Những cơ hội với nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại

VƯƠNG TRẦN (thực hiện) |

Với chủ đề “Đoàn kết - Chuyên nghiệp - Văn hóa - Sáng tạo”, Hội Báo toàn quốc năm 2023 diễn ra trong 3 ngày, từ 17 - 19.3 tại Bảo tàng Hà Nội. Một trong những nội dung trọng tâm trong Hội báo toàn quốc 2023 nhận được sự quan tâm của báo giới cả nước đó là vấn đề liên quan tới chuyển đổi số - vấn đề sống còn của báo chí trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Hội Báo toàn quốc là sự kiện lớn của báo giới cả nước chào mừng những thành tựu to lớn của đất nước trong tiến trình đổi mới, nêu bật những đóng góp và sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời quảng bá các sản phẩm báo chí gắn với hoạt động lao động, sáng tạo của các nhà báo trong cả nước.

Lao Động cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) về nội dung này.

Bắt đầu từ câu chuyện Chat GPT, từ khoá "nóng" này đang thu hút hàng trăm triệu lượt người dùng chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt và nhận được nhiều sự quan tâm của báo chí. Chat GPT sẽ tác động như thế nào tới hoạt động báo chí, thưa bà?

- ChatGPT đúng là một từ khoá "nóng". Ứng dụng này đã đạt được hàng trăm triệu lượt người dùng sau thời gian ngắn ra mắt. Đây có thể được coi là một ví dụ điển hình về sự nổi lên của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Sự tác động của ChatGPT với hoạt động báo chí là một nội dung lớn. Nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng đã có những tìm hiểu bước đầu để có những ứng xử phù hợp với ứng dụng này.

Chính các nhà báo ở Việt Nam với sự nhạy bén, tinh thần học hỏi cũng đã có những trải nghiệm, thử nghiệm và rút ra những bài học từ ứng dụng này. Các cơ quan báo chí cũng như vậy, nhiều cơ quan đã có những nhóm nghiên cứu, thử nghiệm ứng dụng để rút kinh nghiệm.

Những thông tin, nguồn dữ liệu có thể giúp cho các nhà báo có những định hướng tốt cũng như cái nhìn tổng quan để có những ứng xử có cơ sở phù hợp nhất.

Cùng với ChatGPT, các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo (AI) khác sẽ là những công cụ hỗ trợ cho các nhà báo, cơ quan báo chí trong phân tích dữ liệu, tìm kiếm, tổng hợp thông tin.

Cũng có những câu hỏi “ChatGPT có đáng sợ không?”, tôi cho rằng điều này còn phụ thuộc vào việc chúng ta kiểm soát, tiếp cận với các khuyến cáo như thế nào?

ChatGPT có thể trở thành một phụ tá cho các nhà báo. Nhưng các nhà báo mới là người thẩm định, kiểm soát thông tin và chốt lại các kịch bản cuối cùng. Các nhà báo cũng có thể sử dụng các ứng dụng khác để kiểm tra lại những thông tin mà ChatGPT tạo ra, giám sát robot này.

Một trong những đáng sợ nhất khi sử dụng ChatGPT đó là thông tin mà robot này đưa ra có thể không hoàn toàn chính xác (bởi nguồn tư liệu đầu vào thiếu chính xác). Nếu các nhà báo sử dụng và không kiểm chứng lại có thể vô hình làm lan truyền tin giả. Đây là một lưu ý khi sử dụng các công cụ tìm kiếm tư liệu. Nếu chúng ta kiểm soát được thông tin thì sử dụng ứng dụng này làm công cụ là rất tốt. Nhưng nếu không kiểm soát được thì đó lại là thách thức.

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) tham dự và phát biểu tại Đại hội Chi hội Nhà báo Báo Lao Động nhiệm kỳ 2023 - 2025. Ảnh: Hải Nguyễn
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) tham dự và phát biểu tại Đại hội Chi hội Nhà báo Báo Lao Động nhiệm kỳ 2023 - 2025. Ảnh: Hải Nguyễn

Vậy ứng dụng như thế nào của trí tuệ nhân tạo vào công cuộc chuyển đổi số để báo chí Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn, thưa bà?

