Sâm trên lãnh thổ Việt Nam

Bài 1: Sâm Việt Nam và cây thuốc họ Nhân sâm

Ghi chép của Nguyễn Huy Minh |

Cây cỏ nước Nam và hiệu dụng của nó với con người luôn làm tôi đi từ ngạc nhiên này lại tới ngạc nhiên khác. Mười mấy năm về trước, lần đầu tiên, tôi có dịp tiếp xúc với sâm. Đó là một củ sâm dài hơn 1 mét im lìm nằm khoanh tròn vài vòng trong bình rượu, do một lương y lấy về từ triền núi cao Fansipan. Củ sâm như một sợi dây thừng nhiều mắt mấu.

Khi ấy tôi đã kinh ngạc: Đây là sâm sao? Tôi vẫn hình dung củ sâm phải có hình người, như văn học và điện ảnh thường mô tả. Hóa ra, đó là một củ tiết trúc nhân sâm vốn mọc ở độ cao trên 2.500m. Nó còn có tên gọi khác là sâm trúc, hình thù kỳ lạ, thân trông như củ, củ giống như thân, mỗi năm một lần rụng lá và mọc thêm một đốt, dài bằng đốt ngón tay. Cây sâm càng già thì đốt càng ngắn lại. Mỗi năm nó chỉ ra 3-4 lá và mỗi lá có 7 thùy. Cây sâm mọc ngẩng lên trời, nhưng khi đã nhiều năm, thân nặng rồi gục xuống, bị mùn lá phủ lên che kín, thành thử phần thân của nó chìm trong đất đá.

Ngàn dặm tìm thuốc trường sinh

Khoảng chục năm sau lần diện kiến sâm đầu tiên ấy, tôi có dịp gặp dược sĩ - lương y Đào Kim Long - người đầu tiên tìm ra sâm Ngọc Linh - ở một con ngõ nhỏ của phố An Dương Vương (Hà Nội). Vị lương y tuổi đã ngót nghét 80, râu tóc phiêu dật nhẹ nhõm như thoát khỏi sự ràng buộc của cuộc đời. Sinh năm 1940, khi đang là một cán bộ trường Dược, ông nhận lệnh đi tìm thuốc nam phục vụ chiến tranh. Ông và các cộng sự lần theo vệt di cư của cây cỏ từ Hoa Nam sang Việt Nam, cứ thế mà đi bộ, từ Hòa Bình vào tới tận ngã ba Đông Dương ở Ngọc Hồi, Kon Tum năm 1971, rồi quay trở lại. Vừa đi vừa quan sát, ghi chép, đánh dấu được mấy trăm loại cây thuốc dọc đường. Khi vào tới Dân y Khu 5, ông đề nghị được điều tra tiếp khu vực đông Trường Sơn, nơi có địch đan xen, dính mấy trận phục kích mà không chết, tìm thêm được mấy trăm vị thuốc nữa.

Tháng 6.1972, hội nghị Dược toàn Khu 5 được tổ chức, người từ Đắk Lắk ra, người ở Bình Thuận lên, cùng đi đến thống nhất rằng, thuốc chữa bệnh đang vô cùng thiếu thốn, phải tìm được sâm và nếu có thì chỉ có thể ở Ngọc Lĩnh Sơn, “núi tổ” của cả dãy Trường Sơn, có sông suối tỏa ra ba nước Đông Dương nên nếu có sâm thì chỉ có thể có ở đây. Bí thư Khu ủy Khu 5 Võ Chí Công yêu cầu lập đoàn điều tra ngay! Đoàn đi tìm sâm ở Ngọc Lĩnh Sơn được hình thành từ tháng 6.1972, nhưng phải đến rằm tháng 10, hết mùa mưa, mới có thể khởi hành. Đi bộ. Mỗi người cõng chừng 40kg sau lưng đựng bản đồ tác chiến của pháo binh, máy ảnh, la bàn, máy đo độ cao, sổ sách tài liệu, súng ống đạn dược, đi đến đâu bắn chim, săn cá ăn đến đấy. 23 tết mới đến được Kon Tum, Sở Y tế mổ lợn cho ăn. Ăn tết xong lại đến thời điểm Đắc Tô - Tân Cảnh được giải phóng, gặp lúc dân bị bệnh dịch chết như ngả rạ, đoàn tìm sâm được lệnh quay lại giúp bà con chống dịch. Hết dịch lại đi. Lúc này đúng mùa sâm đang sắp ra hoa trăng trắng, may mắn thế, chứ đi sớm hơn hoặc muộn hơn không chắc đã tìm thấy.

