Thiếu điện do EVN không đủ nguồn hay do dân dùng điện lãng phí?

Nhóm PV |

Trao đổi với Báo Lao Động bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho biết, để không lâm cảnh thiếu điện, ngoài giải pháp tiết kiệm điện, việc phát triển nguồn điện mới là then chốt.

Dự báo của EVN, trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra, miền Bắc có nguy cơ thiếu 1.600-4.900 MW điện trong tháng 5 và tháng 6. Tình trạng này khiến ngành điện phải phát động phong trào, kêu gọi người dân chung tay tiết kiệm điện trên toàn quốc. Vậy, nếu để thiếu điện, thì trách nhiệm ở đây thuộc về EVN khi không đảm bảo các nguồn điện hay do người dân đã dùng điện quá lãng phí?

- Tôi cho rằng, trách nhiệm đến từ hai phía. Thời gian qua, ngành điện cũng có những khó khăn chủ quan, khách quan, khiến nhiều dự án điện chưa triển khai, chưa huy động tối đa nguồn điện. Nhưng, trách nhiệm của EVN là buộc phải đảm bảo đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Mặt khác cũng phải thúc đẩy trong toàn dân văn hoá tiêu dùng, văn hoá tiết kiệm điện. Khi việc tiết kiệm điện trở thành văn hoá, chi phối hành vi hàng ngày của người dân, tôi nghĩ chúng ta sẽ giảm được nhu cầu điện năng cho mỗi gia đình, góp phần giải quyết khó khăn cho ngành điện hiện nay.

Việc hàng nghìn MW năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) chưa huy động lên lưới, trong khi chúng ta vẫn phải nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc. Việc này có phải đang lãng phí nguồn tài nguyên từ nội tại không, thưa ông?

- Phát triển năng lượng tái tạo là định hướng phát triển quan trọng và đúng hướng của ta trong thời gian tới. Phát triển năng lượng này không chỉ làm tăng tổng cung trong hệ thống năng lượng quốc gia mà còn tạo ra nguồn năng lượng sạch, năng lượng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hiện nay, xu hướng chung của thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài, tập đoàn hàng đầu thế giới - họ có những cam kết sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Trong khi, đầu tư vào một quốc gia, doanh nghiệp ngoại rất quan tâm rằng quốc gia đó sử dụng tỉ lệ năng lượng tái tạo như thế nào, có đảm bảo yêu cầu về năng lượng sạch cho họ.

Do vậy, việc đầu tư, phát triển các nguồn điện tái tạo trong lĩnh vực điện lực không chỉ có ý nghĩa phát triển nguồn điện cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thúc đẩy dòng vốn đầu tư chất lượng cao, thân thiện với môi trường, mở đường cho dòng vốn đầu tư mới vào Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Media Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc. Ảnh: Media Quốc hội

Trên thực tế, những dự án điện cũng đóng góp lớn vào tăng trưởng, đầu tư. Cho nên, đây là xu hướng mà chúng ta cần thúc đẩy, nhưng muốn làm được điều đó, phải có chuyển động rất nhanh, quyết sách kịp thời về quy hoạch và chính sách, nhất là chính sách về giá, phân phối điện. Thời gian qua, chúng ta vẫn còn lúng túng về việc này.

Do vậy, thời gian tới, Chính phủ cần tập trung giải toả những khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách trong lĩnh vực điện năng, nhất là năng lượng tái tạo, sẽ góp phần huy động được các nguồn lực để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. 

Đầu tháng 5, ngành điện thông báo chính thức tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3% so với giá hiện hành. Theo Quyết định 24 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, 6 tháng ngành điện sẽ rà soát và được quyền đề xuất điều chỉnh giá điện. Ông nghĩ thế nào nếu trong thời gian tới, EVN tiếp tục đề xuất tăng giá điện?

Trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân rất khó khăn như hiện nay, chúng ta đang thực hiện khoan thư sức dân, yểm trợ cho doanh nghiệp, không nên đưa ra bất cứ giải pháp nào để tăng giá, tăng phí, tăng thêm thủ tục cho người dân và doanh nghiệp khi dư địa về tài khoá của Chính phủ vẫn còn lớn. Do vậy, Chính phủ phải cùng với các ngành hàng, ngành điện lực giải quyết vấn đề này.

Xã hội hoá ngành điện chậm, độc quyền thì không tránh khỏi việc lộng hành về giá

Liên quan đến vấn đề EVN báo lỗ liên tiếp và liên tục tăng giá, phải đi nhập khẩu điện ở Trung Quốc, Lào trong khi nguồn điện từ năng lượng tái tạo lại chưa được hoà mạng, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng, việc sản xuất điện cần song hành với việc cải thiện hạ tầng truyền tải nhưng vừa qua hai việc này lại thực hiện không đồng bộ.

“Lúc thì đồng ý cho bổ sung hàng loạt các dự án năng lượng tái tạo nhưng khi sản xuất ra, năng lực truyền tải có hạn dẫn đến có điện mà không tiêu thụ được. Cùng với đó, cơ sở pháp lý của các dự án cũng chưa minh bạch gây khó khăn khi hoà mạng”, ông Vân nói và cho rằng, nếu khắc phục được những vấn đề này từ trước, sẽ không thiếu điện, không phải tăng giá điện.

Đại biểu Vân cũng cho rằng, cần phải xem xét lại chi phí hệ thống vận hành đường truyền tải điện, chi phí cho sản xuất điện của EVN khi nhiều người vẫn lo ngại chi phí này quá lớn do bộ máy hoạt động cồng kềnh, mà điều này lại tính hết vào giá thành.

