Hãy tận dụng những công cụ đơn giản nhất để bán hàng
Sau khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và TPHCM yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở dịch vụ không thiết yếu (quán càphê, cửa hàng quần áo thời trang, phòng tập, hàng quán dịch vụ ăn uống...) đến ngày 5.4, nhiều doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng ăn uống (F&B) cho biết đã tìm mọi phương án để tiếp cận khách hàng, chẳng hạn như chuyển sang mô hình bán hàng mang đi, giao hàng tận nơi.
Chia sẻ tại buổi meeting online: "Giải pháp tháo gỡ khó khăn SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ)" do nhóm Cộng đồng hỗ trợ các nhà kinh doanh có tên CSC (CEOs Supportive Community) tổ chức, đa số ý kiến các doanh nghiệp đưa ra là phải xác định rõ mục tiêu tiếp tục giao hàng để duy trì dòng vốn vận hành hay giữ tương tác với khách hàng, từ đó có phương án tiếp cận hiệu quả.
Cùng với đó là tận dụng nguồn khách hàng cũ hiện có và đề xuất các chính sách để họ bán hàng cho bạn.
Ông Huỳnh Lâm Hồ - CEO Haravan cho rằng, trước khi tư duy sử dụng công cụ phức tạp thì hãy tận dụng những công cụ đơn giản nhất mà bạn có thể hành động ngay như: Email, SMS, Facebook Fanpage…
Theo chia sẻ của ông Huỳnh Lâm Hồ, hiện nay, Facebook vẫn đang là một kênh rất quan trọng trong việc giữ tương tác và kết nối với khách hàng. Bằng các chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi hấp dẫn, các chủ doanh nghiệp nên dẫn về Facebook Messenger để nhân viên làm việc từ xa có thể tiếp cận và tư vấn khách hàng ngay.
Tận dụng mối quan hệ bán hàng B2B
Trong quá trình trao đổi, ông Lê Hải Bình - Chủ tịch AXYS Group, nhà sáng lập Công ty Social8 Asia cho hay, qua khảo sát thấy rằng rất ít chủ doanh nghiệp lưu lại hệ thống thông tin khách hàng.
Ông Bình cho rằng "đây là một điểm mắc sai lầm rất lớn vì một số doanh nghiệp hiện tại đang sống nhờ cách khai thác thông tin khách hàng cũ". Chính vì vậy, chủ doanh nghiệp nên tận dụng mối quan hệ bán hàng B2B (hình thức kinh doanh, buôn bán giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, thông thường là mô hình kinh doanh thương mại điện tử) sẽ được nhanh chóng, thuận tiện.
Theo ông Bình, thời điểm dịch ngày càng căng thẳng, chi phí để chuyển đổi một khách rất đắt, có thể cao hơn doanh thu mà họ mang lại. Song, nếu nhìn ở góc độ giá trị trọn đời của khách hàng, có thể sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho chủ doanh nghiệp.
"Hiện nay nhu cầu khách hàng sử dụng sản phẩm ngành F&B ngày càng đòi hỏi cao, vì thế các doanh chủ cần chú tâm vào việc vệ sinh và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Có thể kết hợp tạo thành các combo, gói dịch vụ gia tăng lợi ích cộng thêm của khách hàng", Chủ tịch AXYS Group nêu quan điểm.
Ông Diện Phạm - Đại diện Công Ty TNHH Kootoro Việt Nam cho biết, để vượt qua khó khăn giai đoạn này, các doanh nghiệp SMEs cần kết hợp các thương hiệu trong cùng phân khúc liên kết với nhau tạo thành các E-Voucher (phiếu mua hàng điện tử).
Những phiếu mua hàng có thể sử dụng kênh truyền thông xã hội để phát tán hoặc sử dụng QR Code dán lên bao bì sản phẩm, để khi nhận được hàng, khách hàng có thể quét mã và nhận khuyến mãi. Đồng thời chuyển sang nội dung cuối cùng là tận dụng dữ liệu để tiếp thị và bán hàng lại.
Cộng đồng doanh nghiệp bắt tay nhau, đàm phán chủ nhà giảm tiền thuê
"Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, chúng tôi đã chuẩn bị 5 viễn cảnh, từ xấu ít tới cực xấu, để đưa ra các phương án giúp công ty vượt qua mùa dịch nặng nề này.
Hiện tại là giai đoạn cắt giảm các chi phí không cần thiết, cho nhân viên nghỉ bớt, siết chặt lại chi phí văn phòng, chi phí kho bãi; điện nước tại nhà hàng cũng giảm đi lúc vắng khách. Chúng tôi đóng bớt cửa hàng bị lỗ, xấu nhất là chúng tôi phải đóng hết và "ngủ đông" chờ dịch hết để quay lại làm ăn tiếp.
Biện pháp tốt nhất bây giờ là cộng đồng doanh nghiệp bắt tay với nhau đàm phán chủ nhà về vấn đề giảm tiền thuê nhà từ 50% trở lên. Điều này nhằm giúp các chuỗi cửa hàng tồn tại được, rồi sau đó, chúng tôi có thể bù lại sau".
Ông Mai Trường Giang - người sáng lập chuỗi thương hiệu gà rán Otoké Chicken trao đổi với Lao Động.