Câu chuyện phía sau những bức ảnh đoạt giải quốc tế

Việt Văn |

Lao Động Cuối tuần Xuân Giáp Thìn 2024 giới thiệu một số bức ảnh đoạt giải quốc tế của tác giả Việt Văn:

Sự bí ẩn của sa mạc

Bạn bảo, đã đi Morocco mà không đi sa mạc lớn nhất thế giới Sahara thì đi làm gì! Một người khác lại bảo, sa mạc nào mà chả giống nhau, nóng, cát và lạc đà.

Đi từ thành phố cổ Fes đến sa mạc Sahara phải mất gần 12 giờ chạy xe hơi. Có một cách khác nhưng mất thời gian chả kém là bay đến điểm gần Sahara và chạy tiếp xe chừng gần 4 giờ nữa. Thế nên, tôi chọn, đi xe 12 giờ, vừa đi vừa ngắm cảnh chả thú vị hơn sao... Dọc đường, gặp những ngôi nhà đất sét độc đáo hay cảnh một cái hồ nước xanh như ngọc nằm ở sa mạc... hoặc những cây xương rồng mạnh mẽ dọc hai bên đường. Ở sa mạc, 6h30 tối mới là lúc ngắm hoàng hôn, nhưng hôm đó không có hoàng hôn, nên tôi phục thù vào sáng sớm để chụp bình minh.

Đi đồi cát nên hạn chế thay ống kính máy ảnh vì dù bạn có che chắn kiểu gì cát cũng lọt vô, về nhà phải đem ra hàng lau máy. Hơn nữa, việc lựa chọn ống kính nào để chụp thể hiện quan điểm, góc nhìn của bạn về cuộc sống. Cân nhắc chán, tôi quyết định chọn ống kính 24 - 70mm f2.8 vì nó thu được một không gian vừa đủ, không quá rộng cũng không quá chật theo con mắt của tôi.

Bình minh ở Sahara có một vẻ đẹp lãng mạn khó tả.

Ánh sáng đã tạo ra màu đỏ vàng của cát và màu xanh nhạt pha sắc đỏ của bầu trời và những chú lạc đà nhỏ bé ở xa xa như điểm xuyết tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp của thiên nhiên. Tôi đã nhìn thấy người dắt đàn lạc đà bé nhỏ đi trước và bấm máy liên tục nhưng kiểu ảnh không thấy người đàn ông này là đẹp nhất. Nó gợi lên sự bí ẩn của cuộc sống cũng như sa mạc. Chỉ có điều, tôi tin vạn vật, trong đó có con người đều muốn những điều tốt đẹp. Và bình minh chính là sự khởi đầu cho một ngày mới cùng hy vọng cho những điều tốt đẹp nhất.

Tấm ảnh khá tối giản chỉ vài màu cơ bản chủ yếu là cam đậm và xanh da trời nhạt nhưng ấn tượng. Họa sĩ trẻ tài năng Bùi Thanh Tâm bảo: “Màu ác liệt quá”, họa sĩ già Nguyễn Hữu Hanh thì kêu đẹp như tranh còn nhà khoa học Bùi Huy Thanh thì tức cảnh làm hai câu thơ: “Đất trời muôn sắc bao la/ Trời xanh rực cháy cát vàng Sahara”.

Trở lại câu chuyện ở sa mạc, khi chụp xong tấm ảnh đó, tôi bảo anh chàng Hassan chở tôi bằng chiếc xe chuyên dụng chạy đi đón đầu đoàn lạc đà. Và khi người dắt lạc đà đến, tôi quỳ xuống chụp bốc máy từ dưới lên, nhấn mạnh vào chủ thể tạo nên một bức ảnh ngược sáng khá ấn tượng. Say này, khi xử lý hậu kỳ, tôi quyết định chuyển bức ảnh từ màu sang đen trắng - dữ dội hơn, trừu tượng hơn và phi thời gian tính hơn.

Hai bức ảnh này cùng đoạt Huy chương Bạc (Silver Medal) ở cuộc thi “Better Photography 2023” (Australia).

