Giải bài toán chất lượng nhân lực, sẵn sàng đón sóng đầu tư

HẠNH AN |

Có nguồn nhân lực chất lượng cao và linh hoạt trở thành việc cấp thiết để đáp ứng mọi thay đổi trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, nhất là khi Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Song, đây cũng là thách thức đối với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và bản thân người lao động.

Làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Lũy kế 35 năm, Việt Nam đã thu hút gần 438,7 tỉ USD vốn FDI. Trong báo cáo mới đây, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách chỉ ra con số tăng trưởng đáng mừng của vốn FDI hàng năm tăng từ 1,3 tỉ USD của năm 1991 lên 29 tỉ USD của năm 2022. Dù năm 2020-2022, FDI thể hiện sự suy giảm do tác động của COVID-19 nhưng vốn thực hiện được giải ngân tốt hơn.

Trong chuyến công tác tại Mỹ (từ 17 đến 23.9.2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dành thời gian trao đổi với từng tập đoàn lớn, trong đó chủ yếu là các tập đoàn thuộc lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, năng lượng sạch…

Thương mại Việt - Mỹ những năm qua phát triển và có hiệu quả, tuy nhiên, với mức đầu tư trực tiếp trung bình 1 tỉ USD/năm từ các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam chưa xứng với tiềm năng trong khi mỗi năm doanh nghiệp Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 200-300 tỉ USD.

Nguyên nhân một phần là các nhà đầu tư có những tiêu chuẩn về môi trường, bản quyền, tính minh bạch môi trường đầu tư, xuất xứ hàng hóa... cũng như chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới về công nghệ.

Nghệ An với làn sóng đầu tư FDI tăng đột biến cho thấy nhân sự có tính chất quan trọng. Vốn FDI đăng ký vào tỉnh Nghệ An trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 1,27 tỉ USD, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành thu hút FDI hàng đầu Việt Nam. Trong đó có Goertek Vina (500 triệu USD), Everwin (200 triệu USD), JuTeng (200 triệu USD), Luxshare ICT (140 triệu USD), Mery&Luxshare (40 triệu USD)…

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Nghệ An, nguồn nhân lực dồi dào, khả năng đáp ứng kịp thời và có cơ chế kết nối, đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực cho các nhà đầu tư để họ yên tâm sản xuất chính là yếu tố mang tính đột phá. Đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đang là xu thế. Điều đó chứng minh bằng việc hàng loạt trường nghề, cao đẳng khu vực Bắc Trung Bộ khởi sắc với lượng sinh viên, học viên tăng mạnh.

Mất cân đối đào tạo nghề

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận định, tại Việt Nam hiện vẫn đang có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo, ngành nghề, nhất là ở những ngành nghề mới, đòi hỏi lực lượng nhân lực có kỹ năng như Logistics hay gần đây là chíp bán dẫn, khi các doanh nghiệp FDI đang có định hướng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đáng nói, hầu như trong lĩnh vực Logistics, hay chíp bán dẫn gần như mới chỉ có vài trường có ngành đào tạo nhưng với số lượng rất ít. Việc mất cân đối trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo dẫn đến mất cân đối cung ứng nhân lực cho các ngành kinh tế.

“Cứ một người đi học đại học thì có khoảng 0,42 người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, tức là cơ cấu đang bị chênh lệch giữa các trình độ đào tạo, dẫn đến một số lĩnh vực, ngành, cấp trình độ đang thừa nhân lực, nhưng nhân lực có trình độ cao trong các ngành sản xuất, dịch vụ cho phát triển kinh tế lại đang thiếu trầm trọng”, ông Độ thông tin.

Riêng với ngành Logistics, ở Việt Nam hiện chỉ có một số trường đào tạo với số lượng ít, như Đại học Hàng Hải Việt Nam, các cơ sở khác hầu như chỉ có những ngành đào tạo liên quan.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng. Ảnh HẠNH AN
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng. Ảnh: HẠNH AN

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng - cho biết, hiện nay, phát triển kỹ năng nguồn nhân lực là một trong ba chiến lược mang tính đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ kết nối và phát triển kinh tế.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16% và quy mô 40-42 tỉ USD/năm, Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam; được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường Logistics mới nổi toàn cầu.

