Hướng dương ngược nắng

Phúc Lâm |

Tôi được Hạnh mời về quê - một xóm nhỏ hướng thẳng ra biển ở xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh - để khai trương một quán ăn nhỏ. Thực tế, đó lại là một nhà hàng hải sản to nhất nhì khu vực.

Đi là để trở về

Hạnh dáng thấp, nhỏ nhưng trông trắng trẻo, không giống dân vùng biển. “Lẽ ra, em sẽ là một kỹ sư vì muốn học đại học Bách Khoa. Sức học của em cũng tốt, thi thì khả năng cũng đỗ mà chắc là đỗ. Cuối cùng thì em quyết định đi Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu lao động. Có nhiều lí do lắm, một phần là nếu học đại học, bố mẹ sẽ phải nuôi em thêm mấy năm nữa còn đi xuất khẩu lao động thì tháng sau là gửi tiền về nuôi bố mẹ rồi”.

Hạnh bỏ ước mơ trở thành một kỹ sư để làm công nhân và bằng vốn liếng góp lại, chỉ sau vài năm anh trở về quyết định mở nhà hàng. “Cho đến giờ, em vẫn nghĩ quyết định của em là đúng” - Hạnh nói.

Thực tế thì ở vùng Cương Gián, những thanh niên như Hạnh nhiều, đếm không xuể. Bởi lẽ đây là cái tên đã quá nổi tiếng trong “ngành xuất khẩu lao động” ở Hà Tĩnh. Trần Đại - một đồng nghiệp của tôi quê ở Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) khi nhắc đến Cương Gián thì nói ngay: “Làng tỉ phú đấy, tất cả là nhờ xuất khẩu lao động. Anh đến thì biết, nhà cửa, đường xá có khác gì phố đâu. Dân đi xuất khẩu lao động gửi tiền về xây nhà, mở cửa hàng ở Cương Gián cả hơn chục năm nay rồi. Nhiều gia đình ở Cương Gián có 5 - 7 người đi xuất khẩu lao động là bình thường. Cứ một vài người đi trước có vốn sau cho người khác mượn tiền để đi, dần dần cả làng, cả xã cùng đi xuất khẩu lao động. Với dân ở đây, xuất khẩu lao động mới chính là con đường làm giàu nhanh nhất, chứ không phải đi học đại học”.

Ông Hoàng Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Cương Gián - thông tin, toàn xã Cương Gián có hơn 3.390 hộ dân với khoảng 15.000 nhân khẩu, trong đó hiện có gần 3.000 người đang đi xuất khẩu lao động làm việc ở nước ngoài tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước châu Âu... Nhiều người sang nước ngoài lao động nhiều năm rồi ở lại định cư lâu dài luôn.

“Mỗi năm, toàn bộ số lao động của xã chúng tôi ở nước ngoài gửi về nước khoảng 400 - 500 tỉ đồng” - ông Hà chia sẻ.

Tiền về là một chuyện, kiến thức khi lao động ở nước ngoài khi trở về cũng là một thứ tài sản quý. Tôi nhớ đến câu chuyện truyền cảm hứng từ một doanh nhân trẻ ở Nghệ An, từng học hết Cao đẳng, tốt nghiệp đại học nhưng vẫn xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc làm công nhân để khi trở về trở thành ông chủ. Đó là Lê Lương Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Strongplus Elevator Việt - Hàn, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, lắp đặt thang máy khu vực Bắc Trung Bộ.

Lê Lương Nguyên sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đến năm 2001, anh học nghề ở Trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc, chuyên ngành kỹ thuật điện. Sau khi tốt nghiệp, Nguyên vào TPHCM làm kỹ thuật điện cho một doanh nghiệp Đài Loan trong vòng hơn 1 năm.

Đến năm 2005, chàng công nhân lại trở về làm việc tại TP Vinh chuyên ngành kỹ thuật điện cho một doanh nghiệp sản xuất nhựa và bao bóng. Cũng trong năm này, anh tiếp tục theo đuổi việc học liên thông Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh thêm 2 năm.

Thế rồi, Nguyên cất tấm bằng Đại học và quyết định đi xuất khẩu lao động tại tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc. Doanh nghiệp nơi anh làm việc chuyên sản xuất, gia công kết cấu thép. Tuy nhiên, làm được hai tháng thì công ty công bố phá sản, anh không nhận được một đồng lương nào. Trong thời gian chờ đợi, anh được một người giới thiệu đến gặp ông Park Je Min - Chủ tịch Tập đoàn thang máy Geo Chang. Đây là “cuộc gặp định mệnh” - như lời Nguyên nói làm thay đổi cuộc đời anh. Về nước, Nguyên nung nấu mở một công ty sản xuất linh kiện bu lông, ốc vít về thang máy.

