Lưu giữ "hồn vía" cho đô thị Huế

Hoàng Văn Minh |

Việc lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế thuê “thần đèn” Nguyễn Văn Cư ở TPHCM nghiên cứu việc di dời ngôi biệt thự kiến trúc Pháp ở số 26 Lê Lợi thay vì đập bỏ với mong muốn “lưu giữ hồn vía cho đô thị Huế”, có thể coi là một sự kiện văn hoá lớn của năm 2022, chỉ sau sự “hồi hương” của hai cổ vật triều Nguyễn.

Từng dự kiến đập bỏ

Trao đổi với phóng viên Lao Động, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Tỉnh sẽ thuê "thần đèn" Nguyễn Văn Cư ở Thành phố Hồ Chí Minh ra Huế để nghiên cứu, di dời biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi. Địa điểm di dời là khu đất trống phía đối diện ở bờ sông Hương và toà nhà này sẽ được sử dụng cho mục đích dịch vụ. Biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi nguyên là trụ sở của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế (Liên hiệp Các hội Vắn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đây là một ngôi biệt thự Pháp được xây dựng đầu thế kỷ 20. Tòa nhà này trước đó do xuống cấp nên từng được sửa chữa vào năm 2000, nhưng vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu với điểm nổi bật là hàng hoa bách hợp được trang trí ở phần nóc - một nét độc đáo trong kiến trúc các biệt thự cổ Pháp.

Trước đó, để phục vụ cho việc phát triển đô thị Huế theo quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương, trong đó có dự án khu phức hợp khách sạn và dịch vụ thương mại cao cấp tại khu đất số 26 Lê Lợi, toà biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi dự kiến sẽ bị đập bỏ. Đặc biệt trong năm 2018, khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ban hành quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế nhằm chuẩn bị xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của 27 công trình trên, biệt thự Pháp số 26 Lê Lợi không có tên trong danh sách này. Theo ông Nguyễn Văn Phương, "thời gian qua, có rất nhiều phương án được đặt ra để xử lý ngôi biệt thự số 26 Lê Lợi. Mặc dù ngôi biệt thự này không có tên trong danh sách 27 biệt thự Pháp trên địa bàn thành phố được bảo tồn, tôn tạo, phát huy... tuy nhiên chúng tôi vẫn quyết định giữ lại ngôi biệt thự này ở vị trí đối diện với mong muốn lưu giữ hồn vía cho đô thị Huế trong quá trình phát triển”.

Quyết định giữ và di dời ngôi biệt thự Pháp số 26 Lê Lợi của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được sự hoan nghênh của nhiều giới. "Đây là một quyết định rất đúng và kịp thời của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế" - Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế, người có rất nhiều năm gắn bó với biệt thự số 26 Lê Lợi - nói.

Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, biệt thự số 26 Lê Lợi, “mái nhà văn nghệ Huế” - trụ sở của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế từ năm 1975 đến cuối năm 2021 là công trình mang đặc trưng của kiến trúc thời Pháp thuộc, có sự giao thoa với kiến trúc bản địa; là một bộ phận không thể thiếu đối với giá trị kiến trúc cảnh quan dọc đường Lê Lợi đẹp nhất thành phố Huế. “Mâu thuẫn giữa “bảo tồn” và phát triển, nhất là việc bảo tồn ký ức đô thị qua những công trình xây dựng là chuyện rất cũ không chỉ ở Huế mà với rất nhiều địa phương trong cả nước. “Tuy nhiên, việc lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế chọn phương án dung hòa là di dời đến vị trí khác thay vì đập bỏ, theo tôi là chuyện mới, rất đáng ghi nhận và ủng hộ", ông Ngọc nói.

Biệt thự số 26 Lê Lợi, Huế. Ảnh: LDO
Biệt thự số 26 Lê Lợi, Huế. Ảnh: LDO

Vẫn còn nhiều băn khoăn

Trở lại với quyết định công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Huế của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vào năm 2018. Việc công bố 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, theo ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế thời điểm đấy là nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của 27 công trình trên. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thừa Thiên - Huế thì đây là một quyết định khá khó hiểu bởi trong số 27 công trình kiến trúc được nêu có 2 công trình không phải là kiến trúc Pháp. Đó là nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế và nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam. Theo ông Hoa, nhà thờ Chính Tòa Phủ Cam hiện nay được khởi công xây dựng vào năm 1960, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Sau nhiều biến cố lịch sử, đến tận năm 2000 nhà thờ này mới chính thức hoàn thành. Còn nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - tên theo như trong quyết định - được khởi công xây dựng vào tháng 1.1959, tức không nằm trong giai đoạn thuộc Pháp.

Vấn đề nữa là hiện ở Huế có nhiều hơn con số 27 công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu, nhưng vì sao chính quyền lại chỉ đầu tư để bảo tồn, tôn tạo có chừng đó? GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng nếu danh mục kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Huế chỉ 27 công trình như vậy thì thay vì bảo tồn di sản đô thị thời thuộc Pháp tại Huế hóa ra lại thành bảo tồn những công trình đơn lẻ. Theo ông Kính, 27 công trình ấy không thể đại diện cho cả một giai đoạn tham gia của kiến trúc thời Pháp thuộc ở Huế, bởi con số ít ỏi trên không thể góp phần tạo dựng diện mạo đô thị được. Đặc biệt là biệt thự số 26 Lê Lợi, trụ sở của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế từ năm 1975 đến nay. Đây là công trình mang đặc trưng của kiến trúc thời Pháp thuộc có sự giao thoa với kiến trúc bản địa; là một bộ phận không thể thiếu đối với giá trị kiến trúc cảnh quan dọc đường Lê Lợi đẹp nhất Huế lại không có tên trong quyết định.