Ở lưng chừng Ngọc Lĩnh Sơn, Đinh Kim Loan là cán bộ huyện H80 đưa đoàn tìm sâm đến bản Đăk K’man của người Xơ Đăng để chào ra mắt. Dược sĩ Đào Kim Long đi dạo vòng xung quanh bản, gặp già làng hỏi, mày từ đâu đến đây? Trả lời: Hà Nội. A, nay cũng mới gặp được một người đến từ Hà Nội. Vậy là hai người kết nghĩa anh em, một người 73 tuổi với một người 33 tuổi.

Rượu đót, làm từ một loại cây giống như cây thốt nốt, nhẹ khoảng 11-12 độ C, rót ra bát từ ống lồ ô. Bát gốm hơi mẻ một tí vẽ con gà ở ngoài. “Già làng Đăk K’man uống trước rồi đỡ hai tay cho mình uống cạn. Cho vợ uống với mình một bát, 6-7 đứa con mỗi đứa uống với mình một bát. Rồi lại gọi thanh niên bản đến uống tiếp. Phải say không biết đường về mới là anh em. Tôi say nằm nhà rông Xơ Đăng, tỉnh dậy thấy người đầy muội than và bắt đầu nói với bà con chuyện chữa bệnh bằng cây cỏ. Anh kết nghĩa mời già làng trưởng bản trong vùng tới nhận mặt tôi, còn Đinh Kim Loan thì giới thiệu rằng, đoàn chúng tôi đến đây chỉ để tìm hiểu, điều tra cây cỏ. Trên đỉnh Ngọc Lĩnh Sơn, không có lính Mỹ, lính Pháp nào từng tới được đó, sườn núi đầy bẫy thú. Không ai đưa chúng tôi đi tiếp, chúng tôi đi theo bản đồ trên tay” - ông kể. Từ bản Đắk K’man sang bản Moda trâu bò thả linh tinh, đường bẩn. Hồi xưa cũng có dạo người của Moda từng cõng Pháp lên Ngọc Lĩnh Sơn, lính bắn bò tót bị nổ khai hậu mù mắt nên từ đó không ai lên nữa.

Dược sĩ Đào Kim Long chia đôi đoàn để tìm kiếm. Ông dẫn đầu đoàn của mình, đi giữa là dược sĩ Nguyễn Thị Thu Lê, đi cuối là dược sĩ Nguyễn Châu Giang. Giang là sinh viên mới ra trường, cái gì cũng hỏi. Trên một đoạn đường rừng, Giang chạy vượt lên gặp ông rồi hỏi: Anh ơi, cây gì đây? Đúng sâm rồi. Bụi ấy có 3-4 nhánh nhoi lên trên mặt đất, ông bảo Giang lấy dao găm đào củ lên, còn mình thì chụp ảnh và đo độ cao, chỗ này chừng 1.800m so với mực nước biển, dưới tán rừng hỗn giao lá rộng lá kim xã Ngọc Lây, huyện H80, nay là huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Giờ các cộng sự vẫn kể lại rằng, ông đã đặt củ sâm lên tấm khăn trắng rồi hôn nó, sau đó còn khắc dấu lên cây gỗ cạnh đấy mấy chữ: “Tìm thấy cây sâm ở đây”. Thời khắc lịch sử đó là 9h ngày 19.3.1973. Củ sâm đầu tiên ấy cỡ độ hơn chục năm tuổi, vẫn được ông Trần Lai - dược sĩ, Ủy viên ban Dân y phụ trách dược Khu 5 - giữ đến tận bây giờ.