Nhưng phải đến 5 năm sau, năm 2013, Nguyên cùng những người thợ kỹ thuật đầu tiên thành lập công ty chuyên sản xuất bu lông, ốc vít và linh kiện cơ khí khác tại TP Vinh để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Dubai. Hiện doanh nghiệp của Nguyên đang quản lí hơn 50 lao động làm việc tại Việt Nam và nhiều lao động bán thời gian, thu nhập bình quân từ 8 - 20 triệu đồng/người/tháng.

Lê Lương Nguyên được Bộ LĐTBXH của Việt Nam và phía Hàn Quốc bình chọn là cá nhân tiêu biểu trong cuộc thi “Lao động hồi hương thành công nhất năm 2020 và 2021”.

Khát vọng làm giàu

Theo số liệu thống kê của Sở LĐTBXH Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 83.000 người đi đào tạo, học tập, công tác, sinh sống và lao động ở nước ngoài.

Riêng năm 2022, toàn tỉnh Hà Tĩnh đưa được 11.517 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có 6.041 lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), 4.151 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, 306 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc... Năm 2023, tỉnh này đặt mục tiêu đưa hơn 8.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Còn ở Nghệ An, con số vừa được công bố tại cuộc họp HĐND tỉnh thì Nghệ An tiếp tục là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về xuất khẩu lao động với khoảng trên 75.000 người. Mỗi năm số ngoại tệ gửi về cho người thân khoảng 500 - 550 triệu USD. Tính riêng 2022, số lượng lao động Nghệ An đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 24.560 người, vượt kế hoạch năm 81% và tăng 115,8% so với năm 2021. Trong đó 11 huyện miền núi có 7.643 người, chiếm 31%, tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu... 6 tháng đầu năm 2023, Nghệ An xuất khẩu trên 11.000 lao động.

Ngoài góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, lượng kiều hối còn thay đổi bộ mặt nhiều vùng quê với hệ thống hạ tầng khang trang. Bên cạnh đó, hoạt động lao động ở nước ngoài còn tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao khi hết hạn hợp đồng trở về nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn mới.

Mới rồi, báo chí lại rộ lên câu chuyện nhiều bạn trẻ trúng tuyển đại học nhưng quyết định ra nước ngoài làm thuê. Tôi hỏi chuyện này thì Đại nói rằng: “Chuyện bỏ đại học để đi làm thuê ở nước ngoài đối với Nghệ An, Hà Tĩnh không mới mà cũng chẳng lạ. Tất nhiên không phải ai học tốt cũng từ chối đại học để xuất khẩu lao động. Nhưng anh thử nghĩ xem, học đại học bây giờ mỗi tháng cũng phải chi tiêu vài triệu cả học phí lẫn ăn ở, rồi ra trường nếu may mắn có việc ngay thì lương cũng bèo bọt, có khi phải phấn đấu chục năm mới có đồng lương tạm đủ trang trải cuộc sống. Mà làm công nhân ở quê thì phập phù, lúc có việc, lúc không. Đi xuất khẩu lao động có thể coi là một hướng lập nghiệp. Học đại học hay đi xuất khẩu lao động tuỳ vào hoàn cảnh từng gia đình, khả năng từng cá nhân miễn là đóng góp được cho gia đình, quê hương thì làm gì cũng tốt”.

Xuất khẩu lao động là một chủ trương của Đảng và Nhà nước. Cuối năm 2022, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Chỉ thị nêu rõ: “Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI, công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả của công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, đất nước, quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế; nhiều người khi về nước tiếp tục tham gia có hiệu quả vào thị trường lao động trong nước với tinh thần, ý thức trách nhiệm và năng lực, trình độ, kỹ năng tay nghề cao”.

Đã có thời và thậm chí bây giờ, phần đông gia đình vẫn cho rằng việc học đại học làn con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ và sinh viên ra trường thất nghiệp tràn lan.

Cần phải nhận thức rằng, đại học chỉ là một trong những đích đến chứ không phải là con đường duy nhất để quyết định sự thành công của một cá nhân. Những người như Hạnh, như Lê Lương Nguyên có thể ví như những đoá hoa hướng dương ngược nắng nhưng vẫn lung linh bởi sự cống hiến của họ cho quê hương bằng con đường xuất khẩu lao động thay vì chạy theo trào lưu cứ phải cầm tấm bằng đại học.