Còn nhớ tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế chiều 12.7.2018, nhiều đại biểu chất vấn về việc có nhiều công trình không phải xây dựng vào thời Pháp thuộc, vậy thì quyết định này là nhằm bảo tồn kiến trúc thời Pháp hay là công trình mang phong cách kiến trúc thời Pháp. Ông Hoàng Hải Minh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế (bây giờ là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) trả lời, rằng trong quá trình nghiên cứu đã lấy ý kiến các sở ngành, các chuyên gia, thì “việc này là dựa trên giá trị nghệ thuật kiến trúc mang... giá trị kiến trúc Pháp, chứ không phải là xây dựng thời Pháp”. Và theo ông Minh, danh sách này không dừng lại 27 công trình, mà sẽ tiếp tục bổ sung trong thời gian tới.

Nói như ông Hoàng Hải Minh thì sắp tới ở Huế, cứ công trình nào được xây dựng không kể mới hay cũ, chỉ cần có giá trị nghệ thuật kiến trúc mang giá trị kiến trúc Pháp thì đều có cơ hội được chính quyền đưa vào diện bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị (!?). Có theo tư duy kiểu “lưu giữ hồn vía cho đô thị Huế” của ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thì hy vọng rằng, việc thuê “thần đèn” di dời một ngôi biệt thự Pháp, từng không có tên trong kế hoạch, kêu gọi đầu tư để bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị... các công trình kiến trúc Pháp tiểu biểu trên địa bàn thành phố Huế sẽ là một sự khởi đầu mới.

Hoàng Văn Minh
TIN LIÊN QUAN

Ngắm nhiều diều "khủng" tại Lễ hội Diều Huế 2022

PHÚC ĐẠT |

THỪA THIÊN HUẾ - Rất đông người dân, du khách đã đến xem thả diều, trưng bày và trải nghiệm làm diều tại Lễ hội Diều Huế 2022.

Thừa Thiên Huế tiếp nhận 2 cổ vật đắt giá triều Nguyễn

PHÚC ĐẠT |

THỪA THIÊN HUẾ - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức tiếp nhận 2 cổ vật triều Nguyễn đấu giá thành công ở nước ngoài.

Hai cổ vật mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình đã trở về Cố đô Huế

Tường Minh |

Huế - Hai cổ vật Mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình đã trở về Cố đô Huế. Và lễ tiếp nhận hai cổ vật này sẽ diễn ra vào ngày 17.4 tới đây.

Giá lúa gạo, rau củ tăng gấp đôi nhờ AI

Anh Tuấn |

Thực tế cho thấy giá cả, năng suất của gạo, rau củ quả đều tăng khi ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp.

Hàng loạt thuốc huyết áp, tuần hoàn não bị Bộ Y tế tạm dừng sử dụng

Thu Trang |

Bộ Y tế vừa yêu cầu tạm ngừng nhập khẩu, phân phối, lưu hành và sử dụng 15 loại thuốc do cơ sở Arena Group S.A. (Romania) sản xuất. Trong số này có nhiều loại thuốc huyết áp, tuần hoàn não.

Xe tải mất lái lao vào quán nước, 7 người bị thương

Phương Linh |

Xe tải mất lái lao vào quán nước ven Quốc lộ 1 đoạn qua xã Ninh Thọ, Thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) khiến nhiều người bị thương.

Việt Nam trả lời về khả năng nâng cấp quan hệ với Mỹ

Thanh Hà |

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 23.3, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã trả lời báo giới về khả năng nâng cấp quan hệ của Việt Nam - Mỹ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược.

Năng lực an ninh mạng của Việt Nam cải thiện đáng kể trong 5 năm qua

NGUYỄN ĐĂNG |

Báo cáo mới nhất từ ​​công ty an ninh mạng toàn cầu cho thấy những chuyển biến tích cực trong tình hình an ninh mạng của Việt Nam, khi các mối đe dọa trực tuyến lẫn ngoại tuyến đều giảm mạnh.

Ngắm nhiều diều "khủng" tại Lễ hội Diều Huế 2022

PHÚC ĐẠT |

THỪA THIÊN HUẾ - Rất đông người dân, du khách đã đến xem thả diều, trưng bày và trải nghiệm làm diều tại Lễ hội Diều Huế 2022.

Thừa Thiên Huế tiếp nhận 2 cổ vật đắt giá triều Nguyễn

PHÚC ĐẠT |

THỪA THIÊN HUẾ - Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức tiếp nhận 2 cổ vật triều Nguyễn đấu giá thành công ở nước ngoài.

Hai cổ vật mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình đã trở về Cố đô Huế

Tường Minh |

Huế - Hai cổ vật Mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình đã trở về Cố đô Huế. Và lễ tiếp nhận hai cổ vật này sẽ diễn ra vào ngày 17.4 tới đây.