Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Riêng trong năm 2022, Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến lần đầu. Bên cạnh đó, việc triển khai Chỉ thị số 30 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được quan tâm chỉ đạo và đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: "Người tiêu dùng ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, hệ thống pháp luật như pháp lệnh, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lần lượt ra đời. Đặc biệt, ngày 22.1.2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 30-CT/TW, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010) được tổng kết, đánh giá; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được xây dụng, trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới.
Có thể thấy, người tiêu dùng được coi là bên yếu thế nên bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là điều tất yếu".
Theo ông Hùng, để người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đã đến lúc chính sản phẩm cần thuyết phục người dùng trong nước. Cá nhân kinh doanh cần đề cao trách nhiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - mong muốn Hội trong thời gian tới sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho công tác bảo vệ quyền lợi người mua hàng.
Một là tiếp tục tổng hợp ý kiến của người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp, các hội thành viên về Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để gửi về Bộ Công Thương tổng hợp trình Quốc hội.
Hai là tiếp tục quán triệt và thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt đối với các nội dung quy định tại Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 26.5.2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW. Sớm đưa những văn bản này vào đời sống để phục vụ người tiêu dùng.
Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15.3) là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương làm đầu mối. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đều lựa chọn một chủ đề cụ thể cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam để các cơ quan, tổ chức tập trung thực hiện với các hoạt động có ý nghĩa.
Các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức thống nhất với sự tham gia của gần 60 tỉnh, thành trên cả nước vào tháng 3 hàng năm.