Nhà báo Phan Đăng:

“Đọc quên để nhớ”, “đọc của người để trở thành của mình”...

ĐĂNG HUỲNH - PHƯƠNG CHI (thực hiện) |

Gặp nhà báo Phan Đăng trong những ngày đầu tháng 4 để bàn sâu hơn về sự "đọc". Và cái anh muốn nhấn mạnh hơn ở đây là chuyện “đọc sách". Đọc không chỉ đơn thuần là tìm đọc mà cần đọc có mục đích rõ ràng, như cách nói của anh: “Đọc quên để nhớ”, “đọc của người để trở thành của mình”, chứ không phải “đọc của người để trở thành nô lệ cho người”...

Và cũng trong thanh âm của chữ “đọc”, anh nhắc  tôi hãy nhìn xung quanh để cảm nhận rằng cuộc sống ngoài kia còn có cả những điều thú vị mà đọc /hiểu rồi mới thấy rõ giá trị để vận hành cho bản thân.

Phải thú thật là trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn này, tôi phải đọc thêm về anh sau một quãng thời gian khá lâu không trò chuyện trực tiếp. Đọc để xem Phan Đăng của hiện tại và Phan Đăng của trước đây đã thay đổi ra sao. Tôi hiểu, đấy là một người đọc nhiều và cũng thay đổi nhiều từ cái sự đọc của mình. Và tôi đã tìm ngay thấy một quan điểm khá thú vị: Đọc sách cũng rất nguy hiểm. Vậy những nguy hiểm đó là gì?  

- Nhà báo Phan Đăng: Đọc sách nguy hiểm ở chỗ, khi chúng ta không có mục tiêu, thấy cái gì hay, vấn đề hay, tác giả hay là lao vào đọc. Đọc từ văn học, sang tâm lý học, khoa học, triết học. Ở một thời đại hiếm hoi sách vở, thông tin, có thể cách đọc đó mang lại lợi ích nhất định. Nhưng ở thời đại sách vở quá nhiều, sự quyến rũ của sách vở quá lớn mà chúng ta cứ chạy theo sự quyến rũ đó, đọc hết cuốn sách hay này tới cuốn sách hay khác mà không có mục tiêu/định hướng thì sẽ bị loạn. Đầu óc chúng ta không thể chứa sự hỗn loạn quá lâu. Sự hỗn loạn dù tồn tại ngắn hay dài  đều nguy hiểm.

Vậy theo anh, phải làm sao để kiến thiết mục tiêu? 

- Thứ nhất, bạn luôn phải trả lời 1 câu hỏi, bạn đọc để làm gì? Nếu cứ trả lời đọc để biết, đọc để mở rộng tri thức, để tăng cường phông văn hóa thì quá chung chung, cho dù cái chung chung đó cũng có ích. Nhưng trả lời chung chung thì sẽ dẫn tới kiểu đọc chung chung.

Có vài gợi ý để trả lời câu hỏi này. Đầu tiên, nó phụ thuộc vào mảng tri thức ngách mà bạn muốn phát triển chiều sâu. Ví dụ tôi muốn tìm hiểu sâu sắc về thiền và tâm lý học, vậy tôi phải đọc sâu nhất về thiền và tâm lý học. Rồi trong mảng này tôi còn phải xem tâm lý học phật giáo dưới góc nhìn của thầy Ajahn Chah (thiền sư nổi tiếng của Thái Lan) khác/giống gì của thầy Thích Nhất Hạnh, của thầy Minh Niệm. Tức là, ta phải đọc rất sâu về cái ngách tri thức mà mình theo đuổi.

Nếu bạn muốn theo đuổi văn chương, vậy mảng bạn cần đọc rất sâu phải là văn chương. Mà văn chương cũng vẫn chung chung, phải là văn chương nào? Việt Nam hay nước ngoài? Nếu là nước ngoài thì đó là nước nào, trong giai đoạn nào, những tác giả nổi bật nào?

