Hoa khôi bóng chuyền Thu Hoài: Tôi muốn có cuộc hôn nhân như bố mẹ mình

Mi Lan (thực hiện) |

Nguyễn Thu Hoài được ví là hoa khôi bóng chuyền trong giới thể thao bởi ngoại hình sáng, gương mặt đẹp như thí sinh hoa hậu. Thành công với bóng chuyền, còn giành được học bổng tại Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Thu Hoài nói, cô làm tất cả chỉ để bố mẹ được tự hào.

Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với Thu Hoài về những câu chuyện gia đình mà cô chưa bao giờ kể.

Khi đã thành danh với bóng chuyền, Thu Hoài nhiều lần nhắc chuyện từng bị gia đình, bố mẹ phản đối không cho theo thể thao. Cho đến bây giờ, sự phản đối ấy có được nhìn nhận khác đi?

- Từ xưa cho đến bây giờ, tôi vẫn luôn hiểu rằng, bố mẹ phản đối là bởi lo lắng cho tôi, sợ con gái theo bóng chuyền vất vả, cực khổ. Thêm nữa, tuổi nghề của vận động viên rất ngắn, thời kỳ thi đấu đỉnh cao chỉ kéo dài trong thời gian nhất định, sau khi từ giã sự nghiệp, dừng thi đấu, nhiều vận động viên không biết phải làm gì tiếp theo, thậm chí mất phương hướng.

Bởi vậy, bố mẹ tôi lo lắng cho con gái trên cả chặng hành trình dài, khi thi đấu sẽ vất vả, khi dừng thi đấu sẽ thế nào.

Bố tôi vốn là người rất yêu thích bóng chuyền. Nhưng khi đội bóng chuyền nữ của Thái Bình đến nhà 3 lần thuyết phục, bố mẹ vẫn không đồng ý cho con theo thể thao. Cá nhân tôi lại thích quá, khi ấy mới 13 tuổi, vừa trẻ con vừa háo hức.

Có một thầy giáo trong đội bóng chuyền Thái Bình chuyển sang công tác cho đội bóng chuyền Vĩnh Phúc đã kiên nhẫn thuyết phục tôi thêm lần nữa. Tôi đã cố gắng xin bố mẹ cho đi học, ở đó họ chu cấp về mọi mặt, từ ăn ở đến tập luyện, mỗi tháng còn có thêm tiền.

Bố mẹ thấy tôi thích quá, cuối cùng cũng phải đồng ý. Bố đưa tôi đến đội bóng chuyền Vĩnh Phúc. Nhưng, chỉ một tháng sau, tôi trốn về.

Tôi ở tuổi 13 nghĩ rằng, trong đội huấn luyện sẽ rất thích, nhưng phải đến nơi mới thấy, cường độ tập luyện với các vận động viên thực sự kinh khủng. Tôi có phần... vỡ lẽ, và tìm cách trốn về.

Một thầy giáo như thầm đoán ra ý định của tôi đã hỏi, sao về nhà có mấy ngày mà mang nhiều quần áo thế?

Tôi về Thái Bình, phải đến 2 - 3 ngày sau mới dám nói với mẹ, “hay con không lên đội bóng chuyền nữa?”.

Nhưng đến khi chuẩn bị năm học mới, tôi nhớ các chị ở đội bóng, lại xin đi. Tôi còn nhớ, hôm đó phải lừa cho em gái ngủ mới đi (em rất quấn tôi, nếu biết tôi rời nhà sẽ khóc).

Mẹ và bác đưa tôi về lại Vĩnh Phúc. Khi mẹ nhìn thấy cuộc sống tập thể của tôi ở đội bóng, bà đi ra cổng, và tôi nhìn thấy mẹ khóc. Hai mẹ con tôi cùng khóc.

Hỏi Thu Hoài một câu rất quen thuộc, nhưng mỗi người sẽ chọn một cách riêng để trả lời. Gia đình có vai trò như thế nào trong sự nghiệp và cuộc sống của chị?