Hiện các nhu cầu về cảng, kho bãi và giao nhận hàng hóa đang ngày càng tăng. Lĩnh vực này đang tiếp tục có những nhu cầu phát triển kỹ năng nguồn nhân lực, đặc biệt là để đáp ứng xu hướng số hoá.

Mục tiêu của Việt Nam đến 2025, tỉ trọng đóng góp của dịch vụ Logistics vào GDP đạt 8-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ Logistics đạt 15-20%, chi phí Logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.

“Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi lĩnh vực Logistics của Việt Nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh của lĩnh vực trong đó phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu”, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.

Sự kết hợp của nhiều bên

Tại Hà Nội, công tác đào tạo gắn với doanh nghiệp luôn được thành phố quan tâm chú trọng. Đây là giải pháp thúc đẩy mạnh kết quả tuyển sinh, nâng chất lượng đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho Hà Nội và cả nước đã được nêu rõ trong Luật Thủ đô.

Chia sẻ về giải pháp trong đào tạo nghề để có nguồn nhân lực chất lượng cao, bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội cho hay: Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề thì giải pháp đột phá là nhà trường phải kết hợp với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức đào tạo.

“Chúng tôi thiết kế một phần chương trình hoặc một số modun được đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường đưa học sinh, sinh viên đi tham quan, trải nghiệm, học tập, thực tập tại doanh nghiệp, đặc biệt là ở những công ty có công nghệ mới, trang thiết bị sản xuất hiện đại để các em học hỏi, cập nhật kiến thức mới nhất” - bà Hường cho hay.

Hiện tại, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội đang hợp tác cùng Công ty VinFast, có 164 sinh viên thực tập và làm việc tại doanh nghiệp này ở vị trí sản xuất và dịch vụ chăm sóc sau bán hàng. Nhà trường phối hợp với Công ty TNHH Công nghệ Tô Châu FUNA-AI Việt Nam, Công ty TNHH Công nghệ COWAIN Việt Nam đào tạo theo đơn đặt hàng ở lĩnh vực Điện tử công nghiệp - Điện công nghiệp, Tự động hóa công nghiệp, Cơ điện tử, với vị trí kỹ thuật viên…

“Với sự phối hợp này, sinh viên được học ở giáo viên nhà trường và người của doanh nghiệp. Khi nhà trường đào tạo theo đơn đặt hàng, sinh viên sẽ làm việc được trên những dây chuyền công nghệ và đúng vị trí kỹ thuật viên, chứ không phải lao động phổ thông” - bà Hường khẳng định.

Bà Trần Thị Lan Anh, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, trong 10 năm gầy đây, tư duy, nhận thức của doanh nghiệp trong vấn đề kết nối doanh nghiệp và nhà trường đã có sự thay đổi rất lớn.

Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chuyển thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Chính vì vậy, việc có nguồn nhân lực chất lượng cao và linh hoạt là cấp thiết để đáp ứng mọi thay đổi của bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, nhu cầu về kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, song đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp.

“Việc hỗ trợ, tạo ra một sân chơi, cơ chế cho doanh nghiệp tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề cho chính nguồn lao động của họ là vấn đề quan trọng”, bà Lan Anh nói và cho biết, VCCI sẽ cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các hiệp hội tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp để họ tích cực tham gia hơn vào quá trình kết nối với nhà trường, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

HẠNH AN
TIN LIÊN QUAN

Chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp từ mô hình "hai nhà"

Tường Vân |

27 sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ giáo dục khoá đầu tiên (năm 2019), Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội đã được tuyển dụng tại các doanh nghiệp đối tác hoặc hợp tác. Điều này là minh chứng rõ nét nhất về lợi ích tích cực mà mô hình hợp tác nhà trường - doanh nghiệp đem đến cho sinh viên, nhà trường và cả doanh nghiệp.

Tập đoàn vi mạch Intel, Synopsys giúp đào tạo nhân lực vi mạch cho Đà Nẵng

THÙY TRANG |

Chiều 26.1, trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ Đà Nẵng 2024”, hai tập đoàn hàng đầu về vi mạch bán dẫn đã ký kết bản ghi nhớ về việc hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn cho thành phố.