“Cất cánh” trên đường phố Havana

Đó là buổi chiều cuối cùng trước khi tôi rời phố cổ Havana (Cu Ba) để về lại Việt Nam. Trước đó, tôi đã để ý đến những đứa trẻ trượt Patin trên đường phố với sự mạnh mẽ và đầy năng lượng sống. Trong buổi chụp đầu, tôi đã đuổi theo những đứa trẻ chụp với tốc độ cao để hy vọng bắt được những khoảnh khắc sống động nhất. Trẻ em ở Cu Ba rất hiếu động và tự tin, chúng tự do thể hiện những cú nhảy ngoạn mục trên đường phố. Và tôi vẫn chưa có được bức ảnh như mong muốn, cho đến buổi chiều hôm đó.

Tôi dõi theo một cậu bé mặc áo đỏ đang tập luyện say sưa và chụp liên tục trước sự chứng kiến của bọn trẻ con. Tình cờ, một đứa trẻ đang ngồi xem bỗng lăn ra và ra hiệu cho cậu bé áo đỏ nhảy qua. Té ra đó là trò chơi cuối cùng của bọn trẻ. Và tôi gần như nằm xuống để tạo ra một góc độ ngang bằng với cậu bé nằm dưới, căn đúng góc chụp, nhưng phải tạo khoảng cách vừa đủ để tránh sự cố. Và tất nhiên máy ảnh phải đặt ở chế độ chụp liên tục 9 hình/s. Cậu bé áo đỏ đã phải nhảy tới 4 lần, tôi mới bắt được tấm ảnh ưng ý - nó đúng là “khoảnh khắc quyết định” như chữ dùng của nhà nhiếp ảnh huyền thoại Henry Bresson (Pháp). Quyết định vì chỉ cần chậm một chút hay nhanh một chút là hình bị lố.

Ban đầu, tôi đặt tên bức ảnh là “Cú nhảy ngoạn mục” nhưng về sau quyết định đổi là “Cất cánh” không chỉ vì tư thế của cậu bé áo đỏ như một con đại bàng cất cánh mà còn hàm ý tương lai của một đất nước một phần nằm ở sức bật mạnh mẽ của tuổi trẻ, của những cú nhảy “vượt vũ môn”.

Tác phẩm đã được chọn là 1 trong 5 tác phẩm tốt nhất (Best work) của Art India Gallery (Ấn Độ), Huy chương Đồng cuộc thi “Better Photography” ở Australia, bằng danh dự IPA (Mỹ).

Tiếng tích tắc của thời gian

Buổi chiều khi đi trên hè phố ở Trinidad, một thành phố cổ của Cu Ba, tình cờ, tôi nhìn thấy đôi vợ chồng cao tuổi cùng ngồi xem TV như một thú vui thư giãn mỗi ngày giống như những cặp vợ chồng khác ở nhiều nơi trên hành tinh này. Chiếc TV đời cổ tưởng như “cửa sổ ảo” mở ra một thế giới mới trong căn phòng nhỏ và chật chội, nhưng tiếc thay nó cũng chỉ phát đi phát lại chương trình thời sự và những bộ phim nước ngoài đã có từ hàng chục năm trước.

Chỉ có những tấm ảnh màu của một cô bé treo trên tường có lẽ là cháu gái của hai vợ chồng, có lẽ mới là cửa sổ thực, là niềm hy vọng của họ chăng? Tôi quyết định chụp trước, xin phép sau và ngay sau cú bấm máy đầu tiên, ông già đã quay lại, mỉm cười và ra dấu cho tôi cứ chụp tự nhiên. Chỉ tiếc rằng, những cú bấm sau lại không thành công.

Nhưng thế cũng là đủ! Bức ảnh đầu tiên đã giúp tôi đoạt bằng danh dự thể loại Báo chí của cuộc thi “Photography Master” của Áo.

Tình mẹ

Đó là tên bộ ảnh đã giúp tôi đoạt Huy chương Bạc cuộc thi uy tín “PX3-Paris” (Pháp) và Huy chương Đồng Liên hoan ảnh 2 năm/ lần APhotoreporter (Tây Ban Nha). Một câu chuyện về Nguyễn Lê Yên Đan, 16 tuổi, là một cô bé xinh xắn, đáng yêu, hay cười nhưng không biết nói, trí tuệ của cô bé chỉ như một đứa trẻ 3 tuổi và vĩnh viễn dừng lại ở đó. Cô bé mắc phải hội chứng thiên thần (Angelman syndrome) - là một rối loạn di truyền liên quan đến bất thường trong cấu trúc của nhiễm sắc thể số 15, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây ra khiếm khuyết nghiêm trọng về thể chất và trí tuệ.