- Bố mẹ rất thương tôi. Khi còn ở Vĩnh Phúc, dù đội bóng đã lo cho tôi tất cả mọi mặt về ăn ở, chi tiêu, nhưng mỗi tháng bố mẹ vẫn gửi thêm cho tôi 2 triệu đồng. Thời điểm ấy, 2 triệu đồng là số tiền rất lớn.

Cho đến khi tôi về đội bóng của Vietinbank, thu nhập tốt hơn, tôi nhớ mức lương ban đầu nhận được khoảng 5 triệu đồng/tháng. Tôi chỉ giữ lại một chút để chi tiêu cá nhân, còn lại gửi về cho mẹ nhờ giữ hộ.

Tôi vẫn nhớ cảm giác những ngày đó, luôn háo hức mong chờ ngày nhận lương chỉ để gửi về cho mẹ. Vì tôi biết rằng, mẹ tôi sẽ vui. Tôi cũng lo, nếu cầm tiền sẽ tiêu hết. Tôi tin tưởng vào khả năng quản lý tài chính của mẹ, nên gửi về nhờ mẹ giữ hết, cho đến bây giờ vẫn vậy.

Đề thi văn lớp 10 năm nay có bàn đến việc, chúng ta có nên sống theo định hướng của người khác quá nhiều, ngay cả khi đó là bố mẹ? Có nên trở thành người mà bố mẹ muốn, hay, trở thành người chúng ta muốn? Chị nghĩ thế nào về việc này?

- Tôi là người rất hay đọc sách và đã từng đọc rất nhiều xoay quanh đề tài này. Rằng, chúng ta có nên sống theo ý muốn của người khác, hay sống cuộc đời mình muốn. Chính tôi cũng từng đặt câu hỏi cho mình, tôi đang sống theo mong đợi của bố mẹ, hay sống như tôi thích?

Nhưng dù đặt câu hỏi ấy bao nhiêu lần, cuối cùng tôi vẫn nhận thấy rằng, tôi đã chịu sức ảnh hưởng quá lớn từ bố mẹ, từ việc quản lý tài chính đến học vấn, cách sống.

Hình mẫu người phụ nữ của mẹ đã ăn sâu vào tiềm thức tôi. Mẹ tôi là người rất chăm chỉ, tham công tiếc việc, nhưng rất tiết kiệm. Tôi gửi tiền về bao nhiêu mẹ sẽ tiết kiệm bấy nhiêu cho tôi, không bao giờ động đến. Kể cả khi tôi nói với mẹ, hãy cầm tiền đó để chi tiêu thêm trong nhà, mẹ cũng không đồng ý.

Từ xưa tới nay, bố mẹ tôi luôn làm việc chăm chỉ, chịu khó để chị em chúng tôi có cuộc sống tốt. Khi tôi còn nhỏ, gia đình tôi có hiệu may nổi tiếng huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. Cứ đến năm học mới, hoặc dịp Tết, nhà tôi đông khách nườm nượp, bố mẹ tôi thường làm việc xuyên đêm xuyên ngày.

Bố tôi là người ít nói, nhưng làm nhiều. Ông cứ lặng lẽ, cần mẫn nhưng yêu thương mẹ con tôi hết mực. Ông dạy các con cách sống độc lập, và tin vào sự độc lập của mình.

Mẹ hay chê bố tôi không lãng mạn, nhưng thế hệ ông là vậy. Ông thường dặn chị em tôi, sau này nếu sinh em bé thì bế về Thái Bình, chứ ông không đời nào để mẹ tôi đi trông cháu xa nhà.

Tôi từng nghĩ, sẽ cưới một người đàn ông có tính cách giống như bố tôi. Mạnh mẽ, ít nói, làm nhiều, sống rất trách nhiệm.