Nhưng nếu có mục tiêu ngách và chỉ đọc mỗi mục tiêu ngách thì bạn sẽ thiếu phông nền. Do vậy bạn có thể đọc thêm các cuốn sách nền, nhưng phải  chia thời gian đọc trong ngày hết sức tường minh và rành rọt. Bao nhiêu thời gian cho sách nền? Bao nhiêu thời gian cho sách chuyên sâu? Nếu không có sự quy hoạch cụ thể như thế, đọc tuỳ hứng trong ngày, chạy đi chạy lại giữa sách nền và sách chuyên sâu thì rất khó hấp thu hiệu quả.

Tóm lại, không xác định được mục tiêu, cứ đọc chung chung, thích chung chung rồi chán chung chung thì mình sẽ biến mình thành một nồi lẩu hỗn loạn.

Nguy hiểm thứ 2 của việc đọc, đó là đọc cái gì tin luôn vào cái ấy. Nếu không có một tư duy khai phóng, một năng lực phản biện và một kiến văn đủ dày thì đọc bất cứ thứ gì bạn cũng sẽ rất dễ bị cuốn theo. Ở giai đoạn đầu, có thể bạn không tránh được việc này. Có thể phông nền của bạn chưa dày để phản biện, tư duy chưa đủ sâu để khai phóng, nên bạn tin hết tác giả này tới tác giả khác. Giai đoạn đó, nếu có một người thầy hướng dẫn cách đọc thì rất tốt. Nếu không, hãy tự tìm hiểu, mày mò và tự trả giá, và cuối cùng sẽ rút ra bài học.

Mạnh Tử có một câu rất hay: “Tận tín ư thư bất như vô thư” - Tức là: Tin hoàn toàn vào sách thì thà đừng có sách còn hơn. Chưa cần nói độc giả, ngay cả tác giả, mỗi giai đoạn viết lại có thể theo đuổi một cách nghĩ khác.

Nhà báo Phan Đăng có những góc nhìn riêng về câu chuyện đọc sách. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nhà báo Phan Đăng có những góc nhìn riêng về câu chuyện đọc sách. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nói thế nghĩa là từng có một thời, anh đã đọc sách không đúng mục đích và phương pháp? 

- Thời còn trẻ, khi tôi mới lớn, không có ai hướng dẫn tôi đọc. Tôi thích cái gì thì đọc cái đấy. Hồi đó tôi mê triết học, khám giá thế giới và các nền văn minh, tâm lí học, văn chương, tiểu thuyết nên tóm lại là đọc hết. Thời đó, tôi ít bạn bè, bị tự kỉ, nên chỉ biết vùi đầu vào đọc. Tất nhiên là kiểu đọc hồn nhiên ấy cũng giúp cho mình có một cái phông nền nhất định, nhưng giờ nghĩ lại tôi thấy nếu lúc đó có ai nói cho tôi về việc kiến thiết mục tiêu đọc, xây dựng phương pháp đọc thì con đường tôi đi sẽ được rút ngắn lại rất nhiều.

Vì mình tự mày mò trải nghiệm nên đọc riết rồi cũng nhận ra, trước một sự kiện/vấn đề đôi khi mỗi trường phái/ mỗi triết gia lại có những quan điểm rất khác nhau. Ví dụ như sự hình thành của vũ trụ, bây giờ có tới 3 góc nhìn khác nhau. Góc nhìn khoa học là do một vụ nổ Big Bang, góc nhìn tôn giáo là do có một Đấng tối cao tạo dựng, còn với Phật giáo, Đức phật cho rằng, đừng truy tìm nguyên nhân đầu tiên, bởi vạn vật do duyên mà thành, hết duyên mà diệt. Làm gì có nguyên nhân đầu tiên và kết quả cuối cùng.

Vì vậy cần đặt các cách tiếp cận khác nhau để trải nghiệm. Tôi hình thành một phương pháp đọc là khi đọc của tác giả A, thì phải tìm tác giả B khác tác giả A.

