Ghi ở “rừng dược liệu” quý giá nhất Việt Nam

Huy Minh - Thế Sơn |

Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên thực vật phong phú và đa dạng trên thế giới, với hơn 5.000 loài thực vật và nấm có công dụng làm thuốc. Thêm vào đó, cộng đồng 54 dân tộc ở nước ta sở hữu những kinh nghiệm quý báu trong việc sử dụng các loài cây cỏ sẵn có để làm thuốc chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đây là một kho tàng đầy tiềm năng trong nghiên cứu tạo ra các sản phẩm phục vụ nhân dân.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, 80% dân số ở các nước đang phát triển có nhu cầu sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ban đầu. Doanh thu hàng năm thuốc từ dược liệu trên toàn thế giới đạt trên 80 tỉ USD và nhu cầu về dược liệu cũng như thuốc từ dược liệu có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong vài thập niên gần đây, nhiều nước đã và đang đẩy mạnh việc nghiên cứu, bào chế và sản xuất các chế phẩm có nguồn gốc từ dược liệu để hỗ trợ, phòng ngừa và điều trị bệnh.
Theo thống kê của ngành Y tế, nhu cầu sử dụng dược liệu ở Việt Nam vào khoảng 60.000 - 80.000 tấn dược liệu/năm. Lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dược liệu đã và đang mang lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thuốc. Tuy nhiên, một phần lớn khối lượng dược liệu hiện nay vẫn phải nhập khẩu, trong khi Việt Nam lại là quốc gia có tiềm năng về nguồn tài nguyên dược liệu. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1976/QĐ-TTg ngày 30.10.2013 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, cơ sở để phát triển dược liệu ở Việt Nam.
Viện Dược liệu là một đơn vị nghiên cứu toàn diện về lĩnh vực dược liệu. Lần đầu có mặt tại Viện, một trụ sở khang trang và lúc nào cũng thơm phức mùi cây thuốc, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước công sức sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ nguồn gen dược liệu, nghiên cứu tri thức bản địa và tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ người dân của nhiều thế hệ cán bộ nơi đây.
1. Theo PGS.TSKH Nguyễn Minh Khởi (Viện Dược liệu - Bộ Y tế), công tác điều tra đánh giá về nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam là hết sức quan trọng, bên cạnh đó, việc lưu giữ, bảo quản tiêu bản và mẫu vật cũng quan trọng không kém. Bởi đây sẽ là những vật chứng về sự phong phú và đa dạng về nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam; sử dụng để đối chiếu, so sánh trong kiểm định dược liệu và phục vụ cho yêu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan, trao đổi thông tin. Ngay từ khi thành lập năm 1961, Viện Dược liệu đã nỗ lực triển khai công tác thu thập, lưu giữ tiêu bản và mẫu vật, đến nay đã trở thành nơi bảo quản tương đối đầy đủ nhất về nguồn tài nguyên dược liệu ở Việt Nam. Hiện Viện đang lưu giữ hơn 30.000 tiêu bản thực vật của gần 2.500 loài cây thuốc được thu thập ở tất cả các tỉnh trên cả nước. Tất cả các mẫu tiêu bản được khâu trên giấy Croquis theo quy định Quốc tế, có đầy đủ các thông tin: Tên Việt Nam, tên khoa học, họ thực vật, nơi lấy, công dụng, số hiệu tiêu bản, ngày lấy, người lấy, người giám định… Trong tổng số mẫu dược liệu đang lưu giữ có 33 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, 38 loài có trong Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam, cùng với đó là 334 vị thuốc thiết yếu của Bộ Y tế.
Chỉ tính trong giai đoạn 2011 - 2016, Viện đã triển khai thực hiện 232 nhiệm vụ KHCN các cấp, bao gồm 28 nhiệm vụ cấp nhà nước (13 nhiệm vụ chủ trì; 15 nhiệm vụ phối hợp); 24 đề tài và dự án cấp bộ; 25 ĐT/DA cấp Sở KH&CN các tỉnh, thành phố và 155 đề tài/nhiệm vụ cơ sở. Từ các kết quả điều tra khảo sát đến năm 2016, Viện đã xuất bản “Danh lục cây thuốc Việt Nam”, trong đó đã giới thiệu 5.117 loài và dưới loài thực vật được sử dụng làm thuốc, thuộc 1.823 chi, 360 họ của 8 ngành thực vật bậc cao có mạch, cùng với một số taxon thuộc nhóm Rêu, Tảo và Nấm lớn…
Từ năm 2014, phòng tiêu bản của Khoa Tài nguyên Dược liệu đã được đăng ký vào hệ thống phòng tiêu bản quốc tế. Hàng năm, phòng Tiêu bản và phòng Trưng bày mẫu vật của Viện phục vụ nhiều đoàn tham quan, học tập và nghiên cứu của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước. Ảnh: TS Phạm Thanh Huyền (ngoài cùng bên trái) và cộng sự đang nghiên cứu một số mẫu dược liệu. Chị cho chúng tôi biết rằng, trên cơ sở phòng Tiêu bản và mẫu dược liệu hiện nay rất cần được đầu tư để xây dựng nâng cấp thành Bảo tàng Dược liệu cấp quốc gia, dự kiến đến năm 2020 đảm bảo đủ 100% số loài cây thuốc có tiêu bản hoặc mẫu dược liệu được lưu giữ.

