cao nhất Việt Nam

Vĩnh Hoàng |

Hà Nội - Dự kiến, toà tháp Trung tâm Tài chính 108 tầng thuộc dự án thành phố thông minh Bắc Hà Nội sẽ khởi công ngày 10.11.

Bản tin công đoàn: Thay đổi bảng lương của cán bộ, công chức năm 2024

Nhóm PV |

Bản tin công đoàn hôm nay có những nội dung chính sau: Số lượng lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần cao; Nhân lực chất lượng cao được săn đón; Xem xét lương cho người nghỉ hưu khi cải cách tiền lương; Bảng lương mới 2024 của cán bộ, công chức thay đổi như thế nào so với lương hiện hưởng?

“Đất rừng phương Nam” đạt doanh thu 123 tỉ đồng và nghịch lý ở phim lịch sử

Mi Lan |

Bộ phim “Đất rừng phương Nam” cán mốc 123 tỉ đồng sau nhiều sóng gió, tranh cãi. Từ “Đất rừng phương Nam”, “nghịch lý” gây tranh cãi suốt thời gian dài của điện ảnh Việt tiếp tục được bàn lại. Đó là chuyện doanh thu khác biệt giữa phim có yếu tố lịch sử do tư nhân và nhà nước sản xuất.

Thấy gì từ những tranh cãi vẫn đang bủa vây “Đất rừng phương Nam”?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ |

Lao Động đăng tải bài viết của PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương quanh những tranh cãi về phim “Đất rừng phương Nam”.

Cần nhìn nhận "Đất rừng phương Nam" là sản phẩm mang tính hư cấu, sáng tạo

Nhóm PV |

Thời gian qua, có nhiều tranh luận trong lĩnh vực điện ảnh. Mới đây nhất là bộ phim "Đất rừng phương Nam" với những luồng ý kiến tranh luận trái chiều như làm sai lệch lịch sử, trang phục và bối cảnh chưa "thuần Việt"...