Hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời đại mới

TS. Hà Thanh Vân |

Gia đình là một thiết chế xã hội đặc biệt, có tầm quan trọng lớn lao và được xem là hạt nhân của đất nước. Trải qua nhiều giai đoạn trong lịch sử, văn hóa Việt Nam đã xây dựng được một hệ giá trị gia đình mang tính chất bền vững và chuẩn mực.

Nhận thức được tầm quan trọng của hạt nhân gia đình, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Nghị quyết đã xác định “giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”, “thực hiện các chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh”.

Tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình Việt Nam

Tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình tháng 10.1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt” (Hồ Chí Minh Toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập12, trang 300). Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành kim chỉ nam trong quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về gia đình. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng quan niệm nền văn hóa Việt Nam gồm ba trụ cột là văn hóa gia đình, văn hóa làng và văn hóa nước. Ba trụ cột đó chống đỡ và bảo vệ hai tính chất là tính cộng đồng và tính nhân văn của con người Việt Nam. (Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994). Trong lịch sử hiện đại Việt Nam, qua nhiều lần Đại hội Đảng, vấn đề xây dựng hệ giá trị gia đình đều hiện diện trong các Nghị quyết, thể hiện sự quan tâm cao độ của Đảng và Nhà nước đối với hạt nhân cơ bản của quốc gia.

Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác gia đình. Chẳng hạn Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21.2.2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và “Chiến lược Phát triển Gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030” của Thủ tướng Chính phủ ngày 29.5.2012. Chiến lược đặt mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội” với 12 chỉ tiêu cho từng giai đoạn và ban hành các đề án, chương trình nhằm cụ thể hóa các giải pháp để thực hiện thành công Chiến lược.

Gần đây nhất Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”. Để cụ thể hóa, ngày 24.6.2021, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Chỉ thị 06 nêu rõ: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”. Chỉ thị 06 chính là sự tiếp nối của Chỉ thị số 49-CT/TW trước đó.

Hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới

Trong thời đại ngày nay, việc xây dựng một đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ, văn minh, người dân ấm no, hạnh phúc trên nền tảng thiết chế gia đình bền vững gặp không ít thách thức và khó khăn. Thực trạng cho thấy hiện nay không ít gia đình Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề: từ những khó khăn về kinh tế, đời sống, đến việc giáo dục, tâm lí, tình cảm, quan niệm đạo đức, sinh sản...

Thậm chí nhiều trường hợp cụ thể, nhiều vụ việc cho thấy hệ giá trị gia đình đang bị đảo lộn, khủng hoảng, con người có những hành vi lệch chuẩn, ứng xử xuống cấp, có sự đứt gãy và đổ vỡ các giá trị xã hội, văn hóa, đạo đức... Nhiều vấn đề trước đó không tồn tại hoặc không đáng kể, nay lại trở thành những vấn đề phát sinh phức tạp, chẳng hạn như chung sống không kết hôn, sống thử, môi giới hôn nhân, mang thai hộ, làm mẹ đơn thân, kết hôn đồng giới, chuyển giới, hôn nhân xuyên quốc gia, bạo lực gia đình, tác động của internet mà cụ thể là mạng xã hội đến đời sống gia đình...

Báo chí truyền thông đã có nhiều bài viết phản ánh, nhiều đề xuất, ý kiến, tuy nhiên sự phân hóa sâu sắc của gia đình Việt Nam trên nhiều phương diện như: kinh tế, đạo đức, lối sống, nhận thức hệ giá trị... là một thực tế mà nhiều cá nhân đang phải đối mặt.

Hệ giá trị gia đình Việt Nam đã được đúc kết qua bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24.11.2021 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.
Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Như vậy, hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời đại mới đã được làm rõ và vấn đề đặt ra cho mỗi con người Việt Nam là phải làm gì để xây dựng và giữ gìn, phát huy hệ giá trị ấy.

Xây dựng, giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam

Với tư cách là hạt nhân của xã hội, hệ giá trị gia đình Việt Nam duy trì sự ổn định và phát triển của đất nước qua nhiều thời kỳ, nhiều biến động lịch sử. Đó là tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, gắn bó, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, hiếu học, sống nghĩa tình... Hệ giá trị gia đình Việt Nam cũng lưu giữ những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc từ đời này qua đời khác, thông qua những hoạt động cụ thể như gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ, ẩm thực truyền thống, trang phục, cưới hỏi, ma chay, thờ cúng ông bà tổ tiên.

Để thực hiện tốt việc xây dựng, phát huy hệ giá trị gia đình, đảm bảo mỗi gia đình Việt Nam được ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 06-CT/TW, cần thực hiện những giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, từ trung ương đến các địa phương, các đảng viên về tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới. Nhận thức này cần được quán triệt thông qua các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác xây dựng gia đình, qua các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức thiết thực. Đây là lực lượng chủ chốt, mang tính định hướng để phát triển công tác gia đình và xây dựng, phát huy hệ giá trị gia đình.

Thứ hai, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình với các mục tiêu, biện pháp cụ thể để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, trong đó mỗi thành viên trong gia đình đều phải được quan tâm, từ thế hệ trẻ đến thế hệ cao niên. Những chính sách này phải thể hiện sự bình đẳng, công bằng, thuận lợi, cung cấp những dịch vụ xã hội thiết yếu cho gia đình. Đồng thời những chính sách về gia đình phải gắn liền với những chính sách lớn của đất nước, chẳng hạn như Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... Có như vậy thì mới xây dựng được hệ giá trị gia đình bền vững, ấm no, với mức sống ngày càng được nâng cao.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản lí nhà nước về công tác xây dựng gia đình. Xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045; chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; thực hiện các chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng những chiến lược về công tác gia đình trong thời kỳ mới, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về gia đình để thuận tiện cho việc quản lí, ưu tiên thực hiện những đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về gia đình để đánh giá kết quả thực hiện công tác và tìm ra những phương hướng, giải pháp mới. Tổ chức các cuộc thi và kêu gọi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề gia đình. Kêu gọi sự hợp tác, giúp đỡ, tài trợ từ những tổ chức, cơ quan của nước ngoài, của Liên Hợp Quốc trong công tác gia đình. Chú trọng việc phát triển các tổ chức, đoàn thể như Hội Liên hiệp Phụ nữ, phát triển chuyên ngành Giới và gia đình trong trường đại học...