Ba người tìm kiếm, ghi chép về các loài cây xung quanh vùng sinh thái 1.800m này rồi đi tiếp. 17h, đến ven suối ở độ cao 2.200m, đặt ba lô xuống là đè lên sâm. Sâm bạt ngàn, xung quanh là ong bay, chiều tà, nước suối chừng 15-17 độ, ba người cắm tăng ở lại. Bước đi trong chốn thiên đường phải cẩn thận, không có chân giẫm lên sâm. Ba người bắt đầu quá trình thu gom để phơi khô mang về, khoảng 4,5-6kg sâm tươi thì được 1kg sâm khô, tổng cộng được hơn 10kg tất cả. Trong lúc Thu Lê làm sâm thì hai người đàn ông đi điều tra xem chúng từ đâu tới. Đi xuôi theo suối xuống hạ lưu, ở cao độ khoảng 1.200m thì sâm thưa dần, 1.000m thì hết. Đi ngược lên thượng nguồn thì rất hiểm trở, lá mục dày cả gang, bước nào đi cũng phải dò dẫm xem lỡ có tụt hố hay không. Cách sau ngày tìm thấy sâm ít hôm, khi đang nghiên cứu một quần thể sâm mọc bám quanh hòn đá ghềnh giữa suối, thì một cô gái Xơ Đăng đột ngột xuất hiện, hỏi đi đâu. Trả lời là đi bắn chim rừng. Không lâu sau, cô gái Xơ Đăng kéo theo 30-40 người đến bắt, lôi về bản gần đó. Chiến tranh đẩy con người lên ẩn mình cao hơn trên triền núi. Nhà già làng treo cặp sừng bò tót cong veo đầu trái, chẳng mất thời gian gì lâu la ông ấy nhận ngay ra dược sĩ Đào Kim Long vì đã được anh kết nghĩa giới thiệu khi ở bản Đắk K’man. Già làng kêu người thả ra, rồi cho thêm gùi khoai và mật ong rừng. Chỗ thực phẩm này giúp ba người sống thêm được nửa tháng nữa. Đến thời điểm đó, đoàn đã hiểu rằng, cây sâm phân tán theo dòng suối chảy, nhờ hạt trôi theo dòng nước. Do đặc điểm hình thái thân rễ có đốt nên đoàn điều tra đã đặt tên cho chúng là sâm Đốt Trúc (Panax articulatus) hay sâm K5. Gọi tên cụ thể là sâm Ngọc Lĩnh Sơn là lộ địa điểm ngay, nên dược sĩ Đào Kim Long đổi chệch tên thành sâm Ngọc Linh, để kẻ thù có biết cũng không tìm được.

Đinh lăng - một loài thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae).
Đinh lăng - một loài thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae).

Kết quả điều tra sâm do đoàn của dược sĩ Đào Kim Long dẫn đầu đã được khai thác sử dụng ngay cho việc chăm sóc sức khỏe chiến sĩ, nhân dân trong khu giải phóng, tiền đề cho mọi nghiên cứu về sau. Vài năm trước, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) đã hoàn thành báo cáo trên cơ sở các cụm công trình nghiên cứu khoa học y dược về sâm Ngọc Linh kéo dài gần nửa thế kỷ năm qua. Theo đó, cho đến nay, chưa ai biết loài Sâm Ngọc Linh có từ bao giờ và đã được dùng làm thuốc từ lúc nào.

Nhân sâm - đại bổ nguyên khí

Mới đây, tôi có cơ duyên được đọc cuốn "Sâm Việt Nam và một số cây thuốc họ Nhân sâm" do PGS.TS Nguyễn Thượng Dong chủ biên. Cuốn sách đã mở ra cho tôi một chân trời tri thức, giải đáp không ít những thắc mắc lâu nay. Nhân sâm đã được biết đến hàng trăm năm nay với tác dụng hồi phục sự suy giảm chức năng, đưa mọi hoạt động của cơ thể trở lại bình thường, mà y học cổ truyền gọi là "hồi dương". Nhân sâm còn có tác dụng đại bổ nguyên khí, phục mạnh, cố thoát, sinh tân, an thần, bổ tỳ, ích phế. Sách "Bản kinh" của Trung Hoa còn ghi nhân sâm chủ bổ ngũ tạng, chỉ kinh quý, trừ tà khí, minh mục, khai tâm, ích trí.