Đào tạo nhân lực vi mạch cần tính toán kết nối quốc tế, tìm đầu ra

THÙY TRANG |

Ngày 26.1, tại tọa đàm “Đà Nẵng và chính sách phát triển vi mạch, trí tuệ nhân tạo”, Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á – một trong những doanh nghiệp hàng đầu về vi mạch bán dẫn cho rằng, việc đào tạo nhân lực vi mạch với Đà Nẵng không khó. Tuy nhiên, cần có đầu mối giúp các trường đại học kết nối, tìm đầu ra cho nhân lực sau đào tạo.

Tết vui trên những công trình Tấm lòng Vàng

PHONG LINH |

“Tôi tin năm nay sẽ là một mùa Tết vui của bà con miền Tây, ít nhất là đối với những hộ gia đình, người dân lưu thông qua chiếc cầu, con đường do Quỹ Xã hội từ thiện (XHTT) Tấm lòng Vàng Lao Động tài trợ” - bà Lê Thị Đẩu (thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ.

Xả súng tại ga tàu điện ngầm ở New York, Mỹ

Thanh Hà |

1 người chết, 5 người bị thương trong vụ xả súng ở ga tàu điện ngầm thành phố New York, Mỹ tối 12.2.

Khám phá phái võ từng tôi luyện để bảo vệ vua triều Nguyễn (Phần I)

NHÓM PV |

HUẾ - Là phái võ gia truyền hình thành từ thời nhà Nguyễn, thuộc dòng võ Kinh, hệ Hắc Hổ với nhiều cao thủ võ nghệ lưu truyền qua nhiều đời, Võ Kinh Vạn An phái đã và đang gìn giữ, phát huy giá trị của võ thuật cổ truyền Việt Nam. Đến nay Võ Kinh Vạn An là một phái võ có tầm ảnh hưởng không những trong nước mà còn rất được mến mộ ở nước ngoài.

Nhà thiết kế Công Trí: Tôi như người thưởng ngoạn khi bước vào thời trang quốc tế

vi ly (thực hiện) |

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với nhà thiết kế Công Trí, anh được đánh giá là nhà thiết kế hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Công Trí nhận được đơn đặt hàng từ những ngôi sao danh tiếng thế giới như: Katy Perry, BlackPink, Adele hay Rihanna...

Sáng tạo nhìn từ làng du lịch tốt nhất thế giới

Thanh Hải |

Tổ chức Du lịch thế giới UNWTO (World Tourism Organization) đã vinh danh Tân Hóa, thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình là làng du lịch tốt nhất thế giới từ giữa tháng 10.2023.

Chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp từ mô hình "hai nhà"

Tường Vân |

27 sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ giáo dục khoá đầu tiên (năm 2019), Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội đã được tuyển dụng tại các doanh nghiệp đối tác hoặc hợp tác. Điều này là minh chứng rõ nét nhất về lợi ích tích cực mà mô hình hợp tác nhà trường - doanh nghiệp đem đến cho sinh viên, nhà trường và cả doanh nghiệp.

Tập đoàn vi mạch Intel, Synopsys giúp đào tạo nhân lực vi mạch cho Đà Nẵng

THÙY TRANG |

Chiều 26.1, trong khuôn khổ sự kiện “Gặp gỡ Đà Nẵng 2024”, hai tập đoàn hàng đầu về vi mạch bán dẫn đã ký kết bản ghi nhớ về việc hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn cho thành phố.

Đào tạo nhân lực vi mạch cần tính toán kết nối quốc tế, tìm đầu ra

THÙY TRANG |

Ngày 26.1, tại tọa đàm “Đà Nẵng và chính sách phát triển vi mạch, trí tuệ nhân tạo”, Giám đốc Kinh doanh Synopsys Nam Á – một trong những doanh nghiệp hàng đầu về vi mạch bán dẫn cho rằng, việc đào tạo nhân lực vi mạch với Đà Nẵng không khó. Tuy nhiên, cần có đầu mối giúp các trường đại học kết nối, tìm đầu ra cho nhân lực sau đào tạo.