3 chữ “biến” trong chuyển đổi nông nghiệp và vai trò của doanh nghiệp Việt Nam

Khánh Vũ |

Cả nước đang có hơn 900.000 doanh nghiệp hoạt động thì chỉ có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong khi yêu cầu và tiềm năng phát triển của lĩnh vực còn rất lớn. Để nông nghiệp Việt Nam bứt phá, phát triển mạnh mẽ, cần nhiều hơn sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.

Trong cuộc trò chuyện với Báo Lao Động, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định vai trò quan trọng của lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và đưa ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh thu hút đầu tư của doanh nghiệp, tạo "sức bật" cho lĩnh vực nông nghiệp phát triển bền vững.

Doanh nghiệp còn ngần ngại khi tham gia đầu tư vào nông nghiệp

Thưa Bộ trưởng, bức tranh doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (NN) những năm gần đây đã khởi sắc, nhưng mới chỉ có khoảng 1,3% DN đang hoạt động tham gia vào lĩnh vực này. Vì sao các DN vẫn chưa mặn mà với kinh tế nông nghiệp, thưa ông?

- Nông nghiệp luôn được xem là một ngành gặp nhiều rủi ro nhất: Thời tiết, dịch bệnh, thị trường đầu vào, đầu ra. Nông nghiệp cũng là ngành cần đầu tư dài hạn, tỉ suất lợi nhuận không cao như các ngành công nghiệp, bất động sản, đầu tư chứng khoán,... Nông nghiệp lại phụ thuộc nhiều vào hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn vốn còn rất hạn chế. Tập trung, tích tụ đất đai để sản xuất hàng hoá lớn đang bất cập về thể chế, rào cản tư duy tiểu nông và do đất đai manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, cách làm tự phát. Tinh thần liên kết, hợp tác lỏng lẻo, giữa người sản xuất và doanh nghiệp.

Những đặc điểm trên khiến nhiều doanh nghiệp hạn chế đầu tư vào nông nghiệp mặc dù Việt Nam là đất nước có thế mạnh về nông nghiệp, nông nghiệp được xem là lợi thế quốc gia.

Thời gian qua, Bộ NNPTNT đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN. Bộ trưởng có thể nói rõ hơn về các giải pháp mà Bộ đã dành nhiều tâm huyết để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này?

- Đúng vậy, tiến trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 chữ “biến”: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đứng trước 3 chữ “biến” đó, nhiều doanh nghiệp ngần ngại khi tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn. Đứng trước thực trạng đó, chúng tôi đang cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi Nghị định về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn. Những cách tiếp cận tháo gỡ rào cản về thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thành lập hợp tác xã,... đang được nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng để mang tính khả thi cao hơn, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư nhiều hơn.

Ngoài ra, Bộ NNPTNT đang chuẩn bị trình Chính phủ ban hành nhiều đề án có tính chiến lược: Hình thành hệ thống hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn; Đề án cơ giới hoá nông nghiệp; Đề án xây dựng 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, tuần hoàn, phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án xây dựng 7 vùng nguyên liệu trọng điểm gắn với chuỗi ngành hàng, có sự tham gia của doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã; Xây dựng hệ thống khuyến nông cộng đồng hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp; Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực phục vụ doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn,...

Những đề án trên sẽ tạo ra không gian thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Quý “đại bàng” nhưng cũng cần quan tâm "chim sẻ"

Thưa Bộ trưởng, hiện nay, quy mô đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu ở mức nhỏ và siêu nhỏ - chiếm đến 90%, doanh nghiệp nông nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 4%, doanh nghiệp có quy mô lớn chiếm chưa đầy 6%. Một số ý kiến cho rằng, tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp rất lớn nhưng chưa đủ “lực hút” các doanh nghiệp. Theo Bộ trưởng, Chính phủ cần các giải pháp ưu đãi hấp dẫn nào để nhiều doanh nhân dồn tâm huyết, vốn đầu tư và doanh nghiệp NN cần làm gì để lớn mạnh thành “sếu đầu đàn” trong lĩnh vực đầu tư nhiều khó khăn, thách thức này?

- Theo tôi, chúng ta cần có cách tiếp cận khác hơn về khái niệm doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Nhiều quốc gia mặc dù đã phát triển ở bậc cao vẫn xem doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của nền kinh tế. Ở cấp độ quốc tế, nhiều diễn đàn APEC, ASEAN đã đưa ra những khuyến nghị về vai trò “xương sống” trong nền kinh tế của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở cấp độ quốc gia, khu vực.

