Nghề giáo và hạnh phúc sẻ chia

Bích Hà - Tường Vân |

Trên chặng đường tác nghiệp, chúng tôi đã chứng kiến và xúc động trước câu chuyện tình đẹp của nhiều cặp đôi cùng làm nghề giáo. Họ cùng chung chí hướng, tình yêu dành cho nghề “gieo chữ, trồng người” và lửa nghề đã giúp họ “kết duyên”.

Duyên nghề thắp tình yêu đôi lứa

Khẽ hát ru, ngắm nhìn đứa con thơ chìm vào giấc ngủ, rồi tranh thủ soạn bài, giáo án, cùng thảo luận về phương pháp giảng dạy, chuẩn bị cho giờ lên lớp vào ngày hôm sau… Mỗi tối, công việc của thầy Võ Văn Thuận, cô Nguyễn Thị Hạnh vẫn lặp lại như vậy. Cùng nghề, lại dạy cùng trường, cô thầy thấu hiểu cho nhau, về nghề của nhau.

Cô Hạnh kể, 2 năm trước, khi vừa tốt nghiệp khoa sư phạm Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô quyết tâm trở về quê hương Thanh Hoá với hy vọng gieo mầm tri thức cho bao thế trẻ tương lai, mang sức trẻ, sự nhiệt huyết của mình giúp quê hương ngày càng phát triển. Ngôi trường cô Hạnh về công tác là THPT Quan Hoá, thuộc khu vực miền núi khó khăn của tỉnh Thanh Hoá.

Nơi đây thiếu đủ thứ, từ cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, sinh hoạt so với khu vực thành thị. Nhưng cô không ngờ, tại đây, tình yêu của cô đã nảy nở, lớn dần cùng tình yêu dành cho nghề giáo.

“Năm đó, khi tôi mới về trường công tác, chiếc máy in của tôi thường xuyên trục trặc. Tôi không thông thạo về các thiết bị, máy móc, trường lại xa trung tâm nên khó khăn trong việc tìm thợ sửa. Thầy Thuận là giáo viên tin học của trường, nên tôi thường nhờ qua xem, hỗ trợ sửa máy in. Là giáo viên nhiều kinh nghiệm, thầy cũng hay giúp tôi tìm các phương pháp mới để truyền thụ kiến thức tốt nhất đến học sinh. Qua nhiều lần tiếp xúc, chúng tôi cảm mến nhau, tình cảm đôi lứa nhen nhóm từ lúc nào không biết” - cô Hạnh nói.

Thế rồi, định mệnh giúp họ gặp nhau cũng như nghề giáo đã lựa chọn họ. Gần một năm sau, cô Hạnh và thầy Thuận quyết định về chung một nhà, cùng nhau xây tổ ấm. Dịp vui của hai người, mái trường THPT Quan Hoá rộn rã tiếng cười, lời chúc phúc của học trò, đồng nghiệp. Mỗi ngày, họ cùng nhau đến trường, cùng nhau soạn bài giảng, hỗ trợ nhau trong việc giảng dạy, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn.

Với nhiều giáo viên ở khu vực thành thị, ngoài thu nhập chính, còn có nguồn thu từ việc dạy thêm, nhưng với vợ chồng cô Hạnh và thầy Thuận, mọi sinh hoạt gia đình đều trông chờ vào đồng lương hàng tháng. Đặc biệt, cô Hạnh vẫn là giáo viên hợp đồng, đồng lương càng eo hẹp, nên phải khéo lắm mới đủ chi tiêu.

“Ngoài giờ lên lớp, tôi cũng dạy thêm, kèm cặp cho một nhóm học sinh. Nhưng thương các em, gia đình khó khăn nên tôi không lấy tiền. Cuộc sống của 2 vợ chồng có thêm con nhỏ, thêm trăm khoản chi tiêu lại càng chật vật, vất vả hơn. Bù lại, vợ chồng cùng nghề, thấu hiểu cho nhau và cả hai đều có chung tình yêu lớn dành cho nghề giáo, nên luôn động viên nhau cố gắng. Tuy nghèo về vật chất nhưng chúng tôi vẫn rất vui vì cả gia đình luôn bên nhau, nương tựa, cùng nhau vượt qua khó khăn” - cô Hạnh giãi bày.

Cũng như thầy Thuận, cô Hạnh, đến nay vợ chồng cô Đỗ Thị Thúy đã gắn bó 15 năm với ngành giáo dục huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Khoảng thời gian hai người nuôi lửa nghề cũng chính là thời gian cùng nhau vun đắp tình yêu, rồi sau này là giữ lửa mái ấm nhỏ của mình.