Từ "sâm" được dùng để chỉ cây nhân sâm (panax ginseng C. A. Meyer), một cây thuốc bổ hàng đầu của y học cổ truyền phương Đông. Nó còn được mở rộng để chỉ một số loài thuộc chi panax, họ Nhân sâm (Araliaceae) có tác dụng tương tự nhân sâm, như sâm Mỹ, sâm tam thất, sâm Nhật, sâm Việt Nam. Đến nay, đã biết 14 loài và một số dưới loài thuộc chi panax. Vùng phân bố của chi này ở Bắc Bán cầu, từ Himalaya đến Đông Bắc Trung Hoa, vùng Viễn Đông nước Nga, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam (panax Vietnamensis Ha et Grushv.) ở vùng núi cao Ngọc Linh thuộc hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn phát hiện thấy các loài sâm vũ diệp (panax bipinnatifidus Seem) mọc hoang ở phía Bắc, tam thất (panax pseudo - ginseng Wall.) được trồng ở nhiều tỉnh miền Bắc, nhưng không rõ xuất xứ và tam thất hoang (panax stifuleanatus H. T. Tsai et K. M. Feng).

Họ Nhân sâm còn có một số loài thuộc các chi khác như Acanthopanax, Aralia, Schefflera, Polyscias như loài Acanthopanax senticosus, Harms mà ở Nga còn gọi là Eleutherococcus, được bán trên thị trường với tên Seberian ginseng. Ở Việt Nam, loài đinh lăng (Polyscias fruticosa (L.) Harms và một số loài ngũ gia bì (Schefflera spp.) là những cây thuốc thay thế nhân sâm.

Trên thực tế còn có trên 40 cây khác mang tên sâm, nhưng không phải là sâm, như sâm Bố Chính, huyền sâm, đẳng sâm, thổ cao ly sâm, cát sâm, sa sâm, sâm cau, sâm nam, sâm đất...

Sâm có tác dụng tốt và được nhiều người ưa dùng, nên một số loài như nhân sâm đã được trồng hàng nghìn hecta tại Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc. Sâm Mỹ, ngoài mọc hoang tại vùng đông bắc, từ miền nam Quebec đến Minesota và miền Nam từ Oklahoma đến bang Georgia, hiện nay còn được trồng lớn tại Ontario và Bristish Colombia (Canada) và khắp Nhật Bản, vùng ôn đới Trung Quốc, miền nam Ấn Độ, Nepal và Butan. Các loài sâm này đã mang lại một nguồn thu lớn cho các quốc gia.

Hiện nay, với phát triển của khoa học và công nghệ, sâm Việt Nam đã được chứng minh ngoài tác dụng bổ dưỡng còn có nhiều tác dụng rất đáng ghi nhận khác: Kích thích hoạt động não bộ, nội tiết tố sinh dục, tạo hồng cầu và hemoglobin, kháng khuẩn đặc hiệu với chủng Streptococcus, chống ôxy hóa, lo âu, trầm cảm, bảo vệ gan, giảm cholesterol và lipid máu, hạ glucosa huyết, điều hòa tim mạch, điều hòa miễn dịch và phòng chống ung thư.

Sự phát hiện loài sâm đặc hữu Việt Nam này vào ngày 19.3.1973 tại vùng Ngọc Lây, Đắc Tô, Kontum do dược sĩ Đào Kim Long và Đoàn điều tra dược liệu Ban Dân y, Quân khu 5 đã được ghi nhận như một sự kiện đáng nhớ của chuyên ngành Dược liệu nói riêng và ngành Dược nói chung. Tiếp nhiều năm sau đó là sự lao động miệt mài của rất nhiều cán bộ khoa học tại Trung tâm Sâm và các viện, trường trong và ngoài nước, nghiên cứu về thực vật, kỹ thuật trồng và tái sinh, hóa học và đánh giá tác dụng sinh học của loài sâm quý và đặc hữu của Việt Nam suốt mấy chục năm qua.

Phân bố của các loài thuộc chi Panax L. trên thế giới 

Cho đến nay, người ta đã biết khoảng 14 loài thuộc chi Panax với phân bố như sau:

1. Panax ginseng C.A. Mey. (nhân sâm) = Panax shingseng Ness: Loại hoang dai, hiện nay rất hiếm, được trồng ở Đông Bắc Châu Á.

2. Panax quinquefolium L. (sâm Mỹ): Mọc hoang và được trồng ở vùng Bắc Mỹ.

3. Panax trifoliatus L. (Drawf ginseng, "sâm lùn"): Có ở Bắc Mỹ.

4. Panax notoginseng F.H. Chen ex C.Y.Wu et K.M.Feng: phân bố của loài hoang dại chưa rõ, hiện đã được trồng ở Vân Nam, Trung Quốc.