2. Trong khuôn khổ của Dự án “Điều tra tổng thể nguồn tài nguyên dược liệu giai đoạn 2007 - 2014” của Viện Dược liệu (2015), đã xác định được 70 loài/nhóm loài cây dược liệu có tiềm năng khai thác, với trữ lượng ước tính là 18.372 tấn/năm.

Trong đó, 45/70 loài/nhóm loài có tiềm năng khai thác lớn với với số lượng hàng trăm đến hàng nghìn tấn/năm, như: Diếp cá (5.000 tấn), Cẩu tích (1.500 tấn), Lạc tiên (1.500 tấn), Rau đắng đất (1.500 tấn), Ngũ gia bì chân chim (1.000 tấn), Thiên niên kiện, Bọ mắm khô (1.000 tấn), Bình vôi (800 tấn), Râu hùm (500 tấn), Cỏ xước (500 tấn), Kê huyết đằng (500 tấn), Ngải cứu dại (300 tấn), Câu đằng (300 tấn), Bách bộ (200 tấn), Hà thủ ô trắng (200 tấn), Hy thiêm (200 tấn), Sa nhân (200 tấn), Tắc kè đá (200 tấn)…

Điều tra về tình hình trồng cây dược liệu trên cả nước cũng đã xác định được 92 loài cây dược liệu được trồng phục vụ nhu cầu thị trường, một số loài đã và đang có vùng trồng tập trung như: Thanh hao hoa vàng, Đinh lăng, Kim tiền thảo, Diệp hạ châu, Trinh nữ hoàng cung, Gấc, Nghệ, Hòe, Hồi, Quế, Bụp giấm, Atiso...

Trong đó, một số cây dược liệu đặc trưng và có giá trị kinh tế như: Quế được trồng tập trung chủ yếu ở Yên Bái với diện tích trên 50.000 ha và sản lượng ước tính đạt 5.000 tấn, ngoài ra còn được trồng tập trung tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Nam, Thanh Hoá...

Hồi được trồng nhiều ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh (47.000 ha), tổng sản lượng đạt khoảng gần 10.000 tấn. Hoè được trồng rải rác tại Thái Bình, Bắc Giang, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông, tổng sản lượng khoảng trên 1.000 tấn. Sâm Ngọc Linh, loài sâm đặc hữu và có giá trị kinh tế cao, hiện đang được đầu tư nghiên cứu và phát triển trồng tại hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum với diện tích 50 ha.

Thống kê của Viện cũng cho thấy, diện tích trồng một số cây trồng đã tăng lên khá nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu dược liệu như: Nghệ (5.000 tấn), Táo mèo (gần 5.000 tấn), Thảo quả (hơn 2.000 tấn), Actiso (2.400 tấn), Chùm ngây (1.200 tấn), Ba kích (840 tấn), Diệp hạ châu (800 tấn), Thanh hao hoa vàng (500 tấn), Bạch chỉ (450 tấn), Kim tiền thảo (330 tấn), Địa liền (200 tấn), Đinh lăng (100 tấn), Đương qui (100 tấn), Sa nhân (gần 100 tấn), Ý dĩ (100 tấn)...