Chị Lê Thụy Dương - mẹ của cô bé đã phải nghỉ việc ở công ty và làm việc ở nhà để dành thời gian chăm sóc con gái. Hiện nay y học thế giới vẫn chưa có phương pháp điều trị hội chứng này và chỉ có sự kiên nhẫn cùng tình thương bao la của cha mẹ từ năm này qua năm khác mới có thể tạo cho những bệnh nhân một môi trường an toàn để sống.

Thời gian không nhiều, tôi chỉ có thể chụp trong một buổi sáng. Rất may là chị Dương rất nhiệt tình, tạo mọi điều kiện để tôi có thể chụp được những bức ảnh về hai mẹ con. Cảm phục tình yêu của người mẹ dành cho con và nụ cười lạc quan luôn nở trên môi của chị Lê Thụy Dương. Vì chỉ có lạc quan mới dẫn dắt chị đã và sẽ còn đồng hành cùng đi qua những năm tháng không hề dễ dàng với con gái của mình.

Tấm ảnh tôi thích nhất chính là cảnh hai mẹ con ôm chặt nhau giàu cảm xúc trong sự kết nối thiêng liêng của tình mẫu tử.

Sự mong manh của cuộc sống

“Khoảng lặng ở Marrakech” là bức ảnh tôi nhớ mãi dù đã biết nhiếp ảnh là khoảnh khắc một đi không trở lại nhưng hình ảnh ông già uống trà còn đó. Sáng hôm đó trời nắng đẹp, các cửa hàng tạp hóa đang lục tục mở cửa, và khi tôi nhìn thấy ánh sáng chiếu vào cửa hiệu bán đồ lưu niệm trong ngõ nhỏ tạo thành những vệt sáng thật đẹp.

Và khi lại gần thấy một ông lão nhỏ thó đang đun nước pha trà bạc hà - món trà nổi tiếng của Morocco với cách rót độc đáo từ một độ cao nhất định. Tôi tranh thủ chụp vài tấm ảnh cửa hiệu trong ánh sáng đẹp và quay lại dùng trà. Ông bảo tôi trà này ngon hơn trà khách sạn, tôi thấy vị nó đậm hơn. Uống trà xong, tôi có đưa ông chút tiền, ông xua tay nói dỗi: Tôi mời cậu có phải để lấy tiền đâu.

Tôi hơi ngượng và chào ông đi. Ra ngoài đi được một đoạn, bỗng nhiên linh cảm sao, tôi quay lại và muốn chụp ông một bức ảnh. Ông gật đầu tự nhiên vẻ mặt thật buồn, cúi xuống đầy vẻ đăm chiêu trong ánh nắng nửa sáng nửa tối. Trưa đó, tôi đi Casablanca và nửa đêm động đất xảy ra ở dãy High Atlas dư chấn ảnh hưởng nặng nề đến Marrakech, nhiều người dân phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Tôi không biết số phận ông già ấy ra sao... và không biết có cơ duyên nào để chúng tôi còn gặp lại nhau không?

Nhưng nó gợi cho tôi sự mong manh của cuộc sống và một dự cảm mơ hồ. Nhà nhiếp ảnh người Pháp - Lionne des Dunes khi nhìn bức ảnh tôi chụp ông lão đã nói rằng đó là bức ảnh đúng ánh sáng, đúng chỗ, đúng nhân vật.

“Khoảng lặng ở Marrakech” đã đoạt bằng danh dự thể loại Con người - đường phố ở cuộc thi “Neutral Density” (Anh).

Những kẻ mơ mộng

Người đàn bà đang cầm tập vé số để bán cho khách cũng là bán cho họ những giấc mơ đổi đời và bản thân bà cũng có một giấc mơ. Cô gái tay cầm lồng chim cũng có một giấc mơ. Và biết đâu giấc mơ của cô là mua được chính mình bởi con người ta không thể làm chủ được chính mình.

Giấc mơ của hai người này không giống nhau và tương lai sẽ trả lời ai hiện thực hóa được giấc mơ của mình. Và con chim trong lồng liệu có giấc mơ thoát khỏi chiếc lồng, đập cánh đi tìm tự do, hay nó bằng lòng với hiện tại?

Mơ để biết rằng mình tồn tại, thay vì chao đảo trong ý nghĩ: “Tồn tại hay không tồn tại” như Hamlet trong vở kịch của “Shakespeare”.