Doanh nghiệp ở cấp độ quốc gia phát triển theo hình tháp, càng về phía dưới chân tháp càng rộng, càng lên đỉnh tháp càng thu hẹp. Như vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, tuy quy mô từng doanh nghiệp không lớn, nhưng là lực lượng đông đảo về số lượng, là “chân đế” để xã hội phát triển. Ở nhiều đất nước, những doanh nghiệp lớn, thậm chí là tập đoàn xuyên quốc gia hiện nay xuất phát từ những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ vài mươi năm trước. Nhiều tập đoàn toàn cầu đang đầu tư ở nước ta có lịch sử hình thành từ những cửa hàng bán giống, vật tư nông nghiệp, xí nghiệp nhỏ ở nông thôn. Ở trong nước, không hiếm những trường hợp doanh nghiệp lớn xuất phát điểm ban đầu là những xí nghiệp nhỏ.

Chúng ta thường quý “đại bàng” là những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh, tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Trong khi đó, những con “chim sẻ” là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, quy mô vốn khiêm tốn, dễ bị đào thải bởi tính khắc nghiệt của thị trường. Do cách nhìn như vậy nên mặc dù đã có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng vẫn chưa nhất quán về mặt quan điểm, nhận thức, đây đó nhìn lực lượng này thiếu tính tích cực.

Tuy nhiên, hãy nhìn trong thế giới tự nhiên, dù là nhỏ nhưng số lượng “chim sẻ” thường chiếm hơn 50% tổng số loài chim. Doanh nghiệp quy mô nhỏ dễ thích ứng với sự thay đổi về máy móc, công nghệ, vận dụng tốt hơn các thị trường ngách. Doanh nghiệp quy mô nhỏ không cần huy động nhiều vốn, đất đai. Doanh nghiệp quy mô nhỏ phân bổ trên diện rộng phù hợp với đặc điểm của nền nông nghiệp quy mô nhỏ trên đường chuyển đổi. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ giải quyết một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn khi chuyển sang lĩnh vực phi nông nghiệp nhưng không rời bỏ khu vực nông thôn, theo phương châm “ly nông bất ly hương”...

Trong thời gian qua, nếu chú ý hơn, chúng ta sẽ nhận ra rằng, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp, đã tiếp cận xu thế nông nghiệp tích hợp đa giá trị: Hữu cơ, tuần hoàn, tái sinh, công nghệ số,... Nhiều tài nguyên bản địa đã trở thành sản phẩm OCOP (Mỗi xã một sản phẩm) tiêu biểu, giá trị cao hơn nhiều lần.

Nhiều doanh nghiệp đã kích hoạt giá trị du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng kích hoạt văn hoá, truyền thống lịch sử địa phương để tạo ra câu chuyện giàu cảm xúc. Những giải thưởng khởi nghiệp cấp độ địa phương, khu vực, quốc gia là khởi đầu cho sự ra đời của doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ và sẽ lớn dần theo năm tháng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng bị những giới hạn nhất định: Quản trị kém, đôi khi có tính gia đình, ít chú ý xây dựng chiến lược kinh doanh và tạo dựng thương hiệu, tính cạnh tranh không cao do sản phẩm thường mang tính tương đồng, ít có sản phẩm vượt trội, vươn tầm khu vực và thế giới.

Để hạn chế những giới hạn vừa nêu, cần đồng bộ nhiều chính sách, nhưng trước hết phải nhận thức đúng vai trò, sứ mạng, tầm quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, không phân biệt, không bỏ quên lực lượng đông đảo này. Trong các chiến lược cấp độ địa phương cần đưa vào những giải pháp phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để thống nhất quan điểm, nhận thức và kế hoạch hành động.

Cấp độ quốc gia và cấp độ khu vực cần kiến tạo không gian ươm mầm các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp, nâng cao năng lực quản trị tổ chức, quản trị kinh doanh, kỹ năng thương mại trong thời đại số, thông tin quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường, kiên trì kiến tạo thế hệ “doanh nông” mới. Huy động nhiều nguồn lực xã hội, nguồn lực từ các doanh nghiệp thành đạt theo phương châm “người đi trước rước người đi sau”, kết hợp với nguồn lực Nhà nước, hình thành Quỹ khởi nghiệp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Lãnh đạo các địa phương cần có mặt kịp thời để cổ vũ, tháo gỡ những nút thắt về thể chế và cách thức thực thi tạo đà cho doanh nghiệp nhỏ phát triển, dần dần liên kết các doanh nghiệp nhỏ lại, hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn hơn.