Bởi chấp nhận làm những bông hướng dương ngược nắng cũng phải có bản lĩnh, quyết tâm.

Phúc Lâm
TIN LIÊN QUAN

Xuất khẩu lao động ở Vĩnh Long khởi sắc

HOÀNG LỘC |

Xin việc làm trong nước gặp nhiều khó khăn, từ đầu năm 2023, nhiều lao động ở Vĩnh Long mong muốn được xuất khẩu lao động.

Bị giảm việc, công nhân mong chờ được xuất khẩu lao động

LƯƠNG HẠNH |

Tình trạng không được tăng ca, làm thêm kéo dài từ cuối tháng 12.2022 đến nay, anh Hùng đã tính đến việc đi xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài giải quyết nỗi lo chi phí hơn 100 triệu đồng, anh Hùng còn ái ngại việc học ngoại ngữ ở độ tuổi gần 40.

Nhiều người ở Lâm Đồng chọn xuất khẩu lao động để lập thân, lập nghiệp

Phan Tuấn |

Hiện nay, nhiều bạn trẻ ở Lâm Đồng đang có xu hướng chọn kênh xuất khẩu lao động để làm hành trang lập thân, lập nghiệp.

Thanh Nhã kêu gọi người hâm mộ cổ vũ tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023

HOÀNG HUÊ |

Tiền vệ Thanh Nhã hi vọng người hâm mộ sẽ tiếp tục cổ vũ, sát cánh cùng đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023.

Hải Phòng cưỡng chế kê biên biệt thự của nguyên giám đốc công ty đóng tàu

Mai Chi |

Ngày 17.7, Cục Thi hành án dân sự TP Hải Phòng đã tổ chức cưỡng chế, kê biên, xử lý căn biệt thự tại đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) để thi hành án trong vụ đại án Vinashin từ năm 2012.

Nga cáo buộc Ukraina tấn công cầu Crimea làm 2 người thiệt mạng

Ngọc Vân |

RT đưa tin, cuộc tấn công cầu Crimea của Ukraina ngày 17.7 làm ít nhất hai người thiệt mạng, một trẻ em bị thương và làm hư hại một đoạn cầu - Ủy ban chống khủng bố quốc gia Nga cáo buộc.

Cần sớm có một quyết định nhân văn của Trường Đại học Vinh

LÊ PHI LONG |

Hàng chục học viên ở Quảng Bình đang kêu cứu, mòn mỏi đợi chờ để được thi tốt nghiệp; được cấp bằng; nước mắt, lo lắng, cơ hội trôi đi, nguy cơ mất việc hiện hữu bởi chỉ một nguyên nhân duy nhất: tiền học phí học viên đã đóng chưa chuyển "đến tay" Trường Đại học Vinh.

Nhiều tài xế chưa rõ về biển cấm xe tải, xe khách trên đường Hồ Tùng Mậu

Tô Thế - Phúc Đạt |

Hà Nội - Sau 1 tuần tổ chức lại giao thông cùng với những điều chỉnh về biển báo, đèn tín hiệu cũng như phương án phân luồng, tình hình ùn tắc giao thông trên nút giao Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều tài xế xe tải, xe khách chưa nắm được thông tin cấm đường nên vẫn điều khiển phương tiện đi vào đường Hồ Tùng Mậu hướng về nút giao Mai Dịch.

Xuất khẩu lao động ở Vĩnh Long khởi sắc

HOÀNG LỘC |

Xin việc làm trong nước gặp nhiều khó khăn, từ đầu năm 2023, nhiều lao động ở Vĩnh Long mong muốn được xuất khẩu lao động.

Bị giảm việc, công nhân mong chờ được xuất khẩu lao động

LƯƠNG HẠNH |

Tình trạng không được tăng ca, làm thêm kéo dài từ cuối tháng 12.2022 đến nay, anh Hùng đã tính đến việc đi xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài giải quyết nỗi lo chi phí hơn 100 triệu đồng, anh Hùng còn ái ngại việc học ngoại ngữ ở độ tuổi gần 40.

Nhiều người ở Lâm Đồng chọn xuất khẩu lao động để lập thân, lập nghiệp

Phan Tuấn |

Hiện nay, nhiều bạn trẻ ở Lâm Đồng đang có xu hướng chọn kênh xuất khẩu lao động để làm hành trang lập thân, lập nghiệp.