Rồi ngay cả một lĩnh vực tưởng tận cùng logic như toán học cũng có những khác nhau rất lớn. Đầu thế kỉ 20, trong toán học có một nhân vật rất nổi tiếng tên là David Hilbert. Ông tin rằng, các nhà toán học có thể thiết kế được một siêu định lí để giải quyết tất cả các nan đề/định lý. Nếu chỉ đọc của David Hilbert, ta sẽ bị cuốn theo ông. Nhưng cũng chính giai đoạn đó lại có một nhà toán học trẻ người Áo là Kurt Godel nghĩ ra định lí bất toàn, chứng minh toán học cũng bất toàn so với chính nó.

Toán học là khoa học nhất và logic nhất rồi mà còn có những quan điểm đối nhau như thế. Mà ngay cả cái mà ta gọi là “logic” cũng thế, logic là gốc của mọi vận động khoa học đúng không nào? Tất cả các vận động của xã hội văn minh đều tựa trên nền tảng của logic phải không nào? Nhưng chính logic cũng có những điểm mù của nó. Ví dụ như mọi logic đều bắt đầu từ một tiên đề, mà tiên đề là thứ bạn phải thừa nhận, chứ không thể chứng minh. Có những thứ không chạm được vào. Logic trong phần lớn các trường hợp cũng không thể chạm vào những phạm trù như phạm trù tính thiêng.

Hiểu tất cả những điều này để rèn luyện một tinh thần khai phóng trong sự đọc, thay vì cứ đọc đâu là tin đó, rồi áp dụng máy móc, rập khuôn.

Đọc sách ở đây không chỉ là đọc hiểu mà còn đọc để ứng dụng vào cuộc sống và bản thân người đọc. Đó là cả một quá trình dài mà mỗi người sẽ có những chiêm nghiệm khác nhau. Như tôi đang chứng kiến những sự thay đổi trong anh, mà tôi nghĩ khởi nguồn cũng từ sự đọc mà ra. Và điều này được vận vào mỗi người sẽ khác nhau?  

- Có 3 khía cạnh của việc đọc. Thứ nhất là hành vi đọc - học, tiếp theo là hiểu và không hiểu... Bởi có lúc bạn đọc mà không hiểu. Có những cuốn sách không dễ gì hiểu được ngay. Hoặc chỉ 1 câu thơ, ngày xưa đọc bạn hiểu một đường, sau này đọc lại bạn hiểu sang lẽ khác.

Năm 16 tuổi, tôi đọc câu thơ: “Tôi vẫn có hồn tôi trong gió ấy/ Vì xưa kia ngồi nghỉ dưới trăng sao/Từng mảnh biếc hồn tôi trăng đã lấy/ Gió đem luôn đi tận tháng năm nào” (Tình mai sau - Xuân Diệu), và tôi hiểu đơn giản là một người từng  ngồi nghĩ dưới trăng sao, tận hiến với cuộc đời, thì lúc chết đi rồi, trăng sao vẫn giữ lại những mảnh hồn tâm tư người ấy. Đó phải là một người sống da diết, mãnh liệt với cuộc đời. Thời trẻ tôi chỉ nghĩ được như thế, nhưng bây giờ đọc lại, tôi nhận ra trong câu thơ ấy có một dòng chảy luân hồi. Người đã sống với gió, với mây, với trăng sao là người đang luân hồi những dòng chảy của mình vào gió, vào mây, vào trăng sao, ngay khi mình còn đang sống. Luân hồi khi đang sống.

Có thể bản thân Xuân Diệu khi viết những câu này cũng không nghĩ đến luân hồi, nhưng người đọc có quyền đồng sáng tạo, miễn là nó thuyết phục và thú vị.

Người đọc phải trở thành người đồng sáng tạo, chứ không phải là người bị động, thì việc đọc mới ý nghĩa.