Năm 2008, khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, nhiều nơi trên cả nước đang xảy ra việc thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Tại Hưng Yên năm đó, giáo viên bộ môn Văn - Sử cấp THCS đang thừa, chật vật mãi không xin được việc làm, cô Thúy đã tình nguyện viết đơn lên vùng cao dạy học. Cô được phân công về giảng dạy ở một điểm trường của huyện Lục Yên, Yên Bái.

Lúc đó đường sá đi lại khó khăn, còn chỗ ở của giáo viên chỉ là căn nhà tạm bằng tranh tre, nứa lá… Sống và làm việc trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, những người giáo viên vùng cao luôn đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Dù ban đầu chỉ định lên cắm bản để có việc làm, sau này sẽ tìm cách để chuyển về xuôi, nhưng duyên nghề đã giúp thắp lửa tình yêu đôi lứa. Cô Thúy đã nên duyên với một đồng nghiệp nam cùng trường.

Thế rồi, người từ Hưng Yên lên, người từ Thái Nguyên đến, mười mấy năm nay đã chọn mảnh đất Lục Yên là nhà, là nơi để gắn bó. Lòng yêu nghề, mến trẻ đã trở thành động lực giúp thầy cô vượt qua khó khăn, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình, cùng thực hiện ước mơ giúp những trò nghèo học được con chữ.

Hạnh phúc khi được sẻ chia

Hạnh phúc của người thầy không phải là những gì lớn lao mà chính từ những điều giản đơn là được làm công việc mình yêu thích, dù cho nghề còn vất vả, áp lực cơm áo bủa vây. Có điều, khi cuộc sống còn khó khăn, khó đòi hỏi hạnh phúc được tròn đầy. Với những gia đình cùng làm nghề giáo như cô Hạnh, cô Thúy, nếu không có tình yêu thật sự lớn dành cho nghề giáo, sẽ rất khó để bám trụ với nghề. Điều họ mong mỏi lúc này là các đề xuất tăng lương, tăng phụ cấp, tăng biên chế giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm được các ban, ngành chấp thuận, để giáo viên sống được bằng nghề.

Hiện nay, ngay cô Thúy, sáng lên bục giảng, chiều về tranh thủ đi bán hàng để có thêm thu nhập. Nhiều đồng nghiệp của cô cũng đang “lấy nghề tay trái để nuôi nghề tay phải”, làm thêm từ mứt, bánh bột lọc, nấu dầu dừa, sấy các loại hạt, làm bột ngũ cốc... để bán. Cứ mùa nào thức ấy, bán đủ cả để có thêm thu nhập nuôi con.

Hay như cô Kim Oanh - giáo viên Trường THPT Tam Đảo 2 (Vĩnh Phúc), sau 16 năm công tác trong ngành Giáo dục, với mức lương tháng 8 triệu đồng, để đủ trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học, ngoài giờ dạy, cô buộc phải làm thêm. Hai vợ chồng cô nhận may và lắp rèm cửa, phải tranh thủ làm vào ban đêm vì ban ngày không có thời gian. Chỉ cần có đơn đặt hàng, dù mưa nắng, dù xa hay gần thì cô vẫn lắp cho khách. Cô còn làm ruộng, trồng thêm rau để cải thiện bữa ăn, bớt được một khoản tiền mua lương thực hằng ngày.

Thêm một điều mà đội ngũ giáo viên trên cả nước đang băn khoăn và phải đối mặt là “áp lực nghề giáo”. Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa đến nay đã thực hiện cuốn chiếu được hơn 3 năm và sẽ hoàn thành vào năm 2025. Đi được hơn nửa chặng đường, nhiều thầy cô tâm sự đang bị “đuối sức”. Giáo viên nói rằng, hiện nay, có quá nhiều áp lực bủa vây họ: Áp lực phải đổi mới, áp lực từ kỳ vọng của phụ huynh và xã hội.

Giáo viên cũng là con người nhưng lại được mặc định là không được quyền phạm sai lầm, luôn chịu nhiều soi xét và cái nhìn khắt khe từ xã hội. Dù nghề giáo vẫn được xem là nghề cao quý, nhưng nhà giáo lại là những người dễ bị tổn thương nhất. Vì ngoài trang sách, giáo án và đạo đức nghề nghiệp, họ không có thế lực, tài lực, vật lực gì khác để khẳng định mình trước mắt nhìn xã hội. Thậm chí, nhiều giáo viên tâm sự, bây giờ họ sợ trách phạt học sinh vì không phải phụ huynh nào cũng có sự đồng hành và chia sẻ. Khi xã hội không chia sẻ thì nhà giáo khó hạnh phúc trọn vẹn với nghề.