-  Ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể được áp dụng trong các quá trình của việc chuyển đổi số. Trong đó có việc thiết lập các cơ sở dữ liệu, số hoá dữ liệu, đưa ra các phân tích dữ liệu cho các cơ quan báo chí.

Nắm vững cách hoạt động của từng bộ công cụ, từng nguyên tắc của nó nhằm phục vụ cho tiến trình của sự thay đổi. Từ việc số hoá, vốn dữ liệu chuyển sang mô hình kinh doanh số trên nền tảng số.

Việc nghiên cứu và tìm hiểu về các tiến bộ khoa học công nghệ nói chung và trí tuệ nhân tạo vào quy trình quản lý toà soạn và quy trình quản trị nội dung toà soạn là điều các cơ quan báo chí cần quan tâm. Từ đó có được những ứng xử phù hợp.

Ở góc độ quản lý Nhà nước về báo chí truyền thông cũng cần có những nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp, có những chỉ dẫn phù hợp và hành lang pháp lý trong việc đảm bảo hoạt động của các cơ quan báo chí.

Chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí cũng là một nội dung rất quan trọng trong hoạt động của cơ quan báo chí hiện nay. Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam cũng xác định đây là vấn đề “sống còn của báo chí, không thể không làm”. Đây cũng là một nội dung quan trọng trong Hội Báo toàn quốc 2023. Bà có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Một điều chúng ta dễ dàng nhận ra đó là trong những năm vừa qua, báo in ngày càng khó khăn hơn. Điều này do sự thay đổi về hành vi của người dùng. Các nội dung kỹ thuật số ngày càng xuất hiện nhiều hơn khiến bạn đọc bị xa rời báo in.

Chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Các nhà nghiên cứu báo chí cũng nhận định rằng, chuyển đổi số là vấn đề sống còn của báo chí. Báo chí nếu không chuyển đổi số thì không thể tồn tại bởi không còn độc giả, khán thính giả, không còn nguồn thu.

Chuyển đổi số sẽ gắn với sản phẩm dịch vụ, nằm trong chiến lược của cơ quan báo chí. Ứng dụng chuyển đổi số để cơ quan báo chí có những chiến lược phù hợp trong việc ra dòng sản phẩm gì, ra thị trường nào? Dòng sản phẩm số sẽ liên quan tới con người, quy trình tổ chức sản xuất của toà soạn.

Cùng với đó là các nội dung liên quan tới dữ liệu đầu vào, dữ liệu nội dung để tạo ra các sản phẩm báo chí của toà soạn. Trong các sản phẩm báo chí truyền thông thì loại hình báo mạng và phát thanh, truyền hình có yếu tố “số” mạnh hơn. Báo in cũng đang có những thay đổi trong việc giới thiệu các thông tin tới độc giả của mình. Nhiều tờ báo cũng đã gắn mã code trong các bài viết nhằm giới thiệu tới độc giả ở kênh khác.

Ngoài việc số hoá dữ liệu thì chuyển đổi số còn rất nhiều việc khác phải làm. Đó là tối ưu hoá trong quá trình quản trị, vừa sáng tạo nội dung và xuất bản trên môi trường số. Báo chí cần ứng dụng công nghệ, nằm trong hệ sinh thái số, đưa toà soạn là một phần trong bối cảnh hệ sinh thái số.

Trong chuyển đổi số, chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng AI để kiểm tra dữ liệu, tăng tốc độ sản xuất thông tin, chuyển dữ liệu text sang các hình thức khác như audio... một cách kịp thời trên các nền tảng khác nhau...

Chuyển đối số cũng sẽ giúp các cơ quan báo chí có thể quản trị nội dung, quản trị quá trình sản xuất một cách thuận tiện hơn. Cùng với đó là phân tích thị trường, phân tích khách hàng được tốt hơn để đưa ra những quyết định phù hợp hơn với nhu cầu công chúng.

Nhiều nội dung liên quan tới trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn cũng sẽ được đề cập tới trong các hoạt động nghiệp vụ của Hội báo toàn quốc 2023. Điều này sẽ mang tới những nhận thức chung cho các cơ quan báo chí về những vấn đề này.

Trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số là nội dung rất quan trọng mà các cơ quan báo chí cần quan tâm. Song, giá trị của nhà báo, trái tim và khối óc của nhà báo sẽ không thể bị thay thế?