Một số loài khác cũng đang được đầu tư phát triển như Hà thủ ô đỏ, Đảng sâm, Bình vôi, Lan kim tuyến, Bạch tật lê, Thông đỏ, Giảo cổ lam, Tục đoạn, Xuyên tâm liên, Hy thiêm, Sâm báo… Tổng số hiện có 50/92 loài được trồng với qui mô trên 10 ha theo kế hoạch của các công ty để phục vụ nhu cầu thị trường.

Trao đổi công việc giữa các cán bộ làm công tác dược liệu.

3. Kết quả điều tra về tình hình khai thác và sử dụng dược liệu làm thuốc ở Việt Nam (2013 - 2015) cũng cho thấy một bức tranh tương đối đầy đủ. Khảo sát từ 52/81 doanh nghiệp sản xuất thuốc từ dược liệu trong giai đoạn 2007 - 2012 cho thấy có khoảng 300 loại dược liệu và 40 cao dược liệu được nhập khẩu. Số lượng dược liệu thô trung bình trong một năm khoảng 17,6 nghìn tấn với kim ngạch nhập khẩu gần 13 triệu USD.

Danh mục các dược liệu được nhập khẩu nhiều nhất đều khá đầy đủ, trong đó, có nhiều loài Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động được nguồn nguyên liệu. Trong các năm 2010 - 2012, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu khoảng 1.000 - 5.000 tấn dược liệu các loại, với giá trị xuất khẩu đạt 3 - 6 triệu USD/năm. Riêng trong năm 2012, khối lượng dược liệu xuất khẩu tăng lên 4.907 tấn dược liệu, đạt hơn 5,9 triệu USD.

Các dược liệu xuất khẩu nhiều nhất là Thảo quyết minh (3176 tấn), Ý dĩ (843 tấn), Cẩu tích (179 tấn), Hạt sen (150 tấn), Long nhãn (107 tấn), Thảo quả (69 tấn); thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp, Nga, chủ yếu là xuất nguyên liệu thô, giá thị hàng hóa thấp. Bên cạnh đó, số lượng dược liệu sử dụng trong y học cổ truyền tăng dần qua các năm, tăng từ 29.619,8 kg (năm 2008) lên 36.208,0 kg (năm 2010) và 39.674,7 kg (năm 2011).

Các bệnh viện đều sử dụng nhiều các vị thuốc: Đan sâm; Táo nhân; Cam thảo; Hoài sơn; Thục địa; Bạch truật; Sinh địa; Sinh địa; Xuyên khung; Ngưu tất; Đỗ trọng; Đại táo; Hoàng kỳ; Đảng sâm; Đương quy... Có thể ước tính lượng dược liệu dùng cho y học cổ truyền trung bình hàng năm khoảng 5.000 - 6.000 tấn, với 300 dược liệu khác nhau. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong công nghiệp dược có thể ước tính khoảng 14.000 - 15.000 tấn/năm, nhưng đây mới chỉ là khối lượng sử dụng sản xuất thuốc, còn một lượng lớn dược liệu được bán dưới dạng dược liệu thô chưa được thống kê đầy đủ.

Do chưa được đầu tư nâng cấp tổng thể nên điều kiện cơ sở vật chất hiện nay vẫn còn hạn chế: Phòng lưu giữ tiêu bản và mẫu vật nhỏ, chưa được trang bị hiện đại và đầy đủ theo thiết kế tổng thể và qui mô mang tính quốc gia. Vật liệu bao bì để bảo quản tiêu bản chưa được đầu tư đồng bộ... Thông tin dữ liệu mặc dù đã được cập nhật theo phần mềm được xây dựng nhưng chưa có được phần mềm chuyên dụng để tích hợp các nội dung và phục vụ tra cứu một cách toàn diện. Các tiêu bản và mẫu dược liệu mới đang được số hoá để dễ dàng tra cứu. Các kỹ thuật mới trong công tác xử lý, bảo quản tiêu bản và mẫu vật cần được ứng dụng kỹ thuật hiện đại. Ảnh: Tra cứu danh mục dược liệu.