“Có một giai đoạn, dư luận còn đặt vấn đề EVN lấy tiền tích luỹ để đầu tư vào bất động sản, khu nghỉ dưỡng dẫn đến thua lỗ, rồi tính hết vào giá điện, tôi không rõ đến nay, việc điều tra vấn đề này thực hiện đến đâu mà chưa thấy công khai”, ông Vân băn khoăn.

Theo đại biểu Lê Thanh Vân, EVN là một doanh nghiệp Nhà nước với vai trò chủ đạo sản xuất, cung ứng điện nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần thanh tra, kiểm tra vai trò của EVN để trả lời cho Quốc hội biết việc quản lý, quản trị của doanh nghiệp này như thế nào, tại sao năm nào cũng thua lỗ, lỗ đến hàng chục nghìn tỉ xong lại tính hết vào giá điện khiến người dân phải gánh chịu.

“Người dân không hề liên quan đến việc thua lỗ của EVN, đó là do việc sản xuất điều hành giá điện yếu kém, không chịu tiết kiệm bộ máy dẫn đến phát sinh chi phí cao. Có một thời gian người dân cũng đặt câu hỏi về thu nhập của cán bộ, lãnh đạo EVN rất cao, đến bây giờ cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc”, ông Vân nêu vấn đề.

Theo đại biểu đoàn Cà Mau, lộ trình xã hội hoá ngành điện hiện nay còn chậm, càng để độc quyền, sự lộng hành về giá là không tránh khỏi.

“Cần sớm triển khai lộ trình đó để các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất, truyền tải điện. Nhà nước chỉ nên độc quyền về phân phối, tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng kinh doanh mới đảm bảo được chiến lược về an ninh năng lượng quốc gia”, ông Vân nhìn nhận. 

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Trước nguy cơ thiếu điện, hướng xử lý các dự án điện mặt trời vướng pháp lý

Thái Mạnh |

Chiều 26.5, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình cung ứng điện trong mùa nắng nóng, các giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là tháo gỡ cho các dự án năng lượng.

Thiếu điện, nhưng đèn điện vẫn bật giữa ban ngày tại quốc lộ 10 Hải Phòng

Hà Vi |

Chiều ngày 24 và 25.5, mặc dù đang là ban ngày, trời còn nắng nhưng hàng chục bóng đèn cao áp đoạn cầu Tiên Cựu (thuộc hai huyện An Lão và Tiên Lãng, TP Hải Phòng) vẫn sáng rực, gây lãng phí nguồn điện.

Người dân, hộ sản xuất lo lắng trước nguy cơ thiếu điện

HỮU CHÁNH - PHƯƠNG NGÂN |

TP Hồ Chí Minh - Nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ thiếu điện ngày càng hiện hữu, điều này trở thành nỗi lo của nhiều người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Nợ công Mỹ chạm mức cao lịch sử

Khánh Minh |

Nợ công Mỹ chạm mức cao kỷ lục chỉ hai tuần sau khi chính phủ được phép tiếp tục vay không giới hạn đến năm 2024.

Diễn viên Kiều Anh tiết lộ lý do dẫn đến quyết định dừng đóng phim 8 năm

Mai Anh |

Chia sẻ với phóng viên Lao Động về vai diễn trong "Gia đình mình vui bất thình lình", Kiều Anh cho biết, Phương là một nhân vật nhạt nhòa nhưng lại mang nhiều cảm xúc cho cô. Kiều Anh cũng chia sẻ thêm về 8 năm tạm dừng diễn xuất.

Lợi thế phát triển điện ảnh, du lịch và thương hiệu tại Khánh Hòa

Mai Hương |

Tối qua - 17.6, chương trình đại nhạc hội "Đôi cánh diệu kỳ" đã diễn ra tại quảng trường 2.4 (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa).

Nguy hiểm khôn lường từ các bãi tắm tự phát trong dịp hè

Bảo Thoa |

Hà Nội - Trong thời tiết nắng nóng, oi bức, bất chấp những rủi ro về nguy cơ đuối nước, nhiều người lớn, trẻ nhỏ vẫn vô tư bơi lội mà không trang bị bất cứ phương tiện phòng hộ nào bên mình tại các bãi tắm tự phát xung quanh Hồ Tây (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Đất vàng phố cổ phát mại không ai mua, ngân hàng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu

Đức Mạnh |

Khoảng 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại hệ thống ngân hàng hiện nay là bất động sản. Do đó, nhà đất thường là tài sản được các ngân hàng đem ra phát mại nhiều nhất khi khách hàng không đảm bảo khả năng hoàn trả nợ vay.

Trước nguy cơ thiếu điện, hướng xử lý các dự án điện mặt trời vướng pháp lý

Thái Mạnh |

Chiều 26.5, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình cung ứng điện trong mùa nắng nóng, các giải pháp tiết kiệm điện, đặc biệt là tháo gỡ cho các dự án năng lượng.

Thiếu điện, nhưng đèn điện vẫn bật giữa ban ngày tại quốc lộ 10 Hải Phòng

Hà Vi |

Chiều ngày 24 và 25.5, mặc dù đang là ban ngày, trời còn nắng nhưng hàng chục bóng đèn cao áp đoạn cầu Tiên Cựu (thuộc hai huyện An Lão và Tiên Lãng, TP Hải Phòng) vẫn sáng rực, gây lãng phí nguồn điện.

Người dân, hộ sản xuất lo lắng trước nguy cơ thiếu điện

HỮU CHÁNH - PHƯƠNG NGÂN |

TP Hồ Chí Minh - Nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ thiếu điện ngày càng hiện hữu, điều này trở thành nỗi lo của nhiều người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.