Việc Thu Hoài quyết định theo học tại Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng là chịu ảnh hưởng từ gia đình?

- Mẹ luôn lo lắng cho việc học của tôi khi tôi theo bóng chuyền. Mẹ sợ rằng, nếu không học đại học sau này khi không còn thi đấu, sẽ rất vất vả, khó tìm việc, khó kiếm sống.

Thu Hoài trong chương trình “Góc nhìn thể thao” của Báo Lao Động. Ảnh: Hải Nguyễn
Thu Hoài trong chương trình “Góc nhìn thể thao” của Báo Lao Động. Ảnh: Hải Nguyễn

Thu Hoài đang trở thành người phụ nữ như mẹ muốn, hay, trở thành người giống mẹ?

- Tôi chịu sức ảnh hưởng lớn từ mẹ, nhưng vẫn có những khác biệt trong tính cách, và đã từng khiến mẹ buồn nhiều lần.

Mới đây nhất là vào dịp Tết, mẹ tôi đi làm đến tận 29 Tết. Bà làm việc nhiều tới mức nhìn già hẳn đi, xơ xác, sức khỏe bị ảnh hưởng, mắt thâm quầng. Bà gần như chỉ ngủ vài tiếng, thậm chí còn không ngủ để làm việc. Tôi vừa thương, vừa giận vì điều đó. Nên, dù đang vào những ngày nghỉ Tết, tôi vẫn nói rất căng thẳng với mẹ.

Mẹ con tôi đã có cuộc cãi vã rất căng, nhưng tôi nghĩ, nếu tôi không làm tới mức đó, mẹ sẽ vẫn tiếp tục với guồng quay công việc kinh khủng như vậy.

Sau cuộc cãi vã, mẹ đã giảm việc hơn, biết chăm chút cho sức khỏe hơn, dạo này nhìn trẻ hẳn ra. Tôi mừng vì điều đó.

Tôi sẽ giống mẹ tôi ở nhiều tính cách, nhưng cũng rất khác bà.

Sau này khi kết hôn, chị có mong sẽ có cuộc hôn nhân giống như bố mẹ mình?

- Có, như tôi nói, tôi từng đặt ra hình tượng cho bạn trai mình sẽ có nhiều nét tính cách giống bố.

Mới đây khi tôi đưa bạn trai về thăm nhà, bố tôi có nói với anh ấy, “Hoài xa nhà từ nhỏ, cô chú còn chưa hiểu hết tính cách của Hoài như thế nào. 13 tuổi là độ tuổi hình thành nhân cách rõ nét nhất thì Hoài học xa nhà, nên cháu và em phải tìm hiểu nhau thật kỹ”.

Bố nói vậy khiến tôi có chút “choáng”, vì ông bảo, bố mẹ không hiểu hết con gái. Có lẽ, đó chỉ là một cách nói, khi ông thấy tôi và bạn trai cần tìm hiểu nhau kỹ càng.

Ngày lễ Vu Lan, nếu được bày tỏ với bố mẹ mình những điều muốn nói nhất, chị sẽ nói điều gì?

- Vu Lan không chỉ là một ngày hay một tháng, mà việc báo hiếu là mỗi ngày. Ngày nào cũng là lễ Vu Lan để những người con đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ mình.

Tôi mong bố mẹ luôn được mạnh khỏe, bình an để các con có thể tập trung học tập, phấn đấu cho cuộc sống riêng. Chỉ khi bố mẹ bình an, không đau ốm, các con mới có thể yên tâm lo cho cuộc sống của mình.

Kinh tế, vật chất không quan trọng bằng sức khỏe. Tôi mong bố mẹ hãy bớt việc lại, lo cho sức khỏe của bản thân, hãy biết chăm sóc cho mình, đừng lăn xả vào làm việc để lo cho các con quá nhiều nữa.