Vậy chia sẻ với nghề giáo như thế nào? Theo thầy Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Hòa Bình - đơn giản chỉ cần phụ huynh không còn tư tưởng “trăm sự nhờ thầy”, đừng bỏ qua vai trò gia đình, để đồng hành với giáo viên trong việc giáo dục con trẻ. Là khi thu nhập của nhà giáo đúng với vị thế của nghề, giúp thầy cô yên tâm sống với nghề và đáp ứng kỳ vọng của xã hội.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: 

Không có sự đồng hành, chia sẻ, đổi mới khó thành công

“Đối với giáo dục phổ thông, sự đổi mới đang được thực hiện với một tốc độ rất nhanh. Trong cùng một năm nhưng thực hiện thay đổi về sách giáo khoa, về dạy và học đối với rất nhiều lớp và triển khai đồng thời ở cả ba cấp. Trong một tiến độ thời gian như vậy, để thực hiện được những việc lớn với một sự kỳ vọng lớn, có thể nói, đối với giáo viên, cán bộ quản lý và với toàn ngành, đây là một thách thức.

Tôi mong rằng toàn xã hội cũng như các phụ huynh sẽ cùng chia sẻ, đồng hành với các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục, với ngành, để cùng nhau hoàn thành được các nhiệm vụ đổi mới. Nếu như thiếu sự ủng hộ, vào cuộc, đồng hành của phụ huynh, chắc chắn sự đổi mới này rất khó có thể thành công”.

Bích Hà - Tường Vân
TIN LIÊN QUAN

Giữ ấm cho học sinh vùng cao những ngày giá rét

Minh Nguyễn |

Hòa Bình - Khi những ngày mùa Đông giá rét đến, các thầy cô giáo lại tất bật chuẩn bị các giải pháp phòng, chống rét cho học sinh vùng cao.

Áp dụng nhiều giải pháp để chống rét cho học sinh vùng cao Lai Châu

TỐNG BAO |

Năm nào cũng vậy, khi mùa Đông đến các thầy cô giáo ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu lại tất bật chuẩn bị các giải pháp phòng, chống rét cho học sinh vùng cao.

Nỗi nhớ con trở thành tình cảm đặc biệt với các em học sinh vùng cao

Hoài Luân |

Vượt đường sá xa xôi, nén nỗi nhớ gia đình, đem tình yêu thương và tri thức tới các em nhỏ... nhiều năm qua, các giáo viên trẻ đã gắn bó nhiều năm với điểm trường vùng cao Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) như vậy.

Tạm giữ 2 nghi can liên quan vụ 4 tiếp viên hàng không xách hơn 11 kg ma túy

Anh Tú - Huân Cao |

TPHCM - Ngày  23.3, theo một nguồn tin xác nhận, hiện phía Công an TP Hồ Chí Minh đang tạm giữ 2 nghi can liên quan đến việc 4 nữ tiếp viên mang 11,28 kg ma túy từ Pháp về sân bay Tân Sơn Nhất hôm 16.3.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Có nên lấy thời gian bảo hành để tính chu kỳ đăng kiểm?

Anh Tuấn |

Nhiều người đặt câu hỏi ôtô mới mua được bảo dưỡng tốt, bảo hành những 5 năm, vì sao không lấy thời gian bảo hành quy đổi thành quãng thời gian tính chu kỳ đăng kiểm lần đầu? Chuyên gia đã có giải đáp về vấn đề này.

FLC hẹn ít nhất 7 tháng nữa sẽ niêm yết cổ phiếu trở lại UPCOM

Đức Mạnh |

CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM về lộ trình khắc phục các vấn đề vi phạm công bố thông tin để cổ phiếu FLC được giao dịch trở lại trên thị trường UPCOM.

Chủ tịch Vietlott làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển Việt Nam

PHẠM ĐÔNG |

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) được Thủ tướng bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Giữ ấm cho học sinh vùng cao những ngày giá rét

Minh Nguyễn |

Hòa Bình - Khi những ngày mùa Đông giá rét đến, các thầy cô giáo lại tất bật chuẩn bị các giải pháp phòng, chống rét cho học sinh vùng cao.

Áp dụng nhiều giải pháp để chống rét cho học sinh vùng cao Lai Châu

TỐNG BAO |

Năm nào cũng vậy, khi mùa Đông đến các thầy cô giáo ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu lại tất bật chuẩn bị các giải pháp phòng, chống rét cho học sinh vùng cao.

Nỗi nhớ con trở thành tình cảm đặc biệt với các em học sinh vùng cao

Hoài Luân |

Vượt đường sá xa xôi, nén nỗi nhớ gia đình, đem tình yêu thương và tri thức tới các em nhỏ... nhiều năm qua, các giáo viên trẻ đã gắn bó nhiều năm với điểm trường vùng cao Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) như vậy.