Đọc rồi, hiểu rồi thì cuối cùng, cấp độ cao nhất của việc đọc là hành. Bạn nhặt được những yếu tố nào từ sách vào cuộc sống của bạn? Bạn loại bỏ những yếu tố nào từ sách khỏi cuộc sống của bạn? Có những cuốn sách được viết cả từ trăm năm trước, thì bạn chỉ áp dụng được ở mức độ nào đó thôi. Nếu đọc mà không thể “hành” một cách uyển chuyển và tinh tế, bạn sẽ trở thành một người đọc máy móc.

Trở lại với quan điểm anh đưa ra ban đầu, vậy thế nào là “Đọc quên để nhớ”, “đọc của người để trở thành của mình”, chứ không phải “đọc của người để trở thành nô lệ cho người”? 

- Khi kiến thức đã ăn sâu vào não và được trải nghiệm thấm thía trong đời thực thì một sự chuyển hóa sẽ diễn ra. Từ sự chuyển hoá này rất có thể, bạn sẽ có những phát kiến mới, những sáng tạo mới, có thể chịu ảnh hưởng nào đó từ những điều bạn đọc, nhưng nó hoàn toàn mang dấu ấn của bạn. Nó là của bạn. Đó chính là lúc bạn đã đọc quên để nhớ, đã biến được những thứ của người thành của mình.

Năm nay anh Phan Đăng 39 tuổi. Con số khiến tôi nhớ đến những cuốn sách của anh, đó là "39 câu hỏi cho người trẻ" và "39 cuộc đối thoại cho người trẻ". Những con số hẳn có ý nghĩa riêng với anh?  

- 39 là con số thuộc phạm trù tính thiêng của tôi, vì vậy tôi không muốn giải thích gì về nó.

Cuốn “39 câu hỏi cho người trẻ” là tổng hợp về các vấn đề tri thức cốt lõi mà tôi tích lũy sau quá trình dài nghiền ngẫm đông tây kim cổ. Còn “39 cuộc đối thoại với người trẻ” là cuộc gặp gỡ của tôi với 39 nhân vật ở các lĩnh vực khác nhau, để đối thoại về các chủ đề khác nhau. Hai cuốn này giống nhau ở chỗ, dù là tôi viết hay đi hỏi chuyện người khác thì cũng là để giải đáp các thắc mắc của thế giới bên ngoài: Sự vận hành của thể chế, của văn hóa, của con người, của các tương tác giữa các cộng đồng người... Hai cuốn này, mặc dù đi từ hai lối tiếp cận khác nhau, nhưng nó đều mô tả những vận hành của thế giới bên ngoài.

Sau hai cuốn này, sự quan tâm của tôi đã chuyển hướng. Mối quan tâm chính của tôi không còn là thế giới bên ngoài nữa, mà là thế giới bên trong, trả lời câu hỏi cốt lõi: trong tâm bạn có gì? Điều gì khiến tâm bạn có nhiều thứ như vậy? Điều gì khiến bạn hưng cảm/ trầm cảm?

Tháng 6 này tôi sẽ ra mắt cuốn “39 Đoản thiền để thấy”. Cái thấy ở “39 câu hỏi” và “39 cuộc đối thoại” là bên ngoài, còn “39 đoản thiền” (đoản văn được viết dưới con mắt thiền) là để chạm vào những cái thấy bên trong. Tôi rẽ hẳn lối viết của mình.

Như vậy là anh đã trải qua hết một vòng tuần hoàn của việc “đọc - hiểu - hành” và đúc kết trở lại trong những cuốn sách. “39 Đoản thiền để thấy” có vẻ như là “cảnh giới" mà anh tâm đắc nhất thời điểm hiện tại? 

- Tôi còn ấp ủ một cuốn sách nữa, mà tôi tạm gói gọn là “Một bộ công cụ để soi vào bên trong”, sẽ xuất bản vào năm 2024. Hai cuốn này sẽ bổ trợ cho hai cuốn sách trước đó. 4 cuốn sách ghép vào nhau sẽ là một bộ vận động, từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài, để hi vọng có thể giúp bạn đọc trải qua một hành trình khám phá thú vị.


