Bước vào phiên giao dịch đầu tuần ngày 3.4 (giờ Việt Nam), giá dầu tăng mạnh bởi Ả Rập Xê-út và các nhà sản xuất dầu khác của OPEC+ đã tuyên bố cắt giảm thêm sản lượng dầu khoảng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng 5. Như vậy tổng sản lượng cắt giảm của OPEC+ sẽ lên tới 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.
Theo Reuters, việc cắt giảm tự nguyện bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến cuối năm. Ngoài Ả Rập Xê-út, Iraq tuyên bố sẽ giảm sản lượng 211.000 thùng/ngày; UAE giảm 144.000 thùng/ngày; Algeria giảm 48.000 thùng/ngày. Kazakhstan giảm 78.000 thùng/ngày; Gabon giảm 8.000 thùng/ngày.
Giá dầu kéo dài mức tăng ở 3 phiên tiếp theo sau khi OPEC + cắt giảm sản lượng. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất yếu kém ở Trung Quốc vào tháng trước cũng làm trầm trọng thêm tình hình.
Việc hạn chế sản xuất khiến nhiều nhà phân tích nâng dự báo giá dầu Brent lên lên 95 USD/thùng vào cuối năm nay và 100 USD/thùng vào năm 2024.
Tuy nhiên, sang phiên ngày 7.4 (giờ Việt Nam), các lo ngại về suy thoái kinh tế hạn chế đà tăng của giá dầu. Cơ hội việc làm tháng 2 của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất trong tháng 3 của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 3 năm. Điều đó cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, dữ liệu việc làm của Mỹ được đưa ra vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh (Good Friday) tác động không nhỏ đến biến động của giá dầu tuần sau.
Cụ thể, tăng trưởng việc làm của Mỹ đang chậm lại nhưng nền kinh tế hàng đầu thế giới này vẫn tạo thêm 236.000 việc làm trong tháng 3 và đạt mức tăng việc làm trung bình là 345.000/tháng trong quý đầu tiên.
Theo báo cáo, tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 3 đã giảm xuống 3,5% từ mức 3,6% trong tháng 2 ngay cả khi lực lượng lao động tăng khoảng nửa triệu người và tỉ lệ tham gia lao động tăng nhẹ. Tiền lương trung bình mỗi giờ cũng tăng 0,3%.
Với tỉ lệ thất nghiệp thấp và tiền lương tăng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) tại cuộc họp vào đầu tháng tới do khủng hoảng tài chính “hạ nhiệt” trong khi lo ngại về lạm phát vẫn ở mức cao.
Nhận xét về giá dầu trong thời gian tới, Stephen Brennock của nhà môi giới dầu mỏ PVM cho biết đà tăng giá của thị trường dầu mỏ có thể đã tạm dừng, nhưng trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt, tiềm năng tăng giá vẫn còn.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 9.4 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 22.082 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 23.125 đồng/lít; dầu diesel không quá 19.430 đồng/lít; dầu hỏa không quá 19.037 đồng/lít; dầu mazut không quá 14.429 đồng/kg.