4. Viện Dược liệu cũng là đơn vị đầu mối triển khai công tác bảo tồn nguồn gen cây thuốc, đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 07 vùng sinh thái trên cả nước. Tại các vườn cây thuốc trong hệ thống đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài. Trong đó, tại 5 vườn cây thuốc của Viện đang lưu giữ và bảo tồn 1.168 nguồn gen thuộc 760 loài.

Hàng năm Viện đã thu thập hàng trăm nguồn gen ở các vùng sinh thái khác nhau; tập trung các nguồn gen thuộc diện quí hiếm, các nguồn gen có giá trị kinh tế cao. Hiện đã thu thập, lưu giữ và bảo tồn nhiều loài theo tập đoàn phục vụ công tác chọn, tạo giống. Viện cũng đang lưu giữ trong kho lạnh hạt giống của gần 200 loài; bảo tồn in vitro 15 loài thuộc diện quý hiếm hoặc có tiềm năng phát triển.

Bên cạnh đó, Viện cũng đã triển khai điều tra về tri thức bản địa, thu thập cây thuốc và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc và bài thuốc của đồng bào dân tộc cũng đã được triển khai ở các vùng đồng bào H’Mông (Lào Cai), Mường (Thanh Hóa, Hòa Bình, Yên Bái, Nghệ An), Dao (Ba Vì, Lào Cai, Hòa Bình, Vĩnh Phúc), Cơ Tu (Thừa Thiên Huế), Vân Kiều (Tây Nguyên), Tày (Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên), Nùng (Lạng Sơn), Sán Dìu (Vĩnh Phúc), Khmer (An Giang), từ đó đã tổng hợp được danh lục các loài cây thuốc của 15 dân tộc lớn trên cả nước. Thu thập và sưu tầm được 1.296 bài thuốc dân gian chữa bệnh của cộng đồng các dân tộc, những bài thuốc này đã phục vụ cho việc nghiên cứu sàng lọc, nghiên cứu phát triển tạo sản phẩm phòng chống bệnh tật.
Bông hoa này hết sức lạ lùng. Nó được hái từ đầu những năm 1961 và do được bảo quản trong dung dịch đặc biệt nên vẫn giữ nguyên được mầu sắc cho đến tận hôm nay.

Ngoài ra Viện còn phát triển sản phẩm từ dược liệu phục vụ chăm sóc sức khoẻ người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, chú trọng sàng lọc tìm các đối tượng tiềm năng có thể sử dụng điều trị các bệnh mang tính chất thời sự như rối loạn chuyển hóa, thần kinh, ung thư... với một số sản phẩm từ nghiên cứu đã và đang được chuyển giao cho doanh nghiệp.

Tri thức được hệ thống hóa và bổ sung ngày một đầy đủ, chi tiết hơn tại Viện Dược liệu là đặc biệt quan trọng. Bởi thế, chúng quý giá hơn bất cứ vạt rừng cây thuốc nào hiện hữu trên đất nước ta, chúng tôi nghĩ là như vậy.
Tuyệt đại đa số các thảo dược quý nhất trong Nam ngoài Bắc, trên rừng dưới biển đều có mặt tại phòng tiêu bản và phòng trưng bày mẫu vật ở Khoa Tài nguyên Dược liệu (Viện Dược liệu). Ảnh: Đây là một chiếc lá có hình dáng khá lạ lùng. Được biết, nó có tên là Bàn Tay Ma, có công dụng chữa bệnh thấp khớp, nấu nước tắm cho phụ nữ sau khi sinh đẻ cho khỏe người và chống đau nhức. Nó được cán bộ Viện Dược liệu lấy về từ Thanh Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ năm 2000 và mẫu lá này ngay sau đó đã được xử lý.
Huy Minh - Thế Sơn
TIN LIÊN QUAN

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.

Biếu Tết nhà nội, nhà ngoại bao nhiêu là đủ?

ANH THƯ |

Dịp cuối năm, nhiều gia đình lại "đau đầu" suy nghĩ biếu Tết bên nội, bên ngoại ra sao cho phù hợp, tỏ lòng hiếu thảo với bậc sinh thành.