Tác phẩm “Những kẻ mơ mộng” thuộc thể loại Ảnh sáng tạo (creative) hay Ảnh ý niệm (conceptual) đã đoạt Huy chương Đồng Budapest Photo Awards (Hungary) và được lựa chọn chính thức cho Liên hoan nhiếp ảnh quốc tế - Rotterdam Photo Festival 2024 (Hà Lan), trong Tuần lễ nghệ thuật Rotterdam (1 - 4.2.2024) với chủ đề “Hãy tưởng tượng”...

Nhiếp ảnh là con đường độc hành của mỗi cá nhân, chỉ có thành thật với cảm xúc của chính mình và dũng cảm, kiên định đi theo con đường đã chọn, không vì theo “trend” hay bất cứ lượng like nào mới có thể tạo ra một sự khác biệt - là tôi nghĩ thế!

Việt Văn
TIN LIÊN QUAN

Báo Lao Động đoạt giải báo chí về sử dụng năng lượng tiết kiệm năm 2023

Anh Vũ |

Tại lễ trao Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023, Báo Lao Động đã đạt 1 giải C cho loạt bài “Tiết kiệm năng lượng, kiến tạo tương lai xanh”.

Báo Lao Động đoạt Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

HẢI NGUYỄN - HOÀI ANH |

Trong lễ trao Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023, Báo Lao Động đoạt 1 giải Khuyến khích.

Phóng viên Báo Lao Động đoạt giải ba khu vực tại cuộc thi ảnh ở Anh

Trần Việt |

Phóng viên Việt Văn của Báo Lao Động đã đoạt giải ba ảnh khu vực Đông Nam Á trong cuộc thi ảnh thực phẩm hàng đầu thế giới Pink Lady Food Photographer of the year (Anh).

Giá cả tăng vọt, đặt qua app 30 phút vẫn không tìm được xe tối mùng 3 Tết

Vương Trần |

Tối 12.2 (mùng 3 Tết Giáp Thìn), tại khu vực ga Hà Nội (đường Lê Duẩn, Hà Nội), nhu cầu đi lại của người dân bằng xe dịch vụ tăng cao, nhiều người phải đợi chờ hàng giờ đồng hồ.

Hàng vạn du khách trẩy hội chùa Hương ngày mùng 3 Tết

Anh Vũ - Trần Tuấn |

Phóng viên Báo Lao Động ghi nhận không khí du xuân, lễ Phật của du khách tại chùa Hương vào hôm nay (mùng 3 Tết Giáp Thìn).

Tranh cãi bài viết so sánh giá vé 75.000đ/người xe khách và 9.000đ/người xe buýt cho quãng đường 70km ngày Tết

KHÁNH AN |

Bài viết có nội dung than vãn về giá vé xe khách ngày Tết tăng cao, đồng thời so sánh với giá vé xe buýt hiện đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.

20 nghìn 3 lạng rau xanh cũng khó mua ngày Mùng 3 Tết

Thanh Vân |

Trong khi siêu thị hút khách với giá rau củ quả bình ổn, thì rau củ quả tại chợ cóc, chợ dân sinh lại đắt hơn gấp 2-3 lần.

Quán bún mở xuyên Tết, cao điểm bán hơn 500 bát/ngày

Nhóm PV |

Nhiều hàng quán lựa chọn mở hàng xuyên Tết, bán hàng trăm bát/ngày.

Báo Lao Động đoạt giải báo chí về sử dụng năng lượng tiết kiệm năm 2023

Anh Vũ |

Tại lễ trao Giải thưởng báo chí tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2023, Báo Lao Động đã đạt 1 giải C cho loạt bài “Tiết kiệm năng lượng, kiến tạo tương lai xanh”.

Báo Lao Động đoạt Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

HẢI NGUYỄN - HOÀI ANH |

Trong lễ trao Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022-2023, Báo Lao Động đoạt 1 giải Khuyến khích.

Phóng viên Báo Lao Động đoạt giải ba khu vực tại cuộc thi ảnh ở Anh

Trần Việt |

Phóng viên Việt Văn của Báo Lao Động đã đoạt giải ba ảnh khu vực Đông Nam Á trong cuộc thi ảnh thực phẩm hàng đầu thế giới Pink Lady Food Photographer of the year (Anh).