5. Panax pseudo-ginseng Wall. subsp. pseudo-ginseng Hara: Mọc hoang dại, rất hiếm, được tìm thấy ở phía đông dãy Himalaya.

6. Panax japonicus C.A. Mey (panax pseudo-ginseng Wall, subsp japonicus (Meyer) Hara: Mọc hoang dại ở Nhật Bản và miền nam Trung Quốc.

7. Panax japonicus C.A. Mey. var. major (Burk.) C.Y. Wu et K.M. Feng (panax pseudo-ginseng Wall var. major (Burk.) Li: Mọc hoang dại ở miền nam Trung Quốc.

8. Panax japonicus C.A. Mey. var. angustifolius (Burk.) Chen et Chu: Mọc hoang ở miền nam Trung Quốc.

9. Panax japonicus C.A. Mey. var. bipinnatifidus (Seem) C.Y. Wu et K.M. Feng: Mọc hoang ở miền nam Trung Quốc.

10. Panax zingiberensis C.Y. Wu et K.M. Feng: Mọc hoang ở miền nam Trung Quốc.

11. Panax stipuleanatus H.T.Tsai et K.M. Feng: Mọc hoang ở miền nam Trung Quốc từ Vân Nam đến Tây Tạng và miền Bắc Việt Nam.

12. Panax pseudo-ginseng Wall, subsp. himalaycus Hara: Mọc hoang ở phía đông dãy Himalaya.

13. Panax sp: Gồm mẫu C (thu hái ở Chame, Nepal) và mẫu G (thu hái ở Ghorapani, Nepal), mọc hoang ở miền trung Nepal.

14. Panax vietnamensis Ha et Grushv., mọc hoang và đã được trồng ở hai tỉnh Kontum và Quảng Nam Việt Nam.

Một số cây thuốc khác họ nhân sâm ở Việt Nam

Trong những năm gần đây, thế giới đặc biệt chú ý đến các cây thuộc và thuốc có nguồn gốc thiên nhiên do phát hiện nhiều tác dụng không mong muốn của nhiều loại thuốc được sản xuất bằng con đường tổng hợp hóa học. Vì vậy, nhu cầu về cây thuốc nói riêng và dược liệu rất lớn, khoảng 60.000 tấn/năm và thuốc y học cổ truyền chiếm 27%. Trong đó, các dược liệu có tác dụng bổ, tăng lực được chú ý do đời sống ngày càng được nâng cao nên nhu cầu bảo vệ, nâng cao sức khỏe được con người ngày càng quan tâm. Nhân sâm là vị thuốc bổ, còn gọi là thuốc trường sinh, đã được nhân dân tín nhiệm từ lâu đời. Tuy nhiên, nhân sâm khó trồng, hiếm, thời gian thu hoạch lâu, giá thành cao nên trong khoảng 50 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước vẫn tìm kiếm những loài khác thuộc họ Nhân sâm (Araliaceae) để thay thế nhân sâm với một số tác dụng: Bổ, tăng lực, chống stress và đã phát hiện nhiều loài có tác dụng tương tự nhân sâm như sâm Siberia, đinh lăng, ngũ gia bì chân chim, sâm Mỹ, tam thất, sâm Việt Nam. Chúng góp phần phòng và điều trị các bệnh lý gây bởi stress vật lý và tâm lý ảnh hưởng đến sự hằng định nội môi (homeostasis) của cơ thể con người và là nguyên nhân của các căn bệnh thời đại như ung thư, tim mạch, suy giảm miễn dịch, trầm cảm.

Theo thống kê năm 1985 (Grushvitsky, Hà Thị Dụng), họ Nhân sâm (Araliaceae) ở Việt Nam có 110 loài, thuộc 18 chi (không kể chi Polyscias và các loài được trồng), trong đó có 46 loài và 11 thứ là đặc hữu trong hệ thực vật Việt Nam, đã có 40 loài được dùng làm thuốc. Đến nay, số loài chưa được cập nhật và thống kê đầy đủ nhưng trên thực tế số loài trong họ này đã tăng lên 130 (Shang, 1983, 1997) với trên 60 loài đặc hữu.