Thứ tư, tăng cường công tác giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; tăng cường công tác tuyên truyền các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam. Nâng cao hiệu quả trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Cần biểu dương, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, các tấm gương ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, các điển hình vợ chồng hòa thuận, có công lao nuôi dưỡng và giáo dục thế hệ trẻ. Cần có những biện pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ những quan niệm lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Cũng cần có các chính sách, quy định, biện pháp thiết thực để giải quyết những vấn đề phát sinh trong mô hình gia đình hiện đại như: Gia đình đơn thân, gia đình đồng giới, gia đình chuyển giới... Các cơ quan ban ngành đoàn thể, các đơn vị truyền thông báo chí phải tăng cường kết hợp cùng nhau để thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục này.

Nhìn lại hệ giá trị gia đình Việt Nam qua các thời kỳ, có thể thấy chúng có vai trò quan trọng không chỉ đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, hay đóng vai trò kết nối, gắn kết các thế hệ, giữ gìn, phát huy những chuẩn mực, tinh hoa của văn hóa dân tộc, mà còn có vai trò duy trì sự ổn định, phát triển của đất nước. Vì vậy, trong thời đại ngày nay, việc xây dựng, giữ gìn và phát huy hệ giá trị gia đình phù hợp là điều cấp bách và cần được quan tâm cao độ.

TS. Hà Thanh Vân
TIN LIÊN QUAN

Những lời chúc dành cho cha mẹ nhân Ngày Gia đình Việt Nam không thể bỏ qua

LƯƠNG HẠNH |

Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc nhất đối với mỗi người. Vào Ngày Gia đình Việt Nam 28.6, đừng quên gửi lời chúc ý nghĩa đến cha, mẹ nhân ngày đặc biệt này.

Ý nghĩa của ngày Gia đình Việt Nam 28.6

Huyền Chi |

Ngày Gia đình Việt Nam ra đời để các thành viên khơi dậy tình yêu thương, trách nhiệm đối với tổ ấm.

Những lời chúc ý nghĩa và tình cảm Ngày Gia đình Việt Nam

MINH PHONG |

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28.6), hãy gửi những lời chúc ấm ấm, tình cảm và ý nghĩa nhất đến những người thân yêu trong gia đình.

Xe khách đâm vào nhà dân tại Phú Yên khiến 1 người chết, 3 người bị thương

Hoài Luân |

Phú Yên - Khi đến địa phận tỉnh Phú Yên, chiếc xe khách bất ngờ đâm vào nhà dân khiến tài xế tử vong và 3 hành khách bị thương.

Khu tập thể Hà Nội oằn mình cõng hàng trăm "chuồng cọp"

Vĩnh Hoàng |

Việc cơi nới thêm phần diện tích sử dụng tại các khu nhà tập thể cũ tạo thành những “chuồng cọp" lồi lõm, đặt ra nhiều lo ngại về an toàn của người dân trong các sự cố hoả hoạn.

Bất an với tàu cao tốc trung chuyển khách từ Tuần Châu sang Cát Bà

Nguyễn Hùng |

Những con tàu cao tốc chở khách trung chuyển từ Cảng Tuần Châu, TP Hạ Long sang Cát Bà, Hải Phòng phóng nhanh trên luồng lạch dày đặc tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long khiến du khách lo lắng, bức xúc.

Người già sống chật vật vì lương hưu chưa được 3 triệu đồng/tháng

MINH HỒNG |

Từng giữ chức vụ Phó Quản đốc phân xưởng thuộc một công ty sản xuất giấy tại Hải Phòng, hiện tại, mức lương hưu ông Nở nhận được chưa tròn 3 triệu đồng/tháng. Dù đã sống tiết kiệm nhưng tình trạng giá cả leo thang cùng nhiều căn bệnh tuổi già khiến ông Nở phải chật vật trang trải cuộc sống.

"Lạm phát" IELTS, học sinh lo đạt 7.0 chưa đủ để đỗ đại học

TRÀ MY |

Hiện nay, số lượng học sinh đăng ký học và thi IELTS ngày càng cao. Nhiều học sinh cho rằng IELTS như “tấm vé” thông hành làm gia tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học.

Những lời chúc dành cho cha mẹ nhân Ngày Gia đình Việt Nam không thể bỏ qua

LƯƠNG HẠNH |

Gia đình luôn là điểm tựa vững chắc nhất đối với mỗi người. Vào Ngày Gia đình Việt Nam 28.6, đừng quên gửi lời chúc ý nghĩa đến cha, mẹ nhân ngày đặc biệt này.

Ý nghĩa của ngày Gia đình Việt Nam 28.6

Huyền Chi |

Ngày Gia đình Việt Nam ra đời để các thành viên khơi dậy tình yêu thương, trách nhiệm đối với tổ ấm.

Những lời chúc ý nghĩa và tình cảm Ngày Gia đình Việt Nam

MINH PHONG |

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28.6), hãy gửi những lời chúc ấm ấm, tình cảm và ý nghĩa nhất đến những người thân yêu trong gia đình.