Có một câu rất hay chúng ta cùng nhau suy ngẫm: “Không có gì là nhỏ nhoi, chỉ là chúng ta không nhìn ra giá trị của nó mà thôi!”.

Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức nhiều diễn đàn để lắng nghe, chia sẻ, đối thoại nhằm cùng với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn, tìm những giải pháp huy động sự tham gia đầu tư nhiều hơn và hướng tới sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, vai trò lãnh đạo địa phương là quan trọng nhất vì lực lượng này sẽ là những nhân tố góp phần thay đổi nền nông nghiệp, khu vực kinh tế nông thôn. Muốn vậy, không nên quá cảm xúc về chữ “nhỏ” nữa.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến với cộng đồng doanh nghiệp nói chung và lực lượng "doanh nông" nói riêng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Khánh Vũ
TIN LIÊN QUAN

Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

PHẠM ĐÔNG |

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu, cần phát huy tối đa vai trò nòng cốt, làm chủ của người nông dân trong phát triển kinh tế tập thể; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị.

Dự án nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch tại tỉnh Bắc Ninh

Trần Tuấn |

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn về việc giới thiệu địa điểm để tổ chức triển khai các thủ tục thực hiện Dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp hoạt động du lịch tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình.

Loay hoay xử lý công trình trái phép “vô chủ” trên đất nông nghiệp

ANH HUY |

Hà Nội - Dù công trình được xây dựng kiểu “nhảy dù” trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi, đã được xác định rõ là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai song chính quyền địa phương vẫn loay hoay trong khâu xử lý, cưỡng chế.

Bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Thái Dương

Việt Dũng |

Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi khai thác khoáng sản là đất hiếm.

Dấu hỏi về chất lượng khi Hà Nội rục rịch tăng giá vé xe buýt

Lan Nhi |

Việc Sở Giao thông Vận tải TP Hà Nội đề xuất phương án điều chỉnh giá vé xe buýt được cho là phù hợp nhưng nhiều chuyên gia, người dân băn khoăn, liệu chất lượng dịch vụ xe buýt có tương xứng với giá vé sau khi tăng thêm 1.000 - 11.000 đồng/tùy thuộc cự ly, loại vé?

Tiền không chảy vào chứng khoán như kỳ vọng

Gia Miêu |

Thị trường chứng khoán đang tiệm cận trở lại nền giá tích lũy 2 quý đầu năm quanh khu vực 1.075 điểm và kỳ vọng sẽ có nhịp phục hồi tại vùng này.

Điền kinh Việt Nam và những vấn đề rút ra khi hướng đến đấu trường Olympic

NHÓM PV |

Đội tuyển điền kinh Việt Nam thi đấu không như kỳ vọng tại ASIAD 19. Điều này khiến giới chuyên môn đưa ra nhận định về khó khăn tại đấu trường Olympic sắp tới. Góc nhìn thể thao số 133 sẽ cùng TS.Dương Đức Thuỷ - Nguyên cán bộ phụ trách bộ môn điền kinh (Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục Thể dục thể thao) chia sẻ thêm về vấn đề này.

Trường mới dang dở, hơn 560 học sinh bất an khi học ở trường cũ xuống cấp

Hoàng Bin |

Trường THPT Trần Đại Nghĩa tại huyện Quế Sơn được tỉnh Quảng Nam phê duyệt đầu tư năm 2019 với kinh phí hơn 61 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn ngổn ngang. Hiện hơn 560 học sinh luôn thấp thỏm lo lắng khi phải học ở ngôi trường cũ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

PHẠM ĐÔNG |

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu, cần phát huy tối đa vai trò nòng cốt, làm chủ của người nông dân trong phát triển kinh tế tập thể; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị.

Dự án nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch tại tỉnh Bắc Ninh

Trần Tuấn |

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa có công văn về việc giới thiệu địa điểm để tổ chức triển khai các thủ tục thực hiện Dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp hoạt động du lịch tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình.

Loay hoay xử lý công trình trái phép “vô chủ” trên đất nông nghiệp

ANH HUY |

Hà Nội - Dù công trình được xây dựng kiểu “nhảy dù” trên đất nông nghiệp, đất thủy lợi, đã được xác định rõ là vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai song chính quyền địa phương vẫn loay hoay trong khâu xử lý, cưỡng chế.