So sánh với họ Nhân sâm nằm trong thực vật chí Trung Hoa có 22 chi và 171 loài (Flora of China, 1996) thì Việt Nam là nước có các loài Nhân sâm rất phong phú, đáng để đầu tư nghiên cứu, ngoài chi Panax L với nhiều cây thuốc quý hiếm có thể kể đến các chi Schefflera, Aralia, Macropanax, Brassaiopsis.

Chi Schefflera

Schefflera là chi lớn nhất trong họ Nhân sâm, phong phú về loài và phân bố rộng. Riêng ở Việt Nam có khoảng 60 loài, trong đó có 41 loài đặc hữu và 11 loài làm thuốc. Ngoài ra, còn có 1 số loài Schefflera chưa định danh được.

Về sinh thái, chi Schefflera phân bố rộng rãi trải dài từ bắc đến nam Việt Nam, kể cả hải đảo, tuy nhiên vẫn mọc tập trung ở một số vùng núi cao như Lâm Đồng, Kon Tum, vùng núi đá vôi bắc Việt Nam và thường ở độ cao 800-2000m. Hiện nay, số loài Schefflera được sử dụng chưa nhiều, đặc biệt số loài làm thuốc còn khá ít so với tổng số loài đã xác định và khảo sát về mặt phân bố. Đây là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho việc nghiên cứu phát hiện cây thuốc có tác dụng như nhân sâm cũng như những tác dụng quý khác mà nhân sâm không có. Một số tên tiếng Việt của một số loài thuộc chi Schefflera dùng làm thuốc ở Việt Nam: Chân chim Sapa; Chân chim bầu dục - chân chim leo; Chân chim hoa chụm - chân chim hoa cầu; Chân chim Kontun; Chân chim leo hoa trắng; Ngũ gia bì chân chim; Chân chim sẻ; Chân chim núi - chân chim Petelot; Chân chim gân dày - chân chim mây...

(Còn nữa)

Ghi chép của Nguyễn Huy Minh
TIN LIÊN QUAN

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Ông Park Hang-seo dặn dò cầu thủ tuyển Việt Nam trong ngày chia tay

AN NGUYÊN |

Kết thúc AFF Cup 2022, huấn luyện viên Park Hang-seo đã nói lời cuối cùng trên cương vị huấn luyện viên trưởng và bày tỏ tình cảm của mình với các cầu thủ tuyển Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Cha đẻ của mèo AI mà cư dân mạng nhầm tưởng ở Ninh Thuận lên tiếng

Hữu Long |

Nguyễn Lê Thái Nguyên vẽ mèo Tết bằng công nghệ AI rồi chia sẻ lên trang cá nhân. Những hình ảnh tuyệt đẹp về mèo nhận được vô số lời khen từ nhiều người bạn. Có không ít người đến nay vẫn nhầm lẫn đây là mèo Tết có nguồn gốc từ Ninh Thuận.

Cận Tết, showroom xe ôtô cũ chấp nhận bán hòa, cắt lỗ để thu hồi vốn

LÂM ANH |

Cuối năm thường là mùa thu hoạch của thị trường xe ôtô cũ nhưng năm nay điều này đã không đến bởi việc ngân hàng siết cho vay, lãi suất cao đã khiến lượng khách hàng giảm đi đáng kể. Những ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết, chủ showroom chấp nhận bán hòa vốn hay thậm chí, bán cắt lỗ để thu hồi vốn trước Tết.

Xu hướng công khai tiền lương ở Mỹ: Ai sẽ được hưởng lợi?

Thanh Hà |

Luật thanh toán minh bạch ở Mỹ góp phần giảm chênh lệch tiền lương.

3 phim Việt ra rạp đúng mùng 1 Tết: Tác phẩm nào có khả năng thắng thế?

Chí Long |

3 phim điện ảnh Việt đồng loạt ra mắt đúng mùng 1 Tết Quý Mão 2023 là Chị chị em em 2, Siêu lừa gặp siêu lầyNhà bà Nữ.

Bi hài chuyện người già online: Suýt bị lừa gần 300 triệu đồng

BẠN ĐỌC NGUYỄN MINH ÚT |

Tôi nhận được một tin nhắn trên Facebook với nội dung vô cùng phấn khởi: “Xin chúc mừng tài khoản của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ tri ân khách hàng năm 2022… Phần quà giải nhất của chị gồm: 1 xe máy Honda SH 150i; 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng tiền mặt… do tập đoàn Facebook tổ chức bình chọn…”.