Đời sống khó khăn
Trước thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%, nhiều giáo viên công tác tại Sơn La bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và mong muốn kiến nghị sớm trở thành hiện thực.
Bởi, khoản thu nhập tăng thêm dù không phải quá lớn, nhưng sẽ giảm bớt gánh nặng cho giáo viên. Giúp họ có thêm động lực gắn bó với nghề, bám trường, bám lớp gieo chữ cho học trò.
Ghi nhận của PV Báo Lao Động tại trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp) - một khu vực khó khăn, xa xôi của tỉnh Sơn La - khi biết được thông tin trên, các thầy cô đều tỏ ra hết sức vui mừng.
Cô Nguyễn Thị Dinh (32 tuổi, đã có 8 năm công tác trường mầm non Hoa Phượng Đỏ) cho biết, dạy học ở trường mầm non vùng cao rất khó khăn, đường xá xa xôi, quanh co, toàn đường đất.
Theo cô Dinh, hàng ngày, cô phải thức dậy từ 5h sáng đi đến điểm trường lẻ cách trung tâm hơn 20km. Bên cạnh đó, giá thực phẩm, giá xăng tăng cao nên cuộc sống gặp không ít khó khăn.
"Chi phí xăng xe đi lại, sinh hoạt rất cao nên với mức lương 6,8 triệu đồng/tháng thì phải căn ke lắm mới đủ trang trải cuộc sống" - cô Dinh nói.
Tương tự, cô Lò Thị Phong (35 tuổi) trường mầm non Họa Mi thuộc xã Dồm Cang, huyện Sốp Cộp chia sẻ: "Tôi công tác tại trường đã được hơn 10 năm, được hưởng phụ cấp 35% mỗi tháng. Nếu như được tăng phụ cấp lên 70% thì mỗi tháng, tôi sẽ được nhận hơn 2 triệu đồng.
Với tình hình bão giá như hiện nay thì mức lương 7 triệu không đủ đảm bảo cuộc sống, thi thoảng tôi vẫn phải đi vay mượn thêm. Nếu đề xuất tăng phụ cấp cho giáo viên được chấp thuận thì tốt quá rồi" - cô Phong nói.
Mong ngóng việc tăng phụ cấp
Còn tại huyện Sông Mã, cô giáo Vì Thị Thùy (29 tuổi, giáo viên trường mầm non Hoa Hồng, xã Chiềng Khương) - người đã có 6 năm dạy học ở điểm trường bản Đen, cách trung tâm xã Chiềng Khương gần 10 km - cũng chia sẻ niềm vui mừng với PV khi được hỏi chuyện.
Theo cô Thùy, dạy học ở vùng cao vô cùng khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, đường xá bị chia cắt, có những điểm trường do không có cầu nên các thầy cô phải lội suối đến trường.
"Hiện tôi đang được hưởng phụ cấp 35% thuộc xã vùng 1, tương đương hơn 1 triệu đồng/tháng. tổng thu nhập của tôi là 6,8 triệu đồng/tháng.
Với giá xăng, thực phẩm leo thang như hiện nay, lương của giáo viên mầm non chúng tôi nhiều khi không đủ để chi phí cho sinh hoạt thường ngày” - cô Thùy tâm sự.
Cô Cầm Thị Thuận – Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (xã Sốp Cộp) cho biết, nhà trường hiện có gần 70 thầy cô giáo giảng dạy ở 6 điểm trường trên địa bàn.
Theo cô Thuận, 100% các thầy cô giáo tại trường đều hân hoan, phấn khởi khi nghe tin Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non.
Nếu như điều này trở thành hiện thực, sẽ là nguồn động viên lớn lao cho các thầy cô vùng cao đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác giảng dạy.
“Rất mong các cấp, bộ, ngành quan tâm xem xét, sớm thông qua việc tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, đặc biệt là các thầy cô công tác ở vùng cao.
Các thầy cô gửi lời cảm ơn tới Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời đánh giá đúng thực trạng, kiến nghị tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non” - cô Thuận nhấn mạnh.
Ông Phan Thanh Lăng - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Sốp Cộp cho biết, Sốp Cộp là vùng biên, điều kiện kinh còn nhiều khó khăn, đa phần các cô giáo mầm non đều gặp nhiều vất vả, do phải công tác ở các điểm trường lẻ, xa trung tâm.
"Rất mong các cấp Bộ, ngành, xem xét tạo điều kiện việc tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non, tương tự như phụ cấp với y tế và giáo viên phổ thông, để các thầy cô đảm bảo cuộc sống, yên tâm công tác giảng dạy" - ông Lang nói.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo thống kê, số giáo viên bỏ việc nhiều nhất là ở cấp mầm non, chiếm 40%.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị và hết sức mong muốn Quốc hội, Chính phủ xem xét tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70% hoặc tương đương phụ cấp của cán bộ y tế cơ sở.