ĐĂNG HUỲNH - PHƯƠNG CHI (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Phát triển văn hóa đọc - gốc rễ từ giáo dục

Bích Hà |

Đọc sách - đáng lẽ cần được coi là một thói quen nên duy trì hàng ngày, nhưng giờ đây lại trở thành một thử thách với không ít bạn trẻ. Để nuôi dưỡng được thói quen đọc sách giữa rất nhiều phương tiện giải trí khác, giáo dục có lợi thế và cần được coi là gốc rễ để phát triển văn hóa đọc.

Mở rộng thị trường xuất bản, phát triển văn hóa đọc

Mỹ Linh |

Lần đầu tiên, ngành xuất bản, phát hành cán mốc mục tiêu 6 bản/người/năm. Đây là con số tích cực được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam vừa được tổ chức.

Phát triển văn hóa đọc, góp sức nâng cao dân trí

Hương Mai |

Ngày 28.9.2022, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển” do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TTTT, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là chương trình trọng điểm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10.10.1952 - 10.10.2022).

Làm theo trend trên TikTok, du học sinh Việt tại Đức gặp rắc rối

KHÁNH AN |

Sau khi đăng tải đoạn video về một cụ già trong viện dưỡng lão lên TikTok, một du học sinh Việt tại Đức đã bị cảnh sát mời lên làm việc.

Chủ động ngăn chặn link bẩn tấn công website giáo dục và cơ quan Nhà nước

Mỹ Linh |

Tình trạng web cá độ, cờ bạc giả mạo tên miền các cơ sở giáo dục, cơ quan Nhà nước lại nở rộ khiến cơ quan chức năng phải lên tiếng cảnh báo và tìm giải pháp xử lí.

Chi phí cấp sổ đỏ sẽ tăng sau năm 2023?

Trang Hà |

Nếu dự thảo Luật Đất đai được thông qua vào cuối năm nay thì có thể từ sau năm 2023 các chi phí làm sổ đỏ sẽ tăng.

Bản tin công đoàn: Trợ cấp một lần của NLĐ khi có tỷ lệ lương hưu trên 75%

Nhóm PV |

Bản tin công đoàn hôm nay có những nội dung chính sau: Công nhân gặp sự cố tụt lò ở Quảng Ninh kể lại khoảnh khắc giữ được mạng sống; Còn 84 người lao động tại Công ty Haprosimex chưa được chốt sổ BHXH; Tỷ lệ lương hưu hàng tháng là 76%, mức trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu bao nhiêu?

Các yếu tố bên ngoài đang đe dọa tăng trưởng GDP của Việt Nam

Thái Mạnh |

Các chuyên gia của VSI Rating đánh giá, tăng trưởng GDP quý 1 so với cùng kỳ năm trước giảm mạnh xuống 3.32% thấp hơn mức tăng 5.9% của quý 4 năm trước, chủ yếu do sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh.

Phát triển văn hóa đọc - gốc rễ từ giáo dục

Bích Hà |

Đọc sách - đáng lẽ cần được coi là một thói quen nên duy trì hàng ngày, nhưng giờ đây lại trở thành một thử thách với không ít bạn trẻ. Để nuôi dưỡng được thói quen đọc sách giữa rất nhiều phương tiện giải trí khác, giáo dục có lợi thế và cần được coi là gốc rễ để phát triển văn hóa đọc.

Mở rộng thị trường xuất bản, phát triển văn hóa đọc

Mỹ Linh |

Lần đầu tiên, ngành xuất bản, phát hành cán mốc mục tiêu 6 bản/người/năm. Đây là con số tích cực được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023 do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam vừa được tổ chức.

Phát triển văn hóa đọc, góp sức nâng cao dân trí

Hương Mai |

Ngày 28.9.2022, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo khoa học “Xuất bản Việt Nam - 70 năm xây dựng và phát triển” do Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ TTTT, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật và Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là chương trình trọng điểm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10.10.1952 - 10.10.2022).