- Đúng vậy! Trí tuệ nhân tạo rất thông minh nhưng đó là công cụ và không thay thế được các nhà báo. Báo chí sẽ không mất đi giá trị của mình và ứng dụng công nghệ sẽ là cơ hội tuyệt vời để báo chí có khả năng tiếp cận, lan toả với bạn đọc nhiều hơn. Tuy nhiên, báo chí cũng đối mặt với những thách thức to lớn trong bối cảnh kỹ thuật số, sự thay đổi hành vi của các nhóm công chúng.

Còn đối với các nhà báo phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, trách nhiệm xã hội đối với sản phẩm báo chí chứ không có robot nào chịu trách nhiệm thay. Nhà báo bằng trái tim, khối óc và lý trí với thế giới quan, nhân sinh quan, giá trị về nhân văn, nền tảng văn hoá của người làm báo thì “robot” không thể có được.

Xin cảm ơn PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng!


VƯƠNG TRẦN (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Hà Nội trao giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

HOÀI ANH |

Qua 5 mùa giải, công tác tổ chức triển khai thực hiện giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội được tổ chức ngày càng bài bản, khoa học, có nhiều đổi mới.

Ngày 10.6, trao Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân

PHẠM ĐÔNG |

Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất sẽ được tổ chức vào ngày 10.6, tại Hà Nội.

Chuyển đổi số, áp dụng công nghệ là vấn đề sống còn của báo chí

Vương Trần |

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Báo chí Việt Nam phải thực sự chuyên nghiệp, áp dụng những công nghệ làm báo hiện đại, không thể nghiệp dư và tại Hội báo toàn quốc năm 2023 sẽ có các cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.

Bắt nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Thái Bình

TRUNG DU |

Ông Đinh Văn Khoa - giám định viên, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Pháp y (Sở Y tế Thái Bình) bị khởi tố, bắt giam để điều tra tội tham ô tài sản.

Phạt 22 triệu đồng người phụ nữ ép 2 con đi bán rong trên vỉa hè Sa Pa

Tô Công |

Lào Cai - UBND thị xã Sa Pa vừa xử phạt 22 triệu đồng đối với trường hợp bà Lù Thị Máy -  là người thường xuyên bắt con đi bán hàng rong.

Người giữ lửa nghề làm nhẫn bạc của đồng bào Churu

Vân Hoa |

Tộc người Churu ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng có một nghề truyền thống từ lâu đời là nghề làm nhẫn bạc. Chiếc nhẫn được chạm khắc tinh xảo đóng vai trò quan trọng trong lễ cưới của người Churu. Cho đến nay, chỉ còn gia đình anh Ya Tuất là còn gắn bó với công việc này.

Nếu kéo dài, những con vật ở vườn thú Đà Nẵng sẽ chết dần chết mòn

Mai Hương |

Chứng kiến cảnh tượng nuôi nhốt những con thú ở vườn thú tại Công viên 29.3 (Đà Nẵng), nhiều người băn khoăn về số phận của những con thú tội nghiệp này.

Kinh doanh èo uột, khách sạn rao bán nhiều vẫn khó kiếm người mua

Bảo Chương |

Mặc dù tình hình khách du lịch quốc tế đã có nhiều sự cải thiện nhưng hiện nay nhiều khách sạn ở trung tâm TP.Hồ Chí Minh phải rao bán hoặc cho thuê lại, không ít nơi đang được cải tạo thành văn phòng vì kết quả hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Hà Nội trao giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

HOÀI ANH |

Qua 5 mùa giải, công tác tổ chức triển khai thực hiện giải báo chí về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội được tổ chức ngày càng bài bản, khoa học, có nhiều đổi mới.

Ngày 10.6, trao Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân

PHẠM ĐÔNG |

Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ nhất sẽ được tổ chức vào ngày 10.6, tại Hà Nội.

Chuyển đổi số, áp dụng công nghệ là vấn đề sống còn của báo chí

Vương Trần |

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: Báo chí Việt Nam phải thực sự chuyên nghiệp, áp dụng những công nghệ làm báo hiện đại, không thể nghiệp dư và tại Hội báo toàn quốc năm 2023 sẽ có các cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.