Nhiều người hay cho rằng, phải thành đạt, phải kiếm được thật nhiều tiền, phải làm được những thứ lớn lao cho bố mẹ mới là báo hiếu, tôi không nghĩ như vậy, tôi nghĩ, chỉ cần chúng ta là con ngoan, biết học tập, phấn đấu để bố mẹ được tự hào, không để bố mẹ phải lo lắng về mình, như thế đã là báo hiếu.

Trước đây có nhiều giải đấu, tôi ít về nhà. Giờ có thời gian hơn, tôi chăm về thăm nhà nhiều hơn. Về nhà chỉ mong được thấy bố mẹ bình an, thảnh thơi, hưởng tuổi già, sống an yên hạnh phúc.

Mi Lan (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Hoa khôi bóng chuyền Thu Hoài kể lần duy nhất muốn bỏ trốn

Bình An |

Nguyễn Thu Hoài sinh năm 1998 là cầu thủ bóng chuyền của Vietinbank VC, từng được gọi lên đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia.

Bóng chuyền Việt Nam ngày 8.8: Thu Hoài gây tò mò cho người hâm mộ

MINH DƯƠNG |

Thu Hoài hạnh phúc bên bạn trai, tuyển nữ tập buổi thứ 2... là những tin tức đáng chú ý trong bản tin bóng chuyền Việt Nam ngày 8.8.

Bóng chuyền Việt Nam 31.5: Chuyền hai Thu Hoài khoe nhan sắc

HOÀNG HUÊ |

Chuyền hai Thu Hoài khoe nhan sắc, huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt trải lòng,... là những tin tức đáng chú ý trong bản tin bóng chuyền Việt Nam ngày 31.5.

Tai nạn trên cao tốc TPHCM - Trung Lương, 10 người nhập viện

An Long |

Trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người chấn thương.

Metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn thiếu một điều để hút khách hơn

Thế Kỷ |

Metro Nhổn - ga Hà Nội liên tục phá kỷ lục về lượt khách. Tuy nhiên, nếu có thêm các điểm gửi xe sẽ giúp người dân thuận tiện hơn trong việc tiếp cận.

Vụ máy bay rải hóa chất phá ruộng, chờ kết luận từ tòa án

Lam Thanh |

Thái Nguyên - Phần diện tích 4.000m2 hoa màu bị máy bay rải hóa chất tàn phá là khu vực tranh chấp giữa 2 hộ gia đình, đang chờ kết luận từ tòa án.

Thông báo mới liên quan đến trái chủ ở vụ án Vạn Thịnh Phát

Anh Tú |

TPHCM - Ngày 19.8, Tòa án tiếp tục phát thông báo về thời gian nhận đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người mua trái phiếu trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Khai nhận của cựu Bí thư Bắc Ninh những lần nhận tiền tỉ

Việt Dũng |

Ông Nguyễn Nhân Chiến - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bị cáo buộc vì động cơ vụ lợi, tạo điều kiện cho AIC trúng thầu, được cảm ơn tiền tỉ, kể cả khi sắp về hưu.

Hoa khôi bóng chuyền Thu Hoài kể lần duy nhất muốn bỏ trốn

Bình An |

Nguyễn Thu Hoài sinh năm 1998 là cầu thủ bóng chuyền của Vietinbank VC, từng được gọi lên đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia.

Bóng chuyền Việt Nam ngày 8.8: Thu Hoài gây tò mò cho người hâm mộ

MINH DƯƠNG |

Thu Hoài hạnh phúc bên bạn trai, tuyển nữ tập buổi thứ 2... là những tin tức đáng chú ý trong bản tin bóng chuyền Việt Nam ngày 8.8.

Bóng chuyền Việt Nam 31.5: Chuyền hai Thu Hoài khoe nhan sắc

HOÀNG HUÊ |

Chuyền hai Thu Hoài khoe nhan sắc, huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt trải lòng,... là những tin tức đáng chú ý trong bản tin bóng chuyền Việt Nam ngày 31.5.